Vì vậy, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm phát huy hiệu quả vai trò của các tầng lớp nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự,cụ thể như: Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia v.v… là những định hướng quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, là cơ sở để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập tháng 01 năm 1997, diện tích 1.231,76 km2, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 136 xã, phường, thị trấn, 1.236 thôn, tổ dân phố; dân số khoảng 1,231 triệu người. Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng và trung du Bắc bộ, với nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, tiếp giáp sân bay quốc tế Nội Bài và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi qua. Khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn, song với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết của nhân dân và các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 19 khu công nghiệp, 06 cụm công nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp để phát triển kinh tế. Vĩnh Phúc từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách trung ương, đến năm 2019, thu ngân sách đạt và vượt mốc 35 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tám cả nước và đứng thứ tư vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Hệ thống đường đô thị đã được cứng hóa, 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia, có 02 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên) và 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) cũng hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, công tác quốc phòng – an ninh được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, đời sống vật chất văn hoá của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đã nảy sinh những vấn đề tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự như: An ninh nông thôn ở một số nơi trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp về khiếu kiện tranh chấp đất đai, một bộ phận nông dân thiếu việc làm do chưa chuyển đổi nghề vì bị thu hồi đất nông nghiệp; tình hình tội phạm, tai tệ nạn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình trên đã tác động liên quan trực tiếp đến công tác lãnh đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thực hiện Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới” và xuất phát từ tình hình thực tế tại địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 11/6/2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng mô hình “4 an toàn” trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Chỉ thị tập trung vào 6 nội dung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tạo điểm nhấn phát động xây dựng mô hình “04 an toàn” về an ninh trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường với nội dung là: An toàn về địa bàn (tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn ổn định); an toàn về người (cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và khách đến làm việc); an toàn về tài sản (chủ và khách); đặc biệt là an toàn các hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường. Đồng thời triển khai Kế hoạch số 1460/KH-CAT-PV05 ngày 01/7/2020 về xây dựng mô hình “5 tự quản” về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tập trung vào các nội dung:
(i) Tự quản về phòng, chống tội phạm (từng người dân chấp hành pháp luật, không tham gia hoạt động tội phạm; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm; đấu tranh lên án các hành vi tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động phổ biến, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết pháp luật, ngăn ngừa hành vi phạm tội của người khác; hòa giải mâu thuẫn không để phát sinh thành tội phạm; tập thể, gia đình tích cực quản lý, giáo dục, giúp đỡ hội viên, thành viên loại bỏ những thiếu sót trong giáo dục đạo đức, lối sống; nâng cao trình độ văn hóa của hội viên, thành viên).
(ii) Tự quản về phòng, chống tệ nạn xã hội (không đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc chứa bạc dưới bất cứ hình thức nào; không sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; không chứa mại dâm, môi giới mại dâm hoặc mua bán dâm. Không sản xuất, tàng trữ, mua bán, lưu hành, sử dụng các loại văn hoá phẩm có nội dung phản động, đồi trụy, kích động bạo lực; không tham gia các đạo lạ; không hoạt động, hành nghề mê tín, dị đoan).
(iii) Tự quản về bảo vệ tài sản; phòng, chống cháy nổ (mọi người nêu cao ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ an toàn tài sản của mình; tôn trọng, bảo vệ tài sản của người khác và của tập thể; vận động các hộ gia đình thực hiện tốt việc tự bảo vệ tài sản, có cửa khóa, hệ thống tường rào chắc chắn, lắp đặt các hệ thống chống trộm cắp như camera thu hình, chuông báo chống trộm; phối hợp cùng nhau để bảo vệ tài sản cũng như giải quyết khi có vụ việc xảy ra trên địa bàn; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy, nổ; không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các loại pháo, đèn trời; phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là phải thận trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong quá trình bảo quản, sử dụng các hóa chất dễ gây cháy nổ; tự giác học tập kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy; sẵn sàng tham gia chữa cháy; ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy và những hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy).
(iv) Tự quản về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị (tự giác chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động người khác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, các quy tắc khi tham gia giao thông, các quy định của pháp luật về trật tự công cộng, trật tự đô thị; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; lòng đường, lề đường và vỉa hè để phục vụ các mục đích cá nhân gây cản trở giao thông công cộng, trật tự đô thị; không tham gia các hoạt động cản trở, gây rối làm mất trật tự công cộng; Có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung; không vứt bừa bãi, đốt các loại rác, chất thải và xác động vật làm ô nhiễm môi trường; tích cực tham gia bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông, công trình công cộng.
(v) Tự quản người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư (động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người vi phạm pháp luật xóa bỏ mặc cảm; tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội, ổn định cuộc sống; nắm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lầm lỗi để tư vấn và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện giúp đỡ họ giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống; đôn đốc, nhắc nhở người lầm lỗi chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, tích cực tham gia các hoạt động chung tại cộng đồng dân cư; tham gia việc giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề và tiếp nhận, giúp đỡ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước).
Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Công an tỉnh đề ra các giải pháp chỉ đạo các đơn vị tổ chức hội nghị điểm để triển khai thực hiện và phân bổ việc giao chỉ tiêu tổ chức xây dựng mô hình mới và sơ kết đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc hàng tháng. Kết quả thực hiện như sau:
Thứ nhất: Chủ động bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, các biện pháp, kế hoạch của ngành và tình hình thực tế ở địa phương, kịp thời tham mưu Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phòng chống tội phạm.
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Công an tỉnh giao khoán chỉ tiêu tuyên truyền hàng tháng và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hai năm qua đã xây dựng 469 bài tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy v.v… phát 59.161 lượt trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, tổ chức tuyên truyền tập trung 867 buổi họp dân, tổ liên gia tự quản... để nhân dân biết, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quần chúng nhân dân đã cung cấp 4.650 nguồn tin tố giác tội phạm, giúp lực lượng Công an phát hiện bắt giữ tội phạm. Chỉ đạo lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố tổ chức tuần tra ban đêm 42.742 buổi.
Thứ ba: Coi trọng công tác xây dựng mô hình và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trên cơ sở Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 11/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, lựa chọn mô hình phù hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế làm việc và các điều kiện đảm bảo để triển khai xây dựng mô hình. Kết quả toàn tỉnh đã xây dựng được 1.076 địa bàn có mô hình “4 an toàn” trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường (trong đó: cơ quan: 257 mô hình, doanh nghiệp: 217 mô hình, bệnh viện và trạm y tế: 114 mô hình, nhà trường: 488 mô hình); xây dựng 23 địa bàn có mô hình “5 tự quản” tại khu dân cư; ngoài ra còn tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình ở các lĩnh vực như: Phòng chống ma túy: 33 địa bàn; trật tự giao thông, trật tự công cộng: 17 địa bàn; dòng họ tự quản: 13 địa bàn; tự quản trong tôn giáo: 09 địa bàn; tự quản phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội: 09 địa bàn; quản lý giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật: 18 địa bàn; Bình yên - Văn hóa: 15 địa bàn; câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật: 05 địa bàn; vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 01 địa bàn; khu dân cư tự quản về an ninh trật tự: 15 địa bàn; nhà trọ tự quản: 04 địa bàn; Công an xã thân thiện: 04 địa bàn; Cụm kiên kết đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh: 23 địa bàn. Quá trình triển khai xây dựng mô hình và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho thấy đã được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và sự hưởng ứng tham gia của nhân dân trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều nội dung được đổi mới, về hình thức phong phú hơn và bám sát tình hình thực tế, nên đã tạo khí thế mới trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ tư: Tăng cường công tác phối hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và bảo vệ an ninh trật tự. Công an tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, cơ quan, ban, ngành các cấp và lực lượng Quân đội nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ ngày 01/8/2013 giữa Bộ Công an với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về "Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nổi bật là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chỉ đạo tổ chức 239 câu lạc bộ pháp luật và phòng chống tội phạm; Hội Phụ nữ xây dựng, duy trì hoạt động 138 mô hình về quản lý giáo dục con em không phạm tội, không mắc tệ nạn xã hội, 48 câu lạc bộ "Phụ nữ nông dân với pháp luật", 25 câu lạc bộ "Phòng chống bạo lực gia đình"; Hội Cựu chiến binh xây dựng 4.068 mô hình tự quản về an ninh trật tự (mô hình “1+2” và “1+3”, có nghĩa là 1 hộ gia đình là hội viên Hội Cựu chiến binh chủ trì, phối hợp 2, 3 hộ liền kề đảm bảo an ninh trật tự); Đoàn thanh niên xây dựng các mô hình phòng ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên, phối hợp với ngành Giáo dục đào tạo và Giao thông vận tải xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở 100% các trường học; Liên đoàn lao động xây dựng các mô hình “Cơ quan an toàn”.
Thứ năm: Chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công an tỉnh đã báo cáo đề nghị và được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí xây dựng trụ sở làm việc riêng cho Công an xã, trang bị mỗi đơn vị Công an xã 01 xe máy, 01 máy phô tô, 01 bộ máy vi tính, 01 máy in, 01 tủ sắt, 02 súng bắn đạn cao su , 01 giá để hồ sơ và nhiều loại biểu mẫu công tác cho Công an xã; mỗi đồng chí Công an xã được trang bị 01 gậy điện titan, 01 khóa số 8, 01 gậy nhựa; hàng năm tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã, Bảo về dân phố, nhằm nâng cao trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
2. Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn triển khai thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là: Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chỉ đạt hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền; vai trò tham mưu, hướng dẫn, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân các cấp; sự ủng hộ tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.
Hai là: Công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nội dung tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn với đối tượng được tuyên truyền.
Ba là: Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phát hiện tố giác tội phạm, quản lý giáo dục tại gia đình, cộng đồng. Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, người được đặc xá, người hoàn thành cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Coi trọng vai trò của gia đình, nhà trường, đoàn thể quần chúng, khu dân cư, tổ dân phố trong công tác phòng, chống tội phạm.
Bốn là: Kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống tội phạm với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực tế đã chứng minh, cấp ủy, chính quyền địa phương nào luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mình thì đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, quần chúng phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tích cực tham gia lao động, sản xuất và các phong trào cách mạng, trong đó có phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Năm là: Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh; quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí, phương tiện, đảm bảo các điều kiện công tác, chiến đấu cho các lực lượng này, nhất là lực lượng Công an cơ sở từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Thường xuyên quan tâm chăm lo, xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và các lực lượng nòng cốt khác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự phát huy và đem lại hiệu quả thiết thực./.
Học viện Cảnh sát nhân dân