Abstract: This article discusses how to formulate arbitration agreements in accordance with the law, helping businesses and individuals to flexibly choose the form of arbitration clause in accordance with practical conditions.
1. Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp
Đây là lựa chọn phổ biến và được các trung tâm trọng tài khuyến nghị trong điều khoản trọng tài mẫu của mình, ví dụ như: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài thương mại phía Nam (STAC) theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm này…”1.
Có thể nói, thỏa thuận trọng tài trên đã đầy đủ 02 nội dung quan trọng: Thống nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài2 và xác định được tổ chức trọng tài cụ thể. Đây là kiểu lựa chọn thuận lợi và hiệu quả nhất cho các bên trong hợp đồng, bởi vì khi đã xác định được tổ chức trọng tài cụ thể mà khi phát sinh tranh chấp thì bên khởi kiện có quyền gửi đơn kiện đến trung tâm trọng tài đã chọn mà không cần phải thỏa thuận lại hay cần sự đồng ý của bị đơn.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần cân nhắc:
Thứ nhất, việc xây dựng điều khoản trọng tài này cũng có thể rơi vào những tình huống mà pháp luật trọng tài đã dự liệu. Trường hợp “các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài cụ thể nhưng trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp”3, thực tế điều này đã xảy ra trong quá trình giải quyết bằng trọng tài và trung tâm trọng tài cũng có thể chấm dứt hoạt động trong những trường hợp luật định4. Trong trường hợp này, nếu hai bên không có sự thỏa thuận lại về tổ chức trọng tài thì Luật Trọng tài thương mại năm 2010 gọi là thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và vụ tranh chấp sẽ không được giải quyết bằng trọng tài, khi đó chỉ có thể khởi kiện ra Tòa án giải quyết5.
Thứ hai, một vấn đề cũng rất quan trọng khi xây dựng điều khoản trọng tài với việc xác định đích danh tổ chức trọng tài mà các bên cần thấy rõ để tránh tình trạng khi chưa có sự cân nhắc kỹ về trung tâm trọng tài mà mình lựa chọn, khi xảy ra tranh chấp thì phát sinh rất nhiều vấn đề thiệt hại.
Ví dụ: Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) bị trọng tài Thụy Sĩ buộc thanh toán gần nửa triệu USD cho Công ty Kyunggi Silk - Hàn Quốc trong một vụ tranh chấp kéo dài suốt 03 năm. Riêng phí trọng tài, Viseri phải trả gần 40.000 USD. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số thanh toán trên là do các bên chọn trọng tài Thụy Sĩ để giải quyết tranh chấp mà tại thời điểm ký hợp đồng, Viseri chưa lường hết mọi khó khăn. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc, mà Viseri còn không có đủ điều kiện trình bày, cung cấp chứng cứ vì không hiểu pháp luật, không thể cung cấp những gì mà trọng tài Thụy Sĩ yêu cầu khi giải quyết vụ kiện. Do đó, tùy vào thực tế doanh nghiệp và quan hệ giữa hai bên mà doanh nghiệp cần cân nhắc điều này6.
Việc xác định tổ chức trọng tài để giải quyết mà các bên đôi khi chưa có sự xem xét nghiêm túc đến điều kiện khoảng cách từ trụ sở của doanh nghiệp đến nơi tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp thì sẽ đối diện nhiều khó khăn khi tranh chấp phát sinh thực tế.
Chọn điều khoản trọng tài mẫu với việc xác định chính xác tổ chức trọng tài luôn là lựa chọn tốt, nếu như các bên đã cân nhắc đến các yếu tố liên quan. Qua đó thấy rằng, các nhà làm luật khi xây dựng khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã có xem xét phần nào các thực trạng như thực trạng nêu trên.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 trung tâm trọng tài, chủ yếu đóng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài có thể xảy ra ở phạm vi cả nước và các công ty, tập đoàn lớn có trụ sở phần lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hệ thống đối tác, khách hàng bao phủ các tỉnh, thành khác. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, những vấn đề phát sinh liên quan về chi phí, thời gian, di chuyển… của các bên là khó tránh khỏi và khó tính được bằng tiền. Những vấn đề này còn ảnh hưởng lớn đến quá trình thi hành phán quyết trọng tài, yêu cầu thi hành án. Để giải quyết vấn đề này, đã có một số trung tâm trọng tài ở một số khu vực khác như: Khu vực miền Tây Nam Bộ có Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ, khu vực miền Trung Việt Nam có Trung tâm Trọng tài thương mại Miền Trung (MCAC) đã khắc phục phần nào những vấn đề nêu trên.
Những vấn đề cần cân nhắc của hướng xây dựng điều khoản trọng tài có sự xác định tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp được trình bày trên giúp các bên có những lựa chọn phù hợp cho mình. Trong phạm vi hướng xây dựng điều khoản này thì các bên có thể tiến hành thêm bước nữa bằng cách thỏa thuận rõ thêm trong điều khoản trọng tài về địa điểm giải quyết tranh chấp7 cho phù hợp điều kiện của mình, của đối tác và có thể phù hợp cho cả các bên trong tranh chấp.
Quyền được thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp là một điều thể hiện tính linh hoạt, ưu việt của tố tụng trọng tài so với tố tụng Tòa án. “Hội đồng trọng tài căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên hoặc căn cứ vào điều kiện thuận lợi để tổ chức phiên họp xét xử, đạt hiệu quả về mặt thời gian, chi phí hợp lý cho các bên8.
Tuy nhiên, bản chất điều khoản trọng tài là thỏa thuận để giải quyết vấn đề trong tương lai, nhưng thời điểm tương lai lại khó xác định, dự kiến, nên việc xác định trước địa điểm giải quyết tranh chấp đôi khi cũng có nhiều bất cập, khi mà trụ sở các bên có sự thay đổi, những yếu tố thuận lợi cho thỏa thuận địa điểm trọng tài đã thay đổi… Hạn chế về địa điểm giải quyết tranh chấp dễ phát sinh đối với trường hợp các bên có địa chỉ ở những vùng xa xôi khác nhau.
2. Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể
Nội dung thỏa thuận trọng tài thể hiện trong hợp đồng như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài”, bảo đảm vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài (nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý9) phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.
Thỏa thuận trọng tài trên vẫn chưa đủ để khởi kiện tới một trung tâm trọng tài cụ thể, vì chưa thể hiện về hình thức trọng tài (vụ việc hay quy chế10) và tổ chức trọng tài cụ thể. Tuy nhiên, pháp luật trọng tài đã đưa ra quy định cụ thể tiếp theo để áp dụng khi phát sinh kiểu thỏa thuận trọng tài ấy: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”11.
Thực tế giải quyết trong thời gian qua là khi phát sinh tranh chấp, các bên thỏa thuận lại về việc chọn tổ chức trọng tài cụ thể. Trường hợp không thỏa thuận được tổ chức trọng tài cụ thể thì nguyên đơn có quyền chọn một trung tâm trọng tài cụ thể để đề nghị giải quyết. Việc thỏa thuận lại là bắt buộc, nhưng nguyên đơn cũng không cần phải có sự đồng ý của bị đơn mới được đưa vụ kiện ra giải quyết bằng trọng tài.
Trước thời điểm Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực, thỏa thuận trọng tài trên có nguy cơ bị tuyên là vô hiệu nếu các bên không đạt được sự thỏa thuận thống nhất về việc chọn tổ chức trọng tài, bởi vì Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi “thỏa thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thỏa thuận bổ sung”12. Nhưng từ khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực thì thỏa thuận trọng tài trên không còn vô hiệu nữa và giao quyền lựa chọn cho nguyên đơn. Đây chính là điểm thuận lợi cho nguyên đơn khi áp dụng điều khoản trọng tài này. Bởi ngay trong điều khoản hợp đồng xác định tổ chức trọng tài ngay từ đầu và những vấn đề khác trong thỏa thuận trọng tài nếu không có sự tìm hiểu, chuẩn bị sẽ tiềm ẩn nhiều bất lợi trong tương lai đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tác có trụ sở khắp cả nước. Cố định một trung tâm trọng tài trong khoảng 30 trung tâm trọng tài thương mại với phần lớn trụ sở ở 02 thành phố lớn và hệ thống đối tác rộng lớn trong một điều khoản trọng tài khuôn mẫu là sự lựa chọn không dễ và đôi khi lại là sự trói buộc cho chính các công ty, tập đoàn thương mại.
