Tuy nhiên, hiện nay trong thực tiễn hoạt động truy tố và xét xử xảy ra một bất cập mà giữa hai cơ quan Viện kiểm sát và Tòa án đang có những cách hiểu và áp dụng khác nhau trong một số trường hợp liên quan đến việc tính thời hiệu cho các bị can đang bị truy nã mà họ ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Hệ quả của việc hiểu và áp dụng khác nhau này liên quan đến hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trước đó trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng về truy nã bị can, bị cáo. Những vướng mắc và nhận thức không thống nhất giữa Viện kiểm sát với Tòa án và giữa Tòa án sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đó là cách hiểu về tính có căn cứ, có hiệu lực của hoạt động truy nã bị can để từ đó xác định việc có hay không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can trong các trường hợp bị can, bị cáo bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Trước đây, tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1999 quy định về việc truy nã bị can: (i) Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can; (ii) Quyết định truy nã bị can phải ngày giờ tháng năm địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo (nếu có) tội phạm mà bị can đã bị khởi tố; (iii) Quyết định truy nã bị can được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
Hiện nay, tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về cơ bản vẫn giữ nguyên các quy định trên và có quy định bổ sung Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Như vậy, việc thực hiện hoạt động tố tụng về truy nã bị can được bắt đầu từ sau khi một người thực hiện hành vi phạm tội và bỏ trốn hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội dù không bỏ trốn nhưng cơ quan điều tra không biết người đó đang ở đâu và cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Để biết được một người sau khi phạm tội họ bỏ trốn hoặc không biết họ đang ở đâu thì bắt buộc cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động điều tra, lập các biên bản về hoạt động tố tụng, tiến hành xác minh để kết luận việc người thực hiện hành vi phạm tội họ đã bỏ trốn hoặc không biết họ đang ở đâu. Đây là một hoạt động bắt buộc còn việc tiến hành các hoạt động điều tra như thế nào để có căn cứ chứng minh là họ đã bỏ trốn thì nhất thiết phải theo một quy định về trình tự bắt buộc, phải có tính pháp lý để ra quyết định truy nã đối với bị can. Chúng tôi xin minh chứng bằng ví dụ thực tế sau đây để chúng ta hình dung:
Thực hiện kế hoạch công tác tuần tra việc tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 thuộc địa phận tỉnh HD. Tối ngày 22/5/2007 các đồng chí trong Đội cảnh sát giao thông Công an tỉnh HD đã phát hiện 05 thanh niên tổ chức đua xe trái phép, sau khi chúng thực hiện hành vi đua xe, tổ công tác đã bắt giữ và yêu cầu các đối tượng đưa xe về trụ sở cơ quan Công an tỉnh HD để làm việc, nhưng đã bị đối tượng chống đối quyết liệt và sau đó bọn chúng lên xe bỏ chạy. Hậu quả: Nhiều đồng chí trong tổ công tác bị xây sát, tổ công tác không hoàn thành nhiệm vụ. Ngày hôm sau theo cung cấp thông tin của quần chúng nhân dân về các đối tượng đua xe trái phép tối 22/5/2007 Công an tỉnh HD đã bắt giữ các đối tượng trên. Hành vi của 05 thanh niên đã bị khởi tố vụ án và khởi tố bị can về các tội “Đua xe trái phép[1]” và “Chống người thi hành công vụ”[2]. Các bị can không bị bắt tạm giam mà bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Nguyễn Văn A và Trần Văn B là 02 bị can trong vụ án đã bỏ trốn. Ngày 30/5/2007, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đối với hai bị can trên. Đến ngày 05/6/2007, Cơ quan điều tra tiếp tục xuống làm việc với địa phương và gặp gia đình hai bị can này vẫn xác định hai bị can trên không có mặt ở gia đình, địa phương xác định hai bị can này đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã lập biên bản xác minh và niêm yết quyết định truy nã hai bị can tại Ủy ban nhân dân xã nơi hai bị can cư trú.
Ngày 14/01/2008 ba trong số các bị can trên đã bị Tòa án xét xử và tuyên phạt hình phạt tù về tội “Đua xe trái phép” và tội “Chống người thi hành công vụ”. Ngày 29/10/2015, hai bị can Nguyễn Văn A và Trần Văn B đã ra đầu thú. Ngày 29/10/2015 Cơ quan điều tra đã ra quyết định phục hồi điều tra đề nghị truy tố đối với hai bị can này.
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tính có căn cứ của quyết định truy nã và có hay không áp dụng thời hiệu đối với hai bị can Nguyễn Văn A và Trần Văn B.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cả hai bị can trong vụ án này đã có hành vi phạm tội cùng với các bị cáo khác. Ba trong số năm bị cáo đã bị Tòa án xét xử và kết án, hai bị can bỏ trốn đã bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã. Tuy nhiên, theo quy định về truy nã bị can thì cả hai bị can đều không biết mình có lệnh truy nã; cơ quan điều tra không gửi quyết định truy nã cho chính quyền địa phương; không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện bắt giữ người bị truy nã. Thời gian từ khi các bị can phạm tội ngày 22/5/2007 đến ngày 22/5/2012 là 05 năm. Đến ngày 29/10/2015 các bị can mới ra đầu thú. Đối chiếu với quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) với hai bị can này đã hết. Do vậy, sau khi các bị can đầu thú thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với hai bị can này theo quy định tại khoản 5 Điều 107 và khoản 2 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của chúng tôi cho rằng: Cả hai trường hợp trên đều không được tính thời hiệu để xem xét TNHS, bởi lẽ:
Cả hai bị can đều là người đã thực hiện hành vi phạm tội với 03 bị cáo đã bị xét xử. Việc các bị can có hay không biết mình có lệnh truy nã không phải là căn cứ để có hay không tính thời hiệu truy cứu TNHS đối với họ theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999. Việc truy nã bị can hay không truy nã bị can là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là Cơ quan điều tra. Để ra quyết định truy nã cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động điều tra. Còn có hay không tính thời hiệu truy cứu TNHS thì phải thực hiện theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể là:
Thời hiệu truy cứu TNHS[3] được tính như sau: (i) Năm năm đối với các tội ít nghiêm trọng; mười năm đối với các tội nghiêm trọng; (ii) Mười lăm năm đối các với tội rất nghiêm trọng; (iii) Hai mươi năm đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định trên người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy, đối chiếu với quy định của điều luật này thì trong vụ án trên sau khi phạm tội hai bị can đã bỏ trốn khỏi địa phương, đi đâu, làm gì chính quyền địa phương và gia đình đều không rõ. Bản thân các bị cáo ý thức được sau khi phạm tội bỏ trốn là vi phạm pháp luật. Cho nên, muốn hưởng sự khoan hồng của pháp luật thì các bị can đã ra đầu thú. Tuy Cơ quan điều tra không gửi Quyết định truy nã cho chính quyền địa phương, nhưng trước khi ra quyết định truy nã Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, xác định hai bị can sau khi phạm tội đã bỏ trốn. Đồng thời với việc xác minh Cơ quan điều tra cũng đã niêm yết quyết định truy nã tại chính quyền địa phương. Như vậy, việc niêm yết quyết định truy nã tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, đây cũng là một hình thức chuyển giao quyết định truy nã bị can cho chính quyền địa phương. Cho nên trong trường hợp này được coi là quyết định truy nã đã được gửi cho chính quyền địa phương.
Còn việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo chúng tôi luật chỉ quy định quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ đối tượng truy nã. Do pháp luật không quy định cụ thể việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nào, thông báo trong phạm vi rộng hay hẹp, thông báo toàn cầu, toàn quốc, khu vực hay nội tỉnh nơi bị can cư trú... Do vậy, việc niêm yết quyết định truy nã tại Ủy ban nhân dân xã cũng là một hình thức thông báo công khai thông tin về đối tượng truy nã; ngoài ra bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan điều tra có thể theo dõi, nắm bắt các đối tượng đang có lệnh truy nã để mọi người bắt giữ. Cho nên, trong trường hợp này hai bị can Nguyễn Văn A và Trần Văn B không được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Một nội dung nữa đó là Bộ luật Tố tụng hình sự các năm 1988, 2003 và 2015 chỉ quy định việc truy nã bị can chứ không có điều luật nào quy định việc truy nã bị cáo. Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định căn cứ truy nã bị can gồm 02 căn cứ là bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu, quy định những thủ tục cần phải có trong việc truy nã bị can và hình thức thông báo quyết định truy nã bị can. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ điều chỉnh đối tượng bị truy nã là bị can trong giai đoạn điều tra hoặc trong giai đoạn truy tố. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; điểm b khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát cũng có quyền tạm đình chỉ khi không biết bị can đang ở đâu và yêu cầu cơ quan điều tra ra lệnh truy nã bị can. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra áp dụng Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để truy nã bị can là đúng luật khi có một trong hai căn cứ trên để yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can.
Còn đối với bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử, Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo và điểm b khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, cả Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đều chưa có điều luật quy định về việc cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị cáo phải được tiến hành như thế nào. Với quy định này thì khi Toà án tạm đình chỉ vụ án do bị cáo trốn vẫn thuộc thẩm quyền trách nhiệm thụ lý giải quyết của Toà án, Toà án không trả hồ sơ cho Viện kiểm sát. Hội đồng xét xử chỉ có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Điều đó có nghĩa là bị cáo vẫn là tư cách bị cáo mà không trở lại thành bị can để áp dụng theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để thực hiện việc truy nã bị can. Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã ghi là truy nã bị can chứ không ghi truy nã bị cáo trong trường hợp này.
Trên thực tiễn, nếu Hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo thì thường cơ quan điều tra áp dụng tương tự như trường hợp truy nã bị can, coi Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về truy nã bị can là chuẩn mực pháp lý để truy nã bị cáo với lý do tương tự. Khi truy nã bị cáo, cơ quan điều tra ghi căn cứ trong quyết định truy nã là Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như đã phân tích ở trên. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định áp dụng tương tự trong trường hợp truy nã bị cáo, vì vậy khi cơ quan điều tra nhận được yêu cầu truy nã của Hội đồng xét xử đối với bị cáo bỏ trốn thì cơ quan điều tra không thể căn cứ vào Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để truy nã bị cáo được, vì Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ điều chỉnh việc truy nã bị can mà thôi. Giả sử cơ quan điều tra không căn cứ vào Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mà căn cứ vào đoạn 3 khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để truy nã bị cáo thì cũng không đúng. Bởi vì, đoạn 3 khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ nói về lý do của việc Hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Trong khi đó việc truy nã bị cáo ngoài việc xác định căn cứ truy nã còn phải quy định trình tự, thủ tục, nội dung của việc truy nã, để thể hiện tính đặc thù của việc truy nã bị cáo. Những yêu cầu đó không có điều luật nào quy định. Nếu việc truy nã bị cáo được tiến hành giống như việc truy nã bị can thì Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cần phải dẫn chiếu Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để làm căn cứ cho việc áp dụng tương tự Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 trong việc truy nã bị cáo và lúc đó cơ quan điều tra có căn cứ ghi trong quyết định truy nã theo yêu cầu của Hội đồng xét xử là truy nã bị cáo.
Để giải quyết bất cập này, ngày 07/01/1995 Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên ngành số 03/TTLN hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy tố bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử, theo đó, việc truy nã bị cáo được tiến hành theo quy định của ngày 07/01/1995 về truy nã bị can. Tuy nhiên, hiện nay Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại vẫn không quy định việc truy nã bị cáo mặc dù đã có Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Từ những vướng mắc trên, chúng tôi đề xuất và kiến nghị một số nội dung về việc xác định tính hợp pháp, tính có căn cứ của quyết định truy nã đối với các trường hợp bị can đã thực hiện hành vi phạm tội đang bỏ trốn hoặc không biết ở đâu đang bị truy nã, nếu họ ra đầu thú hoặc bị bắt giữ thì sẽ giải quyết như sau:
Một là, đối với các trường hợp bị can phạm tội ở thời điểm chưa có Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về truy nã, nếu nay họ ra đầu thú hoặc bị bắt giữ thì chỉ cần xác định họ đã thực hiện hành vi phạm tội, có bỏ trốn và có quyết định truy nã;
Hai là, đối với các trường hợp bị can phạm tội sau khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003 bị truy nã, nếu nay họ ra đầu thú hoặc bị bắt giữ thì phải có đầy đủ các thủ tục quy định về truy nã bị can quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003);
Ba là, Thông tư liên tịch 03/1995 không áp dụng trong giai đoạn khởi tố điều tra mà chỉ áp dụng truy nã bị can trong giai đoạn truy tố và xét xử;
Bốn là, trong mọi trường hợp truy nã sau thời điểm Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 có hiệu lực thì đều phải thông báo quyết định truy nã trên các phương tiện thông tin đại chúng (ít nhất là trên hai phương tiện thông tin đại chúng);
Năm là, các quy định về truy nã bị can, bị cáo quy định tại Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và luật thi hành án hình sự về truy nã không áp dụng cho các trường hợp truy nã trước khi có thông tư này.
Sáu là, các trường hợp truy nã bị cáo thực hiện theo các quy định về truy nã bị can như Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Hiện nay, trong cả nước có hàng ngàn bị can đang trốn tránh ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, để giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng quá trình giải quyết đối với các nội dung còn vướng mắc bất cập trong việc truy nã bị can và xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan tính có căn cứ, tính hiệu lực của các hoạt động truy nã bị can của cơ quan điều tra trước đó cũng như việc truy nã bị cáo quy định còn bất cập trong hai Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và 2015. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng hướng dẫn kịp thời khẩn trương vì hiện nay các Tòa án và Viện kiểm sát các cấp vẫn đang hàng ngày phải giải quyết các vụ án có liên quan đến các quy định về truy nã quy định trong hai Bộ luật tố tụng hình sự này.
Tòa án quân sự Trung ương