Abstract: Internal disputes in joint stock companies are taking place more and more popular in Vietnam today. Most legal issues related to disputes have been anticipated and noted in the current legislation. However, there are still unclear and contradictory regulations that make it difficult and affect the legitimate rights and interests of subjects. In this study, we will analyze the legal and practical provisions on legal issues related to petition requests for managers in joint stock companies.
Vừa qua, vụ việc tranh chấp nội bộ tại Ngân hàng thương mại cổ phần E được Tòa án nhân dân thành phố H thụ lý và giải quyết đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nội dung của tranh chấp liên quan đến chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) bị thay thế đã khởi kiện các thành viên HĐQT yêu cầu Tòa án tuyên hủy Nghị quyết của HĐQT về việc bầu chủ tịch HĐQT mới. Ngoài việc vụ án có tác động lớn đến lợi ích của các nhà đầu tư và cổ đông của ngân hàng này, thì những vấn đề pháp lý liên quan đặt ra là quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT phát sinh trong trường hợp nào và việc Tòa án thành phố H thụ lý và giải quyết có đúng thẩm quyền không? Bài viết này sẽ phân tích và luận giải những vấn đề pháp lý quan trọng cần thiết phải đặt ra trong vụ việc khởi kiện người quản lý trong công ty cổ phần là chủ thể có quyền khởi kiện người quản lý, nội dung yêu cầu khởi kiện và hậu quả pháp lý khi giải quyết vụ án khởi kiện người quản lý. Từ đó, tìm ra những tồn tại, mâu thuẫn nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về khởi kiện người quản lý trong loại hình công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay.
1. Chủ thể có quyền khởi kiện những người quản lý trong công ty cổ phần
Ở khía cạnh lý luận và thực tiễn, sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền điều hành được thể hiện rất rõ ràng trong loại hình công ty cổ phần. Đặc biệt là đối với các công ty cổ phần có số lượng cổ đông lớn, đại chúng. Sự tách bạch đó đã tạo ra thông tin không cân xứng giữa cổ đông và người quản lý, người quản lý có ưu thế hơn cổ đông về thông tin nên dễ dàng hành động tư lợi. Vì thế, pháp luật và điều lệ công ty chú trọng đến việc quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của người quản lý, điều hành và cơ chế để đảm bảo họ tuân thủ nghĩa vụ đó. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền tiếp cận thông tin về các hoạt động kinh doanh của công ty, hoạt động của các nhà quản lý dựa trên các quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc điều lệ của công ty. Thông qua đó, cổ đông có thể nắm được các hoạt động của công ty nhằm thực hiện các quyền của mình và hành xử có lợi nhất đối với cổ phần mà mình sở hữu trong công ty.
Cổ đông có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự của người quản lý công ty nếu có cơ sở cho rằng, người quản lý có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty gây thiệt hại đến lợi ích của công ty và cổ đông. Quyền khởi kiện của cổ đông đối với người quản lý công ty là một quyền quan trọng, cấu thành nên cơ chế bảo vệ cổ đông, đặc biệt cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số trong công ty. Cổ đông có thể nhân danh mình khởi kiện (khởi kiện trực tiếp) khi quyền lợi của mình trực tiếp bị xâm hại hoặc nhân danh công ty khởi kiện (khởi kiện phái sinh) những người quản lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, người khởi kiện trước hết phải là cổ đông của công ty, “là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”. Nhưng quyền khởi kiện này không phải là quyền đương nhiên, mà cổ đông phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty, thì mới có thể thực hiện quyền này. Các điều kiện đó bao gồm:
(i) Điều kiện về tỷ lệ cổ phần sở hữu: Cổ đông, nhóm cổ đông “sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc”. Như vậy, không phải bất kỳ cổ đông nào cũng có quyền khởi kiện nếu không đáp ứng được điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông và thời gian sở hữu cổ phần;
(ii) Cơ sở phát sinh quyền khởi kiện người quản lý: Cổ đông chỉ có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự của người quản lý khi có cơ sở cho rằng người quản lý có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp như: (a) Người quản lý vi phạm trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Doanh nghiệp; (b) Người quản lý không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT; (c) Người quản lý thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; (d) Người quản lý sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (đ) Người quản lý sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Mặc dù vậy, hiện nay trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại không có quy định để hướng dẫn cụ thể việc cổ đông thực hiện trình tự, thủ tục để thực hiện quyền khởi kiện của mình. Đến nay, cơ sở pháp lý phát sinh yêu cầu khởi kiện người quản lý công ty dựa vào hoàn toàn các quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông đủ điều kiện theo quy định có thể tự mình khởi kiện hoặc nhân danh công ty để khởi kiện người quản lý thì việc Tòa án xác định người khởi kiện – nguyên đơn có sự khác nhau:
- Trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông tự mình khởi kiện người quản lý: Nguyên đơn trong vụ án là chính là cổ đông hoặc nhóm cổ đông đó, những người bị thiệt hại do hành vi của người quản lý trực tiếp gây ra.
- Trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhân danh công ty khởi kiện người quản lý: Việc xác định nguyên đơn trong vụ án là không đơn giản. Bởi bản thân cổ đông không trực tiếp gánh chịu thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của người quản lý gây ra và họ khởi kiện yêu cầu người quản lý phải bồi thường thiệt hại cho công ty, chứ không phải cho chính bản thân họ. Câu hỏi đặt ra là, nếu Tòa án xác định nguyên đơn là cổ đông hoặc nhóm cổ đông thì việc công ty có tham gia tố tụng không và tham gia với tư cách gì? Công ty tham gia với tư cách là nguyên đơn hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án? Đến nay, chưa có quy định pháp luật về trường hợp này, vì thế việc xác định tư cách tham gia tố tụng của công ty là vấn đề phức tạp. Việc xác định công ty là nguyên đơn hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều có nhiều điểm không hợp lý.
Người bị kiện - bị đơn trong công ty cổ phần đối với vụ án khởi kiện người quản lý bao gồm “thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc” là những người có hành vi vi phạm trách nhiệm của người quản lý gây ra thiệt hại cho công ty hoặc cổ đông.
Trong vụ việc tranh chấp nội bộ của Ngân hàng E, người khởi kiện là thành viên HĐQT độc lập không phải cổ đông hay đại diện cho cổ đông của Ngân hàng E. Như vậy, nguyên đơn khởi kiện không phải là cổ đông - chủ sở hữu của công ty mà chỉ là người được thuê để thực hiện công việc quản lý. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ có “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty” khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý công ty. Luật Doanh nghiệp không quy định về việc một cá nhân không phải là cổ đông công ty có quyền khởi kiện những người quản lý công ty. Vậy cơ sở pháp lý nào để Tòa án thụ lý và giải quyết, bởi: (i) Cá nhân không phải là cổ đông công ty không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự của người quản lý công ty. Dù là thành viên hội đồng quản trị nhưng không phải là cổ đông công ty, thì vẫn không có quyền khởi kiện. Do vậy, việc Tòa án thụ lý giải quyết là không có căn cứ pháp luật; (ii) Tòa án nhân dân thành phố H cho rằng, đây là “tranh chấp giữa các thành viên HĐQT của công ty cổ phần” là không có cơ sở pháp lý. Trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, không có quy định về việc khởi kiện giữa các thành viên HĐQT với nhau, đặc biệt, là người khởi kiện không phải là cổ đông của công ty. Hơn nữa, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty”. Loại tranh chấp mà Tòa án nhân dân thành phố H thụ lý không được dự liệu trong các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Có thể thấy rằng, việc xác định quyền khởi kiện và nội dung tranh chấp nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố H là không có cơ sở pháp lý, chưa xác định đúng bản chất của tranh chấp.
2. Nội dung yêu cầu khởi kiện đối với người quản lý trong công ty cổ phần
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý là thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty. Trách nhiệm dân sự của người quản lý được hiểu là trách nhiệm về tài sản của người quản lý do hành vi vi phạm trách nhiệm của họ được quy định trong điều lệ hoặc Luật Doanh nghiệp. Trách nhiệm dân sự của người quản lý có thể là trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty.
Cổ đông và nhóm cổ đông chỉ có thể khởi kiện trách nhiệm dân sự về hành vi vi phạm của người đại diện. Mặc dù, theo Điều 161 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định về quyền khởi kiện và nội dung yêu cầu khởi kiện đối với người quản lý. Nhưng khi thực hiện khởi kiện, cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải có nghĩa vụ chứng minh những căn cứ phát sinh trách nhiệm sau: (i) Hành vi của người quản lý vi phạm trách nhiệm của mình theo quy định của điều lệ hoặc Luật Doanh nghiệp; (ii) Sự thiệt hại thực tế xảy ra đối với công ty hoặc cổ đông; (iii) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của người quản lý và thiệt hại của công ty hoặc cổ đông. Hành vi vi phạm của người quản lý phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là sự thiệt hại thực tế của công ty hoặc cổ đông. Nếu người khởi kiện không chứng minh được những yếu tố nêu trên, thì Tòa án không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện về trách nhiệm dân sự của người quản lý. Như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự của người quản lý ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
3. Hậu quả pháp lý khi giải quyết vụ việc khởi kiện đối với người quản lý
Đối với yêu cầu của cổ đông và nhóm cổ đông khởi kiện trách nhiệm của người quản lý tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, sẽ phát sinh hậu quả pháp lý của các bên dựa trên cơ sở phán quyết của Tòa án, cụ thể:
(i) Trường hợp yêu cầu khởi kiện được Tòa án chấp nhận:
- Người quản lý có chịu trách nhiệm buộc phải bồi thường thiệt hại cho công ty theo phán quyết có hiệu lực của Tòa án.
- Về chi phí khởi kiện vụ án có thể do cổ đông, nhóm cổ đông hoặc công ty thanh toán. Tùy vào các trường hợp như: (a) Nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông tự mình khởi kiện người quản lý thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải tự chịu trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan đến việc khởi kiện của mình; (b) Nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhân danh công ty khởi kiện người quản lý thì chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ do công ty chịu và được “tính vào chi phí của công ty” nếu yêu cầu khởi kiện được Tòa án chấp nhận.
(ii) Trường hợp yêu cầu khởi kiện của cổ đông hoặc nhóm cổ đông bị Tòa án bác bỏ, không chấp nhận thì dù tự mình khởi kiện hoặc nhân danh công ty khởi kiện, cổ đông hoặc nhóm cổ đông đều phải tự chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện người quản lý.
4. Một số bất cập và hướng hoàn thiện pháp luật về khởi kiện người quản lý
Qua những nội dung được chúng tôi đề cập và phân tích trên đây, có thể thấy, quy định pháp luật về vấn đề khởi kiện người quản lý trong công ty cổ phần hiện nay còn nhiều tồn tại, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật của các chủ thể và quá trình xét xử của Tòa án, như:
Thứ nhất, về mặt lý luận, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhân danh công ty để khởi kiện người quản lý sẽ đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết, bao gồm: (i) Hành vi vi phạm trách nhiệm của người quản lý trong quan hệ đối với công ty chứ không phải đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông của công ty. Trong quan hệ giữa người quản lý và công ty, thì việc vi phạm của người quản lý chỉ có công ty mới được đặt ra yêu cầu về trách nhiệm dân sự của người quản lý; (ii) Thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm nghĩa vụ của người quản lý là thiệt hại xảy ra đối với công ty. Tất nhiên, về một khía cạnh nào đó, thiệt hại sau cùng cũng là thiệt hại của các cổ đông. Tuy vậy, cần xuất phát từ bản chất pháp nhân của công ty, khi tài sản của công ty hoàn toàn tách bạch đối với tài sản của chủ sở hữu. Công ty là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật. Do vậy, nếu hành vi của người quản lý gây ra thiệt hại cho công ty, thì công ty phải đứng ra khởi kiện người quản lý, chứ không phải cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhân danh công ty để khởi kiện. Dù rằng, những thiệt hại sau cùng vẫn là cổ đông phải gánh chịu, tuy nhiên, thiệt hại do hành vi vi phạm của người quản lý phải được hiểu là thiệt hại trực tiếp - thiệt hại của công ty; (iii) Khi cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhân danh công ty để khởi kiện trách nhiệm của người quản lý, thì chủ thể được hưởng bồi thường thiệt hại là công ty.
Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 “chưa làm rõ quyền của thành viên hoặc cổ đông khởi kiện và công ty trong trường hợp vụ kiện phái sinh. Nên về lý thuyết, thành viên hoặc cổ đông chỉ có quyền nhân danh công ty yêu cầu người quản lý đền bù thiệt hại công ty, mà không có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm nếu hành vi còn đang tiếp diễn”. Vì thế, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền khởi kiện của cổ đông hoặc nhóm cổ đông về trách nhiệm dân sự của người quản lý.
Thứ hai, khi các cổ đông hoặc nhóm cổ đông khởi kiện người quản lý công ty, thì cần phải xác định tư cách tham gia tố tụng của các bên liên quan, đó là: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông, người quản lý, công ty. Việc chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể, thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Tố tụng dân sự về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cổ đông hoặc nhóm cổ đông thực hiện khởi kiện người quản lý, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình giải quyết tranh chấp như có Tòa thụ lý giải quyết, có tòa không thụ lý giải quyết bởi tính chất phức tạp của tranh chấp, khi quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa có án lệ tương tự.
Thứ ba, theo quy định Luật Doanh nghiệp hiện hành thì chủ thể phải thanh toán chi phí khởi kiện người quản lý có thể do cổ đông, nhóm cổ đông hoặc công ty phải chịu. Việc xác định chủ thể chịu chi phí khởi kiện căn cứ vào việc yêu cầu khởi kiện có được Tòa án chấp thuận hay không, cổ đông hoặc nhóm cổ đông tự mình khởi kiện hoặc nhân danh công ty khởi kiện. Tuy vậy, quy định trong Luật Doanh nghiệp vừa chưa rõ ràng, vừa có mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Cụ thể:
(i) Về xác định chủ thể chịu chi phí khởi kiện: Nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm của người quản lý và được Tòa án chấp nhận, thì theo quy định tại Điều 161 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty sẽ chịu trách nhiệm chi trả và được tính vào chi phí của công ty. Tuy nhiên, quy định trên lại mâu thuẫn với quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017: “Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận”. Như vậy, nếu yêu cầu khởi kiện được chấp nhận, thì án phí phải do bên bị đơn - người quản lý có nghĩa vụ chi trả, chứ không phải nghĩa vụ của công ty.
(ii) Về việc xác định chi phí khởi kiện: Luật Doanh nghiệp chưa quy định cụ thể là chi phí khởi kiện gồm những chi phí nào? Chi phí khởi kiện chỉ bao gồm án phí của Tòa án hay bao gồm cả những chi phí liên quan trong quá trình khởi kiện, chi phí thuê luật sư, chi phí giám định thiệt hại… Trong thực tế, có thể xảy ra những tranh chấp liên quan đến việc xác định chi phí khởi kiện giữa các chủ thể với nhau.
Tóm lại, các quy định pháp luật về vấn đề khởi kiện người quản lý mang tính đặc thù, phức tạp. Vì thế, cần phải hoàn thiện các quy định trong Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Tố tụng dân sự để khắc phục những thiếu sót, những mâu thuẫn còn tồn tại. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cần phải ban hành nghị quyết hướng dẫn những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến việc khởi kiện người quản lý của công ty cổ phần. Qua đó, đảm bảo các quy định pháp luật được thực thi có hiệu quả trong hoạt động xét xử của Ngành Tòa án.
Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội