Trong pháp luật Việt Nam, quyền được tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày 27/6/1991[1], đảm bảo quyền được thông tin của công dân là một trong những định hướng lớn của Đảng ta: "Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đa dạng, nhiều chiều, kịp thời, chân thực và bổ ích". Đường lối, chủ trương này của Đảng đã được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật. Điều 69 Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta đã khẳng định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Trải qua hơn mười năm, trong điều kiện đất nước, xã hội có nhiều thay đổi nhưng quyền được thông tin tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp...". Quyền tiếp cận thông tin của công dân là quyền hiến định, được pháp luật ghi nhận đầy đủ và rõ ràng.
Ngoài Hiến pháp là đạo luật gốc, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, nhiều văn bản luật đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân như Luật Khiếu nại tố cáo (cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó), Luật Đất đai (cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương tại trụ sở cơ quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng), Luật Phòng, chống tham nhũng... hay Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó... Từ đó cho thấy, quyền được tiếp nhận thông tin được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Tuy nhiên, nhìn chung việc cá nhân, công dân trực tiếp thực hiện quyền được tiếp cận thông tin đối với cơ quan nhà nước là tương đối khó khăn và không thuận tiện. Khó khăn cho cả cá nhân, công dân đó mà còn khó khăn cho cả phía cơ quan nhà nước. Về phía cá nhân, trừ những trường hợp đặc biệt (khiếu nại tố cáo), còn lại cá nhân khó có thể tự mình để tiếp cận thông tin, những khó khăn có thể kể đến như khoảng cách về không gian, thủ tục hành chính... Về phía các cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước phải bố trí một bộ phận để cung cấp thông tin cho người dân trong khi chúng ta đang xây dựng bộ máy tinh giản, gọn nhẹ là không khả thi. Hơn nữa, việc tiếp nhận và truyền tải thông tin của người dân có thể không chính xác (trong trường hợp người dân truyền đạt lại cho nhau). Vì những lý do đó cho thấy việc sử dụng báo chí để thực hiện quyền tiếp nhận thông tin của nhân dân là vô cùng quan trọng. Giúp cho người dân cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin từ phía các cơ quan nhà nước. Đồng thời, người dân có thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc tới các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Trong xã hội hiện đại, với xu thế hội nhập, bùng nổ thông tin như hiện nay thì vai trò của báo chí ngày càng quan trọng. Báo chí có vai trò là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin của mình.
Trong hoạt động báo chí, phạm vi hành nghề của các cơ quan báo chí phải tuân thủ các quy định của Luật Báo chí. Luật Báo chí hiện hành quy định rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí, đồng thời quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Điều 1 Luật Báo chí khẳng định vai trò của cơ quan báo chí: Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Từ quy định này có thể hiểu vai trò cơ quan báo chí là cầu nối, kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và nhân dân. Qua báo chí, người dân tiếp cận các thông tin từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ, chính xác, công khai. Cơ quan báo chí là cơ quan đặc thù, vừa thực hiện việc tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin và là nơi trao đổi thông tin. Cơ quan báo chí thực hiện việc tiếp nhận thông tin từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cung cấp thông tin này cho người dân. Đồng thời, cơ quan báo chí thu nhận thông tin từ người dân, xác minh và chuyển tới cơ quan nhà nước. Điều này đòi hỏi quyền được tiếp cận thông tin của báo chí phải được thực hiện triệt để, báo chí phải được tiếp cận với những thông tin chính thống, chính xác và kịp thời để cung cấp cho nhân dân. Để làm được điều đó, pháp luật phải trao cho cơ quan báo chí những đặc quyền nhất định để thực hiện chức năng thông tin của mình.
Luật Báo chí hiện hành (Điều 7) quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Điều này cho cho chúng ta thấy, các cơ quan báo chí cũng được Luật Báo chí trao cho những quyền đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ của mình đó là quyền được tiếp cận với những thông tin. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ). Quyết định này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho cơ quan báo chí, tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, đinh hướng dư luận xã hội.
Nhìn chung, quyền tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí đã được quy định tương đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhà báo, của cơ quan báo chí trên thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thông tin quan trọng trong đời sống xã hội cơ quan báo chí cũng khó có thể tiếp cận một cách kịp thời để tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân.
2. Khó khăn, vướng mắc
Mặc dù quyền được tiếp cận thông tin đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta nhưng trên thực tế vẫn chưa có cơ sở để thực hiện những quyền này. Pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, nghĩa vụ trả lời báo chí của người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân. Tuy nhiên, những quy định này chưa có chế tài để bảo đảm thực hiện, dẫn tới tình trạng cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội chưa thực sự hợp tác và chưa coi việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí là trách nhiệm phải thực hiện của mình, từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không kịp thời. Việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin trong một số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng vị trí đặc quyền trong tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội (như trong trường hợp quy hoạch đô thị, giải phóng mặt bằng...). Việc thiếu minh bạch, công khai của các cơ quan nhà nước đã phần nào làm hạn chế sự tham gia của công dân, tổ chức vào hoạt động quản lý nhà nước với vai trò là người giám sát, phản biện. Điều này cũng dẫn tới những trường hợp giấu thông tin, từ chối cung cấp thông cho người dân, cho báo chí để trốn tránh trách nhiệm.
Pháp luật hiện hành (Điều 7, 8, 9 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28/10/1991) quy định về thông tin thuộc bí mật nhà nước ở các cấp độ mật, tuyệt mật, tối mật. Tuy nhiên, trên thực tế việc lạm dụng dấu "mật", "tuyệt mật" của các cơ quan nhà nước vẫn là một khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của nhân dân và cả cơ quan báo chí. Do vậy, vần có những giải pháp để kiểm soát tình trạng này.
Trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí được trú trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế người phát ngôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn có nhiều khó khăn trên thực tiễn. Người phát ngôn của các cơ quan tổ chức đa phần là kiêm nhiệm, thậm chí có cơ quan chưa có người phát ngôn, do đó khi báo chí yêu cầu cơ quan cung cấp thông tin thì người phát ngôn bận, hoặc chưa có người phát ngôn thì đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân nên báo chí không tiếp cận được với nguồn tin hoặc tiếp cận không kịp thời.
Đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp: Trước tiên, về đạo đức công vụ, trách nhiệm của công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức. Vì chưa có những chế tài pháp lý ràng buộc trách nhiệm cho nên trong một số trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và người đứng đầu chưa thật sự coi đây là nhiệm vụ của mình và hợp tác với cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, việc "né" cung cấp thông tin cho báo chí vẫn là tình trạng xảy ra trên thực tiễn.
Về đạo đức, năng lực và kỹ năng của người làm báo: Thực hiện quyền tiếp cận thông và chức năng thông tin tuyên truyền có hiệu quả hay không cũng phụ thuộc vào năng lực và kỹ năng của người làm báo, để thực hiện quyền được tiếp cận thông tin đã quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, có những nhà báo, cán bộ của cơ quan báo chí chưa có kỹ năng nghiệp vụ để nắm bắt và khai thác, yêu cầu cung cấp thông tin, do đó chưa khai thác được những thông tin cần thiết, kịp thời để cung cấp cho nhân dân.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin
Nhà nước ta phải sớm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này. Pháp luật hiện hành đã quy định quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, quyền tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí nhưng chưa có chế tài để bảo đảm thực hiện. Do đó, quyền được tiếp cận thông tin chưa trở thành quyền trên thực tiễn. Do vậy việc sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Luật Tiếp cận thông tin ra đời sẽ lấp đi khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí và nhân dân thực hiện quyền này của mình. Luật là cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh. Có Luật Tiếp cận thông tin sẽ tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân vào quá trình quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc ban hành luật sẽ góp phần minh bạch, công khai hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần làm giảm tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Mặt khác, khi nắm được thông tin, người dân sẽ chủ động tham gia, góp ý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề của đất nước, từ đó sẽ phát huy được sức mạnh, trí tuệ của toàn dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời cũng sẽ làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường dân chủ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Báo chí là cơ quan thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời báo chí là cầu nối, là diễn đàn trao đổi của nhân dân, do vậy Luật Tiếp cận thông tin cũng cần phải trú trọng đến vai trò của cơ quan báo chí, coi báo chí là một kênh để thực hiện Luật.
Về vai trò của cơ quan báo chí, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Báo chí. Dự thảo Luật Báo chí hiện hành đã quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mặc dù dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có cả một chương quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà báo nhưng nhiệm vụ, chức năng của cơ quan báo chí dường như chưa thực sự tương xứng với quyền hạn của nhà báo, chưa có chế tài để răn đe những hành vi cản trở nhà báo trong quá trình thực thi công vụ. Do vậy, Luật Báo chí sau khi được sửa đổi cần tạo hành lang pháp lý tốt hơn để bảo vệ các nhà báo. Từ đó, tạo điều kiện để nàh báo, cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của nhân dân.
Thứ hai, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và đạo đức nghề nghiệp, năng lực, kỹ năng cho nhà báo, cán bộ làm công tác trong các cơ quan báo chí. Trước tiên, cần giáo dục, tuyên truyền và có những biện pháp để nâng cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho nhân dân, có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Cán bộ, công chức, viên chức phải xác định đây là nhiệm vụ của mình và thực hiện một cách nghiêm túc.
Về phía nhà báo và cán bộ các cơ quan báo chí, cần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ của các nhà báo. Các nhà báo, người của cơ quan báo chí phải có kiến thức, có kỹ năng để yêu cầu người có thẩm quyền, cơ quan chức năng trả lời những câu hỏi, những vấn đề mà xã hội quan tâm. Việc tìm đúng người, trúng vấn đề xã hội quan tâm, tránh tình trạng nhà báo lúng túng, không xác định được trọng tâm vấn đề mình cần hỏi và không xác định được thẩm quyền của cá nhân, tổ chức để giải đáp cho câu hỏi của mình. Điều này không những làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc truyền tải thông tin chính xác, kịp thời cho người dân, ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận thông tin của nhân dân.
Vinh Nguyễn