Rõ ràng là, cái quy định (có lẽ là bất thành văn, các anh học lẫn nhau thôi) phản văn hóa này không còn đất sống, nên bây giờ không còn thấy cái yêu cầu kỳ quặc gỡ kính. Tuy vậy, cái “văn hóa” bắt người đối diện phải gỡ kính đó nó vẫn ngấm sâu vào cách hành xử của họ (một số ít cán bộ công an). Thấy rõ nhất, phổ biến hơn cả là cách “khai thác đối tượng” hay nói nôm na là “hỏi cung”.
Thời gian gần đây, hiện tượng “cứ ra khỏi trụ sở công an là nhập viện” không còn là hy hữu nữa. Công an Phú Yên đánh chết nghi phạm đang phải đối diện với tội danh hình sự trước Tòa vẫn chưa là bài học cho một số người. Ở Quảng Bình, Trưởng công an xã gọi người đến giải quyết mâu thuẫn và đánh người này gây thương tích ngay tại trụ sở. Công an phường Linh Xuân (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) thì dùng dùi cui, dép đánh vào đầu, lên gối vào mặt một thanh niên, khiến anh này phải nhập viện. Kinh khủng nhất là các công an ở xã Đạo Nghĩa (Đắk Nông), chẳng có đạo nghĩa tý nào khi hỏi cung một người ăn trộm tiêu, tra tấn đến nỗi người này phải bò về nhà và sau đó tử vong. Có thể dẫn ra đây nhiều trường hợp khác, nhưng ngần ấy minh chứng đã là quá đủ.
Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chấn động dư luận vì cái án oan 10 năm tù giam (Bắc Giang), thì cái cánh cửa khép kín trong phòng hỏi cung được hé ra một chút. Nhiều vị đại biểu của dân đề nghị các biện pháp áp dụng để giảm thiểu tình trạng bức cung, ví dụ như lắp đặt camera theo dõi. Thế nhưng, có vị luật sư cho rằng, biện pháp này cũng không hiệu quả, bởi camera dẫu sao cũng chỉ là hình thức, còn nội dung là nằm trong suy nghĩ (và có lẽ hành động nữa) của người hỏi cung. Điều này là có cơ sở khi cái “văn hóa gỡ kính” vẫn còn trong tiềm thức của nhiều người.
Không có biện pháp hữu hiệu nào bằng ý thức pháp luật của những người được giao trọng trách bảo vệ pháp luật. Đã từ lâu, văn bản cũng như chủ trương, trong giảng đường hay trên bục hội nghị, trên mặt báo hay cuộc họp nội bộ, nguyên tắc “không được dùng nhục hình, mớm cung, ép cung” vẫn thường xuyên được nhắc nhở, coi việc ép cung, dùng nhục hình như một điều cấm kỵ. Ấy vậy mà, điều cấm kỵ đó vẫn thường xuyên xảy ra trên thực tế. Rõ ràng, đây là một động thái biểu hiện của ý thức, chứ không phải sự cáu giận nhất thời. Cái việc trái với quy định nguyên tắc này tồn tại lâu dài dẫn đến các hệ lụy khác, đều là vi phạm pháp luật như tạo dựng hồ sơ giả, nhân chứng giả, ký khống biên bản,… mà thuật ngữ pháp lý gọi là “vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng”.
Vì thế, phải xây dựng ngay “văn hóa hỏi cung” trên cơ sở nghiêm ngặt cách quy định của pháp luật, tôn trọng quyền nhân thân bất khả xâm phạm của mỗi con người, triệt để một tinh thần thượng tôn pháp luật.
Phaly