Trong những năm qua, nợ xấu không chỉ là “căn bệnh” của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, mà đã trở thành vấn đề đáng quan ngại của cả hệ thống ngân hàng - tài chính toàn cầu, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008. Thuật ngữ “nợ xấu” đã trở thành chủ đề được đề cập đến tại nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong vấn đề xử lý nợ xấu. Nợ xấu ngân hàng trong những năm gần đây tăng nhanh, sự tồn đọng và phát triển của nợ xấu đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nợ xấu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước và cho toàn bộ hệ thống tài chính của Việt Nam. Hơn nữa, nợ xấu là một trong những nguyên nhân làm tắc nghẽn tín dụng trong nền kinh tế.
1. Thực trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại
Tại Việt Nam, khái niệm nợ xấu được quy định trong Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Thông tư này, nợ xấu là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 bao gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn.
Đánh giá thực trạng nợ xấu tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai trên cơ sở số liệu giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy, các hạn chế chủ yếu là tỷ lệ chiết khấu chưa rõ ràng trong khi một số quy chế để bán nợ cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lại khá ngặt nghèo; các con số nợ xấu hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế; một trong những điểm nghẽn khác là chúng ta chưa thực sự có cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ; việc giải quyết nợ xấu hiện đang gặp một điểm nghẽn nữa đó là việc xét xử và thi hành án chậm.
Theo số liệu công bố của 13 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tỷ lệ nợ xấu trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019 của các ngân hàng này là 2,16% và tỷ lệ này cũng có xu hướng tăng dần theo từng năm, tăng cao nhất là năm 2018 (3,69%). Tính đến hết năm 2019, tình hình nợ xấu của đa số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều kiểm soát được dưới 3% tổng dư nợ, chỉ có ba ngân hàng trong bảng thống kê ở trên là có tỷ lệ nợ xấu trên 3% là NVB (8,78%), SHB (7,75%), ACB (3,34%). Có thể thấy rằng, tỷ lệ nợ xấu cao trên dưới 8% tập trung ở các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lào Cai cho biết, nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2018 và 2019, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2019 lên tới 12,7%, chứ không phải con số 4,62% nữa. Điều này cho thấy, nợ xấu của nhiều ngân hàng hết sức phức tạp, nhất là tình trạng nợ xấu đang có xu hướng tăng ở nhiều ngân hàng.
Việc xác định đúng, đủ nợ xấu là điều quan trọng giúp bảng cân đối tài sản của các ngân hàng dần tốt lên. Còn nếu ngân hàng nào tiếp tục “cơ cấu” nợ xấu, hay dùng thủ thuật kế toán để đưa ra con số nợ xấu không chính xác, thì về lâu dài sẽ khiến tình hình tài chính ở những ngân hàng không minh bạch sẽ tệ hại hơn. Trên thực tế, các ngân hàng vẫn chưa quyết liệt trong xử lý nợ xấu. Điều này thể hiện ở chỗ vẫn còn rất ít ngân hàng chấp nhận bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với giá thấp. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn gặp khó khăn, không bán được hàng nên khó trả nợ vay đúng hạn. Hiện nay, để giải quyết triệt để, tăng hiệu quả thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu không chỉ chờ vào mệnh lệnh của cơ quan chức năng, hay vai trò của VAMC hoặc sự nỗ lực của chính các ngân hàng thương mại, mà cần giải quyết những vấn đề chính dẫn đến nợ xấu xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
(i) Nguyên nhân từ phía ngân hàng: Ngân hàng không có đủ thông tin chính xác để phân tích và đánh giá khách hàng, dẫn đến việc xác định sai hiệu quả của phương án vay vốn hoặc xác định thời hạn cho vay và trả nợ không phù hợp với phương án kinh doanh của khách hàng; đạo đức nghề nghiệp chưa tốt cùng năng lực chuyên môn của một số cán bộ ngân hàng chưa theo kịp yêu cầu; còn tiêu cực trong khâu lập phương án, thẩm định, xét duyệt và theo dõi khoản vay; sự lơi lỏng trong công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay làm cho ngân hàng không phát hiện kịp thời vốn vay đã sử dụng sai mục đích, phương án vay vốn không còn khả thi như ban đầu. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng gay gắt dẫn đến hiện tượng các ngân hàng thương mại chạy theo quy mô tăng trưởng dư nợ để đạt được các chỉ tiêu kinh doanh, bỏ qua các tiêu chuẩn, điều kiện cho vay, thiếu quan tâm đến chất lượng khoản vay.
(ii) Nguyên nhân từ phía khách hàng: Khách hàng vì không đủ điều kiện vay vốn nên cố tình chỉnh sửa, phóng đại số liệu báo cáo tài chính, lập hóa đơn, chứng từ khống và hợp đồng kinh tế giả mạo để qua mặt ngân hàng, làm sai lệch thông tin thẩm định, dẫn đến tình trạng ngân hàng vô tình cung ứng vốn cho những doanh nghiệp yếu kém về mặt tài chính, không có năng lực sản xuất, kinh doanh, cố tình chiếm đoạt nguồn vốn của ngân hàng… Lúc này, khả năng thu hồi được nguồn vốn cho vay sẽ rất thấp và rủi ro của ngân hàng khi gặp những khách hàng này là rất lớn, xác suất nợ xấu xảy ra cao. Khả năng quản lý điều hành yếu kém của những người lãnh đạo khiến cho các doanh nghiệp vay vốn hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tình hình tài chính khó khăn dẫn đến tình trạng mất khả năng toán nợ vay cho ngân hàng khi đến hạn. Một số doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, cơ cấu tài chính thiếu cân đối, công tác quản lý tài chính kế toán tùy tiện, mang tính đối phó dẫn đến thông tin ngân hàng có được khi lập các bảng phân tích tài chính, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp không chính xác, sai lệch nhiều và rủi ro xảy ra là rất lớn.
