1. Khái quát về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết
Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depository Receip, viết tắt là NVDR) không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Từ những năm 2010 - 2012, NVDR đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) bắt đầu nghiên cứu[1]. Tuy nhiên, 10 năm sau, NVDR mới chính thức được định danh trong Luật Doanh nghiệp năm 2020. Khoản 6 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết”.
Sau đó, NVDR tiếp tục được quy định cụ thể hơn tại Điều 140 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019 (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP). Nội dung quy định như sau: “1. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là một loại chứng khoán do công ty con của Sở giao dịch chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu của công ty niêm yết, đăng ký giao dịch. 2. Người sở hữu chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. 3. Tổ chức phát hành có quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết trong trường hợp tổ chức phát hành cổ phiếu cơ sở lấy ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết nhưng không có các quyền khác về kinh tế liên quan đến cổ phiếu đó”.
Tính đến nay, khung pháp lý về NVDR ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những quy định nêu trên. Có thể thấy, sự khác biệt duy nhất giữa đầu tư vào NVDR và đầu tư vào cổ phiếu của công ty là người sở hữu NVDR không được tham gia vào việc ra quyết định của công ty như cổ đông thông thường. Với đặc thù này, NVDR giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đồng thời vẫn ngăn ngừa được nguy cơ công ty trong nước bị nhà ĐTNN thâu tóm vì nhà ĐTNN nắm giữ NVDR hoàn toàn không được can thiệp vào hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, việc nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về NVDR để đưa loại chứng khoán này vào giao dịch là một yêu cầu, nhiệm vụ rất cấp thiết trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút vốn ĐTNN giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt, bởi hầu hết các nước đều tăng cường huy động vốn nước ngoài nhằm tạo nguồn lực để khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 toàn cầu.
2. Nhận diện Tổ chức phát hành NVDR ở Việt Nam
Tổ chức phát hành NVDR là một chủ thể không thể thiếu trong quá trình phát hành và giao dịch NVDR. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định Tổ chức phát hành NVDR là công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán (Sở GDCK) mà chưa có quy định cụ thể về địa vị pháp lý của chủ thể này. Cụ thể, khoản 1 Điều 140 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019 quy định: “Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là một loại chứng khoán do công ty con của Sở giao dịch chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu của công ty niêm yết, đăng ký giao dịch”.
Trong giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, Việt Nam không có Sở GDCK quản lý chung, mà chỉ có Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh. Việc tồn tại đồng thời hai Sở GDCK đã gây ra nhiều lãng phí về nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) khi hệ thống giao dịch, hệ thống quy trình, quy chế không đồng bộ. Các thành viên thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ bị tăng chi phí lên gấp đôi vì phải trả phí kết nối và các phí dịch vụ khác với hai sở thay vì một sở[2]. Sau đó, nhằm tạo ra sự thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách quản lý và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường, bảo đảm TTCK hoạt động hiệu quả, cụ thể hóa quy định của Luật Chứng khoán năm 2019, ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở GDCK Việt Nam, (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Exchange - viết tắt là VNX), trên cơ sở sắp xếp lại Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Sở GDCK Việt Nam và 2 công ty con là Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội mới được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam[3]. Khoản 1 Điều 140 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP chỉ quy định Tổ chức phát hành NVDR là công ty con của Sở GDCK mà không có quy định cụ thể là Sở GDCK nào. Theo tác giả, với tư cách là chủ thể có thẩm quyền cao nhất trong việc tổ chức TTCK ở Việt Nam[4], Tổ chức phát hành NVDR sẽ do Sở GDCK Việt Nam thành lập và thống nhất quản lý.
