1. Vai trò của Tòa án trong các mô hình thi hành án dân sự
Ở châu Âu, có ít nhất bốn mô hình về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự tiêu biểu khác nhau[1]. Yếu tố lịch sử và sự phát triển văn hóa ở mỗi quốc gia là lý do chính dẫn đến sự khác biệt về mô hình tổ chức thi hành án dân sự giữa các quốc gia này. Lịch sử phát triển của lĩnh vực thi hành án dân sự ở phần lớn các quốc gia châu Âu chứng minh rằng thủ tục thi hành án dân sự được coi là một phần của thủ tục tố tụng tư pháp, theo đó, thẩm phán là người ra bản án, quyết định cũng chính là người có trách nhiệm tổ chức việc thi hành bản án, quyết định do mình ban hành. Tuy nhiên, ở Cộng hòa Liên bang Đức, trách nhiệm của thẩm phán trong việc thi hành bản án do mình ban hành đã được bãi bỏ kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự Đức được thông qua[2]. Mô hình thi hành án dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức một phần giống mô hình của Pháp, theo đó, nhân viên thi hành án hoặc có thể gọi là chấp hành viên thi hành án hoạt động ngoài hệ thống tổ chức của Tòa án. Ngày nay, sự phân biệt rõ ràng giữa thủ tục thi hành án dân sự với thủ tục tư pháp dường như là đặc điểm phổ biến ở hầu hết hệ thống tư pháp của các nước[3]. Tuy nhiên, sự phân biệt này không có nghĩa là sự bảo đảm của Hiến pháp đối với công tác thi hành án dân sự lại không được áp dụng. Ngược lại, dưới góc độ Hiến pháp, thủ tục thi hành án dân sự và thủ tục tư pháp luôn có quan hệ mật thiết với nhau[4]. Vai trò của Tòa án trong mối quan hệ với bốn mô hình tổ chức thi hành án dân sự phổ biến ở châu Âu được phân tích dưới đây:
Một là, vai trò của Tòa án trong mô hình thi hành án dân sự do chấp hành viên tư (thừa phát lại) đảm nhiệm.
Ở Pháp, Benelux, Scotland, Bồ Đào Nha cũng như ở nhiều quốc gia Đông Âu, việc thi hành án được thực hiện bởi nhân viên thi hành án (huissier de justice), nhân viên thi hành án được Nhà nước bổ nhiệm nhưng hoạt động bên ngoài hệ thống Tòa án. Ở Hà Lan, công cuộc cải cách năm 2001 đã giảm địa vị pháp lý của chấp hành viên, người mà hiện nay thực hiện nghề nghiệp độc lập trong một hệ thống cạnh tranh. Thu nhập của chấp hành viên từ các khoản phí và một phần từ công việc dịch vụ thi hành án[5], họ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó, bao gồm các dịch vụ về cung cấp tài liệu, tra cứu tài liệu trong những trường hợp cụ thể và đặc biệt là dịch vụ thu hồi các khoản nợ trước khi quy trình tố tụng diễn ra. Ở Pháp, thừa phát lại cũng được tổ chức như là nhân viên công quyền hoạt động ngoài hệ thống Tòa án. Thẩm phán thi hành án cũng có thể can thiệp vào quá trình tổ chức thi hành án (thẩm phán là người đứng đầu cơ quan Tòa án địa phương). Ở những hệ thống tư pháp này, thừa phát lại có địa vị kinh tế cũng như địa vị xã hội rất cao.
Hai là, vai trò của Tòa án trong mô hình thi hành án dân sự do Tòa án đảm nhiệm.