(iii) Nguyên nhân khách quan khác: Do những diễn biến bất lợi của thị trường, đối thủ cạnh tranh, sự bất ổn của giá nguyên vật liệu đầu vào và nhu cầu thị trường đầu ra, sự trì trệ của nền kinh tế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp vay vốn.
2. Giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại
Từ thực trạng nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể góp phần xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại như sau:
Thứ nhất, xây dựng và ban hành văn bản nội bộ: Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần ban hành kịp thời các văn bản nội bộ nói chung và văn bản quy định, hướng dẫn hoạt động cho vay (có bảo đảm và không bảo đảm) như: Chính sách tín dụng, quy định về bảo đảm tiền vay nhất là các khoản vay dùng tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai hay các hoạt động cho vay tín chấp đang triển khai… Nghiên cứu sửa đổi quy trình chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng cho phù hợp với tình hình thực tiễn từng giai đoạn.
Thứ hai, hoàn thiện quy trình thẩm định khoản vay và nâng cao chất lượng thẩm định: Khi nhận bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, cần phân loại khách hàng và vận dụng linh hoạt điều kiện về mức vốn tự có của khách hàng tham gia vào dự án cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với thông tin bất cân xứng trong điều kiện hiện tại, các ngân hàng không thể chờ đợi mà phải chủ động khắc phục. Cán bộ tín dụng và những người quyết định cho vay cần mẫn cán và nâng cao trách nhiệm đối với công việc và sự phát triển của ngân hàng.
Thứ ba, nâng cao năng lực định giá, thẩm định tài sản bảo đảm: Hoàn thiện quy định của pháp luật phải đồng thời với kiện toàn nhân lực, xây dựng quy chế quy định về trình độ và đặc điểm của cán bộ ngân hàng. Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và thúc đẩy khả năng nghiên cứu, sáng tạo của nhân viên thẩm định giá. Cần có chính sách trả lương, thù lao tương xứng vì công việc thẩm định giá là việc làm cơ động, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ sâu và trách nhiệm cao. Tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro, không buông lỏng công tác thẩm định giá nhằm thu hút khách hàng. Phối hợp với các tổ chức môi giới, các công ty nghiên cứu thị trường xây dựng bộ dữ liệu thông tin thị trường phục vụ cho toàn hệ thống ngân hàng. Ðây là cơ sở dữ liệu thiết yếu phục vụ cho công tác thẩm định giá, góp phần nâng cao mức độ tin cậy các kết quả thẩm định giá và hạn chế rủi ro.
Thứ tư, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng Phòng Quản lý rủi ro, xử lý nợ và Phòng Pháp chế vững mạnh: Cần tách biệt chức năng quyết định cho vay với thẩm định tín dụng, tách biệt chức năng thẩm định tín dụng và định giá tài sản bảo đảm. Không để lãnh đạo các phòng, ban trực tiếp thẩm định tín dụng nằm trong thành phần biểu quyết cho vay tại các hội đồng tín dụng. Bộ máy của các tổ chức tín dụng cần xây dựng theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Các quy trình xây dựng phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng mang tính chất chủ quan của cá nhân vào quá trình quyết định cho vay. Khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động của Ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 13/9/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, tham gia bảo hiểm rủi ro: Bảo hiểm tín dụng là một hình thức bảo hiểm giúp người vay trả nợ ngân hàng khi họ không may gặp rủi ro không lường trước, giảm được gánh nặng nợ nần cho người thân hoặc không bị thanh lý tài sản trong trường hợp rủi ro xảy ra. Khi người dân mua bảo hiểm khoản vay, số tiền khách hàng chi trả cho bảo hiểm sẽ dựa trên gói vay của mình tại ngân hàng. Đối với các hình thức vay tín chấp, ngân hàng rất cần bảo hiểm tín dụng để làm cơ sở đảm bảo an toàn cho khoản tiền cho vay này. Với các khoản vay thế chấp dài hạn như vay mua nhà, vay mua xe... khách hàng có thể giảm được áp lực trả nợ. Kỳ hạn vay vốn dài càng bao hàm yếu tố rủi ro ngay cả khi đã có tài sản đảm bảo. Hiện nay, thị trường cho vay tín dụng ngày càng sôi động, cùng với việc vay vốn khách hàng cũng quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm cho khoản vay phòng những bất trắc xảy ra trong quá trình vay vốn.
Thứ sáu, Tòa án cần nâng cao trách nhiệm phối hợp để ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật cũng như kịp thời giải thích bản án, giải quyết kiến nghị của cơ quan thi hành án. Đồng thời, phải nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự, cũng như kịp thời tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, người được thi hành án cũng cần nhìn nhận lại một cách khách quan về công tác phối hợp và hiệu quả phối hợp trong thi hành án dân sự đối với việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai