1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về đương nhiên xóa án tích
Thời điểm tính thời hạn xóa án tích cho người có án tích là một trong những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện rất rõ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người có án tích. Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định thời điểm tính thời hạn để xóa án tích cho người bị kết án là kể từ ngày người đó chấp hành xong toàn bộ bản án của Tòa án (bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án (bồi thương thiệt hại (nếu có), án phí…) thì mới bắt đầu được tính thời hạn để xóa án tích theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có đổi mới trong việc xác định thời điểm tính thời hạn xóa án tích. Theo đó, thời điểm tính thời hạn xóa án tích cho người bị kết án kể từ ngày người đó chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo (Điều 70). Còn đối với hình phạt bổ sung hay các quyết định khác của bản án (như vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc án phí…) thì người đó sẽ thực hiện trong thời hạn được tính để xóa án tích. Như vậy, quy định mới này của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi hơn rất nhiều đối với người bị kết án, tạo điều kiện cho họ sớm được hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hay tước một số quyền công dân, nếu thời hạn phải chấp hành một trong các hình phạt bổ sung này dài hơn thời hạn tính để xóa án tích thì thời điểm đương nhiên xóa án tích là khi chấp hành xong hình phạt bổ sung đó.
Thời hạn xóa án tích cho người có án tích của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được rút ngắn. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì thời hạn xóa án tích là 01 năm đối với người bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo; 03 năm trong trường hợp hình phạt tù đến 03 năm; 05 năm trong trường hợp phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm và 07 năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm. Nhưng hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, ngoài việc giữ nguyên thời hạn là 01 năm đối với người bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo, còn với những trường hợp khác đều rút ngắn thời hạn xóa án tích. Cụ thể, đối với trường hợp bị phạt tù đến 05 năm thì thời hạn xóa án tích là 02 năm; trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm thì thời hạn xóa án tích là 03 năm và trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình đã được giảm án thì thời hạn xóa án tích là 05 năm.
2. Quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp liên quan đến xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích
- Về thủ tục: Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp trong việc cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích. Quy định này mặc dù đặt lên vai Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp một trách nhiệm nặng nề nhưng lại bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân khi không phải làm đơn đề nghị hoặc phải nộp thêm bất kể giấy tờ gì cho cơ quan quản lý lý lịch tư pháp để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp mà chỉ cần thực hiện đầy đủ thủ tục yêu cầu cấp Phiếu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp như sau:
“1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:
a) Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
b) Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Cá nhân nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:
a) Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
b) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia”.
- Xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp, “trong trường hợp cần thiết, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp”, như vậy, trước đây Sở Tư pháp có thể căn cứ trên cơ sở giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án để cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì hiện nay phải chủ động cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cho người bị kết án khi đã đủ điều kiện và cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi người đó có yêu cầu.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân thực hiện phối hợp xác minh. Trong quá trình xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết thì xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan. Trình tự, thủ tục xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích cũng được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (Điều 25).
3. Thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp
- Về xác minh hành vi phạm tội mới: Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không có hành vi phạm tội mới theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
Để xác định một người có hành vi phạm tội mới, Sở Tư pháp căn cứ vào quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát theo quy định. Ngoài ra, để xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội mới hay không còn phải căn cứ vào một số quyết định khác của cơ quan tiến hành tố tụng, như: Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can; quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; quyết định phục hồi điều tra, phục hồi vụ án... Như vậy, trường hợp người từng bị kết án có hành vi phạm tội mới thì Sở Tư pháp cũng phải xem xét về tiến trình tố tụng của người đó để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp được chính xác, đầy đủ.
Trong khi đó, theo Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, có 03 hệ thống cơ quan điều tra, bao gồm: (i) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; (ii) Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; (iii) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, tại Điều 9 Luật này còn có 07 nhóm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, như: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Hải quan; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Cảnh sát biển; một số cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.