Mô hình hệ thống tổ chức thi hành án dân sự do Tòa án đảm nhiệm được tổ chức ở Áo, Tây Ban Nha và Đan Mạch. Xét về chi tiết thì mô hình tổ chức thi hành án lại rất khác nhau ở các quốc gia khác nhau ở châu Âu. Ví dụ, ở Áo, Tòa án địa phương nơi người phải thi hành án cư trú có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự, công việc thi hành án dân sự chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên Tòa án với những thủ tục hoàn toàn riêng biệt. Ở Tây Ban Nha, thẩm phán Tòa án với tư cách là người ra quyết định, bản án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định do mình ban hành. Theo đó, thẩm quyền thi hành án của Tòa án Tây Ban Nha không được quyết định bởi nơi cư trú của người phải thi hành án cũng như tại nơi có tài sản của người phải thi hành án mà nhìn chung bởi thẩm quyền của người đứng đầu của cơ quan tài phán. Vì vậy, hệ thống thi hành án dân sự ở Tây Ban Nha phụ thuộc vào sự phối hợp về mặt tư pháp giữa các cơ quan Tòa án khác nhau. Ở đây, thẩm phán là người có trách nhiệm chính và đầu tiên trong việc thi hành bản án trên cơ sở yêu cầu của người được thi hành án. Ở các hệ thống theo khuynh hướng Tòa án phụ trách việc thi hành án thì việc thu giữ tài sản là động sản được thực hiện bởi chấp hành viên là công chức nhà nước được tuyển dụng bởi Tòa án. Những người này liên hệ trực tiếp với người phải thi hành án để thực hiện việc đàm phán, thỏa thuận hòa giải về các khoản phải thi hành án và việc đàm phán này có thể đặt dưới sự giám sát của Tòa án[6]. Tuy nhiên, hoạt động này của chấp hành viên được kiểm soát rất chặt chẽ và khắt khe bởi Tòa án.
Ba là, vai trò của Tòa án trong mô hình thi hành án dân sự hỗn hợp.
Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự loại này tồn tại ở Cộng hòa Liên bang Đức và ở Anh. Ở những quốc gia này, thủ tục thi hành án dân sự một phần được thực hiện bởi chấp hành viên hoặc thủ trưởng cơ quan thi hành án (đặc biệt là trong việc thu giữ tài sản là động sản), việc thu giữ tài khoản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ lại được thực hiện bởi Tòa án. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia có cùng hệ thống tổ chức thi hành án dân sự loại này. Ví dụ, ở Đức, chấp hành viên (tiếng Đức là Gerichtsvollzieher(in): Tiếng Anh là Bailiff, Officer of the Court, Sheriff’s Officer)[7] thực hiện công việc thi hành án như Thư ký Tòa án (tiếng Đức là Rechtspfleger(in): Tiếng Anh là Clerk of the Court, Judicial Officer…)[8], nhưng chấp hành viên điều hành hoạt động văn phòng riêng của mình ngoài hệ thống Tòa án và đặt dưới sự giám sát của Tòa án (Điều 766 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức). Thu nhập của chấp hành viên chủ yếu bởi lương và một phần từ các khoản phí. Việc thu giữ tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ được thực hiện bởi thư ký Tòa án thông qua hình thức bằng văn bản. Liên quan đến yêu cầu thu giữ tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ, người phải thi hành án sẽ không được thông báo cho biết trước khi việc thu giữ tài sản của họ được thực hiện (Điều 834 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức). Văn bản thu giữ tài sản này sẽ được chuyển giao cho người được thi hành án - người có quyền được nhận tiền hoặc tài sản từ bên thứ ba (không có bất kỳ liên hệ nào với Tòa thi hành án) (Điều 835 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức). Thư ký Tòa án thực hiện hầu hết các nhiệm vụ tư pháp và các thủ tục hành chính liên quan với thi hành án, các thủ tục đăng ký đất đai và phá sản. Họ cũng là công chức nhà nước (có địa vị pháp lý cao hơn so với chấp hành viên), hoạt động chỉ trong phạm vi thẩm quyền của Tòa án. Thu nhập của thư ký Tòa án chỉ được nhận từ lương.
