Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng theo quy định. Có nghĩa là cơ sở A không bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có thể hành vi vi phạm hành chính vẫn sẽ tiếp diễn. Bởi lẽ Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP chỉ quy định hình thức phạt chính là phạt tiền[1] và không quy định hình thức xử phạt bổ sung. Trong khi đó việc ra quyết định đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hình thức xử phạt bổ sung (vì không thể có hai hình thức xử phạt chính là phạt tiền và đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Như vậy, đương nhiên cơ sở A vẫn được “tồn tại” sau khi chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền) của cơ quan có thẩm quyền.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt chính (phạt tiền) thì cấp có thẩm quyền phải nghiên cứu áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” của cơ sở A. Có như vậy thì pháp luật mới được thực hiện nghiêm minh, hành vi vi phạm hành chính mới được chấm dứt triệt để. Theo nhóm ý kiến này thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt chính (phạt tiền) thì cấp có thẩm quyền có thể áp dụng quy định tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính để tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn[2]. Bởi lẽ hành vi vi phạm hành chính của cơ sở A đã đủ điều kiện để áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này (không tổ chức kinh doanh tại địa điểm đã được cấp phép, địa điểm kinh doanh không phù hợp với quy hoạch, có thể gây hậu quả nghiêm trọng...). Có như vậy thì mới phù hợp tình hình thực tế và tạo ra sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính nói chung và hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nói riêng.
Thiết nghĩ, các nhóm ý kiến trên đều có cơ sở về lý luận và thực tiễn, nhưng xét về mặt pháp lý, quy định hiện hành thì theo nhóm ý kiến thứ nhất là phù hợp với quy định hiện hành và tinh thần chung của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP nhất. Vì chúng ta không thể áp dụng “tùy tiện” các quy định của pháp luật để xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể đã được quy định về hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Có nghĩa là, trong trường hợp cụ thể này cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở A về hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, còn việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” là không thể thực hiện được vì tại Nghị định số185/2013/NĐ-CP không có khoản, điểm nào quy định việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điều 6 của Nghị định này. Như thế, hành vi vi phạm chắc chắn sẽ được tồn tại, mà chưa có chế tài để xử lý dứt điểm. Đây là vấn đề bất cấp, vướng mắc đang tồn tại trên thực tế, rất cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thiết nghĩ, chúng ta nên sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về việc xử lý vi phạm hành chính đối với những vụ việc tương tự như thế này, cụ thể là đối với các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ quan có thẩm quyền nên sớm nghiên cứu, quy định bổ sung thêm về hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung (ngoài hình thứ xử phạt chính) để cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng “đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” đối với các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Có như vậy thì việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được nghiêm minh, tránh hiện tượng “chịu phạt để tồn tại” và vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mà cơ quan có thẩm quyền lúng túng, chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm.
Nguyễn Xuân Viễn
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
[1] Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện”
[2] Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
“1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
2. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:
a) Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
3. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.