Thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) thời gian qua cho thấy, việc xác định tội danh giữa tội buôn lậu với một số tội danh khác vẫn tồn tại những cách hiểu khác nhau, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc quy định hành vi khách quan của tội trốn thuế tại Điều 200 Bộ luật Hình sự
Theo hướng dẫn của Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử thì khách thể của tội “trốn thuế” là xâm phạm đến chế độ quản lý thuế của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể là ngân sách nhà nước bị thiệt hại do không thu được thuế, còn khách thể của tội “buôn lậu” là xâm phạm trật tự quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý... Mặc dù, trong trường hợp này, khi nhập khẩu hàng hóa thì thủ tục kê khai hải quan là đúng quy định của pháp luật. Nhưng sau khi nhập khẩu, hàng hóa vẫn đang chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hải quan năm 2014, cơ quan thuế chưa tham gia quản lý. Việc bị cáo không tiến hành sản xuất để xuất khẩu theo quy định mà tự ý chuyển tiêu thụ nội địa, không thực hiện các thủ tục khai báo hải quan là vi phạm trình tự, thủ tục hải quan được quy định tại khoản 5 Điều 25 Văn bản hợp nhất Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan số 24/VBHN-BTC ngày 11/7/2018 và quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 21 Văn bản hợp nhất Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu số 25/VBHN-BTC ngày 06/9/2018 của Bộ Tài chính. Như vậy, hành vi của bị cáo phạm tội “buôn lậu” quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, nếu căn cứ điểm i khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự thì hành vi “sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế” sẽ bị truy cứu về tội trốn thuế. Tại điều khoản này không có quy định loại trừ “nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này” như các điểm e, g, h khoản 1 Điều này.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019, cơ quan hải quan là cơ quan quản lý thuế. Tại Điều 188 Bộ luật Hình sự không liệt kê các hành vi cụ thể xác định là hành vi buôn lậu mà quy định theo hướng bao quát “buôn bán trái pháp luật” và đối chiếu khung hình phạt thì tội buôn lậu có khung hình phạt cao hơn tội trốn thuế. Tuy nhiên, Điều 200 Bộ luật Hình sự lại quy định rõ hành vi trốn thuế, tội này có khung hình phạt nhẹ hơn.
Theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì tội nào có hành vi quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn và có khung hình phạt nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho người phạm tội. Do vậy, trường hợp đối tượng sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan phải xác định là tội trốn thuế.
Để tránh trường hợp cách hiểu, cách xác định khác nhau về việc định tội danh, tránh trùng lắp về hành vi khách quan đối với tội trốn thuế thì cơ quan chức năng có thẩm quyền nên cân nhắc sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự như sau: “Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này”.
Thứ hai, về việc quy định hành vi khách quan của tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại Điều 232 Bộ luật Hình sự
Điểm k khoản 1 và điểm n khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự quy định về hành vi cấu thành tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản như sau: “k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường”, “n) Mua bán, vận chuyển qua biên giới”.
Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định “người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa…” và tại Điều này cũng không có quy định loại trừ Điều 232 Bộ luật Hình sự như Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự, trong khi gỗ không được xác định thuộc danh mục cấm kinh doanh, cấm lưu hành mà được xác định là hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất, nhập khẩu thuộc Phụ lục I Công ước CITES theo điểm a khoản 4 Điều 3 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP[1] hoặc là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện. Do vậy, khi xác định cấu thành tội phạm tại Điều 188 Bộ luật Hình sự có thể dựa trên trị giá tang vật. Tuy nhiên, việc cấu thành tội phạm theo Điều 232 Bộ luật Hình sự lại dựa trên định lượng tang vật.
Về hành vi buôn bán trái phép qua biên giới đối với lâm sản khi số lượng tang vật đủ xác định cấu thành tội phạm quy định điểm k khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự thì đối tượng sẽ bị truy cứu sang điểm n khoản 2 Điều 232 Bộ luật này, có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự, nếu truy cứu theo tội buôn lậu thì người phạm tội chỉ chịu mức cao nhất là 03 năm. Như vậy, tội danh tại Điều 232 có khung hình phạt cao hơn Điều 188 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, hoạt động ngoại thương là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, tại điểm n khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự chỉ quy định hành vi “mua bán”, chưa thể hiện rõ có hành vi liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hay không. Trong khi đó, theo cách giải thích thuật ngữ hiện hành thì “buôn bán”[2] mới bao gồm cả hành vi xuất khẩu, nhập khẩu. Điều này gây đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng trong việc định tội danh trên thực tế.
Chính vì vậy, để tránh việc hiểu, áp dụng khác nhau thì Điều 188 Bộ luật Hình sự cần được cơ quan có thẩm cần nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng loại trừ, đó là: “Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 232 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...” và sửa điểm n khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự thành: “n) Buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới”.
ThS. Phạm Văn Bằng
Phòng Tham mưu tổng hợp, Cục Điều tra chống buôn lậu,
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan
Ảnh: internet
[1] Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
[2] Theo cách định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo về quyền lợi người tiêu dùng: “2. “Buôn bán” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông” hoặc theo cách định nghĩa tại điểm c Điều 1 Công ước CITES “Buôn bán nghĩa là xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu và nhập nội từ biển”.