Khoản 2 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này”. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 không quy định quyền khởi kiện vụ án dân sự, nên Viện kiểm sát nhân dân không có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Vì vậy, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình cần bỏ quyền khởi kiện của Viện kiểm sát nhân dân cho phù hợp.
Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Cơ quan dân số và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong phạm vi, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp Luật Hôn nhân và gia đình quy định”.
Theo khoản 3 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (nay là Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em), Hội Liên hiệp Phụ nữ có quyền yều cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trước đây, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Tòa án thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật là vụ án dân sự (vừa giải quyết chấm dứt quan hệ trái pháp luật, vừa giải quyết tài sản, nuôi con). Hiện nay, theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thì hủy việc kết hôn trái pháp luật là yêu cầu về hôn nhân gia đình (việc dân sự), trong khi đó, Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự lại chỉ giới hạn quyền khởi kiện “vụ án”. Sự thiếu thống nhất giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau: Cách hiểu thứ nhất, hiện nay việc hủy kết hôn trái pháp luật (mặc dù là việc dân sự) nhưng Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án vì lợi ích chung để được bảo vệ lợi ích của các chủ thể do họ “không biết” hoặc “không dám” yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; Cách hiểu thứ hai, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 chỉ quy định quyền khởi kiện vụ án nên việc dân sự không thuộc thẩm quyền của cơ quan này, mặt khác, Điều 312 của Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ đề cập về đơn yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự của mình chứ không yêu cầu khởi kiện vì lợi ích chung. Vì vậy, nếu các cơ quan, tổ chức trên khởi kiện yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện do không đúng thẩm quyền.
Theo chúng tôi, cần sửa đổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cho thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, mặt khác Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng cần điều chỉnh quyền khởi kiện vụ, việc dân sự để mở rộng phạm vi quyền khởi kiện vì lợi ích chung.
2. Quyền yêu cầu ly hôn (trong trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn)
Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, quy định: “Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp không có đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn, thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này; nếu có yêu cầu về quyền nuôi con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật này”.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định những tranh chấp về hôn nhân gia đình (tại Điều 27) và những yêu cầu về hôn nhân gia đình (Điều 28) thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 35/2010/QH10 của Quốc hội về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2010, thì những trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn nhưng không vi phạm các điều kiện kết hôn khác tính theo mốc thời gian trước ngày 03/01/1987 được công nhận là vợ chồng; từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 phải đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm và từ ngày 01/01/2001 thì không được công nhận là vợ chồng. Hiện nay, việc thụ lý giải quyết các trường hợp có đơn yêu cầu ly hôn theo mốc thời gian mà Nghị quyết 35 của Quốc hội quy định còn lúng túng, cụ thể:
Đối với trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn nhưng không vi phạm các điều kiện kết hôn khác trước ngày 03/01/1987 không có giấy chứng nhận kết hôn, nên thông thường đưa ra các chứng cứ (sổ hộ khẩu, giấy khai sinh con chung của hai người,...) hoặc có xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi cư trú thì được Tòa án thụ lý. Thực tế, có những trường hợp chuyển địa điểm cư trú hoặc Ủy ban nhân dân không xác nhận, thì rất khó khăn để được Tòa án thụ lý vụ án ly hôn.
Đối với trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn nhưng không vi phạm các điều kiện kết hôn từ ngày 01/01/2001 thì còn lúng túng, chẳng hạn: Anh Hòa và chị Thanh (cư trú tại thành phố M) chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2004 không có đăng ký kết hôn. Hai người sinh được một người con chung là cháu Tân vào năm 2006. Năm 2008, anh Hòa vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn có quen biết với chị Thoa và tháng 9/2011 đưa chị Thoa về quê (thành phố M) đăng ký kết hôn. Chị Thanh đến đánh ghen và có đơn gửi Uỷ ban nhân dân các cấp yêu cầu không được đăng ký kết hôn vì chị đang là vợ hợp pháp. Uỷ ban nhân dân tiến hành hòa giải để anh Hòa và chị Thanh giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình mới tiến hành đăng ký kết hôn với chị Thoa. Vì vậy, tháng 2/2012 anh Hòa có đơn gửi Tòa án thành phố M yêu cầu ly hôn với chị Thanh. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện vì không xuất trình được giấy đăng ký kết hôn. Anh Hòa khiếu nại theo pháp luật tố tụng dân sự về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Hiện nay, có các ý kiến khác nhau như sau: Ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn theo Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, sau đó tuyên bố không công nhận vợ chồng theo khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình; Ý kiến thứ hai cho rằng, nếu thụ lý yêu cầu ly hôn là sai vì đoạn 2 Điều 87 chỉ ghi Tòa án “thụ lý” mà không rõ thụ lý yêu cầu gì? Nếu Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn thì phải có giấy tờ chứng minh là vợ chồng, chứ không thể thụ lý tùy tiện; Ý kiến thứ ba cho rằng, phải xem xét hai trường hợp: Nếu anh Hòa chỉ yêu cầu giải quyết quan hệ nhân thân (tuyên bố chấm dứt quan hệ với chị Thanh) thì không xem xét giải quyết. Việc Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng là không cần thiết, vì thực chất họ không phải là vợ chồng thì Tòa án tuyên bố không có ý nghĩa; nếu anh Hòa yêu cầu giải quyết việc nuôi con hoặc tranh chấp tài sản chung thì xem xét giải quyết (hậu quả của việc sống chung) mà thôi.
Chúng tôi cho rằng, ý kiến thứ ba là hợp lý, vì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định không rõ ràng về điều kiện đăng ký kết hôn. Từ ngày 01/01/2001, pháp luật quy định điều kiện đăng ký kết hôn là bắt buộc nên mọi trường hợp phải tuân theo, nếu nam nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn thì phải biết, buộc phải biết về hậu quả xảy ra. Vì vậy, Tòa án không cần tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng nữa mà chỉ giải quyết hậu quả phát sinh (nuôi con, tài sản) nếu có yêu cầu. Vì vậy, theo chúng tôi, đoạn 2 Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không phù hợp với thực tế hiện nay.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (đều được sửa đổi, bổ sung năm 2010) là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình. Để sửa đổi các quy định của các luật này một cách toàn diện, cần có quá trình tập hợp, rà soát lại những quy định thiếu thống nhất, chồng chéo nhau. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung, thì Tòa án nhân dân dân tối cao có các văn bản hướng dẫn thi hành để cho các địa phương áp dụng thống nhất pháp luật.
TS. Đoàn Đức Lương