1. Tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả nổi bật
Năm 2021 đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức thành công, cùng với 06 nhiệm vụ trọng tâm, Nghị quyết Đại hội đã xác định “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một trong ba đột phá chiến lược phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp là một trong những Bộ, Ngành đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ làm việc; năm 2021, Chính phủ cũng đã tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhiều phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật... Từ đó cho thấy, yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nói chung, đối với Bộ, Ngành Tư pháp và từng đơn vị thuộc Bộ, trong đó có Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nói riêng là hết sức cụ thể, trách nhiệm nặng nề.
Năm qua, vượt qua các khó khăn, thách thức, sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, hoàn thành vượt Kế hoạch công tác năm 2021 với những điểm nổi bật như sau:
Một là, Tạp chí đã chủ động đổi mới toàn diện trong phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đổi mới cách thức tổ chức nội dung các ấn phẩm, tổ chức xuất bản và phát hành ấn phẩm. Nhiều bài viết đăng tải trên Tạp chí đã đề cập đến vấn đề thực tiễn thực thi pháp luật một cách trực diện và đưa ra những quan điểm để bàn luận sâu rộng trong giới khoa học pháp lý, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho mọi đối tượng trong xã hội.
Hai là, số lượng ấn phẩm chuyên sâu 200 trang tiếp tục tăng với nội dung, hàm lượng khoa học ngày càng nâng cao, gắn với những vấn đề thời sự của Bộ, Ngành Tư pháp và của đất nước, phục vụ đắc lực nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, nổi bật là ấn phẩm “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng chống dịch Covid-19” được độc giả quan tâm, đánh giáo cao. Việc ra đời ấn phẩm này góp phần giúp cơ quan chức năng có thêm tài liệu tham khảo hữu ích trong việc hoàn thiện thể chế pháp lý trong phòng chống dịch Covid-19.
Ba là, Tạp chí đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và tham mưu Bộ trưởng phê duyệt Đề án “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử” với nhiều đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển. Đây là sự định vị, định hướng và giải pháp phát triển cho Tạp chí trong thời gian tới, do đó, cần triển khai bài bản, chủ động dự liệu những vấn đề thực hiện trước mắt và lâu dài để thực hiện có hiệu quả Đề án.
2. Nhận diện những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai công tác của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cụ thể như sau:
- Việc xuất bản các ấn phẩm liên kết còn hạn chế, chưa phát huy sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị ngoài ngành để nghiên cứu, xuất bản các ấn phẩm về các lĩnh vực pháp luật bao quát mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là những nội dung pháp lý “nóng” được dư luận quan tâm1.
- Chưa thực sự chủ động trong việc tham gia vào các hoạt động truyền thông của Bộ, Ngành Tư pháp, nhất là các hoạt động truyền thông mang tính định hướng, dẫn dắt trên phương diện lý luận, khoa học pháp lý.
3. Một số nhiệm vụ trọng tâm Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần thực hiện năm 2022
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, Chương trình hành động của Bộ Tư pháp triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP2, Nghị quyết số 02/NQ-CP3 của Chính phủ, tập trung thực hiện một số yêu cầu trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật4, tiếp tục đưa Tạp chí Dân chủ và Pháp luật thực sự trở thành Tạp chí chuyên ngành uy tín trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Theo đó, các nội dung đăng tải trên Tạp chí không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp mà cần mở rộng, bao trùm mọi vấn đề lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong việc xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, là cơ quan ngôn luận của Bộ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần tham gia tích cực hơn vào các hơn vào công tác truyền thông và hoạt động chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. Phát huy vai trò là diễn đàn khoa học nghiên cứu, trao đổi để phản ánh những vấn đề lý luận vào thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời tổng kết thực tiễn phục vụ nghiên cứu lý luận. Qua đó, góp phần làm sáng rõ những vấn đề pháp lý còn có ý kiến khác nhau dưới giác độ khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, nghiên cứu, phát triển, mở rộng đối tượng bạn đọc gắn với việc triển khai hiệu quả Đề án “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử”, trong đó lưu ý: (i) Đổi mới nội dung, hình thức Tạp chí theo hướng tăng cường các ấn phẩm chuyên đề, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu phát triển, hoàn thiện của cả hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; (ii) Số hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng bạn đọc dễ dàng tiếp cận, khai thác, chia sẻ thông tin; (iii) Tăng cường quảng bá, truyền thông về thương hiệu, hình ảnh của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhằm thu hút bạn đọc.
Thứ tư, tăng cường đầu tư, phối hợp, liên kết nghiên cứu, xây dựng các ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu. Trong đó, tăng cường tính dự báo, bám sát các vấn đề thời sự pháp lý và các dự án, dự thảo luật đang được soạn thảo để nghiên cứu, biên soạn các chuyên đề có tính chất bình luận khoa học, quan điểm khoa học và thực tiễn đề giải quyết những vấn đề lý luận đặt ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Trong xây dựng pháp luật, không chỉ dừng lại ở việc quan tâm phản ánh các lĩnh vực do Ngành Tư pháp phụ trách mà là tất cả các lĩnh vực pháp luật, do đó, việc ký kết, liên kết thực hiện ấn phẩm không chỉ giới hạn ở các đơn vị trực thuộc Bộ mà cần phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị ngoài Bộ Tư pháp, để góp phần phản biện chính sách, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền tải, đưa tin tức pháp luật đến người dân, tạo sự tôn trọng, thói quen thượng tôn pháp luật.
Thứ năm, xây dựng mạng lưới cộng tác viên gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực pháp luật để nghiên cứu, xuất bản các công trình nghiên cứu, bình luận chuyên sâu, có hàm lượng khoa học, thực tiễn cao. Trong đó, cần chú trọng mạng lưới cộng tác viên ở địa phương, đặc biệt là tư pháp địa phương.
Thứ sáu, phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương triển khai bài bản, hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Chú trọng truyền tải tin tức pháp luật đến người dân, góp phần hình thành thói quen, ý thức thượng tôn pháp luật, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu của Nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ bảy, năng động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác, kết hợp hoạt động chuyên môn gắn với kinh tế báo chí nhằm tạo ra nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Với những mục tiêu phát triển, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, kế thừa truyền thống của các thế hệ cán bộ đi trước, cùng với sức trẻ, nhiệt huyết của lớp cán bộ Tạp chí hiện nay, Lãnh đạo Bộ Tư pháp tin tưởng rằng, tập thể viên chức, người lao động Tạp chí sẽ tiếp tục nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trở thành tạp chí chuyên ngành uy tín về lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đóng góp tích cực vào công tác hoàn thiện thể chế - một trong ba khâu đột phá chiến lược được xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp
1. Phát huy kinh nghiệm năm 2021 về liên kết xuất bản số chuyên đề “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng chống dịch Covid-19” để mở rộng hơn nữa.
2. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
3. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
4. Theo Quyết định số 1244/QĐ-BTP ngày 09/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.