“Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật” (Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thông tin và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Với tính chất như vậy, hương ước, tập quán mang lại nhiều ý nghĩa và lợi ích cho công tác hòa giải ở cơ sở. Mục đích cơ bản của việc vận dụng hương ước, tập quán trong hoạt động hòa giải ở cơ sở là nhằm tôn trọng và phát huy bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa, tâm lý, nguyện vọng của người dân. Từ đó, việc giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng nhỏ sẽ có nhiều thuận lợi, đặc biệt trong việc khuyên khích các bên tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế sự mất đoàn kết xã hội nói chung.
Để hiểu sâu hơn chủ đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Vận dụng hương ước, tập quán trong hoạt động hòa giải ở cơ sở” của tác giả Trần Thị Hồng Thúy đăng trên Số chuyên đề tháng 7 năm 2014 về “Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở”. Trong bài viết của mình, tác giả đã luận giải mối quan hệ giữa hương ước, tập quán với pháp luật; đồng thời phân tích những ý nghĩa, lợi ích của việc vận dụng hương ước, tập quán trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cũng trong bài viết này, tác giả đã khuyến nghị một số nguyên tắc, điều kiện khi vận dụng hương ước, tập quán trong hoạt động hòa giải ở cơ sở để công tác này thực sự đi vào cuộc sống.
Như Quỳnh