Tuy nhiên, tình hình tham nhũng hiện nay vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, thậm chí có tổ chức đối với một số vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng lớn, một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước. Đặc biệt hơn nhiều vụ tham nhũng đã có yếu tố nước ngoài phức tạp có chiều hướng gia tăng, thậm chí đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực[1].
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phòng, chống tham nhũng còn chưa hiệu quả, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong quá trình thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005: Quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đầy đủ; còn có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và việc răn đe đối với hành vi tham nhũng chưa thực sự mạnh mẽ…
1. Một số vướng mắc, bất cập khi thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2012)
Thứ nhất, khoản 2, Điều 1, Luật Phòng chống tham nhũng quy định chủ thể của tham nhũng là “người có chức vụ, quyền hạn” bao gồm cả “người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Nhưng trên thực tế, có những người mặc dù không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ vẫn là đối tượng cần được nghiên cứu có phải là chủ thể của tham nhũng hay không, chẳng hạn như: Người lợi dụng sự ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để thu lợi cá nhân; người tiếp tay, giúp sức người có chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, việc quy định chủ thể tham nhũng là người được giao thực hiện nhiệm vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó còn có nhiều cách hiểu khác nhau, bởi theo quy định này thì không rõ nhiệm vụ được nêu là nhiệm vụ ở trong khu vực công hay ở khu vực tư. Nếu bao gồm cả khu vực tư thì người được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể đã lợi dụng nhiệm vụ của mình để vụ lợi cũng được coi là chủ thể của tham nhũng.
Thứ hai, khoản 1, Điều 2 quy định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham những, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng”. Theo quy định này, để kết luận tài sản của một người nào đó có được do tham nhũng thì phải chứng minh được rằng người đó đã có hành vi tham nhũng. Hay nói cách khác, pháp luật hiện tại định nghĩa tài sản của người đã bị kết án về hành vi tham nhũng. Nhưng từ khi phát hiện đến tiến hành các hoạt động điều tra vụ án tham nhũng là một quá trình dài và trong thời gian đó, nghi can cũng như người thân của họ đã kịp tẩu tán tài sản. Việc tẩu tán lại vô cùng dễ dàng khi mà Nhà nước chưa thể kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Chính từ quy định bấp cập này nên muốn thu hồi tài sản thì trước hết phải xác định được người đó có hành vi tham nhũng không?
Thứ ba, Điều 29 Luật Phòng chống tham nhũng về công khai hoạt động của các cơ quan tư pháp: “Việc thụ lý, điều tra, truy tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án phải được công khai theo quy định của pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Thực tế, việc thực hiện công khai hoạt động của các cơ quan tư pháp còn lúng túng, bị động.
Thứ tư, Điều 44 về đối tượng phải kê khai tài sản. Luật mới chỉ quy định là người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, hàng năm tất cả các đối tượng phải nghiêm túc tiến hành kê khai tài sản theo quy định tại Điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng, đây là cơ sở để cơ quan, tổ chức và người dân giám sát tài sản của đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Nghĩa là, Nhà nước thực hiện quyền kiểm soát, nhằm minh bạch hóa tài sản, thu nhập của đối tượng bằng hình thức kê khai. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quy định này không hiệu quả, nhất là trong việc ngăn chặn, phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Hiệu quả thực tế của việc kê khai tài sản của các đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai là không cao, mang tính hình thức, thậm chí là thiếu trung thực. Người có nghĩa vụ kê khai có thể để cho người thân, bản thân thậm chí là cấp dưới đứng tên sơ hữu. Đặc biệt ở Việt Nam, khi thói quen sử dụng, giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, vàng thường trực và khó kiểm soát thì việc trung thực trong kê khai tài sản là khó.
Thứ năm, nếu chỉ quy định 4 khoản về các tài sản phải kê khai như Điều 45 là vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là vì liệt kê quá nhiều, thiếu là không bao quát, không thực sự phù hợp quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự (Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản).
Thứ sáu, thực tế việc công khai bản kê khai tại đơn vị nơi công tác theo quy định tại khoản 1 Điều 46a cũng chỉ mang tính hình thức, thông tin nội bộ, nên vẫn còn nhiều sự bao che, cả nể hoặc không dám đấu tranh. Việc công khai bản kê khai tài sản theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 46a cũng không hợp lý vì chỉ khi nào có các sự kiện đó mới kê khai công khai sẽ thiếu tính thời sự. Hơn nữa, việc khê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay chưa được quy định theo hướng công khai kết quả kê khai, dẫn đến việc Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, việc kiểm tra, xác minh để đảm bảo tính trung thực của kê khai còn ít.
2. Một số kiến nghị, giải pháp
Một là, cần phải nghiên cứu, quy định thêm chủ thể của hành vi tham nhũng theo hướng: “Tham nhũng là hành vi trái phải luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực thi công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại của Nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân”. Theo đó, Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm cả các chủ thể ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định về công khai, minh bạch của Luật theo hướng: Quy định rõ về nguyên tắc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; bổ sung các yêu cầu về nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; bổ sung các yêu cầu về nội dung, hình thức, thời kỳ và thời gian thực hiện công khai, minh bạch theo từng hình thức cụ thể nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân; trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh (nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật).
Luật cần mở rộng đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản nhằm góp phần hạn chế và ngăn chặn tình trạng đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản cho người thân, như: Bố, mẹ, con cái thành niên, vợ, chồng của người có chức vụ quyền hạn cũng phải kê khai tài sản. Thậm chí cả những người có liên quan (anh, chị em ruột; em rể, em dâu) của một số người giữ vị trí, chức vụ dễ có cơ hội hoặc dễ bị tham nhũng.
Liên quan đến việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, cần sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng:
- Bổ sung quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý;
- Bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ chủ động xác minh bản kê khai tài sản đối với một số đối tượng nhất định, trước mắt tập trung vào những cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, người đứng đầu cơ quan và cáp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại nơi cư trú;
- Bổ sung quy định cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn (50 triệu đồng hoặc 50 lần mức lương tối thiểu trở lên);
- Bổ sung các biện pháp ngừa tham nhũng như: Xử lý đơn tố cáo nặc danh, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt…
Ngoài ra cần sửa đổi Điều 46a theo hướng một số cá nhân có vị trí, chức vụ dễ có cơ hội tham nhũng sẽ phải kê khai và công khai thường xuyên theo định kỳ, bao gồm cả việc cung cấp thông tin cho cơ quan thông tin, báo chí.
Ba là, mở rộng chế định này theo hướng quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan khác khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; gắn giữa kết quả thực hiện giải trình với việc đánh giá tín nhiệm của các chức danh quản lý và đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua đó tăng cường tính trách nhiệm và minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua đó tăng cường tính trách nhiệm và minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công vụ.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật theo hướng: Mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và các lợp ích khác; quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà tặng; việc tiếp nhận, xử lý thông tin về việc tăng quà và nhận quà tặng; xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng; xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng.
Năm là, quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cần được sửa đổi căn bản theo hướng: Làm rõ khái niệm người đứng đầu và trách nhiệm người đứng đầu nhằm cá thể hóa trách nhiệm theo từng cấp độ quản lý khi để xảy ra vụ việc tham nhũng; quy định về việc loại trừ trách nhiệm của người đứng đầu khi đã áp dụng tất cả cá biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn theo quy định của pháp luật hoặc trong trường hợp không bắt buộc phải biết.
Sáu là, bổ sung quy định về thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu cho thanh tra và kiểm toán giống như kiểm lâm và hải quan đối với các vụ việc qua thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán.
Bảy là, hoàn thiện quy định về việc bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng (hiện tại pháp luật chưa quy định về các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin) nhằm tạo điều kiện để người dân, cán bộ, công chức, viên chức mạnh dạn tố cáo tham nhũng, đặc biệt là nâng cao hiệu quả chủ động phát hiện tham nhũng trong nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định việc miễn giảm trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm bị phát hiện nhưng đã chủ động khai báo, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục làm rõ vụ việc, hạn chế hậu quả (quy định hiện tại chưa đầy đủ).
Tám là, quy định rõ hơn về các hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như không thực hiện việc công khai, minh bạch; không trả lại quà tặng; hoặc các hành vi có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện bởi người không có chức vụ, quyền hạn.
Chín là, quy định rõ hơn về phương thức tham gia của các tổ chức xã hội, bổ sung các biện pháp bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội như quy định việc đề xuất các sáng kiến phòng, chống tham nhũng của các tổ chức xã hội; việc huy động các tổ chức xã hội trong xây dựng thể chế và đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (hợp tác công - tư) nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được thời gian qua từ một số chương trình như VACI (Sáng kiến chống tham nhũng Việt Nam) và ACD (Đối thoại về phòng chống tham nhũng).
Mười là, quy định về các nguyên tắc hợp tác, nội dung hợp tác và phương thức thực hiện giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng (trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý; chia sẻ kinh nghiệm…); quy định về cơ quan đầu mối và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, bao gồm: Thanh tra Chính phủ là đầu mối trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; Bộ Tư pháp là đầu mối trong thu hồi tài sản tham nhũng và tương trợ tư pháp dân sự; Viện Kiểm soát là đầu mối tương trợ tư pháp hình sự; Bộ Công an là đầu mối dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do vậy, đồng thời với quá trình sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành thì cần tiến hành rà soát để kịp thời kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng ngừa tham nhũng; phát hiện tham nhũng và xử lý hành vi, tài sản tham nhũng.
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005