Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”. Vì vậy, năm 2015, các bộ luật, luật tố tụng đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó đã bổ sung nhiều nội dung mới về trình tự, thủ tục giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Hoạt động xét xử của Tòa án là nhân danh quyền lực Nhà nước và “Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan tổ chưc cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[1].
Theo nguyên tắc “chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”[2] , một vụ việc sau khi được Tòa án giải quyết cấp sơ thẩm nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực thi hành; nếu có kháng cáo, kháng nghị thì bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh đa số bản án xét xử nghiêm minh đúng pháp luật, vẫn còn một số bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai sót như: Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, áp dụng không đúng pháp luật gây thiệt hại đến quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; còn có bản án xử oan đối với người vô tội, bỏ lọt tội phạm; bên cạnh đó, vẫn có những tình tiết quan trọng nhưng khi xét xử người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không biết nên giải quyết không đúng bản chất sự việc. Vì vậy, để kịp thời khắc phục những sai sót trong công tác xét xử, bảo đảm mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực đều nghiêm minh, đúng pháp luật thì phải chú trọng công tác kiểm tra và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm.
1. Thực trạng thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo giám sát của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác trong hệ thống Tòa án luôn tích cực thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự, hành chính, giải quyết các vụ việc dân sự, nâng cao hiệu quả các mặt công tác khác; xây dựng hệ thống các Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp phải tích cực thực hiện nhiệm vụ phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu quy của Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo, nhất là chỉ đạo khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm. Cụ thể kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong các năm gần đây như sau:
1.1. Kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2013
Trong năm 2013 (từ 01/10/2012 đến 30/9/2013), các Tòa án đã thụ lý mới 6.326 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 204 đơn/vụ so với cùng kỳ năm trước), cùng với 5.430 đơn/vụ còn lại của kỳ trước thì tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải giải quyết là 11.756 đơn/vụ. Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết được 7.438 đơn/vụ (bằng 63,3%), tăng hơn cùng kỳ năm trước 1.360 đơn/vụ (bằng 5,3%), vượt 3,3% so với yêu cầu mà Nghị quyết số 37/2012/QH13 đã đề ra (Tòa án nhân dân tối cao giải quyết 5.957/10.086 đơn/vụ, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết 1.481/1.670 đơn/vụ); trong đó, trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 6.669 vụ, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 769 vụ; số đơn còn lại là 4.318 đơn/vụ đều còn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định. Trường hợp đã trả lời không có căn cứ để kháng nghị nhưng sau đó Chánh án Toà án nhân dân tối cao lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm tuy vẫn còn (08 trường hợp) nhưng đã giảm so với cùng kỳ năm 2012 (giảm 10 trường hợp).
1.2. Kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2014
Trong năm 2014, các Tòa án đã thụ lý mới 7.608 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 1.282 đơn/vụ so với cùng kỳ năm trước), cùng với 4.318 đơn/vụ còn lại của năm trước chuyển sang, thì tổng số đơn đề nghị giám đốc, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải giải quyết là 11.926 đơn/vụ. Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết được 7.161 đơn/vụ, bằng 60.05% (Tòa án nhân dân tối cao giải quyết 5.254/9827 đơn/vụ; các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết được 1.907/2.099 đơn/vụ); trong đó trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 6.061 vụ (chiếm 84.6%), kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.100 vụ (chiếm 15.4%).
Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các Tòa án đã chú trọng làm tốt công tác rà soát, phân loại để tập trung xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật (số đơn còn lại là 4.765 đơn/vụ đều còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định). Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100 % kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận; trong năm 2013, chỉ có 09 trường hợp các Tòa chuyên trách đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm (bằng 0,15%).
Thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi tới các cơ quan trung ương; thụ lý xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội; đồng thời, không bỏ lọt tội phạm. Trong số 102 trường hợp nêu trên, đã xem xét giải quyết 55 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 52 trường hợp trả lời đơn không có căn cứ kháng nghị). Tuy nhiên, đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 03 trường hợp do vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Số còn lại 47 đơn, qua rà soát lại, chỉ còn 13 trường hợp kêu oan, 34 đơn đề kêu oan nhưng hầu hết nội dung đề nghị chỉ là xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại phần trách nhiệm dân sự…
1.3. Kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2015
Các Tòa án đã thụ lý mới 4.970 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (giảm 2.638 đơn/vụ so với cùng kỳ năm trước), cùng với 4.765 đơn/vụ còn lại của năm 2014 chuyển sang, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải giải quyết là 9.735 đơn/vụ. Các Tòa án đã giải quyết được 4.952 đơn/vụ, bằng 50,9% (Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 3.108 đơn/vụ, các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết được 663 đơn/vụ[3], các Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết được 1.181 đơn/vụ); trong đó, trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 4.201 đơn/vụ, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 742 đơn/vụ.
Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các Tòa án đã chú trọng làm tốt công tác rà soát, phân loại để tập trung xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật (số đơn còn lại là 4.783 đơn/vụ đều còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định). Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận[4].
1.4. Kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2016 (từ 01/10/2015 đến 30/9/2016)
Các Tòa án đã thụ lý mới 7.024 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cùng với 5.770 đơn/vụ còn lại của năm 2015 chuyển sang, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải giải quyết là 12.794 đơn/vụ; đã giải quyết được 3.660 đơn/vụ, bằng 30,4% (trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 3.142 vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 462 vụ). Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật[5].
2. Đánh giá về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cao trong những năm qua
2.1. Những kết quả đạt được
a. Tòa án nhân dân đã đổi mới việc tiếp nhận và thụ lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đều có thể gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thuận lợi, dễ dàng; quản lý chặt chẽ số đơn phải giải quyết, đã giải quyết, chưa giải quyết
- Để quy định rõ ràng, công khai về nội dung và thủ tục gửi đơn, trách nhiệm nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì soạn thảo và phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC- VKSNDTC ngày 15/10/2013 về hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm... trong tố tụng dân sự.
- Chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thực hiện cải cách hành chính tư pháp, thành lập tổ tiếp nhận và xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, kiện toàn phòng tiếp dân của Tòa án nhân dân tối cao, nâng cao trách nhiệm tiếp dân của Tòa án nhân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân đều có thể gửi đơn đề nghị, văn bản đề nghị và Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao quản lý chặt chẽ đơn giám đốc thẩm và tái thẩm[6].
b. So với trước đây, tiến độ giải quyết nhanh hơn, số lượng giải quyết được nhiều hơn, không để xảy ra trường hợp đơn tồn đọng hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Hằng năm, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đều xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm là nhiệm vụ rất quan trọng, quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 37/2012/QH13. Tập trung khắc phục khó khăn, cải tiến phương pháp giải quyết, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao trách nhiệm của thẩm tra viên, thẩm phán kể cả làm việc ngoài giờ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, hạn chế thiếu sót. Trên cơ sở đó, số đơn giải quyết của năm 2013, 2014, 2015, 6 tháng đầu năm 2016 đều đạt chỉ tiêu, không có đơn để tồn đọng hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm[7].
c. Chất lượng giải quyết được nâng lên
Bên cạnh việc tập trung đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên chỉ đạo đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, đề xuất giải quyết của thẩm tra viên, thẩm phán để giúp Chánh án nâng cao chất lượng giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Công văn số 68/TANDTC- TK ngày 19/4/2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo thành lập các “Tổ thẩm phán” giúp Chánh án xem xét, giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao, nhằm cải cách, rút ngắn quy trình đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì vậy, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được nâng lên, các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là những quyết định rất cần thiết và kịp thời, nhiều quyết định giám đốc thẩm chọn làm án lệ, số vụ việc trả lời không kháng nghị sau đó lại kháng nghị ngày càng giảm.
d. Thông qua giải quyết đơn, phát hiện những hạn chế xét xử để rút kinh nghiệm, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, đề ra giải pháp khắc phục thiếu sót nâng cao chất lượng xét xử.
Trên cơ sở kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, các Tòa án có bản án, quyết định bị kháng nghị, bị hủy đều tổ chức hợp kiểm điểm tìm ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của thẩm phán, Hội đồng xét xử để xảy ra những bản án, quyết định bị hủy, bị sửa, đề ra giải pháp khắc phục và phổ biến rút kinh nghiệm chung, cho nên những năm qua, chất lượng xét xử của các Tòa án nhân dân được nâng lên, số bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, bị sửa hằng năm đều giảm.
2.2. Những tồn tại, thiếu sót
- Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù nhiều năm đạt và có năm vượt chỉ tiêu, nhưng nói chung vẫn còn chậm, năm 2016 đạt tỷ lệ thấp.
- Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong một số trường hợp chưa tốt, vẫn còn có trường hợp đã trả lời đơn là không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
2.3. Nguyên nhân của những thiếu sót
a. Nguyên nhân khách quan
- Triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các Tòa án nhân dân cấp cao được thành lập mới, có nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét, giải quyết phần lớn số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân, tuy nhiên số lượng thẩm phán, thẩm tra viên để bố trí cho các Tòa án nhân dân cấp cao còn thiếu nhiều so với nhu cầu công việc (do yêu cầu của việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về không tăng tổng số biên chế hiện có). Đây là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân nói chung và các Tòa án nhân dân cấp cao nói riêng đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu đặt ra.
- Do số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải giải quyết, xét xử trong những năm gần đây gia tăng về số lượng, tính chất ngày càng phức tạp dẫn đến việc gia tăng về số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.
- Do một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ hoặc có những quy định không rõ ràng thậm chí còn chồng chéo nhau mà chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, giải thích, hướng dẫn nên còn có những nhận thức khác nhau. Đồng thời, trình độ hiểu biết pháp luật của một số đương sự còn hạn chế nên nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kết luận vụ việc được giải quyết đúng pháp luật; đã đối thoại, giải thích và trả lời nhiều lần, nhưng đương sự vẫn không đồng ý, tiếp tục gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tính chất cầu may cho nên số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không giảm, có một số trường hợp đã trả lời rồi vẫn tiếp tục đề nghị.
b. Nguyên nhân chủ quan
- Đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Một số thẩm tra viên, thẩm phán làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa cao nên chất lượng và hiệu quả công tác còn có những hạn chế.
- Việc cải tiến, đề ra những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiến hành còn chậm.
- Việc kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của lãnh đạo các vụ giám đốc thẩm, các Tòa án cấp cao có lúc, có nơi chưa thường xuyên nên chưa phát hiện những yếu kém, thiếu sót trong công tác này để có biện pháp chấn chỉnh và khắc phục kịp thời. Trong một số trường hợp chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết kịp thời.
3. Giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Ngoài những kinh nghiệm giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm nêu trên, để hạn chế các nguyên nhân làm phát sinh các đơn khiếu nại và làm tốt việc giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng trong toàn ngành tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy trình cải cách thủ tục hành chính tại Tòa án nhân dân các cấp
Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 theo hướng nâng cao vai trò chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao nhằm giảm bớt số lượng các vụ án phải giám đốc thẩm, tái thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ hai, về công tác cán bộ
Tăng cường bố trí đủ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm thực tiễn cho các đơn vị chuyên trách giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để nâng cao hiệu quả công tác này. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đào tạo lại; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho thẩm phán, thẩm tra viên, cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án các cấp. Tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra công tác nghiệp vụ và việc thực hiện kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức nhằm khắc phục những sai sót nghiệp vụ, phát hiện và xử lý kịp thời cán bộ, công chức có hành vi vi phạm.
Thứ ba, xây dựng quy chuẩn về công tác tiếp công dân trong Tòa án nhân dân các cấp
Tăng cường công tác tiếp dân, gắn việc tiếp dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có các yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” có hiệu quả và phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân.
Thứ tư, hoàn thiện các giải pháp mang tính thường xuyên
Tiếp tục thực hiện quyết liệt 05 giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án và các mặt công tác khác, cụ thể là: (i) Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; (ii) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; (iii) Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; (iv) Đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp; (v) Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ cho cán bộ, công chức; vinh danh và khen thưởng kịp thời các thẩm phán, cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác. Làm tốt công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng xét xử, từng bước giảm dần số lượng đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án nhân dân nói chung và Toà án nhân dân tối cao nói riêng tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo hướng tập trung nâng cao chất lượng giải quyết, nhưng đồng thời không để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tiếp tục khắc phục tình trạng đã có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong quá trình giải quyết, các Toà án đã chú trọng công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp dân với việc xem xét, giải quyết các vụ việc của công dân theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, các Toà án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, đặc biệt là đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, các kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đó, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các sai sót về nghiệp vụ trong công tác xét xử của Toà án các cấp; các vướng mắc trong thực tiễn xét xử các loại vụ án được tập trung nghiên cứu, tổng kết để từng bước xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật theo thẩm quyền.
Ban Thanh tra, Tòa án nhân dân tối cao