3. Quyền và nghĩa vụ của Tổ chức phát hành NVDR
Hiện nay, NVDR hoặc công cụ tương tự như NVDR được áp dụng ở một số quốc gia như Hoa Kỳ[5], Ấn Độ[6] và đặc biệt là Thái Lan, quốc gia được đánh giá là rất thành công trong việc triển khai NVDR vào thực tiễn[7]. Mô hình NVDR tại Thái Lan được đánh giá là một giải pháp phù hợp với các quốc gia đang phát triển để đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì sự kiểm soát của nhà đầu tư trong nước đối với các ngành nghề kinh doanh trọng yếu và thu hút được nguồn vốn của nhà ĐTNN vào TTCK[8]. Cụ thể, sau khi NVDR chính thức ra đời ở Thái Lan vào năm 2000[9], NVDR đã có sự tăng trưởng không ngừng, được coi là giải pháp chính yếu thúc đẩy ĐTNN vào TTCK. NVDR đã góp phần cải thiện đáng kể quy mô và tính thanh khoản của TTCK Thái Lan, từ đó giúp nâng hạng TTCK Thái Lan từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và phát huy tối đa vai trò của TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Các nghiên cứu về NVDR đặt trong bối cảnh hiện tại của TTCK Việt Nam cho thấy Việt Nam nên chọn triển khai NVDR theo mô hình của Thái Lan[10]. Chính vì vậy, tác giả sẽ trên cơ sở tham khảo pháp luật Thái Lan về NVDR, đặt trong mối tương quan với pháp luật chứng khoán hiện hành của Việt Nam, từ đó, đề xuất phạm vi quyền và nghĩa vụ của Tổ chức phát hành NVDR tại Việt Nam.
3.1. Quyền của Tổ chức phát hành NVDR
Thứ nhất, Tổ chức phát hành NVDR có quyền mua cổ phiếu cơ sở của Công ty mục tiêu và phát hành NVDR tương ứng cho nhà đầu tư.
Chứng khoán làm cơ sở để phát hành NVDR là cổ phiếu phổ thông[11]. Khi nhà đầu tư có nhu cầu mua NVDR được phát hành dựa trên cổ phiếu cơ sở của một Công ty mục tiêu, nhà đầu tư sẽ tiến hành đặt lệnh mua NVDR với số lượng và mức giá cụ thể. Các thông tin này sẽ được chuyển tới Tổ chức phát hành. Theo yêu cầu của nhà đầu tư, Tổ chức phát hành thực hiện mua cổ phiếu phổ thông của Công ty mục tiêu, nắm giữ quyền sở hữu đối với số cổ phiếu này và phát hành NVDR tương ứng cho nhà đầu tư theo tỷ lệ 1:1; tức là 01 cổ phiếu phát hành được 01 NVDR. NVDR được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử và được lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Thông tin về việc sở hữu hợp pháp NVDR của nhà đầu tư được ghi nhận trên Sổ đăng ký NVDR[12]. Chứng chỉ chứng nhận quyền sở hữu NVDR sẽ được Tổ chức phát hành cấp cho nhà đầu tư khi có yêu cầu[13].
Về nguyên tắc, số lượng NVDR được phát hành cho nhà đầu tư phải tương ứng với số lượng cổ phiếu cơ sở mà Tổ chức phát hành nắm giữ tại Công ty mục tiêu. Để bảo đảm nguyên tắc này, Tổ chức phát hành có quyền phát hành thêm NVDR cho nhà đầu tư hoặc mua lại NVDR của nhà đầu tư khi xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa số cổ phiếu cơ sở mà Tổ chức phát hành đang nắm giữ và số NVDR mà nhà đầu tư đang nắm giữ.
Tổ chức phát hành NVDR là chủ thể duy nhất có quyền phát hành NVDR trên TTCK Việt Nam. Trong giai đoạn đầu triển khai NVDR ở Việt Nam, tác giả cho rằng nên giới hạn số lượng NVDR phát hành theo một tỷ lệ % nhất định tính trên tổng số cổ phiếu hiện hữu của Công ty mục tiêu. Tỷ lệ này được xác định tùy theo từng nhóm ngành, nghề kinh doanh trên cơ sở tính tới mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề. Sau đó, khi cơ chế vận hành NVDR trên TTCK đã thông suốt, ổn định, việc giới hạn số lượng NVDR phát hành có thể sẽ được bãi bỏ nhằm phát huy tối đa các ưu điểm của loại chứng khoán đặc thù này trong việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, Tổ chức phát hành NVDR có quyền tham gia Đại hội đồng cổ đông của Công ty mục tiêu và thực hiện quyền biểu quyết đối với việc hủy niêm yết của Công ty mục tiêu.
Tổ chức phát hành NVDR sở hữu số cổ phiếu phổ thông của Công ty mục tiêu tương ứng với số NVDR đã phát hành cho nhà đầu tư nên là cổ đông của Công ty mục tiêu[14]. Với tư cách là cổ đông, Tổ chức phát hành có quyền tham dự tất cả cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty mục tiêu[15]. Tuy nhiên, nếu các cổ đông khác mua cổ phiếu vì mục đích đầu tư, Tổ chức phát hành mua cổ phiếu làm cơ sở để phát hành NVDR mà không phải vì đầu tư. Vì vậy, quyền biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông của Tổ chức phát hành sẽ khác biệt với quyền biểu quyết của các cổ đông phổ thông. Cụ thể, Tổ chức phát hành không có quyền biểu quyết đối với mọi vấn đề của Công ty mục tiêu, ngoại trừ biểu quyết về việc hủy niêm yết[16].
Việc hủy niêm yết của Công ty mục tiêu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Tổ chức phát hành và đặc biệt là đối với nhà đầu tư đang nắm giữ NVDR. Vì NVDR là một loại chứng khoán niêm yết, chỉ được niêm yết khi cổ phiếu cơ sở được niêm yết. Khi cổ phiếu cơ sở bị hủy niêm yết thì NVDR cũng sẽ bị huỷ niêm yết và không được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư nắm giữ NVDR chỉ có thể bán NVDR ngoài sàn giao dịch chứng khoán. Theo quy định của Thái Lan, khi cổ phiếu của Công ty mục tiêu bị hủy niêm yết, Tổ chức phát hành bắt buộc phải mua lại toàn bộ NVDR từ nhà đầu tư[17]. Chính vì vậy, Tổ chức phát hành với tư cách là cổ đông của Công ty mục tiêu, khi nhận được thông tin về kế hoạch huỷ niêm yết của công ty này phải thông báo cho nhà đầu tư. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của nhà đầu tư, Tổ chức phát hành sẽ biểu quyết tán thánh hoặc phản đối việc huỷ niêm yết của Công ty mục tiêu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty mục tiêu[18].
Ngoại trừ biểu quyết về việc hủy niêm yết, Tổ chức phát hành không có quyền biểu quyết đối với mọi vấn đề quản trị của Công ty mục tiêu. Tuy nhiên, Tổ chức phát hành vẫn là cổ đông của Công ty mục tiêu, nắm giữ một tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết nhất định và chiếm một phần trong nhóm tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư trong nước.
Theo tác giả, để đảm bảo quyền kiểm soát của nhà đầu tư trong nước trong Công ty mục tiêu không bị giảm xuống do Tổ chức phát hành không tham gia biểu quyết, phương án hợp lý là quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ cổ phần mà Tổ chức phát hành nắm giữ sẽ được phân bổ lại cho những nhà đầu tư trong nước tương ứng với tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư đó theo cơ chế ủy quyền từ Tổ chức phát hành. Điều này có nghĩa là quyền biểu quyết của Tổ chức phát hành sẽ không được phân bổ cho các cổ đông là nhà ĐTNN trong Công ty mục tiêu. Điều này xuất phát từ bản chất của NVDR, là một giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong đó các nhà ĐTNN đầu tư vào NVDR không có quyền tham gia vào việc quản trị công ty.