Ở Anh, yêu cầu thu giữ tài sản đối với bên thứ ba được thực hiện bởi thẩm phán của Tòa án, người đã ra bản án, quyết định. Việc thu giữ tài sản của người phải thi hành án được thực hiện theo hai bước: Theo yêu cầu của người được thi hành án, thẩm phán ban hành lệnh tạm thời cho bên thứ ba và ấn định ngày để nghe người phải thi hành án trình bày. Trong khi nghe người phải thi hành án trình bày thì cả người phải thi hành án và bên thứ ba có thể phản đối lệnh đó của Tòa án, người phải thi hành án cũng có thể yêu cầu bảo vệ tài sản của họ, Tòa án sẽ quyết định tất cả các vấn đề và đưa ra lệnh cuối cùng. Vì vậy, theo luật của Anh, việc thu giữ tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ sẽ được thực hiện theo thủ tục pháp lý thông thường, đơn giản của Tòa án. Việc thanh toán số tiền thực tế bị thu giữ cho người được thi hành án được thực hiện sau khi có quyết định thứ hai của Tòa án. Quyết định này của Tòa án được ban hành sau khi xem xét khiếu nại (nếu có) của người phải thi hành án và/ hoặc bên thứ ba đối với lệnh của Tòa án. Việc thu giữ tài sản thi hành án là động sản được thực hiện bởi Tòa án Dân sự cấp cao[9] và thủ trưởng cơ quan thi hành án hạt (cũng là công chức) và theo lựa chọn của người được thi hành án có thể lựa chọn chấp hành viên tư nhân. Hệ thống thi hành án cũ bao gồm nhiều người có thẩm quyền thi hành án như trên đã được thay thế bởi một hệ thống thi hành án thống nhất. Hệ thống này gồm những người mà theo quy định của pháp luật phải được cấp phép hành nghề và có năng lực trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho tất cả người làm công tác thi hành án đó là cơ quan an ninh công nghiệp. Ở Anh, Tòa án không tự động thi hành các bản án do mình ban hành mà phải trên cơ sở yêu cầu của người được thi hành án, họ sẽ thực hiện các bước thi hành án. Người có thẩm quyền thi hành án ở Anh thuộc cả về lĩnh vực công và lĩnh vực tư[10]. Việc tự do cạnh tranh giữa những người có thẩm quyền thi hành án cũng là một đặc điểm nữa của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự ở Anh.
Bốn là, vai trò của Tòa án trong mô hình thi hành án do cơ quan hành chính đảm nhiệm.
Thụy Điển và Phần Lan là những nước có hệ thống thi hành án dân sự hoàn toàn khác so với các mô hình nêu trên. Ở những quốc gia này, công tác thi hành án dân sự được thực hiện bởi một cơ quan hành chính hoạt động độc lập ngoài hệ thống của Tòa án. Cơ quan có thẩm quyền thi hành án ở Thụy Điển được tổ chức như là một cơ quan hành chính, đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính và được chia làm 10 cơ quan thi hành án cấp khu vực, trong đó được tách ra bởi 84 Văn phòng thi hành án. Thẩm quyền của cơ quan thi hành án cũng bao gồm các thủ tục thi hành án đơn giản, tái thiết lại các khoản nợ xấu và giám sát thủ tục phá sản. Ở Thụy Điển, chiến lược thi hành án chủ yếu được kiểm soát bởi một hãng thi hành án. Mới đây, tổ chức của cơ quan thi hành án đã thay đổi và việc thi hành án đối với các khoản thuế bây giờ được chuyển giao cho Hội đồng Thuế của Nhà nước. Mô hình tổ chức thi hành án mới sẽ loại bỏ thay thế bất kỳ sự ưu tiên nào được áp dụng đối với người phải thi hành án là cơ quan công quyền[11].
Ở Phần Lan, cơ quan thi hành án dân sự quốc gia là một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự. Trong việc thi hành các bản án, quyết định về dân sự và thương mại, việc thực thi thường dựa trên bản án, quyết định của Tòa án mà không cần thêm một lệnh thi hành cụ thể từ Tòa án. Các biện pháp hoặc quyết định thi hành án của thừa phát lại có thể bị kháng cáo bởi bất kỳ người nào có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi biện pháp hoặc quyết định thi hành án nói trên. Kháng cáo được nộp lên Tòa án quận. Thời hạn kháng cáo là ba tuần, thường được tính từ ngày ra quyết định hoặc ngày mà bên có quyền lợi bị ảnh hưởng được thông báo về quyết định. Việc nộp đơn kháng cáo thường không làm gián đoạn thủ tục thi hành án, trừ khi Tòa án có quy định khác. Nếu kháng cáo được chấp nhận, Tòa án sẽ hủy bỏ hoặc sửa đổi quyết định của thừa phát lại. Trong một số trường hợp, thừa phát lại cũng có thể tự sửa bất kỳ sai sót rõ ràng nào trong quá trình thi hành án. Nếu việc giải quyết một khiếu nại liên quan đến việc thi hành án yêu cầu phải xét xử rộng rãi, vụ việc thi hành án đó có thể phải được giải quyết thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án (gọi là thi hành án có tranh chấp)[12]. Như vậy, ở Phần Lan, mặc dù cơ quan thi hành án dân sự độc lập, thuộc mô hình cơ quan hành chính đảm nhiệm nhưng Tòa án vẫn giữ vai trò quan trọng trong suốt quá trình thi hành án, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
2. Kết luận và một số kiến nghị
Qua phân tích vai trò của Tòa án trong các mô hình tổ chức thi hành án dân sự ở các nước châu Âu nêu trên cho thấy, về tổng thể, có sự đa dạng về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Tòa án trong các mô hình tổ chức thi hành án dân sự. Ngoài ra, mặc dù cùng chia sẻ chung một mô hình thi hành án nhưng phân tích chi tiết tổ chức bộ máy thi hành án dân sự ở các nước khác nhau lại có sự khác nhau về phương pháp tổ chức thi hành án, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác thi hành án dân sự (chấp hành viên, thẩm phán, nhân viên thi hành án, thư ký Tòa án)... Điều đáng lưu ý trong các mô hình tổ chức thi hành án này đó là, mặc dù là mô hình thi hành án công (việc tổ chức thi hành án do các cơ quan thi hành án của Nhà nước đảm nhiệm) hay mô hình tổ chức thi hành án tư (do các tổ chức tư nhân thực hiện, ví dụ như ở Pháp) nhưng đều tuân theo nguyên tắc bảo đảm việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án được thực hiện bởi người đại diện cho cơ quan tư pháp (ví dụ: Thẩm phán thi hành án, mô hình của Pháp) nhằm bảo đảm mọi bản án, quyết định được thi hành nhanh chóng và có hiệu quả trên thực tế.
Theo mô hình thi hành án dân sự của Đức, thi hành án dân sự là những thủ tục thuộc về Nhà nước, bắt buộc thực hiện để bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu thi hành án[13], được thực hiện bởi chấp hành viên thi hành án là công chức hoạt động ngoài Tòa án nhưng luôn đặt dưới sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Tòa án trong quá trình tổ chức thi hành nhằm bảo đảm việc thi hành án luôn tuân thủ đúng Hiến pháp, đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi bình đẳng cho các bên có liên quan. Ví dụ: Theo pháp luật thi hành án dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức, đối với các yêu cầu thi hành án về tiền, người phải thi hành án phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản và tình hình tài chính của mình cho chấp hành viên thi hành án theo yêu cầu. Nếu người phải thi hành án không đến văn phòng của chấp hành viên theo lịch hẹn để cung cấp thông tin về tài sản và tình hình tài chính của mình mà không có lý do chính đáng hoặc từ chối cung cấp thông tin về tài sản và tình hình tài chính của mình mà không đưa ra được bất kỳ một lý do phù hợp nào thì theo Điều 802c Bộ luật Tố tụng dân sự Đức, họ sẽ bị bắt giữ để buộc người phải thi hành án phải cung cấp các thông tin theo yêu cầu. Người phải thi hành án có thể sẽ bị bắt, giam giữ trên cơ sở lệnh bắt giữ được phát hành bởi Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án (biện pháp cưỡng chế giam giữ)[14] cho đến khi họ cung cấp được đầy đủ thông tin về tài sản và tình trạng tài chính của mình, thời hạn tối đa của việc giam giữ này là 06 tháng[15]. Lệnh bắt giữ không cần thiết phải được chuyển cho người phải thi hành án trước khi thực hiện việc bắt giữ[16]. Một bản photocopy đã được xác nhận của lệnh bắt giữ sẽ được chuyển giao trực tiếp cho người phải thi hành án tại thời điểm bắt giữ[17]. Người có thẩm quyền bắt giữ người phải thi hành án trong trường hợp này là chấp hành viên thi hành án[18].