Do đó, nếu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/01/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Điều 25 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh thông tin đương sự có bị khởi tố hay không tại Ủy ban nhân dân cấp xã/Công an cấp xã là chưa đủ thông tin[1] vì hầu như cơ quan điều tra không gửi quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn về nơi cư trú của bị can.
Để khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên và hỗ trợ Sở Tư pháp trong việc tra cứu, xác minh hành vi phạm tội mới, tại Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ và Công an tỉnh thực hiện tra cứu, xác minh và trả kết quả cho Sở Tư pháp khi có yêu cầu, trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới (nếu đương sự có hành vi này).
Theo đó, để bảo đảm sự chính xác, khách quan, toàn diện trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện việc chuyển các hồ sơ yêu cầu cấp cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp (phần mềm “kiềng ba chân”) để Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an và Công an tỉnh tra cứu, xác minh và trả kết quả trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới.
- Về xem xét hành vi phạm tội mới trong việc xác định điều kiện đương nhiên được xóa án tích:
+ Trường hợp người bị kết án sẽ được đương nhiên xóa án tích[2] nếu:
Không có hành vi phạm tội mới trong thời gian có án tích.
Trường hợp có hành vi phạm tội khác xảy ra trước hoặc sau thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
+ Trường hợp người đang có án tích về một tội mà có hành vi phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chưa đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp với tình trạng án tích là “có án tích” đối với tội đó theo quy định.
- Về xác minh việc chấp hành xong thời gian thử thách án treo và án phạt cải tạo không giam giữ:
+ Trường hợp cá nhân đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ nhưng không có giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ: Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Hướng dẫn số 05/HD-C81-C83 ngày 20/8/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người hết thời hạn chấp hành án tại xã, phường, thị trấn trước ngày 01/7/2011, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ.
Vì vậy, Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp với Công an tỉnh/thành phố chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kịp thời cung cấp các thông tin này cho Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại địa phương theo quy định.
Ngoài ra, trường hợp sau khi xác minh tại cơ quan có liên quan như Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan thi hành án công an cấp huyện… nhưng các cơ quan này có văn bản trả lời không có thông tin, không còn lưu trữ hồ sơ. Trường hợp, hết thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015, để bảo đảm lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp này, Sở Tư pháp vẫn tiếp tục xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích khác (nộp án phí, bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung khác...). Nếu các điều kiện này bảo đảm theo quy định của pháp luật thì xác định người bị kết án đã đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
+ Trường hợp không được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ: Theo quy định tại khi hết thời gian thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ nhưng người bị kết án không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ vì không tuân thủ những điều kiện trong thời gian thi hành thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (ví dụ: Người bị kết án đi khỏi nơi cư trú không báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; không thực hiện đúng những nội dung theo quy định của pháp luật về thi hành án trong thời gian chấp hành án...). Những trường hợp này được xem là chưa chấp hành xong hình phạt án treo, án phạt cải tạo không giam giữ và không đủ điều kiện đương nhiên được xóa tích.
- Về xác minh việc thi hành nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại:
+ Trường hợp hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự: Theo khoản 1 Điều 30, điểm c khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Hết thời hiệu này, cơ quan thi hành án dân sự sẽ từ chối yêu cầu thi hành án.
Đối với trường hợp này, để tạo điều kiện cho người bị kết án có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đương nhiên được xóa án tích, Sở Tư pháp có thể hướng dẫn đương sự chủ động gặp người được thi hành án để thỏa thuận về việc thi hành án, đồng thời, có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Văn bản về việc thỏa thuận thi hành án này là một trong những căn cứ, điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
+ Việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho trẻ đến 18 tuổi hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ người bị hại (đã chết) cho tới khi qua đời: Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, trường hợp cá nhân bị kết án, có nghĩa vụ nghĩa vụ cấp dưỡng cho trẻ đến 18 tuổi hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ người bị hại (đã chết) cho tới khi qua đời có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, để thi hành nghĩa vụ này, Sở Tư pháp có thể hướng dẫn đương sự thỏa thuận với người giám hộ của trẻ hoặc cha, mẹ của người đã chết để thi hành nghĩa vụ này trong một lần hoặc thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ làm nhiều giai đoạn. Trường hợp đương sự thực hiện xong nghĩa vụ; đồng thời có xác nhận của cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành/Ủy ban nhân dân cấp xã trong văn bản thỏa thuận là một trong những điều kiện để đương nhiên được xóa án tích.
+ Trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên đới: Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ liên đới, để được coi là chấp hành xong nghĩa vụ liên đới, người thực hiện nghĩa vụ liên đới phải chấp hành xong toàn bộ nghĩa vụ hoặc chấp hành xong nghĩa vụ của mình và được bên có quyền chấp thuận và xác nhận. Việc thực hiện nghĩa vụ và sự chấp thuận đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự liên đới phải có sự xác nhận của cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành.
- Về xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đối với trường hợp chưa có thông tin về tình trạng thi hành án phí trong bản án của người bị kết án có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp:
Trường hợp người có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khẳng định đã nộp án phí nhưng đã làm mất giấy biên nhận của người thu án phí, đề nghị Sở Tư pháp có văn bản xác minh gửi cơ quan thi hành án dân sự có liên quan yêu cầu cung cấp thông tin: Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có văn bản trả lời không rõ, không có thông tin về tình trạng thi hành án phí của người bị kết án nêu trên thì Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ các điều kiện khác theo quy định.
Trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo những người bị kết án này chưa thi hành án phí thì Sở Tư pháp đề nghị những người này đến cơ quan thi hành án có liên quan yêu cầu thi hành án phí theo quy định. Căn cứ thông báo của cơ quan thi hành án về việc đã thi hành hay không tiếp nhận thi hành án phí, Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ điều kiện khác theo quy định.
- Cách tính thời hạn xóa án tích trong trường hợp có nhiều bản án, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:
+ Căn cứ khoản 2 Điều 73 Bộ luật Hình sự năm 2015, người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
+ Trường hợp người đang thi hành án tiếp tục bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật mới, trong đó, bản án mới tổng hợp hình phạt của bản án đang phải thi hành thì thời hạn xóa án tích tính từ ngày chấp hành xong hình phạt chính đã được tổng hợp. Tuy nhiên, việc xóa án tích phải thực hiện đối với từng bản án theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.
4. Một số giải pháp
Để bảo đảm thi hành những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về xóa án tích, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích trong thời gian qua, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giao hoàn toàn trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong việc theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên của người bị kết án. Do đó, để phục vụ việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như đã nêu trên, cần phải bổ sung quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự... về điều kiện đương nhiên xóa án tích của người bị kết án, đặc biệt là thông tin về hành vi phạm tội mới trong thời gian có án tích của người bị kết án. Cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định trường hợp những bản án được tuyên trước đây nhưng các cơ quan có thẩm quyền không còn lưu trữ được hồ sơ bản án, quá trình thi hành án nên không cung cấp được thông tin về án tích của người đã bị kết án thì cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp được xác nhận người đó “không có án tích” trong Phiếu lý lịch tư pháp.
Thứ hai, tăng cường công tác cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, chủ động rà soát, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm vai trò chủ động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Thứ ba, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, những nội dung mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến công tác lý lịch tư pháp, đặc biệt là nghiệp vụ xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp, áp dụng các phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, cấp Phiếu trực tuyến, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.
[1]. Do Nghị định số 111/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ban hành trước khi có Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nên nhiều nội dung, trong đó có nội dung này còn bất cập.
[2]. Việc xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích hay không còn phải xem xét các điều kiện khác như việc chấp hành xong hình phạt chính, nộp án phí, bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung khác. Việc xác minh có hay không có hành vi phạm tội mới chỉ là một trong những nội dung liên quan để xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích hay không.