Thực tiễn xét xử cho thấy, có nhiều hành vi phạm tội có tính chất tương đồng trong cấu thành tội phạm, rất dễ nhầm lẫn trong việc xác định tội danh để áp dụng trách nhiệm pháp lý hình sự đối với người phạm tội. Đã có nhiều trường hợp, cùng một hành vi tương tự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng ở mỗi địa phương lại áp dụng pháp luật có sự khác nhau về tội danh, nhất là đối với các tội xâm phạm sở hữu. Một trong các nguyên nhân của việc định tội danh sai phải nói đến đó là việc chuyển hóa tội phạm đối với hành vi xảy ra trong thực tế dẫn đến sai lầm trong việc định tội. Bài viết này nghiên cứu một số tội danh xâm phạm sở hữu và đưa ra quan điểm, lập luận, từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
1. Ý nghĩa của việc định tội danh đúng trong xác định trách nhiệm pháp lý hình sự người phạm tội
Định tội danh là sự xác nhận về mặt pháp lý phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được chủ thể của tội phạm thực hiện ra bên ngoài thực tế khách quan với các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Việc xác định một hành vi có phải là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì việc định tội danh là quan trọng nhất. Định tội danh đúng, không chỉ có ý nghĩa đối với việc quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can khi xác định người phạm tội, mà còn định hướng đến quá trình điều tra để chứng minh tội phạm, việc truy tố bị can theo tội gì, khung hình phạt nào và cuối cùng, Tòa án xét xử ra một bản án công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật không có quy định về cách thức định tội danh mà chỉ có các nghị quyết, thông tư hướng dẫn đối với một hoặc một số trường hợp nhất định. Thực tiễn, khi định tội danh, các cơ quan tiến hành tố tụng đều dựa trên cơ sở khoa học pháp lý về bốn yếu tố cấu thành tội phạm gồm: Khách thể của tội phạm; chủ thể của tội phạm; mặt khách quan của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm để định tội danh. Tuy nhiên, tội phạm diễn ra “muôn hình, muôn vẻ”, mỗi loại tội có một đặc trưng khác nhau, được thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan thông qua các hành vi khách nhau. Trong khi đó, định tội danh là một hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật có tính logic giữa lý luận và thực tiễn, nhằm xác định chính xác nhất cấu thành tội phạm phù hợp nhất với hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Định tội danh đúng không chỉ giảm thiểu rủi do pháp lý đối với hành vi của một con người cụ thể, mà còn là cơ sở để các các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng được pháp luật quy định, quan trọng hơn nữa là việc loại trừ trách nhiệm hình sự, không để xảy ra tình trạng oan, sai, vụ án bị xét xử nhiều lần, qua nhiều cấp, từ đó, nâng cao vai trò của pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc định tội danh cũng chính xác, thực tiễn vẫn còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng dẫn đến trường hợp cơ quan điều tra khởi tố nhưng Viện kiểm sát yêu cầu thay đổi hoặc hủy bỏ, Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án xét xử về tội danh khác do không cùng quan điểm. Theo thống kê từ năm 2018 đến hết năm 2020, Tòa án ở cấp huyện và cấp tỉnh xét xử 117.645 vụ/197.375 bị cáo. Tòa án xét xử khác tội danh, khung hình phạt Viện kiểm sát truy tố 647 vụ/1.162 bị cáo, chiếm 0,55% số bị cáo đã xét xử. Việc Tòa án xét xử khác Viện kiểm sát về tội danh xảy ra ở một số trường hợp có sự nhầm lẫn về dấu hiệu tội phạm giữa các tội khác nhau, trong đó có nhóm tội xâm phạm sở hữu như: Cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản[1].
Trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm để định tội danh thì không có yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố nào, bởi chỉ cầu thiếu một yếu tố thì không đủ cấu thành tội phạm và tương ứng với đó là không có tội phạm xảy ra. Để chứng minh tội phạm thì mặt khách quan luôn được chú trọng, mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra và tồn tại trong thế giới khách quan. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm: Hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện tội phạm như thời gian, địa điểm, phương tiện, công cụ, hoàn cảnh[2]. Tuy nhiên, hành vi nguy hiểm cho xã hội được biểu hiện thông qua con người, mỗi hành vi của các chủ thể được thực hiện một cách khác nhau, do đó, khi xem xét hành vi đó thuộc nhóm tội nào, tội phạm cụ thể nào không phải lúc nào cũng dễ dàng, khi xét riêng hành vi đó thì cấu thành một tội nhưng tổng thể các hành vi thì lại phạm vào tội phạm khác, vì hành vi trên thực tế xảy ra không phải lúc nào cũng đồng nhất với quy định cụ thể trong luật, nhất là các tội có cùng khách thể loại. Do đó, khi định tội danh, đã có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng định sai tội danh ngay từ khi khởi tố, điều tra hoặc trong giai đoạn truy tố và xét xử, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này mà một trong số đó chính là vấn đề nhận thức về chuyển hóa tội danh đối với các tội có cùng khách thể.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể như thế nào là chuyển hóa tội danh, mà nó chỉ được nghiên cứu trên phương diện học thuật. Thực tiễn từ trước đến nay, việc xử lý một số hành vi xâm phạm sở hữu đã và đang được các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng, đó là trường hợp chuyển hóa từ một số hình thức chiếm đoạt tại sản thành cướp tài sản được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự. Sau đó, các cơ quan đã có hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp đụng một số quy định tại Chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cả hai văn bản trên hướng dẫn việc chuyển hóa từ 03 hành vi chiếm đoạt tài sản là trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản thành tội cướp tài sản hoặc xác định tình tiết định khung là hành hung để tẩu thoát. Nhưng tổng kết quá trình xét xử, rất nhiều bản án nhận định các trường hợp chuyển hóa thành tội phạm khác như: Trộm cắp chuyển thành lừa đảo, công nhiên chiếm đoạt tài sản thành cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chuyển thành cướp giật…, từ đó, nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn tới nhiêu vụ án bị hủy, sửa và phải rút kinh nghiệm.
2. Quan điểm định tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn đối với nhóm tội có chung khách thể xâm phạm sở hữu
Việc định tội danh đúng ngay từ đầu là hết sức cần thiết, nó là cơ sở đầu tiên để truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ khi định tội danh đúng mới có thể xác định trách nhiệm pháp lý hình sự đối với người phạm tội và cũng là tiền đề cho việc áp dụng pháp luật vào giải quyết vụ án. Như đã đề cập ở trên, có nhiều loại hành vi có tính chất chiếm đoạt chuyển hóa tội danh. Tuy nhiên, trong phạm vi hẹp, tác giả chỉ đề cập đến trường hợp có chuyển hóa tội danh từ lừa đảo sang cướp giật hay không và trường hợp xác định công nhiên chiếm đoạt tài sản hay cướp giật tài sản. Có thể dẫn ví dụ một vài bản án sau đây:
Vụ án thứ nhất: Khi điều khiển xe trên đường, Lý Văn H nhìn thấy chị Già Thị L, khi đến gần còn khoảng cách 02 mét thì phát hiện chị L đang cầm trên tay một chiếc điện thoại di động. Lúc này, H nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của chị L, H lại gần, tắt máy xe, giả vờ hỏi chị L đường đi. Sau khi được chỉ đường, H giả vờ mượn điện thoại của chị L để liên lạc về nhà. Do không nghi ngờ nên chị L chủ động mở khóa màn hình điện thoại đưa cho H. H ngồi trên xe máy bấm gọi điện, mục đích để chị L tin tưởng và chờ cơ hội tẩu thoát. Trong lúc gọi điện cho vợ thì H vẫn quan sát chị L, khi thấy chị L không chú ý, mất cảnh giác, tay trái của H cầm chiếc điện thoại của L cất vào túi áo mưa bên trái đang mặc, tay phải bật chìa khóa xe, vào số và nhanh chóng rú ga phóng xe đi. Quá trình giải quyết, Viện kiểm sát truy tố Lý Văn H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo phạm tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Sau khi xét xử, Viện kiểm sát kháng nghị về tội danh, tuy nhiên không được cấp phúc thẩm chấp nhận[3].
