Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về thực trạng xây dựng bộ máy hành chính ở nước ta hiện nay. Từ đó có những kiến kiến nghị, đề xuất về việc xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Abstract: This paper conducts study about the situation of setting up administrative apparatus in our country, and from that makes recommendations, proposals for setting up a streamlined, efficient administrative apparatus following Ho Chi Minh's thoughts.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả không chỉ được biểu hiện trong những bài nói, bài viết của Người mà còn biểu hiện ở vị trí, vai trò của Người như một kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính nhà nước. Đó là việc xây dựng thể chế tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức tác phong và lề lối làm việc, kỹ thuật hành chính và cơ chế vận hành, rèn luyện đạo đức, sửa đổi lối làm việc, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đặc tính cách mạng, nhân văn và pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy hành chính nhà nước với tư cách là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân, thực sự của dân, do dân, vì dân.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy hành chính
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ “phình đại” của bộ máy hành chính quan liêu từ rất sớm, khi bộ máy hành chính ở nước ta vẫn trong giai đoạn hình thành, bổ sung và phát triển, khi đội ngũ cán bộ vẫn còn ít về số lượng và khá tốt về đạo đức. Bác đã tiên lượng rõ cái xấu khi đang còn tốt, cái thừa khi đang còn thiếu, tìm ra cách thức ngăn chặn những căn bệnh còn trong giai đoạn manh nha, trứng nước. Tất cả đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, sự nhạy cảm chính trị, tính quyết đoán trong công tác tổ chức và tấm lòng vì dân, vì nước của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả có thể khái quát trên một số vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phải chấn chỉnh biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính từ rất sớm. Với nhãn quan chính trị sắc bén, linh hoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra các biểu hiện đi ngược lại tiêu chuẩn về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Vì thế, vào tháng 8 năm 1951, thời điểm mà bộ máy hành chính của ta nhìn chung còn nhỏ gọn, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Người đã tuyên bố chủ trương “thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”[1]. Người nói rõ việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người... Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại”[2]. Năm 1952, nói chuyện với cán bộ quân nhu, Người chính thức đưa ra khái niệm tinh giản bộ máy: “Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”[3].
Thứ hai, những chuẩn mực của một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Theo Người, trước hết đó phải là bộ máy được tổ chức theo quan điểm “thà ít mà tốt”. Xây dựng cơ cấu bộ máy hành chính ít bộ, ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, vì sao công việc bộn bề mà Chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”[4]. Người cũng chỉ đạo xây dựng Ủy ban nhân dân các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng, tường minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương..., Ủy ban có từ 5 đến 7 người”[5]. Bên cạnh đó, theo Người, tính hiệu quả của bộ máy còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho vừa có sự phân định rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý”: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”[6]. Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc.
Thứ ba, giải pháp để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Người nhấn mạnh việc “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “sửa đổi lối làm việc” trong cải cách bộ máy hành chính. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ, công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, phải làm cho đội ngũ cán bộ, công chức ý thức sâu sắc về vai trò là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[7]. Tổ chức bộ máy một cách khoa học, sử dụng nhân lực hiệu quả: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”[8]. Đặc biệt, người lãnh đạo phải biết “dụng nhân như dụng mộc”, tức là biết đặt con người vào đúng sở trường, biết kết hợp các loại cán bộ để họ bổ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, Người luôn nhấn mạnh phương châm “muốn lúa tốt phải diệt cỏ”, phải đẩy lùi căn bệnh tư túng, bè phái, địa phương chủ nghĩa, “đem người tư làm việc công”[9].
2. Thực trạng xây dựng bộ máy hành chính ở nước ta hiện nay
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính là một chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhận định rõ tính cấp thiết của công tác tinh gọn bộ máy, Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn bộ hệ thống chính trị”[10].
Hiện nay, những mục tiêu, quan điểm quan trọng về cải cách bộ máy hành chính được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai. Nhiều địa phương đã thực hiện ráo riết, quyết liệt, với sự thống nhất và đồng thuận cao, theo lộ trình từng bước, nhằm xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, các cấp chính quyền, tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lặp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý và thiếu đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, dư thừa cán bộ cũng đang làm gánh nặng cho nguồn ngân sách..., thậm chí, càng tinh giản thì bộ máy càng “phình to”. Cho đến nay, con số biên chế giảm đạt được vẫn rất khiêm tốn và chủ yếu do cán bộ nghỉ hưu trước tuổi chứ không phải do việc cơ cấu, tinh lọc lại bộ máy.
Trước kết quả đạt được và thực trạng đặt ra, để đất nước phát triển bền vững, Đảng ta xác định, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả không chỉ là vấn đề đặt ra từ thực tiễn mà nằm trong tổng hòa các mối liên kết, quan hệ từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng. Ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18-NQ/TW). Nghị quyết số 18-NQ/TW coi trọng, bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông. Kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia. Gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, người lao động[11]... Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đánh dấu sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, những bước đi rất cân nhắc, kỹ càng, tiến hành thận trọng và quyết liệt.
3. Biện pháp xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả hiện nay
Để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cần thấu triệt và thực hiện có hiệu quả một số biện pháp cơ bản sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị về sự cần thiết phải cải cách bộ máy hành chính để tạo sự thống nhất và quyết tâm hành động
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ và nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế với mục tiêu “giảm lượng, tăng chất”, “thà ít mà tốt” là nhiệm vụ rất quan trọng. Công tác vận động, tuyên truyền phải kiên trì và quyết liệt hơn nữa, khắc phục “độ vênh” giữa nhận thức và hành động. Mạnh dạn khoán quỹ lương, chọn đúng người tài thực chất, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, loại nhanh những công chức yếu kém ra khỏi các cơ quan nhà nước, sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài.
