Thời gian vừa qua, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp do Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra xét xử sơ thẩm (đã qua 02 lần đưa ra xét xử) đối với pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung[1]. Đây là vụ án đầu tiên bị khởi tố và đưa ra xét xử liên quan đến “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng hình sự tại Việt Nam pháp nhân là bị cáo. Nhưng cho đến nay, vụ án vẫn phải dừng lại và đợi hướng dẫn thêm từ cơ quan có thẩm quyền[2].
Xung quanh vụ án này, có nhiều quan điểm và ý kiến đưa ra, trong đó, một trong những vướng mắc được đề cập là thiếu quy định cụ thể để xác định “tương tự gây nhầm lẫn, có khả năng gây nhầm lẫn” giữa nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ với đối tượng, dấu hiệu bị xem xét, bị cáo buộc là vi phạm.
Hiện nay, cơ sở pháp lý chuyên ngành cao nhất về bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 - sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ). Đây là một lĩnh vực đặc biệt phức tạp với rất nhiều hành vi vi phạm và khó xử lý triệt để, vì nó liên quan rất lớn đến lợi ích kinh tế của các chủ thể kinh doanh và pháp luật chưa bao quát hết được các hành vi, dấu hiệu vi phạm đã phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, bình luận quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và đề xuất hoàn thiện pháp luật để xác định thế nào là “tương tự gây nhầm lẫn, có khả năng gây nhầm lẫn” về nhãn hiệu được bảo hộ với đối tượng, dấu hiệu bị xem xét, bị cáo buộc là vi phạm.
2. Nhãn hiệu hàng được bảo hộ và hành vi xâm phạm theo quy định pháp luật
Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (khoản 7 Điều 4). Các sản phẩm ở đây có thể là hữu hình hoặc vô hình nhưng đều có những hình thức đặc định, như là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của các sản phẩm được sản xuất kinh doanh… cũng được xác định trong Luật này dưới những định nghĩa chung nhất: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4). Đây là một trong những nội dung khó phân biệt trong thực tế cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì rất nhiều loại sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu “khá giống nhau” nhưng có thể hoặc không được coi là nhầm lẫn, giả dạng nhau.
Để bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, Luật Sở hữu trí tuệ cũng xác định những hành vi xâm phạm đối với quyền sở hữu nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bảo hộ như sau:
2.1. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
“a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ...”.
Căn cứ vào đặc tính nhãn hiệu của sản phẩm, có thể phân loại các dạng hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu như sau:
(i) Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi sử dụng dấu hiệu, yếu tố “trùng” với nhãn hiệu bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ bảo hộ. Hành vi vi phạm dạng này có tính chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, vì vậy, Luật không quy định điều kiện “có khả năng gây nhầm lẫn” hay không về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ đối với dạng hàng vi này.
(ii) Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi sử dụng dấu hiệu, yếu tố “trùng” với nhãn hiệu bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
(iii) Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi sử dụng dấu hiệu, yếu tố “tương tự” với nhãn hiệu bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
Đối với các dạng hành vi (ii) và hành vi (iii) nêu trên, do có mức độ vi phạm ít nghiêm trọng hơn dạng hành vi (i) nên Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện kèm theo là “nếu khi sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ” thì mới cấu thành hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
2.2. Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa
Khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”.
Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ[3] (Nghị định số 105/2006/NĐ-CP) đã giải thích: “Trường hợp sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ”.
Như vậy, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi áp dụng hơn so với Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ ở hai khía cạnh: Một là, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bao gồm cả với lĩnh vực dịch vụ; hai là, sản phẩm/dịch vụ chỉ cần đáp ứng “cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ” chứ không chỉ giới hạn là “chính mặt hàng đó”.
Từ các quy định trên, dựa trên tiêu chí về mức độ giống nhau/sự tương đồng giữa nhãn hiệu bảo hộ với dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang xem xét, có thể chia ra thành hai trường hợp bị coi là hàng hóa giả mạo như sau:
(i) Dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang được xem xét trùng hoàn toàn với nhãn hiệu bảo hộ về mặt nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện (màu sắc, bố cục…);
(ii) Dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang được xem xét khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ.
Trường hợp (i) tương đối dễ hiểu, dễ đánh giá và áp dụng so với trường hợp (ii), bởi vì, thế nào là “khó phân biệt” về tổng thể cấu tạo và cách trình bày… là các quy định mang tính định tính và tùy thuộc hiểu biết, kiến thức và thông tin có được mà mỗi người có thể có cảm nhận và nhận định khác nhau.
Tuy nhiên, Nghị định này không có sự hướng dẫn đủ chi tiết và rõ ràng hơn rằng thế nào được coi là “khó phân biệt” giữa dấu hiệu, yếu tố bị xem xét và nhãn hiệu được bảo hộ.
3. Nhận định và kiến nghị
Thứ nhất, từ các quy định và phân tích trên đây có thể coi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là một trường hợp, một dạng của hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, nhưng ở mức độ cao hơn, nghiêm trọng hơn. Theo đó, không phải tất cả các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đều có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự, thay vào đó là các biện pháp pháp lý tương ứng như hành chính, dân sự…
Thứ hai, khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017[4] quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại…”.
Trở lại với vụ án nêu trên, tác giả nhận thấy, với quy định trên, quan điểm và chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước về lĩnh vực sở hữu công nghiệp có thể và nên được hiểu là: Sẽ chỉ xử lý về hình sự đối với dạng hành vi xâm phạm nhãn hiệu ở một mức độ nghiêm trọng nhất định. Tức là, chỉ có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (hoặc giả mạo chỉ dẫn địa lý) mới có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự[5].
Giả định rằng, tất cả các tiêu chí, yếu tố khác đều được đáp ứng để cấu thành tội phạm theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì xét về mức độ tương đồng, sự giống nhau (giữa dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang được xem xét để so với nhãn hiệu bảo hộ) trong trường hợp cụ thể nào, ở mức độ như thế nào, đến giới hạn nào có thể bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trong trường hợp nào với mức độ giống nhau, tương đồng thế nào thì chỉ bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và bị xử lý hành chính theo quy định?
Thứ ba, trên nguyên tắc áp dụng pháp luật được ghi nhận tại khoản 2 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này”, chúng tôi cho rằng, trong khi đợi văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các bộ ngành liên quan), thì các quy định tương ứng, liên quan trong các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về thủ tục đăng ký xác lập quyền và trong thủ tục xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp về các thuật ngữ, khái niệm: Xâm phạm nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, có khả năng gây nhầm lẫn, khó phân biệt về tổng thể, nhãn hiệu nổi tiếng… cũng có thể và cần được các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm Tòa án) tham chiếu, tham khảo khi xem xét, giải quyết vụ việc nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu nhãn hiệu.