Vận dụng nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật giải quyết vụ việc thực tiễn có ý nghĩa quan trọng đối với công tác pháp chế nói chung và pháp chế doanh nghiệp nói riêng cũng như hoạt động tư vấn, tranh tụng tại Trọng tài hay Tòa án. Tuy nhiên, không phải những người hoạt động trong các lĩnh vực này đều có kỹ năng cần thiết để thấu hiểu đầy đủ nội dung các quy phạm pháp luật cần truyền tải và vận dụng nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật giải quyết vụ việc phát sinh từ thực tiễn pháp lý đầy sôi động. Bài viết này tập trung làm sáng rõ những kiến thức pháp lý cơ bản nhằm nâng cao kỹ năng vận dụng nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật giải quyết vụ việc thực tiễn.
1. Dẫn nhập
Trong xã hội hiện đại, vẫn luôn có sự đan xen tồn tại nhiều loại quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội, như quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo, quy phạm tập quán, quy phạm của các tổ chức chính trị - xã hội, quy phạm pháp luật… trong đó, quy phạm pháp luật có vị trí quan trọng, vai trò trung tâm trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh quan hệ xã hội. Ở Việt Nam, quan niệm về áp dụng pháp luật vẫn được nhìn nhận rộng hẹp khác nhau, chưa có sự đồng nhất[1]. Ở mức độ phổ quát, áp dụng pháp luật là một dạng thức biểu hiện của thực hiện pháp luật, đó là hoạt động của các chủ thể nhân danh quyền lực nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền theo quy định pháp luật, căn cứ vào các quy định pháp luật để đưa ra quyết định có tính cá biệt nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội theo mục tiêu cụ thể. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật[2].
Các quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngày càng đa dạng về chủ thể, phong phú về mục đích cũng như phức tạp về nội dung mối quan hệ giữa các bên. Bởi vậy, pháp luật của xã hội hiện đại cũng ngày càng phát triển, đa dạng và phức tạp về cấu trúc hình thức lẫn cấu trúc nội dung. Khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đa dạng, nội dung điều chỉnh pháp luật ngày càng phức tạp trên nhiều lĩnh vực thì nguy cơ xung đột pháp luật cũng ngày càng gia tăng và việc đặt ra nguyên tắc (tư tưởng chỉ đạo) áp dụng vản bản quy phạm pháp luật là điều tất yếu, cần thiết. Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là tư tưởng chỉ đạo được quán triệt trong các quy phạm pháp luật đòi hỏi mọi chủ thể có thẩm quyền khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật phải triệt để tuân thủ. Để vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật giải quyết tình huống thực tiễn, trước hết cần hiểu đúng nguyên tắc “được làm những gì pháp luật không cấm” - một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và thực thi pháp luật của Nhà nước pháp quyền.
2. Hiểu đúng nguyên tắc được làm những gì pháp luật không cấm
Nhà nước pháp quyền đỏi hỏi pháp luật phải được xây dựng và vận hành dựa trên nền tảng tư tưởng pháp lý (nguyên tắc pháp lý) sau: (i) Cá nhân, tổ chức được làm những gì pháp luật không cấm; (ii) Cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật có quy định. Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải nguyên tắc pháp lý này lúc nào cũng được hiểu đúng, làm đúng. Trong thực tiễn pháp lý, vẫn có những trường hợp pháp luật không cấm nhưng tổ chức, cá nhân vẫn không được làm bởi khi họ thực hiện một hành vi thể hiện quyền tự do của mình mà pháp luật không cấm nhưng hành vi đó cần phải được ghi nhận (công nhận) bằng thủ tục hành chính của Nhà nước mà thủ tục hành chính để Nhà nước ghi nhận hành vi đó lại chưa được pháp luật quy định.
Chẳng hạn, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (viết tắt công ty TNHH 1TV) theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, chủ sở hữu công ty TNHH 1TV lại không thể thực hiện thủ tục chuyển đổi công ty TNHH 1TV thành doanh nghiệp tư nhân, bởi hình thức chuyển đổi này không được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể làm thủ thục đăng ký chuyển đổi công ty TNHH 1TV thành doanh nghiệp tư nhân, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có điều luật nào cấm chuyển đổi công ty TNHH 1TV thành doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp này, chủ sở hữu công ty TNHH 1TV phải làm đồng thời hai thủ tục pháp lý, đó là thành lập doanh nghiệp tư nhân và giải thể công ty TNHH 1TV[3].
3. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó[4]. Theo nguyên tắc này, phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ khi áp dụng nguyên tắc này. Theo đó, trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) thì áp dụng theo quy định đó. Quy định hiệu lực hồi tố chỉ được đặt ra trong trường hợp đặc biệt, thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây: (i) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; (ii) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn[5].
Chỉ luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước[6]. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới[7].
Ví dụ: Cục Thuế tỉnh M thanh tra Công ty CP H, truy thu tiền chậm nộp thuế căn cứ theo Luật Quản lý thuế số 71 đối với hành vi kê khai thuế của Công ty CP H (cho kỳ tính thuế 2011, có thời hạn nộp cuối cùng là 31/3/2012), trước thời điểm Luật Quản lý thuế số 71 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013. Công ty CP H khiếu nại nhưng quyền lợi của doanh nghiệp vẫn không được giải quyết. Vì vậy, Công ty CP H đã nhờ sự trợ giúp của tư vấn thuế và chuyên gia pháp lý để khởi kiện hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh M. Sau khi xem xét vụ việc, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh M đã chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của Công ty CP H, tuyên huỷ toàn bộ các quyết định truy thu, phạt tiền chậm nộp tiền thuế của Cục Thuế tỉnh M. Cục Thuế tỉnh M đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh M. Giải quyết vụ việc, Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh M.
Trong tình huống này, cần phải áp dụng Luật Quản lý thuế số 78/2006 để xem xét hành vi kê khai thuế của Công ty CP H (áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi), không áp dụng Luật Quản lý thuế số 71 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013[8]. Cục Thuế tỉnh M truy thu tiền chậm nộp thuế căn cứ theo Luật Quản lý thuế số 71 đối với hành vi kê khai thuế trước thời điểm Luật Quản lý thuế số 71 có hiệu lực là không đúng với nguyên tác áp dụng hiệu lực hồi tố.
4. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn[9]. Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm[10]: Hiến pháp; bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Ví dụ: Trong cơ cấu tổ chức của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, chức danh Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hay Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước bổ nhiệm? Trong tình huống này, có thể nhận thấy:
- Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
- Theo khoản 1 Điều 100 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.
Căn cứ khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp này, cần áp dụng khoản 1 Điều 100 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước do Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước bổ nhiệm.
5. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau[11]. Văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau thường chỉ rõ hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, có thể vẫn nảy sinh một vấn đề được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau do cùng một cơ quan ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật này đều đang có hiệu lực thì áp dụng nội dung quy định của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau.
Ví dụ: Ngày 10/2/2015, Công ty TNHH X ký Hợp đồng số 06/2015/HĐTN với vợ chồng ông Hoàng Tân và bà Nguyễn Thị Điệp để thuê nhà làm trụ sở giao dịch. Theo thỏa thuận, thời hạn thuê 05 năm, kể từ ngày 01/3/2015. Giá thuê nhà 20 triệu/tháng. Tháng 02/2016, ông Tân và bà Điệp đề nghị Công ty TNHH X tăng giá tiền thuê nhà cho 4 năm còn lại (do giá thuê nhà ở khu vực đang gia tăng) nhưng Công ty TNHH X không đồng ý và phát sinh tranh chấp. Ông Tân và bà Điệp đã khởi kiện Công ty TNHH X ra Tòa án nhân dân huyện M yêu cầu tuyên Hợp đồng số 06/2015/HĐTN vô hiệu do không công chứng theo quy định tại Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005. Với sự trợ giúp của luật sư, các bên hòa giải thành và Tòa án nhân dân huyện M đã đình chỉ giải quyết vụ án. Trong tình huống này, có thể nhận thấy: (i) Theo Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005, hợp đồng thuê nhà thời hạn 06 tháng trở lên phải công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ khi pháp luật có quy định khác; (ii) Theo khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi 2020), đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng. Vì vậy, cần áp dụng khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 (luật ban hành sau - cũng là luật chuyên ngành) để xác định hiệu lực của Hợp đồng số 06/2015/HĐTN (không áp dụng Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005).
6. Ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành
Nguyên lý (học thuyết pháp lý) về mối quan hệ luật riêng/luật chuyên ngành với luật chung được quy định và áp dụng phổ biến trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, điển hình như: Nhật Bản, Đức, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc[12]. Khi xem xét đến mối quan hệ giữa luật riêng/luật chuyên ngành và luật chung, người ta coi đây là: (i) Vấn đề về mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật và (ii) Đối tượng được nói đến chỉ là các văn bản giá trị luật[13]. Nguyên lý ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung đến nay vẫn chưa được nhìn nhận nhất quán trong giới luật học ở Việt Nam. Nguyên lý này cũng chưa được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng hạt nhân của nguyên lý này cũng đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số luật khác.
- Theo Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự) được ưu tiên áp dụng. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng.
Nguyên lý ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành cũng được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
- Tại Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “1. Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan. 2. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó. 3. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”.
- Tại khoản 2 Điều 5 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó”.
- Tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”.
Ngoài ra, nguyên lý ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung cũng được đề cập tại Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi năm 2018), khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020... Qua các quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành được vận dụng như sau:
(i) Trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác với Luật Thương mại về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành;
(ii) Trường hợp luật chuyên ngành không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan nhưng Luật Thương mại có quy định về vấn đề đó và quy định của Luật Thương mại không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Luật Thương mại;
(iii) Trường hợp luật chuyên ngành hoặc Luật Thương mại có quy định khác Bộ luật Dân sự về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng luật chuyên ngành hoặc Luật Thương mại;
(iv) Trường hợp luật chuyên ngành và Luật Thương mại không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan hoặc có quy định khác với Bộ luật Dân sự mà các quy định này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Bộ luật Dân sự.
Ví dụ: Công ty TNHH G ký Hợp đồng 08/2021/HĐHT với Công ty CP H để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao cấp tại quận Y, thành phố X.
Theo Hợp đồng 08/2021/HĐHT, Công ty TNHH G đầu tư toàn bộ diện tích lô đất 25.000m2 và thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án; Công ty CP H đầu tư vốn để giải phóng mặt bằng, di rời nhà xưởng cũng như thiết kế, thi công và hoàn thiện công trình của Dự án. Sau khi hoàn thành Dự án, Công ty TNHH G được quản lý, khai thác toàn bộ các tầng hầm, khuôn viên và diện tích sàn tại tầng 1 và tầng 2, tầng 3 của Dự án; Công ty CP H quản lý, khai thác toàn bộ từ tầng 4 trở lên. Hợp đồng có nhiều nội dung, trong đó có quy định: “Bên vi phạm bị phạt 10% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm”. Thỏa thuận phạt vi phạm tại Hợp đồng 08/2021/HĐHT là phù hợp hay không phù hợp pháp luật Việt Nam hiện hành? Qua vụ việc này, có thể nhận thấy:
- Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về mức phạt. Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi năm 2020) quy định, đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, tình huống này không áp dụng Bộ luật Dân sự và Điều 146 Luật Xây dựng.
- Hợp đồng 08/2021/HĐHT ký kết giữa Công ty TNHH G và Công ty CP H là hợp đồng hợp tác kinh doanh, luật riêng trực tiếp điều chỉnh quan hệ hợp đồng này là Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 không quy định về phạt giữa các bên trong quan hệ hợp đồng hợp tác kinh doanh nên áp dụng Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 (luật chung trong mối quan hệ với Luật Đầu tư năm 2020) về mức phạt vi phạm, theo đó mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật Thương mại năm 2005. Vì vậy, thỏa thuận “bên vi phạm bị phạt 10% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm” tại Hợp đồng 08/2021/HĐHT giữa Công ty TNHH G và Công ty CP H là trái pháp luật[14].
7. Một số nguyên tắc áp dụng quy phạm pháp luật khác
Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản nêu trên, nguyên tắc áp dụng quy phạm pháp luật còn bao gồm một số nguyên tắc khác, như:
(i) Áp dụng bảo lưu ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật (Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020);
(ii) Áp dụng điều ước quốc tế khi khác biệt với văn bản quy phạm pháp luật trong nước về cùng một vấn đề, trừ Hiến pháp (khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật);
(iii) Áp dụng hiệu lực về không gian (Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật);
Ngoài ra, cần lưu ý đến trật tự áp dụng nguồn bổ trợ khác, như áp dụng tập quán, thói quen trong thương mại[15](Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 3, khoản 4 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005) và áp dụng tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng (Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015)...
Trường Đại học Luật Hà Nội