Thực hiện nhất quán nguyên tắc: Giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính. Đặc biệt, tinh giản biên chế phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chủ trương tinh giản, đồng thời, ban hành các bộ tiêu chí đánh giá cán bộ một cách cụ thể, minh bạch. Trong quá trình thực hiện phải giao quyền và có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh tình trạng cục bộ. Phải có giải pháp khắc phục triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong mỗi cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người, xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không, xác định cần bao nhiêu vị trí làm việc để từ đó sắp xếp cán bộ, công chức chính xác, hiệu quả.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, công tác cán bộ và kiên trì thực hiện đề án mô tả việc làm để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp
Khẩn trương xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá có khả năng định lượng cao và mang tính toàn diện. Bao gồm cả đánh giá trong và đánh giá ngoài, tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá, cấp trên đánh giá, cấp dưới đánh giá và quan trọng nhất là đối tượng phục vụ đánh giá. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm và mô tả công việc một cách khoa học phải tiếp tục được đẩy mạnh, tức là phải từ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xác định việc làm và từ việc làm mới “đẻ ra” số người lao động. Đề án vị trí việc làm hiện nay chính là trở lại nguyên tắc “có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm”[12] mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập.
Khi đã có kết quả đánh giá và có đề án mô tả việc làm cụ thể thì phải tuyển dụng theo vị trí việc làm, phải đánh giá theo yêu cầu đối với từng vị trí công việc để sàng lọc cán bộ. Phải làm thật nghiêm túc để cán bộ, công chức nhận ra rằng phải nỗ lực học tập và làm việc. Xây dựng cơ chế thu hút người có tài, các chuyên gia trong các ngành, các lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Kiên quyết đấu tranh với căn bệnh “dùng người nhà chứ không dùng người tài”, căn bệnh “con ông, cháu cha”, “cánh hẩu” và tệ mua quan bán tước trong công tác cán bộ.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chuẩn hóa các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế
Cấp trên phải “áp” chỉ tiêu cho người đứng đầu các cơ sở, kết quả giảm biên chế phải là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không đủ sự chính trực để vượt qua tình cảm và lợi ích cá nhân, không đủ bản lĩnh để vượt qua sức ép thì mọi quy trình đều bị bóp méo. Ngược lại, nếu người đứng đầu thực sự công tâm, khách quan và tinh tế trong xử lý công việc thì sẽ thuyết phục được mọi người, sẽ làm người đi, người ở đều “tâm phục, khẩu phục”. Tiếp tục nhân rộng các mô hình để có bước tổng kết quan trọng cho quá trình sắp xếp lại bộ máy một cách tổng thể. Ví dụ: Quyết định giải thể 03 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng như mạnh dạn tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao; Nghệ An, Đồng Tháp với mô hình bí thư kiêm trưởng thôn; Thanh Hóa, Hòa Bình ban hành khung cấp phó các phòng ban thuộc sở; Quảng Ninh với việc hợp nhất các cơ quan văn phòng giúp việc vào một văn phòng...
Mặt khác, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải chuẩn hóa, luật hóa các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức và chế độ mà người công chức được hưởng khi bị tinh giản hay nghỉ hưu trước tuổi; luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của người tuyển dụng. Tiến hành thu gọn một số đầu mối, cơ quan chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; tiến hành thử nghiệm nhất thể hóa một số chức danh của người đứng đầu. Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa một số dịch vụ công theo phương châm “việc gì người dân làm được thì Nhà nước không làm”. Nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính, xây dựng “Chính phủ điện tử”; làm tốt công tác thanh tra và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân...
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền… trong bộ máy hành chính
Nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, xuê xoa, ca tụng, lợi dụng lẫn nhau. Đẩy mạnh đấu tranh chống “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, vị kỷ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân. Loại bỏ “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ máy hành chính. Khắc phục tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc thỏa hiệp, che giấu khuyết điểm. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, phe nhóm, cục bộ địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức.
Lên án, bài trừ các luận điệu kích động, chống phá của các thế lực phản động, cho rằng: Đảng ta đưa ra vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chỉ là cách làm theo kiểu giật gấu vá vai, chưa đi vào nguyên nhân gốc của sự cồng kềnh trong bộ máy, mà thực chất là để triệt hạ nhau. Chúng vu cáo Nghị quyết số 18-NQ/TW là để cổ súy, phục vụ cho lợi ích nhóm, tạo kẽ hở để người có chức, có quyền trục lợi. Chúng loan tin rằng Nghị quyết số 18-NQ/TW không mang tính xây dựng... Đó là nhận định đầy hằn thù, hết sức sai lầm, thiển cận.
Tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ nhằm mục tiêu “giảm cơ học” để giảm chi ngân sách, mà còn để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề rất lớn, rất khó vì nó không đơn giản là công ăn việc làm của cán bộ, công chức mà là sự vận hành của cả hệ thống chính trị, không chỉ là số phận của những người công chức mà gắn theo đó là cuộc sống của gia đình, nó không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là đạo đức công vụ, sự tín nhiệm của nhân dân. Đây là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng
[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 164.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 367.
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 432.
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 146.
[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 12.
[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 219.
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 122.
[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 132.
[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 123.
[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 204.
[11]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 43, 44, 45.
[12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 181.