Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An cho biết, trợ giúp pháp lý không chỉ là một quyền cơ bản của con người mà còn là một yếu tố thiết yếu trong việc bảo đảm công lý và bình đẳng trong xã hội. Để cải thiện và nâng cao chất lượng của các dịch vụ trợ giúp pháp lý, nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế đã cùng nhau xây dựng tiêu chí và chuẩn mực đánh giá dựa trên các điều ước quốc tế. Việt Nam cũng đang học hỏi để áp dụng những kinh nghiệm quốc tế nhằm phát triển các hệ thống trợ giúp pháp lý của riêng mình, từ việc xây dựng các chính sách, quy trình cho đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo đảm quyền lợi của người dân. Trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Vụ trưởng mong muốn các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn về tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý.
Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, Hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý (phần về điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế) nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” với mục tiêu tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người nghèo và đối tượng yếu thế của các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong Dự án này, hoạt động xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý chia thành 02 phần gồm: phần 1 về điều ước quốc tế và kinh nghiệm quốc tế; phần 2 về pháp luật trong nước. Với phạm vi điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế, các đại biểu sẽ được cung cấp thông tin về các mô hình và phương pháp thực hiện để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trên toàn cầu.
Tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý là một trong những công cụ xác định các tiêu chuẩn và đánh giá tổng quát chất lượng vụ việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Theo đó, tiêu chí đánh giá bao gồm các thông tin cụ thể về tình trạng hoặc điều kiện của một đối tượng, sự kiện, hoạt động hay kết quả có liên quan đến các quy định và quá trình đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý; thể hiện và phản ánh các nguyên tắc và mối quan tâm liên quan đến chất lượng trợ giúp pháp lý. Các tiêu chí cụ thể được xây dựng trên cơ sở 03 nhóm chính gồm: (i) tiêu chí mang tính cấu trúc: các tiêu chí này thể hiện sự chấp thuận, ý định và cam kết của Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp để thực hiện trợ giúp pháp lý; (ii) tiêu chí về quy trình: các tiêu chí này đo lường nỗ lực của bên có nghĩa vụ trong việc cải thiện các kết quả về thực hiện trợ giúp pháp lý; (iii) tiêu chí kết quả đầu ra: các tiêu chí này đo lường sự thụ hưởng thực chất của một cá nhân trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại các văn kiện quốc tế hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý (như: Hướng dẫn của Liên hợp quốc về quyền được tiếp cận với công lý; Hướng dẫn về trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự; Hướng dẫn về quyền được tiếp cận với trợ giúp pháp lý trong tố tụng dân sự; Hướng dẫn về quyền được tiếp cận với trợ giúp pháp lý; Chỉ thị về trợ giúp pháp lý cho người bị tình nghi, bị cáo trong hoạt động tố tụng hình sự và người được yêu cầu trong thủ tục bắt giữ ở châu Âu năm 2016; Hướng dẫn cho các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu - EU năm 2018 về công cụ và tiêu chí đo lường chất lượng trợ giúp pháp lý; Hướng dẫn về hiệu suất và hiệu quả của các chương trình trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự và hành chính của Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu năm 2021) không chỉ xác định quyền và tiêu chuẩn cơ bản liên quan đến trợ giúp pháp lý mà còn thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện và duy trì hệ thống trợ giúp pháp lý chất lượng cao để bảo đảm công lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có khả năng chi trả. Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý tại các hướng dẫn trong các văn kiện quốc tế tập trung vào nội dung sau: (i) nguyên tắc độc lập, tự chủ và bảo mật của luật sư; (ii) lợi ích công cộng và hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước; (iii) nguyên tắc hợp tác và tin cậy lẫn nhau; (iv) công cụ đánh giá chất lượng của người thực hiện trợ giúp pháp lý; (v) tiêu chuẩn chất lượng.
Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống trợ giúp pháp lý tại Việt Nam, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của những người cần trợ giúp pháp lý và xây dựng một hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch hơn, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện: Việt Nam có thể học hỏi cách xây dựng một hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện, bao gồm các danh sách kiểm tra và hệ thống quản lý hồ sơ để bảo đảm rằng các vụ việc được xử lý theo tiêu chuẩn nhất quán và hiệu quả;
Hai là, tăng cường minh bạch và trách nhiệm: Việt Nam có thể áp dụng các chỉ số đánh giá rõ ràng về hiệu quả, hiệu suất và sự hài lòng của khách hành nhằm tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ pháp lý;
Ba là, bảo đảm tiếp cận công bằng và chi phí hợp lý: Việt Nam nên chú trọng vào việc bảo đảm trợ giúp pháp lý được cung cấp công bằng và chi phí hợp lý, đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương;
Bốn là, tăng cường phản hồi, cải tiến quy trình: Việt Nam có thể triển khai hệ thống thu thập phản hồi từ khách hàng và sử dụng thông tin này để điều chỉnh và cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu và mong đợi của khách hàng;
Năm là, thực hiện kiểm tra định kỳ và báo cáo: Việc thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ và báo cáo kết quả có thể giúp duy trì tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm rằng các dịch vụ pháp lý đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp luật và tiêu chuẩn chất lượng.
Qua Hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp thông tin rõ ràng và cụ thể về các tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý theo các điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế. Điều này giúp các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình cung cấp và giám sát trợ giúp pháp lý hiểu rõ hơn về các yêu cầu cần thiết, từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan một cách hiệu quả và công bằng.
Thùy Dung