1. Người được Tòa án quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con
Theo giải thích tại khoản 2, 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Với cách giải thích trên, trong các bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết liên quan đến người nuôi con, có thể hiểu, người nào có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con sẽ được xác định là người được thi hành án. Như vậy, về nguyên tắc, họ có quyền từ bỏ, không nhận các quyền, lợi ích này của mình.
Cách hiểu như trên có lẽ chưa phù hợp khi đặt trong mối quan hệ giữa cha, mẹ và con. Bởi theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (gọi tắt là con)[1] vừa là quyền, đồng thời là nghĩa vụ của cha, mẹ. Quyền và nghĩa vụ luôn gắn liền nhau, nói cách khác, quyền của họ cũng đồng thời là nghĩa vụ của họ. Như vậy, có thể khẳng định, khi vợ, chồng ly hôn, bên vợ hoặc chồng được giao nuôi con, không chỉ đơn thuần là quyền, mà còn bao hàm cả nghĩa vụ của họ.
Nói cách khác, có hai mối quan hệ trong trường hợp này cần được xác định: Trong quan hệ với vợ hoặc chồng của họ, thì người có quyền nuôi con được xác định là người được thi hành án, nhưng trong quan hệ với người con, thì người này vừa là người có quyền, vừa là người phải thực hiện nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con.
2. Quy định của pháp luật liên quan đến việc giao con cho người có quyền nuôi con
Theo quy định tại các Điều 45, 48, 118, 120 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, thi hành bản án, quyết định về giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là loại việc thi hành án liên quan đến việc thực hiện một công việc nhất định. Theo đó, người phải thi hành án có một khoảng thời gian để tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình (10 ngày, kể từ ngày họ nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án). Hết thời hạn này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thực hiện sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện, thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận, thì việc thi hành án sẽ bị hoãn lại.
Từ các quy định trên cho thấy một số vấn đề pháp lý sau đây: (i) Người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc thi hành án để đảm bảo quyền, lợi ích cho họ được xác định trong bản án, quyết định; (ii) Người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc thi hành án để họ tự thực hiện nghĩa vụ của mình; (iii) Người phải thi hành án nếu không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn Luật định, sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; (iv) Người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận, thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn việc thi hành án.
Như vậy, có thể khẳng định, cơ chế để đảm bảo việc thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao con cho người có quyền nuôi con đã được pháp luật thi hành án dân sự quy định khá rõ. Tuy nhiên, trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao con, nhưng người có quyền nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận lại chưa được quy định rõ ràng. Nếu tình huống này xảy ra, chỉ có hướng giải quyết duy nhất là hoãn việc thi hành án. Nếu chỉ dừng lại ở quy định như vậy, sẽ không hợp lý trong nhiều trường hợp, khi đứng ở góc độ của người phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao con và của chính người con để xem xét. Bởi một khi hoãn việc thi hành án, thì việc thi hành án sẽ tạm thời dừng lại và như vậy, người có nghĩa vụ chuyển giao con vẫn trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con trong khi theo bản án, quyết định của Tòa án, việc này lẽ ra phải được chuyển giao cho người kia, rõ ràng, trong chừng mực nhất định, quyền, lợi ích hợp pháp của người con, của người không có quyền nuôi con sẽ không được bảo đảm.
Điều này nảy sinh vấn đề: (i) Người có quyền trực tiếp nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận việc nuôi con mà không có lý do chính đáng có bị chế tài? (ii) Người phải chuyển giao quyền nuôi con có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của mình, khi mình phải thực hiện công việc nuôi con đáng lẽ ra thuộc về người có quyền nuôi con? (iii) Nếu người có nghĩa vụ phải chuyển giao con kiên quyết thực hiện việc chuyển giao thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý thế nào?
Thứ nhất, người có quyền trực tiếp nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận việc nuôi con mà không có lý do chính đáng có bị chế tài?
Điều 126 Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự chỉ đề cập đến trường hợp đương sự chưa hoặc không tiếp nhận quyền, lợi ích của mình liên quan đến tài sản, giấy tờ, cụ thể, sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền, thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng, thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản theo quy định tại Điều 125 Luật này. Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.
Trường hợp tài sản trả lại là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình bảo quản và đương sự từ chối nhận, thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Ngân hàng Nhà nước đổi tiền mới có giá trị tương đương để trả cho đương sự. Đối với tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được không do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự mà đương sự từ chối nhận, thì cơ quan thi hành án dân sự giao cho Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật. Việc trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Trường hợp trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ mà đương sự không nhận, thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự. Như vậy, có thể khẳng định, nếu người có quyền trực tiếp nuôi con, nhưng họ chưa hoặc không tiếp nhận quyền này mà không có lý do chính đáng, chẳng có chế tài nào để xử lý cả. Cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể hoãn việc thi hành án mà thôi.
Có quan điểm cho rằng, trong vấn đề pháp lý đang bàn luận trên, Luật Thi hành án dân sự cần xác định đây là việc chưa có điều kiện thi hành án[2]. Quan điểm này chúng tôi cho rằng chưa phù hợp, bởi xác định trường hợp có điều kiện thi hành án hay chưa có điều kiện thi hành án là xem xét, đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ, trong trường hợp này không thể dựa vào khả năng tiếp nhận quyền, lợi ích của người được thi hành án để xác định. Cũng có quan điểm lại cho rằng, trong trường hợp này, Luật Thi hành án dân sự cần xác định đây là căn cứ để đình chỉ việc thi hành án[3]. Tác giả cho rằng, quan điểm như vậy cũng chưa phù hợp nếu chúng ta xem xét ở góc độ bảo vệ quyền, lợi ích của người con và người phải chuyển giao con.
