Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của toàn xã hội. Về mặt lý luận, có thể coi “thu hồi đất” là đặc quyền mà chỉ một thực thể duy nhất là Nhà nước mới có. Đặc quyền này được ghi nhận tại khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Để cụ thể hóa vấn đề này, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất bao gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Nhiều nội dung liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất đã được quy định cụ tại Luật Đất đai năm 2013.
Có thể thấy rằng, những quy định về vấn đề bồi thường và giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất ngày càng được hoàn thiện và thống nhất tạo điều kiện cho việc áp dụng luật vào thực tiễn có hiệu quả. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, vấn đề bồi thường và giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất còn tồn tại những khó khăn, hạn chế...
Tác giả Lê Thị Nhung đã có bài viết nghiên cứu trao đổi về vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất với những nội dung chính sau: (1) Quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; (2) Những khó khăn, vướng mắc; (3) Đề xuất giải pháp. Để tìm hiểu thêm những nội dung mà tác giả đã đề cập, độc giả có thể xem bài viết được đăng trên số Tạp chí định kỳ 64 tháng 10/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Việt Tiến