Sự phát triển của mô hình cơ quan tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay về chi tiết cũng có những nét tương đồng với một số mô hình thi hành án dân sự trên thế giới. Ví dụ: Với hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương xuống địa phương bao gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự do chấp hành viên là công chức thực hiện giống với mô hình thi hành án dân sự công ở một số nước hoặc hệ thống các Văn phòng Thừa phát lại do các thừa phát lại không phải là công chức tổ chức thực hiện việc thi hành án, mô hình này giống với mô hình thi hành án dân sự tư ở các nước. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì mô hình thi hành án dân sự hiện nay của Việt Nam không giống với các mô hình chung về thi hành án dân sự ở nhiều nước trên thế giới. Việc tư nhân hóa hoặc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự cùng với những ưu điểm, hạn chế của từng mô hình thi hành án đã được nhiều học giả trên thế giới nghiên cứu. Không thể phủ nhận rằng, mô hình thi hành án dân sự tư nhân lại không có những ưu điểm nhất định so với mô hình thi hành án dân sự công như ưu thế về giảm ngân sách chi trả lương cho người làm công tác thi hành án, tăng thuế thu từ hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại cho ngân sách, giảm tải công việc ở các cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các tổ chức làm dịch vụ thi hành án dân sự, tăng cơ hội lựa chọn cho người dân… đặc biệt ưu thế này sẽ được phát huy trong điều kiện khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, những hạn chế của nó so với mô hình thi hành án công thì vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các mô hình thi hành án dân sự tư sẽ luôn theo đuổi mục tiêu kinh tế theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường mà các mục tiêu khác có thể sẽ bị ảnh hưởng hoặc có thể bị xem nhẹ như việc bảo vệ quyền cơ bản của công dân (quyền về nhân thân và quyền về tài sản, đặc biệt đối với bên có quyền lợi đối lập), quyền con người, quyền bình đẳng giữa người được thi hành án và người phải thi hành án và các giá trị nhân đạo khác... Ngoài ra, cũng đã có quan điểm cho rằng, cần xem xét về việc không quy định cưỡng chế của thừa phát lại trong việc thi hành án, vì cưỡng chế mang tính chất quyền lực nhà nước, không thể giao cho một doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thay mặt Nhà nước thực hiện quyền này[19].
Đây cũng là một trong các lý do mà pháp luật thi hành án dân sự của Đức luôn coi công tác thi hành án là đặc quyền thuộc về trách nhiệm của Nhà nước do công chức thực hiện. Thực tiễn thi hành án quốc tế cho thấy, trong mọi trường hợp rất khó để một tổ chức thi hành án tư nhân có thể bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa người được thi hành án với người phải thi hành án và lợi ích công trong khi họ chỉ được hưởng lợi ích từ khách hàng của họ là một trong các bên trong quan hệ này, vì việc bảo vệ hoặc không làm phương hại đến lợi ích của bên khác không phải là khách hàng sẽ liên quan đến các vấn đề về chi phí, lợi nhuận. Ngoài ra, việc kết hợp như thế nào giữa mô hình thi hành án dân sự tư nhân và mô hình thi hành án dân sự công với việc phát huy vai trò của Tòa án nhằm bảo đảm vừa phát triển song song của hai hệ thống này, vừa bảo đảm hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu từ những kinh nghiệm quốc tế có liên quan.
Trước những bất cập, hạn chế phát sinh từ thực tiễn tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các Văn phòng Thừa phát lại ở Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sớm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về việc phát huy vai trò của Tòa án trong mối quan hệ với các mô hình tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam nhằm sớm đưa chủ trương của Đảng về tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong công tác thi hành án[20] vào thực tiễn cuộc sống.
