Điều 124 về xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung công quỷ nhà nước quy định: “Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ Nhà nước thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hánh án cơ quan thi hành án thông báo bằng văn bản và tiến hành giao vật chứng, tài sản tạm giữ cho cơ quan tài chính cùng cấp. Đối với tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước do cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành thì chuyển cho cơ quan tài chính cấp tĩnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở.
Chi phí xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước do cơ quan nơi nhận vật chứng, tài sản tạm giữ chi trả theo quy định của pháp luật”.
Theo nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Thì tại Điều 18 về xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước quy định:
“1. Cơ quan tài chính có trách nhiệm tiếp nhận để xử lý vật chứng, tài sản bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước……
2. Cơ quan thi hành án dân sự thông báo và ấn định cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận vật chứng, tài sản thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo để tiếp nhận…
Việc chuyển vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước được thực hiện tại kho cơ quan thi hành án dân sự hoặc tại nơi đang giữ vật chứng, tài sản tạm giữ”.
Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58 nêu trên cũng chưa giải quyết triệt để vướng mắc này. Theo quy định hiện nay, chỉ có cơ quan công an, cơ quan thi hành án dân sự được phép xây dựng kho vật chứng còn phòng tài chính cùng cấp không có kho để bảo quản vật chứng, tài sản. Cho nên việc cán bộ cơ quan tài chính sau khi nhận tài sản trong thời hạn theo quy định của pháp luật (cho dù tài sản là to hay nhỏ, giá trị tài sản thấp hay cao) khi đưa về cơ quan tài chính, do không có chỗ cất giữ phải thuê kho của cơ quan thi hành án hoặc thuê kho bảo quan ở một cơ quan khác, sẽ mất chi phí bảo quản, hoặc có thể sau khi hoá giá xong trừ chi phí bảo quản ở đơn vị cho thuê và chi phí vận chuyển vật chứng tài sản, thì không còn đồng nào để sung công quỹ Nhà nước, có khi cơ quan tài chính chi quá với số tiền hoá giá tài sản đó.
Xin đơn cử một ví dụ: Tải Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2013/HSST ngày 23/8/2013 của Tòa án nhân dân huyện CL, tỉnh HT, xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thiệu phạm tội trộm cắp tài sản. Tang vật vụ án là một chiếc xe máy hãng Honda, và bị Tòa tuyên: Tịch thu hóa giá sung công quỹ Nhà nước. Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 01/10/2013, Chi cụ Thi hành án dân sự huyện CL ra Quyết định thi hành án số 30/QĐ-THADS. Ngày 10/10/2013 thông báo cho Phòng Tài chính huyện CL nhận tang vật trên để hóa giá. Ngày 30/10/2013 cán bộ Phòng Tài chính đến cơ quan thi hành án làm thủ tục nhận tài sản từ kho tang vật cơ quan thi hành án, nhưng do cơ quan tài chính kế hoạch không có kho vật chứng, vì vậy, cán bộ Phòng Tài chính đã thương lượng để gửi lại tang vật đó tại kho tang vật của cơ quan thi hành án dân sự huyện CL. Đến ngày 15/11/2013. cán bộ Phòng Tài chính xin nhận lại tài sản trên và tổ chức bán hóa giá, do chiếc xe máy bị cháy trụi chỉ còn lại gần như một đống sắt, nên chỉ bán hóa giá được 300.000 đồng (bán theo giá sắt vụn). Sau khi trừ chi phí vận chuyển vật chứng, chi phí cho hội đồng tham gia hóa giá tài sản, đã hết 300.000 đồng không còn tiền để chi trả cho việc bảo quản vật chứng (bảo quản trong thời gian từ 30/10/2013 đến 15/11/2013).
Hiện nay, tình hình tội phạm vẫn có chiều hướng tăng, tài sản tịch thu sung công ngày càng nhiều, đa dạng về chủ loại, có những tài sản rất cồng kềnh, mà kho bảo quản tại cơ quan tài chính không có. Theo chúng tôi, cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan hành chính - tư pháp, còn cơ quan tài chính là cơ quan hành chính nhà nước, nếu cơ quan tài chính nhận xong vật chứng mà chưa xử lý, thì bản án còn nằm trên giấy, chưa có giá trị thực tế; mặt khác vì lý do nào đó mà cơ quan tài chính cùng cấp để quá 10 ngày không đến nhận tài sản là vật chứng, thì hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý. Đây cũng là một trong những lý do dẫn tới án tồn đọng.
Mặt khác còn có việc tuỳ tiện hoá giá tang vật giữa cơ quan tài chính và các cơ quan liên quan trong quá trình hoá giá. Vì theo pháp luật hiện hành thì khi hoá giá không có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Viện kểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật. Để việc hoạt động trong các cơ quan tố tụng và thi hành án dân sự được trôi chảy, đúng pháp luật, tiết kiệm kinh phí xây kho cất giữ, bảo quản tang vật tại cơ quan tài chính, tránh được kinh phí thuê bảo quản vật chứng làm tiêu tốn phần nào đến ngân sách nhà nước, theo chúng tôi nên để chấp hành viên phụ trách vụ án làm Chủ tịch Hội đồng hoá giá tài sản, một đại diện Phòng Tài chính - Kế hạch làm Phó Chủ tịch Hội đồng, một đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tham gia để thực hiện việc kiểm sát tuân theo pháp luật, Thủ kho vật chứng và một thẩm tra viên cơ quan thi hành án dân sự nếu có.
Trên đây là một thực tế diễn ra, gây bức xúc cho người làm công tác thi hành án dân sự, mà pháp luật thi hành án chưa giải quyết, chúng tôi rất mong bạn đọc quan tâm, trao đổi và cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn…
Trần Thế Hùng