Vụ án thứ hai: Nguyễn Văn Q đặt mua 01 chiếc điện thoại di động Iphone 7 plus qua mạng facebook với mục đích chiếm đoạt. Tối ngày 05/12/2018, nhân viên của cửa hàng là Hoàng Văn C đi giao hàng cho Q, khi hai bên gặp nhau, Q bảo C cho xem máy, anh C đưa cho Q 01 điện thoại và 01 sạc pin, tất cả được để trong 01 túi nilon. Q cầm xem khoảng 20 phút thì trả lại C và nói về nhà lấy tiền. Thực tế, Q không về nhà lấy tiền mà đứng nấp ở ngõ một lúc thì đi lại chỗ C và nói cho xem lại điện thoại. Khi anh C đưa điện thoại và sạc pin cho Q cầm kiểm tra khoảng 10 phút thì Q bảo anh C điện thoại cho nhân viên khác của cửa hàng hỏi việc thay pin như thế nào, lợi dụng lúc anh C gọi điện thoại, Q lấy điện thoại và bỏ chạy về nhà. Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án xét xử Nguyễn Văn Q về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”[4].
Vụ án thứ ba: Nguyễn Văn T đến cửa hàng của anh B để sửa điện thoại. Do anh B nói điện thoại của T phải sửa lâu mới xong nên T không sửa nữa và yêu cầu anh B cho T mượn chiếc điện thoại hiệu OPPO A57, màu trắng đang trưng bày trong tủ ra xem thì anh B đồng ý. Sau khi xem điện thoại, T thấy thích nên nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại này để sử dụng. Lợi dụng lúc anh B đang nói chuyện với khách hàng và thấy anh B đứng sau tủ kính trưng bày điện thoại cao, anh B không thể vượt qua để truy đuổi kịp nên T đã cầm điện thoại ra khỏi tiệm rồi điều khiển xe mô tô bỏ chạy. Tòa án xét xử tuyên Nguyễn Văn T phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)[5].
Vụ án thứ tư: K đi bộ đến cửa hàng điện thoại X. Lúc này, tại cửa hàng có anh T là nhân viên đang đứng bán hàng nên vào vờ hỏi anh T cho xem chiếc điện thoại Iphone XS max màu vàng. Sau khi anh T đưa điện thoại cho K xem, K tiếp tục hỏi xem chiếc điện thoại Iphone X màu trắng, mục đích là để anh T không chú ý, K sẽ bỏ chạy nhằm chiếm đoạt tài sản. Anh T lấy chiếc điện thoại Iphone X đưa cho K. Thấy anh T đứng trong quầy phía sau tủ kính, K cầm chiếc điện thoại Iphone XS max màu vàng bỏ chạy. Tòa án tuyên K phạm tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)[6].
Qua các bản án nêu trên, có thể thấy, đã có những quan điểm giống và khác nhau khi định tội danh giữa cơ quan công tố và cơ quan xét xử hoặc cùng hành vi tương tự nhau nhưng mỗi địa phương lại xét xử theo tội danh khác nhau. Ở đây, nếu so sánh về hành vi khách quan của vụ án thứ nhất và vụ án thứ hai thì cả hai trường hợp người phạm tội đều có ý thức chiếm đoạt tài sản ngày từ đầu, đều sử dụng thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản và thực tế bị hại đã tin tưởng và giao tài sản cho các bị cáo. Hành vi nêu trên thỏa mãn dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xét tổng thể các hành vi, thì ngay sau khi được bị hại giao tài sản, các bị cáo đều lợi dụng sơ hở của bị hại, nhanh chóng tẩu thoát, nhưng đối với vụ án thứ nhất thì bị xét xử về tội cướp giật tài sản, còn vụ án thứ hai thì bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tác giả, trong hai trường trường hợp này thì hành vi gian đối chỉ là thủ đoạn hay nói cách khác là cách thức tiếp cận tài sản, còn hành vi nhanh chóng tẩu thoát bằng cách phóng xe, bỏ chạy ngay khi có được tài sản, trước mặt người bị hại mới quyết định tội phạm hoàn thành, tức hành vi trước chỉ là tiền đề để thực hiện hành vi sau. Do vậy, đã có sự chuyển hóa từ lừa đảo sang cướp giật, điều này thể hiện đúng bản chất của vụ án.
Đối với vụ án thứ ba và thứ tư, xét về hành vi khách quan là tương tự nhau, nhưng mỗi cấp xét xử tại các địa phương lại định tội danh khác nhau. Tác giả cho rằng, để định tội đúng, cũng phải xem xét đầy đủ hành vi khách quan của người phạm tội. Mặc dù ở cả hai vụ án này, các bị cáo đều lợi dụng sự sơ hở của bị hại và vị trí các bị hại đều ở trong quầy bán điện thoại, khó có thể ngăn chặn được ngay việc chiếm đoạt của các bị cáo, nhưng đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các bị cáo có thể ngang nhiên thực hiện hành vi. Trong cấu thành của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội thường công khai thực hiện hành vi trước mặt chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý tài sản, người phạm tội không có ý định giấu giếm trước, trong và cả sau khi chiếm đoạt. Trong khi đó, ở các trường hợp trên, để chiếm đoạt được tài sản, ngay từ đầu đã có sự lợi dụng hoàn cảnh khách quan, thực hiện hành vi ngay trước mặt bị hại, nhưng sau đó lại chuyển hóa về hành vi phạm tội bằng cách các bị cáo đều có hành động nhanh chóng tẩu thoát khi có được tài sản trong tay. Do đó, hành vi này phải được xác định là cướp giật tài sản thì mới phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp về các hành vi phạm tội có quan điểm khác nhau về định tội danh, nhưng cũng đủ để chúng ta thấy việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã có sự nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc áp dụng không thống nhất sẽ dẫn tới hệ lụy trong xác định trách nhiệm pháp lý của người phạm tội, nhất là các nhóm tội xâm phạm sở hữu rất dễ có sự nhầm lẫn khi xác định hành vi có chuyển hóa tội danh hay không. Sự nguy hiểm khi định sai tội danh nằm ở chỗ, các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có quy định về định lượng tài sản bị chiếm đoạt tối thiểu là từ 2.000.000 đồng làm dấu hiệu định tội (trừ trường hợp trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án mà chưa được xóa án tích…) hay còn gọi là tội phạm có cấu thành vật chất; ngược lại tội cướp giật tài sản lại có cấu thành hình thức, tức là hành vi chỉ cần thỏa mãn dấu hiệu thuộc mặt khách quan là tội phạm đã hoàn thành.
3. Một số kiến nghị
Một là, các cơ quan trung ương cần ban hành thông tư liên tịch hoặc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về chuyển hóa tội phạm, các trường hợp chuyển hóa tội phạm khi hành vi có dấu hiệu thuộc mặt khách quan của các tội khác nhau nhưng cùng có mục đích chiếm đoạt tài sản, trong đó có hướng dẫn việc chuyển hóa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản sang tội cướp giật tài sản. Cụ thể:
- Đưa ra khái niệm thống nhất về chuyển hóa tội phạm theo hướng như sau: Chuyển hóa tội phạm là trường hợp tội phạm đã được thực hiện thỏa mãn từ hai cấu thành tội phạm khác nhau trở lên có chung khách thể, nhưng hành vi sau có mức độ nguy hiểm hơn cao hơn so với hành vi thực hiện trước đó, dẫn tới mức độ nguy hiểm cho xã hội có sự thay đổi thì đã có sự chuyển hóa và lúc này tội phạm hoàn thành tương ứng với hành vi nguy hiểm hơn.
- Hướng dẫn một số trường hợp chuyển tội danh đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu, trong đó quy định nếu ban đầu hành vi của người phạm tội có dấu hiệu gian đối hoặc công khai để có được tài sản, nhưng ngay khi có được tài sản đã nhanh chóng tẩu thoát trước sự chứng kiến của bị hại thì hành vi đó đã chuyển hóa từ lừa đảo, công nhiên thành cướp giật và trường hợp này cần định tội danh là “Cướp giật tài sản”.
Hai là, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, lựa chọn những bản án có quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc những bản án xuất hiện các tình tiết dễ gây nhầm lẫn trong định tội danh, có thể phát triển thành án lệ để các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn giải quyết.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp