Tóm tắt: Bài viết phân tích quy định của các điều ước quốc tế cũng như đối chiếu, bình luận quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 để chứng minh tính khoa học và hợp lý của các quy định về ngoại lệ của quyền tác giả.
Abstract: The article analyzes the provisions of international treaties as well as compares and comments on the provisions of the Law amending and supplementing a number of articles of the 2022 Intellectual Property Law to prove the scientific and reasonableness of the legal provisions on copyright exception.
1. Quy định về ngoại lệ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
1.1. Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả
Trên cơ sở thừa nhận sự cần thiết phải đưa ra những quy định quốc tế mới nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh từ sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như bảo đảm duy trì cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và lợi ích của công chúng, đặc biệt trong giáo dục, nghiên cứu và tiếp cận thông tin, Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) được thông qua ngày 20/12/1996 nhằm duy trì và tăng cường việc bảo hộ quyền tác giả (QTG) một cách hiệu quả và đồng bộ. Việt Nam ký văn kiện gia nhập vào ngày 17/11/2021 và Hiệp ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/02/2022[1].
Điều 1.4 Hiệp ước WCT và Tuyên bố liên quan đến Điều 1.4 Hiệp ước WCT đã đưa ra quy định về quyền sao chép và các ngoại lệ quy định tại Điều 9 Công ước Berne[2] sẽ hoàn toàn áp dụng trong môi trường kỹ thuật số, đặc biệt đối với việc sử dụng các tác phẩm ở dạng kỹ thuật số. Điểm này được hiểu là việc lưu giữ một tác phẩm được bảo hộ dưới dạng kỹ thuật số trong các thiết bị điện tử được coi là việc sao chép theo nghĩa của Điều 9 Công ước Berne[3]. Bên cạnh đó, Điều 6.2 Hiệp ước WCT quy định: “Không một quy định nào trong Hiệp ước này ảnh hưởng đến quyền tự do của các bên ký kết trong việc xác định các điều kiện áp dụng có thể làm cạn quyền được quy định tại khoản 1 sau khi bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu lần thứ nhất bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm với sự cho phép của tác giả. Trong quy định này, thuật ngữ “bản sao” và “bản gốc và bản sao” chỉ đề cập tới các bản sao đã được định hình và có thể đưa vào lưu thông như các vật hữu hình”[4].
Đặc biệt, Điều 10 Hiệp ước WCT có quy định về ngoại lệ của QTG làm cơ sở cho các quốc gia thành viên ban hành quy định pháp luật quốc gia. Theo đó, các bên ký kết có thể quy định trong pháp luật nước mình những giới hạn và ngoại lệ đối với các quyền dành cho tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật theo Hiệp ước này trong những trường hợp đặc biệt cụ thể, không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không làm phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả. Cụ thể hóa quy định này, Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 10 Hiệp ước WCT đã giải thích các quy định của Điều 10 cho phép nước thành viên đưa ra và mở rộng một cách hợp lý các giới hạn và ngoại lệ trong môi trường kỹ thuật số theo luật pháp nước mình trên cơ sở được chấp thuận theo quy định của Công ước Berne. Tương tự như vậy, các quy định này phải được hiểu là cho phép nước thành viên đặt ra các giới hạn, ngoại lệ mới phù hợp trong môi trường kỹ thuật số. Hơn nữa, quy định này cũng được hiểu là Điều 10.2 Hiệp ước WCT không thu hẹp cũng không mở rộng phạm vi khả năng áp dụng các giới hạn và ngoại lệ theo quy định của Công ước Berne[5].
1.2. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Quy định về ngoại lệ của QTG được đề cập tại Điều 18.65 và 18.66 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cụ thể, Điều 18.65 quy định mỗi bên phải xác định các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các quyền độc quyền trong những trường hợp đặc biệt cụ thể mà không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền. Điều này không thu hẹp cũng không mở rộng phạm vi áp dụng các giới hạn và ngoại lệ được phép của Hiệp định TRIPs, Công ước Berne và Hiệp ước WCT. Đáng chú ý, Điều 18.66 đề cập đến vấn đề cân bằng trong hệ thống QTG, theo đó, mỗi bên phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng thích hợp trong hệ thống QTG của mình, kể cả bằng cách giới hạn hoặc ngoại lệ phù hợp với Điều 18.65, bao gồm cả những giới hạn và ngoại lệ trong môi trường số, xem xét cẩn trọng các mục đích hợp pháp chẳng hạn như: phê bình; bình luận; đưa tin; giảng dạy, học tập, nghiên cứu, và các mục đích tương tự khác; và tạo điều kiện tiếp cận với tác phẩm được công bố cho người mù, người khiếm thị, hay người có các khuyết tật khác không thể đọc được tài liệu in. Điều này được giải thích cụ thể thêm là như được ghi nhận trong Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện tiếp cận tác phẩm đã xuất bản cho người mù, người khiếm thị và người không đọc được tài liệu in (Hiệp ước Marrakesh), thông qua ngày 27/6/2013 tại Marrakesh. Các bên thừa nhận rằng, một số bên tạo thuận lợi cho các tác phẩm dưới các dạng thức có thể tiếp cận được cho những đối tượng thụ hưởng ngoài các yêu cầu của Hiệp ước Marrakesh. Hiệp định cũng ghi nhận việc sử dụng có yếu tố thương mại, trong những trường hợp thích hợp, có thể được coi là mục đích hợp pháp theo quy định của Điều 18.65 về giới hạn và ngoại lệ[6].
1.3. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Hiệp định EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 01/8/2020[7], tạo nền móng để các quốc gia thành viên hoàn thiện cơ chế bảo hộ QTG trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ. Điều 12.14 của Hiệp định ghi nhận mỗi bên có thể quy định giới hạn và ngoại lệ đối với các quyền quy định từ Điều 12.6 đến Điều 12.10 chỉ trong những trường hợp đặc biệt nhất định mà không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường của các đối tượng bảo hộ và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, phù hợp với các điều ước quốc tế mà họ là thành viên. Mỗi bên phải quy định rằng, các hành vi sao chép nêu Điều 12.6 đến Điều 12.10, nếu tạm thời hoặc ngẫu nhiên và là một phần thiết yếu không thể tách rời của một quy trình công nghệ và mục đích duy nhất là để cho phép việc truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua một trung gian; hoặc việc sử dụng hợp pháp đối với tác phẩm hoặc đối tượng được bảo hộ khác và hành vi đó không có mục đích kinh tế độc lập, phải được miễn trừ quyền sao chép quy định từ Điều 12.6 đến Điều 12.10[8].
2. Một số điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về ngoại lệ quyền tác giả
So với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung các năm 2009 và 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ), các quy định về ngoại lệ của QTG trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022) có sự thay đổi về tên gọi, kết cấu và phạm vi các trường hợp được áp dụng ngoại lệ, đáng chú ý là các nội dung sau:
2.1. Về tên gọi của Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ
Trước đây, Luật Sở hữu trí tuệ quy định về ngoại lệ của QTG dưới tên gọi là “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao”. Tên gọi này xác định điều kiện đầu tiên để được áp dụng ngoại lệ là tác phẩm được sử dụng phải đã được công bố và diễn giải một cách rõ ràng, dễ hiểu về việc Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp mà tổ chức, cá nhân được sử dụng tác phẩm mà không phải thực hiện cả hai nghĩa vụ với chủ sở hữu QTG là xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao. Tuy nhiên, để phản ánh đúng bản chất nội dung của quy định cũng như thể hiện được nguyên tắc pháp lý theo Điều 9.2 Công ước Berne, Điều 13 Hiệp định TRIPs cũng như các điều ước quốc tế khác về QTG mà Việt Nam là thành viên, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã sửa tên Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ thành “Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả”. Điều này là hợp lý vì theo từ điển Anh - Anh Oxford Advanced Learner’s Dictionary, “ngoại lệ” được hiểu là một điều không tuân theo quy định[9]. Theo Từ điển Tiếng Việt, ngoại lệ là “cái nằm ngoài cái chung cái được quy định”[10]. Như vậy, theo quy định chung, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm trong thời hạn bảo hộ QTG mà không xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu QTG bị coi là có hành vi xâm phạm QTG. Tuy nhiên, pháp luật quy định các trường hợp nằm ngoài, không tuân theo cái chung đó, tức là sử dụng tác phẩm mà không xin phép và không trả tiền bản quyền nhưng không bị coi là có hành vi xâm phạm. Đó chính là quy định về ngoại lệ không xâm phạm QTG, xác định những trường hợp nào các độc quyền của chủ sở hữu QTG bị thu hẹp, hạn chế và chủ sở hữu phải chấp nhận điều này.
2.2. Quy định về ngoại lệ của quyền sao chép tác phẩm
Quyền sao chép tác phẩm - một trong những quyền tài sản quan trọng nhất của chủ sở hữu QTG được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022. Tuy nhiên, độc quyền sao chép tác phẩm bị hạn chế trong hai trường hợp: Một là, “sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này” để tránh việc chồng lấn giữa các quyền; hai là, “sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại”, phù hợp với quy định tại Điều 69 Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã mở rộng ngoại lệ của quyền sao chép tác phẩm cho mục đích học tập của cá nhân, không nhằm mục đích thương mại nhằm thể chế hóa quy định tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013 cho phép mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa cũng như phù hợp với Điều 18.66 Hiệp định CPTPP. Cụ thể, quy định mới cho phép tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại trong trường hợp không sao chép bằng thiết bị sao chép như máy photocopy, máy scan, máy chụp ảnh, máy ghi âm. Đối với trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép, pháp luật cho phép các cá nhân được sao chép hợp lý một phần tác phẩm để nghiên cứu khoa học, học tập và không nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là sao chép hợp lý cần được giải thích trong các văn bản dưới luật để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 còn bổ sung trường hợp ngoại lệ áp dụng đối với việc sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền. Quy định này được xây dựng trên cơ sở tham khảo Luật mẫu của WIPO về QTG.
Đáng lưu ý, việc sao chép trong các trường hợp trên không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm[11].
2.3. Quy định về ngoại lệ đối với các trường hợp sử dụng tác phẩm
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã kết cấu lại và bổ sung một số trường hợp sử dụng tác phẩm không bị coi là xâm phạm QTG như sau:
Thứ nhất, trường hợp sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận các tác phẩm này. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 18.66 CPTPP cũng như trên cơ sở tham khảo Luật mẫu của WIPO về QTG[12].
Thứ hai, sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước. Việc sử dụng này chỉ trong phạm vi nội bộ, phục vụ hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước. Quy định này là cần thiết xuất phát từ thực tiễn của hoạt động công vụ như thanh tra, kiểm tra, xét xử... để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Hơn nữa, pháp luật của một số quốc gia cũng có quy định tương tự về vấn đề này như Điều 24.7 Luật Bản quyền của Trung Quốc năm 2020[13], Điều 23 Luật Bản quyền Hàn Quốc[14], Điều 42 Luật Bản quyền Nhật Bản[15].
Thứ ba, sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số. Quy định sửa đổi này là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu học tập, tiếp cận thông tin dưới dạng kỹ thuật số ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của việc học tập từ xa, học trực tuyến trên nền tảng mạng thông tin điện tử.
2.4. Quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người khuyết tật trong việc tiếp cận thông tin, tri thức, giảm thiểu tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các chủ thể đặc biệt khi tự bản thân họ trong nhiều trường hợp không thể tự khai thác, sử dụng tác phẩm để phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 dành Điều 25a quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm QTG dành cho người khuyết tật. Đây là một quy định có ý nghĩa quan trọng đối với những người khuyết tật, thể hiện sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ QTG và bảo vệ lợi ích chung của người khuyết tật không có khả năng tiếp cận tác phẩm để học tập, nghiên cứu theo cách thông thường. Đồng thời, quy định này cũng mở ra cơ hội bảo đảm cho những người khuyết tật tại Việt Nam có thể thực hiện được quyền bình đẳng, phát huy được tiềm năng của mình, chủ động tiếp cận các hoạt động giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, vươn lên hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.
2.5. Quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong các trường hợp khác
Thứ nhất, liên quan đến việc trích dẫn tác phẩm, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 gộp nội dung các quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ và sửa đổi, bổ sung thành điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022. Theo đó, pháp luật cho phép “trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu”. Quy định mới có bổ sung cụm từ “giới thiệu” để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
Thứ hai, liên quan đến ngoại lệ đối với độc quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 cho phép “biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại”. Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã bổ sung tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa một cách cụ thể để phù hợp với các hình thức biểu diễn nghệ thuật và đặc trưng của hoạt động biểu diễn tác phẩm. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 cũng thay cụm từ “không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào” bằng cụm từ “không nhằm mục đích thương mại” để thống nhất với các điểm khác tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Thứ ba, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 bổ sung cụm từ “không nhằm mục đích thương mại” đối với hai trường hợp ngoại lệ là chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó và nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân để tương ứng với các quy định khác của khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Thứ tư, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 bổ sung trường hợp ngoại lệ không xâm phạm QTG khi chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó. Đây là quy định cần thiết để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công chúng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị báo đài, truyền thông trong quá trình hoạt động thực tiễn nhằm truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, chính xác đến công chúng.
Nhìn chung, các quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã khắc phục được nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc dự định tham gia trong tương lai gần. Điều này thể hiện sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả bảo hộ QTG. Tuy nhiên, để các quy định có thể được nhận thức và áp dụng một cách chính xác và thống nhất trong thực tế vẫn cần có những quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian tới.
ThS. Phạm Minh Huyền
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. https://wipolex.wipo.int/en/treaties/ShowResults?search_what=C&treaty_id=16, access on 25/10/2022.
[2]. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật năm 1886, sửa đổi năm 1979.
[3]. Cục Bản quyền tác giả (2016), Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm, Hà Nội, tr. 6.
[4]. Cục Bản quyền tác giả, tlđd, tr. 8.
[5]. Cục Bản quyền tác giả, tlđd, tr. 10.
[6]. Xem tại: http://cptpp.moit.gov.vn/data/e0593b3b-82bf-4956-9721-88e51bd099e6/userfiles/files/18_ %20Intellectual%20Property.pdf, truy cập ngày 20/10/2022.
[7]. Xem tại: https://trungtamwto.vn/fta/199-viet-nam—eu-evfta/1, truy cập ngày 20/10/2022.
[8]. Xem tại: https://trungtamwto.vn/file/19694/loi-van-hiep-dinh-evfta.pdf, truy cập ngày 20/10/2022.
[9]. AS Hornby (2005), Oxford Advanced Learner’s Dictionary (7th edition), Oxford University Press, “exception means a thing that does not follow a rule”, p. 527.
[10]. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, tr. 661.
[11]. Khoản 3 Điều 25 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022.
[12]. Tunis Model Law on copyright for developing countries, see: https://www.wipo.int/edocs/ pubdocs/en/wipo_pub_812.pdf, p. 11.
[13]. Luật Bản quyền Trung Quốc năm 2020, xem tại: https://vi.chinajusticeobserver.com/law/x/copyright-law-of-china-20201111, truy cập ngày 22/10/2022.
[14]. Luật Bản quyền Hàn Quốc, xem tại: https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=42726&lang=ENG, truy cập ngày 22/10/2022.
[15]. Luật Bản quyền Nhật Bản, xem tại: https://www.cric.or.jp/english/clj/cl2.html, truy cập ngày 22/10/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)