Bên cạnh giải pháp mà Luật Thi hành án dân sự hiện hành đề ra - hoãn việc thi hành án, tác giả cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên cần giải thích cho người được giao nuôi con hiểu việc tiếp nhận quyền trực tiếp nuôi con theo bản án, quyết định của Tòa án vừa là quyền, nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ của họ, vì vậy, việc chưa hoặc không tiếp nhận quyền nuôi con là vi phạm quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, cụ thể là vi phạm nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con. Trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để buộc người này phải thực hiện việc tiếp nhận quyền nuôi con. Có thể khẳng định, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong tình huống này là cần thiết, không trái quy định của pháp luật, vì qua các phân tích trên, thì việc nuôi con vừa là quyền, nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ của họ.
Liệu trong thực tế có xảy ra trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng người được thi hành án lại chưa hoặc không tiếp nhận quyền và lợi ích của họ? Câu trả lời là có. Có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như người phải chuyển giao con họ muốn tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, để kết hôn với người khác, hay để ra nước ngoài sinh sống…, người được thi hành án đã thay đổi nơi cư trú nên cơ quan thi hành án dân sự chưa xác định được địa chỉ, hay họ đang làm ăn xa, sinh sống ở nước ngoài chưa kịp về Việt Nam để tiếp nhận quyền nuôi con, cũng có trường hợp bị cản trở bởi vợ hoặc chồng sau này của họ… Khi vợ chồng ly hôn, thường vợ, chồng đều dành quyền được nuôi con, nhưng cũng có trường hợp cả hai vợ chồng không muốn nhận nuôi, mà muốn giao cho chồng hoặc vợ mình nuôi.
Thứ hai, người phải chuyển giao quyền nuôi con có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình, khi mình phải thực hiện công việc nuôi con đáng lẽ ra thuộc về người có quyền nuôi con?
Việc trông nom, chăm sóc con có lẽ khó để khởi kiện nhằm buộc người không tiếp nhận quyền nuôi con phải trả công cho mình, bởi lẽ, chăm sóc, trông nom con vừa là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của cha mẹ, loại quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, không ai lại tính toán điều này. Tuy nhiên, khoản đền bù cho việc nuôi dưỡng con cần được ghi nhận. Thời điểm để tính cần được xác định từ thời điểm người phải chuyển giao con đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nhưng người có quyền nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận. Các nghĩa vụ tài sản phát sinh từ việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con phải được xác định là nghĩa vụ chung, hai người phải liên đới chịu trách nhiệm. Nói cách khác, nghĩa vụ nuôi dưỡng con là nghĩa vụ chung của cha mẹ, vì vậy các nghĩa vụ tài sản phát sinh từ các giao dịch nhằm để nuôi dưỡng con được xác định là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật hôn nhân và gia đình, vợ chồng có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ này, trường hợp một bên thực hiện hết nghĩa vụ này, có quyền yêu cầu bên kia phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình[4]. Như vậy, có thể khẳng định, người có nghĩa vụ chuyển giao con có quyền yêu cầu người có quyền nuôi con phải hoàn trả một phần chi phí nuôi dưỡng con cho mình, điều này là hợp lý.
Thứ ba, nếu người có nghĩa vụ phải chuyển giao con kiên quyết thực hiện việc chuyển giao thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý thế nào?
Trường hợp người có quyền nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận việc nuôi con mà không có lý do chính đáng, hướng xử lý thích hợp trong những trường hợp này là chấp hành viên phải động viên, thuyết phục người có quyền nuôi con tiếp nhận việc nuôi con. Trường hợp cần thiết sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế như đã bàn luận ở phần trên. Trường hợp người có quyền nuôi con không hoặc chưa tiếp nhận quyền nuôi con mà có lý do chính đáng, hướng xử lý thích hợp là hoãn việc thi hành án theo quy định, chấp hành viên động viên, thuyết phục người đang nuôi con tiếp tục việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con, bởi đây cũng là nghĩa vụ của họ. Người có nghĩa vụ chuyển giao con, có quyền yêu cầu người có quyền nuôi con hoàn trả cho mình một phần chi phí nuôi dưỡng con trong trường hợp tự nguyện thực hiện nghĩa vụ chuyển giao con, nhưng việc chuyển giao không thực hiện được do lỗi từ phía người có quyền nuôi con.
Bên cạnh đó, chấp hành viên có thể hướng dẫn họ thực hiện việc yêu cầu thay đổi người nuôi con theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, điều này có thể thực hiện được trên thực tế và đảm bảo quyền lợi cho người con, khi người có nghĩa vụ chuyển giao con mong muốn được nuôi con và họ có điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Trường hợp họ không muốn nuôi con hoặc không có điều kiện để nuôi con, thì hướng giải quyết trên khó có thể thực hiện được hiệu quả.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Điều 70, 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[2]. Giang Hải Thuyền,(2018), “Xác định trường hợp chưa có điều kiện thi hành án”, Luận văn Thạc sỹ Luật, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 22.
[3]. Quách Ngọc Hiểu, (2018), “Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, Luận văn thạc sỹ Luật, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 31.
[4]. Xem Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015, các điều 27, 37, 69, 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.