Vậy, tại sao không thể xây dựng một điều khoản trọng tài mở và hợp pháp cho chính mình? Việc xây dựng điều khoản trọng tài theo hướng: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài là một giải pháp nên được thực hiện.
3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn Tòa án để giải quyết vụ tranh chấp
Trong Hội thảo về chủ đề “Giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bằng phương thức trọng tài thương mại và hòa giải thương mại” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Trung tâm Trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (TRACENT) phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh thì có một nội dung mà bên đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rất quan tâm đó là: “Việc ngân hàng ghi tranh chấp chọn trọng tài hoặc Tòa án do nguyên đơn lựa chọn có hợp lệ hay không? Nếu ngân hàng chọn kiện ra trọng tài và sau đó hoặc cùng lúc bên vay khởi kiện ra Tòa án thì ai tiếp tục giải quyết?”13.
Có không ít tổ chức, cá nhân muốn xây dựng một điều khoản trọng tài mà không muốn định danh tổ chức trọng tài cụ thể và cũng không muốn chỉ khoanh vùng trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mà họ muốn xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp mà có thể đưa vụ tranh chấp ra trọng tài hoặc Tòa án khi phát sinh, tuỳ theo điều kiện thực tế.
Điều khoản giải quyết tranh chấp theo hướng này thì phần nội dung thỏa thuận thể hiện là: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật.
Hoặc có thể là tình huống trong điều khoản giải quyết tranh chấp của hợp đồng được các bên lựa chọn là Tòa án có thẩm quyền, nhưng sau đó các bên lập phụ lục hoặc văn bản khác có liên quan, trong đó có lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (mà không xác định thay thế điều khoản giải quyết tranh chấp theo Tòa án) hoặc có thể chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài trước trong hợp đồng, sau lại chọn Tòa án.
Hướng chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và Tòa án là mong muốn của không ít doanh nghiệp, là mối bận tâm của đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong Hội thảo trên. Điều đó, đã được pháp luật thừa nhận và có văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể như sau:
“Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:
a. Trường hợp người khởi kiện yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
b. Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu trọng tài giải quyết hay chưa.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện”14.
Như vậy, khi phát sinh tranh chấp thực tế, bên khởi kiện căn cứ vào điều kiện thuận lợi mà có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc Tòa án để gửi đơn kiện. Nếu bên khởi kiện đã yêu cầu trọng tài để giải quyết tranh chấp thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý, giải quyết. Nếu bên khởi kiện chọn Tòa án, mà trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhận đơn khởi kiện, hoặc khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định mà bên khởi kiện đổi ý, muốn chọn trọng tài giải quyết thì gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Trung tâm trọng tài thương mại. Nếu đồng thời có yêu cầu chọn trọng tài và chọn Tòa án giải quyết thì yêu cầu chọn trọng tài được ưu tiên giải quyết.
Học viện Khoa học xã hội
ThS. Nguyễn Vĩnh Phú
Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài thương mại miền Trung
1. https://stac.com.vn/dieu-khoan-trong-tai-mau/.
2. Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.
3. Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (Nghị quyết số 01/2014).
4. Tham khảo khoản 1 Điều 29 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
5. Khoản 3 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
6. Báo Saigon Giải Phóng online: https://www.sggp.org.vn/rui-ro-ky-ket-hop-dong-sai-mot-li-di-bac-ty-614796.html.
7. Khoản 8 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận.
8. Nguyễn Vinh Phú, Ưu điểm nổi bật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trong sự so sánh với Tòa án, https://mcac.vn/nghien-cu-phap-ly.
9. Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
10. Bài viết chỉ đề cập trong phạm vi trọng tài quy chế.
11. Khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
12. Khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.
13. https://tracent.com.vn/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-trong-linh-vuc-tai-chinh-ngan-hang-bang-phuong-thuc-trong-tai-thuong-mai-va-hoa-giai-thuong-mai/.
14. Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.