TS. Nguyễn Văn Nghĩa
Học viện Tòa án
[1]. Prof. Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Thực tiễn thi hành án dân sự ở châu Âu, British Institute of International and Comparative Law, 2005, tr. 33 - 36.
[2]. Theo đó, nhiệm vụ của thẩm phán là xét xử vụ việc chứ không phải thi hành bản án, Hahn, Materialien zur CPO, 137, 220; Gaul, Der deutsche Rechtspfleger (1971) 81.
[3]. Ngoại lệ: Tây Ban Nha, Đan Mạch và ở một mức độ nào đó ở Anh và Ireland.
[4]. European Court of Human Rights, 19 Mar 1997, Hornsby v Greece, ECHR Reports 1997 II 495; 11 Jan 2001, Lunari v Italy, ECHR Reports 2001. VN Frice’ro ‘Le droit Europeen a I’exe’cution des Jugments’ (2002) Revue des Husissiers de Justice 6.
[5]. Nhưng họ cũng có thể thỏa thuận về mức giá với các khách hàng, bao gồm cả các loại phí dự phòng được phép, xem Prof. Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Thực tiễn thi hành án dân sự ở châu Âu, British Institute of International and Comparative Law, 2005, tr. 34.
[6]. Ở Áo, đợt cải cách trong lĩnh vực tư pháp gần đây đã tăng thẩm quyền cho chấp hành viên trong việc đàm phán thanh toán theo định kỳ hoặc đại diện cho người phải thi hành án thỏa thuận hòa giải việc thi hành án, xem W Jakusch ‘Die EONovelle 2003’, österreichiche Juristenzeitung (2004) 201.
[7]. Tác giả Walter Bachem, Dieter Hamblock, Cuốn Từ điển Thuật ngữ Pháp lý Đức - Anh, Anh Đức, Nxb. Cornelsen, 2004, tr. 100; tác giả Bryan A. Garner, Từ điển Pháp luật “Black’s Law Dictionary”, Thomson West, Eighth Edition, 2004, tr. 151, Bailiff is a court officer who maintains order during court proceedings or bailiff is a sheriff’s officer who executes writs and services processes; tác giả Nguyễn Thế Kỳ, Phạm Quốc Toản, Lương Hữu Định, Từ điển Pháp luật Anh - Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991, tr. 48.
[8]. Tác giả Walter Bachem, Dieter Hamblock, Cuốn Từ điển Pháp luật, Nxb. Cornelsen, 2004, tr. 201.
[9]. The Superior Civil Court of England and Wales or High Court, xem tác giả Bryan A. Garner, Từ điển Pháp luật “Black’s Law Dictionary”, Thomson West, Eighth Edition, 2004, tr. 746.
[10]. Prof. Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Thực tiễn mô hình tổ chức thi hành án ở châu âu, British Institute of International and Comparative Law, 2005, tr. 132.
[11]. ThS. NCS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tìm hiểu một số mô hình thi hành án dân sự ở châu Âu, Tạp chí Nghề Luật, số 1/2018, tr. 74 - 75.
[12]. How to enforce a court decision? Finland: https://e-justice.europa.eu/52/EN/how_to_enforce_a_court_ decision? FINLAND&member=1, truy cập ngày 23/4/2023.
[13]. Prof. Dr. Olaf Muthorst, University of Hamburg, Grundzüge des Zwangsvollstreckungsrechts, Nomos, 2013, p. 19.
[14]. Điều 802g Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[15]. Khoản 1 Điều 802j Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[16]. Khoản 1 Điều 802g Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[17]. Câu 2 khoản 2 Điều 802g Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[18]. Câu 1 khoản 2 Điều 802g Bộ luật Tố tụng dân sự Đức: “Die Verhaftung des Schuldners erfolgt durch einen Gerichtsvollzieher”.
[19]. Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Tham luận: “Kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tại Tòa án nhân dân” của Tòa án nhân dân tối cao.
[20]. Được đề cập trong Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)