1. Những nội dung cơ bản của nguyên lý 80/20 của Pareto
Nguyên lý 80/20 được khám phá vào năm 1897 bởi nhà kinh tế học xã hội học, triết học người Ý Vilfredo Federico Damaso Pareto. Đến nay, khám phá của ông đã có nhiều tên gọi khác nhau như: Nguyên lý Pareto, định luật Pareto, quy tắc 80/20, nguyên lý thiểu công, nguyên lý bất cân bằng (trong bài viết này, tác giả gọi là nguyên lý 80/20).
Nguyên lý 80/20 của Pareto khẳng định rằng, tự trong nội tại quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, giữa công sức và thành quả thu được đã có một tình trạng mất cân đối, tức là, 80% sản phẩm đầu ra kết tựu từ 20% nguyên liệu đầu vào; 80% kết quả xuất phát từ 20% các nguyên nhân hoặc 80% thành quả có được từ 20% công sức đã đầu tư.
Cũng có thể nói, thành quả hay thu hoạch xuất phát từ một tỷ lệ nhỏ những nguyên nhân, tác động hay nỗ lực nhắm vào những kết quả hay thu hoạch ấy. Mối quan hệ giữa nguyên nhân, tác động và nỗ lực ở một vế và kết quả thu hoạch hay thành quả ở vế kia được xem là không cân bằng. Khi sự chênh lệch này có thể đo lường bằng số học thì một tỷ lệ phổ quát cho tình trạng mất quân bình là tỷ lệ 80/20. 80% kết quả thu hoạch hay thành quả xuất phát chỉ từ 20% nguyên nhân tác động, hay nỗ lực.
Để vận dụng có hiệu quả nguyên lý 80/20 của Pareto, cần đến cách phân tích 80/20, đó là phương pháp định lượng để thiết lập mối quan hệ chính xác giữa một bên là nguyên nhân/tác động/nỗ lực và một bên là hệ quả/thu hoạch/thành quả. Phương pháp này chấp nhận mối quan hệ 80/20 như là giả thiết và thu thập dữ liệu để chứng minh mối quan hệ thực. Đây là một phương pháp duy nghiệm có thể dẫn đến bất kỳ kết quả nào từ 50/50 cho đến 99,9/0,1. Nếu kết quả thể hiện một sự chênh lệch thấy rõ giữa tác nhân và thu hoạch (chẳng hạn 65/35 hay một con số còn chênh lệch hơn nữa) thì thông thường sau đó phải có hành động can thiệp.
Một phương thức mới bổ sung để sử dụng nguyên lý 80/20 của Pareto là cách thức được gọi là lối tư duy 80/20. Điều này đòi hỏi suy nghĩ kỹ về bất kỳ vấn đề nào quan trọng đối với chúng ta và đưa ra nhận định xem là nguyên lý 80/20 của Pareto có áp dụng được trong lĩnh vực ấy hay không. Sau đó, chúng ta có thể hành động theo nhận thức ấy. Cách suy nghĩ 80/20 không đòi hỏi chúng ta phải thu thập dữ liệu hay kiểm định giả thiết.
Tư duy 80/20 là cụm từ được gọi là phương cách áp dụng phi định lượng của nguyên lý 80/20 của Pareto trong đời sống hàng ngày. Cũng như với cách phân tích 80/20, chúng ta bắt đầu với một giả thiết về tình trạng chênh lệch có thể xảy ra giữa tác nhân và thành quả, nhưng thay vì thu thập dữ liệu và phân tích, chúng ta chỉ ước lượng mà thôi. Tư duy 80/20 đòi hỏi và tạo điều kiện cho chúng ta thông qua thực hành, xác định được những điều thực sự quan trọng đang xảy ra và bỏ qua đa số những điều không quan trọng còn lại. Nó định hướng cho ta nhận ra điều cốt lõi.
Để tham gia vào hoạt động tư duy 80/20, chúng ta phải thường xuyên tự vấn: Đâu là tác nhân 20% dẫn đến thành quả 80%? Chúng ta không bao giờ được cho rằng, mình có thể tự động biết câu trả lời mà phải bỏ thời gian để tư duy một cách sáng tạo về điều này.
2. Vận dụng nguyên lý 80/20 của Pareto vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam hiện nay
Để cải thiện chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam hiện nay, xuất phát điểm tốt nhất là vận dụng nguyên lý 80/20 của Pareto vào lĩnh vực này. Theo đó, trước hết, chúng ta cần nhận diện thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam hiện nay, trong đó xác định những yếu tố quyết định hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho công tác này trong thời gian tới.
2.1. Thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam hiện nay
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân[1] đánh giá về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay như sau:
2.1.1. Những kết quả tích cực
- Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng lên trên tinh thần xác định rõ hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
- Thể chế, chính sách của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản có liên quan từ nghị định đến thông tư.
- Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được cải thiện, nâng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong quản lý cũng như các hoạt động chuyên môn.
- Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền đem lại hiệu quả thiết thực.
- Nguồn lực tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được bảo đảm. Việc huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được chú trọng và ngày càng có hiệu quả thiết thực với nhiều phương thức và mô hình phong phú, linh hoạt.
- Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật đã được triển khai sâu rộng, thực chất, hiệu quả, tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa của Ngày Pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội.
- Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Qua việc tổng kết cho thấy, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Nhờ việc triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
2.1.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
a) Tồn tại, hạn chế
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; chưa xác định công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, thậm chí còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng Ngành Tư pháp.
- Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết… để đúc rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được chú trọng.
- Nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành mặc dù đã được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.
- Việc định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm. Công tác hướng dẫn phổ biến những lĩnh vực pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận chưa được thực hiện thường xuyên. Một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bắt đầu chậm, một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù.
- Cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn. Các chương trình và đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật có mục tiêu lớn, nhiều nhiệm vụ, hoạt động nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm, nhất là đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thuộc diện ngân sách trung ương phải hỗ trợ. Việc điều tiết kinh phí thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật từ ngân sách của trung ương cho địa phương chưa được thực hiện phù hợp. Đặc biệt, một số địa phương cấp huyện, xã chưa bố trí ngân sách phục vụ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Chính sách huy động các nguồn lực xã hội vẫn chưa thực sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động này.
- Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét.
b) Nguyên nhân
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là người đứng đầu chưa nhận thức được một cách đầy đủ, sâu sắc về tính chất, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt đối với công tác này cũng như bố trí nguồn lực khả thi để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ.
- Cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương với địa phương chưa tốt. Thiết chế Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi chưa thật hiệu quả. Thành viên Hội đồng hoạt động kiêm nhiệm, hay thay đổi, chưa dành thời gian cho công tác của Hội đồng; sự phối hợp giữa các thành viên của Hội đồng còn hạn chế, dồn hết công việc cho cơ quan thường trực của Hội đồng; chưa có nhiều giải pháp khả thi trong việc nâng cao hiệu quả công tác của Hội đồng.
- Đội ngũ nhân lực tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc, chất lượng không đồng đều. Biên chế của Ngành Tư pháp ở địa phương bị hạn chế (Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp trung bình chỉ có 03 công chức) trong khi khối lượng công việc lớn. Chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật còn thấp nên chưa huy động được những người có trình độ tham gia công tác này.
- Kinh phí mặc dù đã được quan tâm bố trí nhưng tại nhiều nơi vẫn rất khó khăn. Nhiều địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, phải phụ thuộc ngân sách trung ương nên không chủ động được nguồn lực thực hiện. Thực tế là, hầu hết các tỉnh càng nghèo thì đối tượng đặc thù có nhu cầu cần được phổ biến, giáo dục pháp luật càng nhiều (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…) nhưng nguồn lực của tỉnh lại hạn hẹp, khó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động mang tính xã hội, phi lợi nhuận nên việc huy động nguồn lực vật chất từ xã hội, cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn; chưa có chính sách ưu đãi cụ thể cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nên hạn chế trong triển khai thực hiện.
- Một bộ phận người dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa tích cực, chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật.
- Trình độ dân trí, văn hóa vùng miền khác nhau, thậm chí một số dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều hủ tục, nhận thức hạn chế, không hiểu ngôn ngữ phổ thông… đòi hỏi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải thực sự dày công, tốn kém, theo phương thức “mưa dầm, thấm lâu” nên chưa mang lại hiệu quả kịp thời trên thực tế.
2.2. Vận dụng nguyên lý 80/20 của Pareto trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam
Nguyên lý 80/20 của Pareto gợi ra cho chúng ta những điều cần làm sau đây để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực của đời sống:
- Chọn lọc những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu để làm, không phải làm toàn bộ; tìm kiếm cái tuyệt hảo ở số ít hơn là cái thường thường bậc chung ở số nhiều.
- Tôn vinh hiệu suất đặc biệt hơn là gia tăng nỗ lực trung bình.
- Tìm con đường tắt thay vì đi cả một quãng đường dài; cố gắng kiểm soát đời sống của chúng ta với nỗ lực tối thiểu có thể được.
- Giao quyền và chia sẻ công việc càng nhiều càng tốt, hãy để các cơ chế linh hoạt khuyến khích chúng ta thực hiện thay vì cản trở chúng ta làm việc này; rà soát, lựa chọn nguồn nhân lực hết sức cẩn thận phục vụ cho mục tiêu đề ra.
- Ở mọi lĩnh vực của đời sống nói chung, hãy tìm xem nơi nào 20% nỗ lực có thể dẫn đến 80% thành quả; xác định một số mục tiêu giới hạn nhưng rất giá trị, hiệu quả, thiết thực hơn là theo đuổi mọi vận hội có thể có.
Từ thực trạng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam nêu trên, chúng ta vận dụng nguyên lý 80/20 của Pareto trong công tác này theo hướng chọn lọc những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu để thực hiện trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí theo hướng linh hoạt, hiệu quả, trong đó ưu tiên bố trí khoảng 80% nguồn lực kinh phí để tập trung xóa đói, giảm nghèo về pháp luật cho đối tượng đặc thù, chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam (học sinh, sinh viên và một số đối tượng đặc thù, yếu thế như: (i) Người dân sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (ii) Người lao động trong các doanh nghiệp; (iii) Nạn nhân bạo lực gia đình; (iv) Người khuyết tật; (v) Người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…).
Thứ hai, đầu tư khoảng 20% nguồn lực kinh phí triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn trong phạm vi cả nước để tạo ra khoảng 80% hiệu quả cho xã hội. Trong tập trung kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung trên phạm vi cả nước và ứng dụng phổ biến, giáo dục pháp luật trên thiết bị di động.
Thứ ba, rà soát kỹ đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm chất lượng theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp (có thể sử dụng khoảng 20% đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hiện có bảo đảm chất lượng thực sự để tạo ra khoảng 80% hiệu quả cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật). Bên cạnh đó, thu hút đội ngũ chuyên gia pháp luật (như: Thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch đã nghỉ hưu…) và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội, Biên phòng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, hướng tới coi đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện công tác này.
Thứ tư, đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng tinh, gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; chú trọng củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ năm, lựa chọn một số ít mô hình hay, cách làm hiệu quả về phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với từng chủ đề nội dung, đối tượng để nhân rộng bảo đảm phù hợp với từng vùng, miền trên phạm vi cả nước.
ThS. Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Báo cáo số 213-BC/BCĐCT32 ngày 10/4/2020 của Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.