Đối với Ngành Hải quan, theo Báo cáo của Bộ Tài chính báo cáo kết quả 06 tháng thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, thì tính từ ngày 30/9/2015 đến ngày 30/3/2016, Ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ 122 vụ buôn lậu, vận chuyến trái phép thuốc lá qua biên giới, thu giữ 54.500 kg nguyên liệu thuốc lá và 122.771 bao thuốc lá, bắt giữ 20 đối tượng buôn lậu.
Để đảm bảo việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, pháo nổ nghiêm minh, công bằng, hiệu quả thì Nhà nước ta cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm này[1]. Tuy nhiên, thực hiện xử lý các hành vi vi phạm về buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép thuốc lá, pháo nổ đang gặp phải khó khăn, vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều điểm mâu thuẫn, trái ngược nhau, có nhiều quy định không được quy định rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng cũng có sự khác nhau, không đảm bảo sự nhất quán trong đường lối xử lý các hành vi vi phạm. Qua nghiên cứu các văn bản hiện hành về xử lý vi phạm liên quan đến các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu chúng tôi thấy một số điểm bất hợp lý cần trao đổi như sau:
Thứ nhất, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản trong việc xác định các mặt hàng trên có phải là “hàng cấm” được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không
- Tại khoản 1 Điều 25 Luật Thương mại năm 2005, Quốc hội đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó. Ngày 12/6/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trong đó liệt kê các loại pháo nổ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; đối với thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác thì thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Ngày 7/5/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện quy định đối với thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Như vậy, việc xác định thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh hay danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh dựa trên nguồn gốc của mặt hàng này.
- Theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 quy định chính sách về đầu tư kinh doanh thì nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014[2]. Theo quy định khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 thì hoạt động kinh doanh pháo nổ và kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư năm 2014 không phân biệt nguồn gốc của sản phẩm thuốc lá, điều này dẫn đến cách hiểu đối với pháo nổ, thuốc lá điếu có nguồn gốc nhập lậu cũng không phải “hàng cấm”.
Thứ hai, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản trong việc “định lượng” tang vật vi phạm là thuốc lá nhập lậu làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 153; điểm c khoản 1 Điều 154; khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì một trong những căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đó là “hàng cấm có số lượng lớn”. Từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành, đến nay vẫn chưa có một văn bản nào của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giải thích theo thẩm quyền về quy định này.
Trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định số lượng tang vật vi phạm là thuốc lá nhập lậu làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng theo khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 7/12/2012 của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, thì “đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau: a) Số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn; b) Số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn; c) Số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Như vậy, có sự khác nhau giữa hai văn bản trên trong việc xác định số lượng tang vật vi phạm là thuốc lá điếu nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ quan hải quan trong việc xác định hàng cấm số lượng lớn theo văn bản nào?
Qua nghiên cứu các văn bản chúng tôi thấy rằng, việc xác định số lượng tang vật vi phạm tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP chỉ quy định cho hành vi “buôn bán”, còn đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu thì việc xác định số lượng tang vật vi phạm vẫn áp dụng theo khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC. Mặt khác, khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm năm 2015 về áp dụng quy định pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, vẫn có thể xử lý được trường hợp có sự quy định khác nhau này.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, thì các văn bản trên đều là các văn bản dưới luật, không phải là căn cứ pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu.
Thực trạng hệ thống các quy định pháp luật nêu trên đang gây lúng túng cho các cơ quan hải quan địa phương trong quá trình bắt giữ và xử lý đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu. Điều này thể hiện trong thời gian qua, các cơ quan hải quan ở các địa phương như Đồng Tháp, Long An… gặp lúng túng trong việc xác định hành vi, tội danh, định lượng… đối với các vụ bắt giữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu. Thông thường đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì các cơ quan hải quan địa phương đều có văn bản báo cáo xin ý kiến xử lý các vụ việc liên quan đến các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu cho cơ quan Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan Viện kiểm sát địa phương không đưa ra được quan điểm tháo gỡ vướng mắc mà thông báo chờ ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc xác định pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu có phải là hàng cấm hay không? Việc xác định số lượng tang vật vi phạm như thế nào?...
Điều này dẫn đến thực tiễn giải quyết các vụ buôn lậu, vận chuyển tang trữ pháo nổ, thuốc lá điếu các loại nhập lậu có 03 luồng quan điểm khác nhau:
Thứ nhất, xác định pháo nổ, thuốc lá điếu các loại nhập lậu là “hàng cấm”. Quan điểm này dựa trên các quy định của Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Mặt khác, quan điểm này còn cho rằng “hàng cấm” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không chỉ là những hàng hóa theo ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, mà còn là các mặt hàng cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, hành vi mua bán pháo nổ, thuốc lá điếu các loại nhập lậu nếu đủ số lượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC; Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC thì xử lý về tội “buôn lậu” theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đối với hành vi vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu các loại nhập lậu nếu đủ số lượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC; Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC thì xử lý về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Thứ hai, tương tự như quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, đối với hành vi mua bán thuốc lá điếu các loại nhập lậu nếu đủ số lượng theo quy định tại tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì xử lý về tội “buôn lậu” theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quan điểm này dựa trên cách xác định hiệu lực của văn bản quy định tại khoản 2, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về áp dụng quy định pháp luật “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Thứ ba, pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu không phải là hàng cấm. Quan điểm này dựa trên các quy định của Điều 6, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh; Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu không phải là hàng cấm, do đó đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tang trữ pháo nổ, thuốc lá điếu các loại nhập lậu không phạm tội buôn bán, vận chuyển tang trữ hàng cấm. Như vậy, các văn bản trái với Luật Đầu tư năm 2014 thì không có giá trị áp dụng.
Qua nghiên cứu các văn bản trên và căn cứ thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội, chúng tôi đồng ý một phần với quan điểm thứ ba khi xác định pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu không phải là hàng cấm. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của Điều 6, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014, phù hợp với khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về áp dụng quy định pháp luật và khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, ngày 29/6/2016 Quốc hội cũng ban hành Nghị Quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015 do có nhiều lỗi kỹ thuật trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có quan điểm về cách xác định hàng cấm.
- Đối với việc xác định số lượng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng tôi cho rằng, không phải vì xác định pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu không phải là hàng cấm mà các cơ quan hải quan khi bắt giữ các vụ việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự, không khởi tố theo thẩm quyền về các tội danh buôn lậu theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội danh vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999. Chúng ta không xác định pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, nên sẽ không xác định về số lượng tang vật vi phạm làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà xác định theo trị giá tang vật vi phạm. Theo đó, đối với tang vật vi phạm là pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu nếu xác định giá trị tang vật từ 100 triệu đồng trở lên tương ứng với hành vi thì cơ quan Hải quan sẽ khởi tố theo Điều 153 hoặc Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều này cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và quy định tại điểm khoản 1 của Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi không quy định số lượng làm căn cứ để xử lý hình sự.
Do đó, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, cơ quan hải quan nói riêng khi bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu không nên áp dụng các hướng dẫn về định lượng theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC; Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP để xử lý hình sự các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu theo tinh thần Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, mà phải tiến hành định giá tang vật vi phạm làm căn cứ để cơ quan hải quan khởi tố theo thẩm quyền. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất trong công tác xử lý theo đúng các quy định pháp luật, Tổng cục Hải quan cần phải có báo cáo Bộ Tài Chính để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tháo gỡ các vướng mắc này.
Cục Điều tra chống buôn lậu
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005