3.2. Nghĩa vụ của Tổ chức phát hành NVDR
Các nghĩa vụ cơ bản của Tổ chức phát hành NVDR liên quan đến việc phát hành và giao dịch NVDR bao gồm:
Thứ nhất, Tổ chức phát hành NVDR nhận các lợi ích kinh tế phát sinh từ cổ phiếu cơ sở từ Công ty mục tiêu và chuyển giao các lợi ích kinh tế này cho nhà đầu tư NVDR.
Trong cơ chế vận hành NVDR, nhà đầu tư nắm giữ NVDR có các lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với các lợi ích kinh tế và nghĩa vụ phát sinh từ cổ phiếu cơ sở. Tuy nhiên, nhà đầu tư NVDR không trực tiếp nhận các lợi ích kinh tế này từ Công ty mục tiêu vì giữa nhà đầu tư và Công ty mục tiêu không có mối quan hệ trực tiếp. Thay vào đó, Tổ chức phát hành NVDR với tư cách là cổ đông của Công ty mục tiêu có quyền nhận mọi lợi ích kinh tế phát sinh từ số cổ phiếu cơ sở. Sau đó, Tổ chức phát hành có trách nhiệm chuyển giao các lợi ích kinh tế này cho các nhà đầu tư tương ứng với số NVDR mà nhà đầu tư đang sở hữu.
Các lợi ích kinh tế phát sinh từ cổ phiếu cơ sở bao gồm: Cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu của Công ty mục tiêu, quyền mua cổ phiếu mới hoặc các lợi ích kinh tế khác[19].
Nếu Công ty mục tiêu trả cổ tức bằng tiền mặt, Tổ chức phát hành sẽ nhận số tiền bằng với số cổ tức mà tổ chức này được hưởng với tư cách là người sở hữu số cổ phần đã đăng ký. Sau đó, Tổ chức phát hành sẽ phân bổ và chuyển giao số tiền này cho nhà đầu tư có tên trong Sổ đăng ký NVDR tương ứng với tỷ lệ số NVDR mà nhà đầu tư đang nắm giữ. Nếu Công ty mục tiêu trả cổ tức bằng cổ phiếu, Tổ chức phát hành sẽ chuyển giao lợi ích kinh tế này cho nhà đầu tư bằng cách phát hành thêm NVDR cho nhà đầu tư.
Đối với lợi ích kinh tế là quyền được mua cổ phiếu mới của Công ty mục tiêu, Tổ chức phát hành sẽ thông báo cho các nhà đầu tư về quyền được mua thêm cổ phiếu mới. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu, Tổ chức phát hành sẽ thực hiện việc mua thêm cổ phiếu mới của Công ty mục tiêu, và phát hành NVDR tương ứng cho nhà đầu tư.
Theo quy định của Thái Lan, mọi khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc chuyển giao các lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư NVDR sẽ do nhà đầu tư trả và sẽ được khấu trừ vào các khoản tiền mà Tổ chức phát hành phải thanh toán cho nhà đầu tư[20].
Thứ hai, Tổ chức phát hành NVDR có nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến NVDR.
Nhằm bảo đảm nguyên tắc hoạt động cơ bản của TTCK là công bằng, công khai, minh bạch[21], các chủ thể trên TTCK có nghĩa vụ công bố thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, Tổ chức phát hành NVDR có nghĩa vụ công bố thông tin về việc phát hành và giao dịch NVDR trên TTCK.
Hiện nay, vấn đề công bố thông tin trên TTCK được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK (Thông tư số 96/2020/TT-BTC). Tuy nhiên, Thông tư số 96/2020/TT-BTC hoàn toàn chưa có quy định nào về việc công bố thông tin về NVDR.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ cơ bản nêu trên, Tổ chức phát hành NVDR với tư cách là một công ty con của Sở GDCK Việt Nam, do Sở GDCK Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ, có chức năng chính là phát hành NVDR để bán cho các nhà đầu tư và tham gia vào quá trình giao dịch NVDR trên TTCK nên Tổ chức phát hành NVDR còn có các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, các luật về thuế, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Mai Hiền, HOSE tiên phong nghiên cứu, triển khai nhiều sản phẩm chứng khoán và nghiệp vụ mới, Tạp chí Tài chính tiền tệ online, https://thitruongtaichinhtiente.vn/hose-tien-phong-nghien-cuu-trien-khai-nhieu-san-pham-chung-khoan-va-nghiep-vu-moi-28277.html, truy cập ngày 10/05/2023.
[2]. Chính thức ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/kinh-te/chinh-thuc-ra-mat-so-giao-dich-chung-khoan-viet-nam-599412.html, truy cập ngày 10/05/2023.
[3]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Chứng khoán năm 2019.
[4]. Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
[5]. Josheph Velli, American Depositary Receipts: An Overview, Fordham International Law Jourmal, Volume 17, Issue 5, Article 6, 1993.
[6]. A. Morarji, Finanicial Innovation in Indian Capital Market, https://www.researchgate.net/publication/ 339644555_Financial_Innovation_in_Indian_Capital_Market_1, truy cập ngày 10/05/2023.
[7]. Phòng Nghiên cứu và Phát triển - Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, NVDR - Một sáng kiến thành công của TTCK Thái Lan, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nvdr-mot-sang-kien-thanh-cong-cua-ttck-thai-lan-post13037.html, truy cập ngày 10/05/2023.
[8]. Xem thêm: Tanakorn Likitapwat và William F. Johnson (2016), Market Segmentation in Developing Markets Evidence from Thai Non-Voting Depository Receipts, Journal of Applied Economic Sciences, 11, p.241 - 256.
[9]. Ngày 18/7/2000, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch chứng khoán Thái Lan (SEC) đã công bố các biện pháp quan trọng khẩn cấp, trong đó phát hành NVDR được xem là biện pháp ưu tiên để thu hút nguồn vốn của nhà ĐTNN trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan giảm sút nghiêm trọng và tình trạng thoái vốn mạnh của nhà ĐTNN trên TTCK sau tác động của khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.
Xem thêm: Bank of Thailand (2000), Annual Economic Report 2000, ISBN 974-8036-84-7, p.69.
[10]. Xem thêm: Phòng Nghiên cứu và Phát triển - Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, Sự phù hợp của NVDR tại Việt Nam, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/su-phu-hop-cua-nvdr-tai-viet-nam-post12902.html, truy cập ngày 10/05/203.
Duy Cường, Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Chọn mô hình của Thái?, https://vneconomy.vn/co-phieu-khong-quyen-bieu-quyet-chon-mo-hinh-thai.htm, truy cập ngày 10/05/2023.
[11]. Khoản 1 Điều 140 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019.
[12]. Tham khảo khoản 2, 3, 4 Điều 2 Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
[13]. Tham khảo khoản 5 Điều 2 Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
[14]. Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[15]. Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[16]. Khoản 3 Điều 140 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019.
[17]. Thai NVDR Company Limited (2020), Prospectus about issuance of non-voting depositary receipts, https://www.set.or.th/nvdr/en/info/files/Full_Prospectus_30012020.pdf, tr.23, truy cập ngày 10/05/2023.
[18]. Thai NVDR Company Limited (2020), Prospectus about issuance of non-voting depositary receipts, https://www.set.or.th/nvdr/en/info/files/Full_Prospectus_30012020.pdf, tr.17, tr.18, truy cập ngày 10/05/2023.
[19]. Khoản 1 Điều 115 Luật Chứng khoán năm 2019; khoản 3 Điều 135 Luật Chứng Khoán năm 2019.
[20]. Thai NVDR Company Limited (2020), Prospectus about issuance of non-voting depositary receipts, https://www.set.or.th/nvdr/en/info/files/Full_Prospectus_30012020.pdf, tr.19, truy cập ngày 10/05/2023.
[21]. Khoản 2 Điều 5 Luật Chứng khoán năm 2019.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)