Trong bài viết, tác giả Nguyễn Thị Phương đã đi sâu phân tích khái niệm và căn cứ xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, từ đó, đưa ra hướng xử lý các trường hợp kết hôn trái pháp luật (bao gồm: Hủy kết hôn trái pháp luật; công nhận quan hệ vợ chồng; giải quyết ly hôn) và nêu những bất cập, vướng mắc gặp phải khi xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
1. Khái niệm và căn cứ xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
Khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có đưa ra các hướng xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, cụ thể là: Hủy kết hôn trái pháp luật, công nhận quan hệ vợ chồng và ly hôn. Tuy nhiên, hai văn bản quy phạm pháp luật trên cũng như những văn bản pháp luật có liên quan lại không giải thích thế nào là xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Theo Từ điển tiếng Việt “xử lý” có nghĩa là “xem xét, giải quyết vụ phạm lỗi nào đó”[1]. Trong trường hợp này, việc kết hôn trái pháp luật là một việc xuất phát từ hành vi kết hôn trái pháp luật, có lỗi và cần phải xử lý. Xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật có nghĩa là khi có sự việc nam, nữ đăng ký kết hôn không đáp ứng được các điều kiện kết hôn và có yêu cầu, thì Tòa án phải xem xét và đề ra hướng giải quyết phù hợp.
Ph. Ăngghen đã từng nhận định: “Không ai bị buộc phải kết hôn, nhưng ai cũng bị buộc phải tuân theo luật hôn nhân một khi người đó kết hôn. Người kết hôn không sáng tạo ra hôn nhân, không phát minh ra hôn nhân, cũng như người bơi lội không sáng tạo, không phát minh ra thiên nhiên và những quy luật về nước, về trọng lực. Vì thế, hôn nhân không thể phục tùng sự tùy tiện của người kết hôn, mà trái lại sự tùy tiện của người kết hôn phải phục tùng bản chất hôn nhân”[2]. Do đó, việc kết hôn giữa nam và nữ buộc phải tuân theo quy định của pháp luật và nếu như có sự vi phạm, thì Tòa án xem xét giải quyết xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, thực tế kết hôn trái pháp luật xảy ra ở khá nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, nhưng nếu sự vi phạm này không có ai lên tiếng thì cơ quan nhà nước không thể xử lý. Như vậy một trong những điều kiện tiên quyết để những trường hợp kết hôn trái pháp luật bị xử lý là phải có yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền ghi nhận tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, Tòa án dựa vào các căn cứ sau để giải quyết:
Thứ nhất, vi phạm về độ tuổi kết hôn. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nam phải từ đủ hai mươi tuổi, còn nữ từ đủ mươi tám tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn. Việc nam nữ chưa phát triển đến độ chín muồi về thể chất cũng như tâm sinh lý thì việc kết hôn đó bị coi là trái pháp luật.
Thứ hai, việc kết hôn vi phạm sự tự nguyện. Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Việc kết hôn dựa trên sự tự nguyện là một trong những điều kiện để hôn nhân trở thành hợp pháp và được ghi nhận tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”. Tuy nhiên, ý chí tự nguyện là thuộc chủ quan của mỗi người và người khác khó có thể suy đoán được. Thực tế, đây là một quy định còn gặp nhiều vướng mắc vì cơ quan hộ tịch khó có thể và thậm chí không thể xác định được sự vi phạm điều kiện tự nguyện.
Thứ ba, kết hôn do bị mất năng lực hành vi dân sự. Sở dĩ pháp luật không cho phép những người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn vì mục đích của hôn nhân chính là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nếu những người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn sẽ không đảm bảo mục đích của hôn nhân.
Thứ tư, việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể: Kết hôn giả tạo; cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Hướng xử lý các trường hợp kết hôn trái pháp luật
2.1. Hủy kết hôn trái pháp luật
Hủy kết hôn trái pháp luật hay còn gọi là biện pháp tiêu hôn, đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra định nghĩa hủy kết hôn trái pháp luật. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “hủy” là làm cho không tồn tại hoặc làm cho không còn giá trị nữa[3]. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của trường Đại học Luật Hà Nội: “Hủy việc kết hôn trái pháp luật được hiểu là biện pháp chế tài của Luật Hôn nhân và gia đình đối với trường hợp nam nữ kết hôn nhưng không tuân thủ đầy đủ các điều kiện được Luật Hôn nhân và gia đình quy định”[4]. Có thể hiểu, hủy kết hôn trái pháp luật là làm cho quan hệ hôn nhân phải chấm dứt không được tồn tại nữa. Việc hủy kết hôn trái pháp luật thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với những quan hệ hôn nhân sai trái. Bên cạnh việc chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng biện pháp ly hôn, thì hủy kết hôn cũng là một trường hợp kết thúc một quan hệ hôn nhân.
Hiện nay, vấn đề hủy kết hôn được quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và được cụ thể hóa tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Cụ thể, Tòa án sẽ quyết định hủy kết hôn trong hai trường hợp:
Một là, nếu tại thời điểm Tòa án giải quyết mà các bên đăng ký kết hôn vẫn chưa đáp ứng được điều kiện kết hôn, cho dù hai bên có yêu cầu Tòa án công nhận là vợ chồng hợp pháp hay yêu cầu ly hôn, thì bất luận thế nào Tòa án cũng sẽ hủy kết hôn trái pháp luật.
Hai là, tại thời điểm giải quyết mà hai bên đã đủ điều kiện kết hôn, thì Tòa án sẽ hủy kết hôn khi một hoặc cả hai bên có yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật; hoặc một bên yêu cầu công nhận quan hệ vợ chồng hoặc yêu cầu ly hôn, còn bên kia không có yêu cầu. Như vậy, mọi rào cản về điều kiện kết hôn không còn nữa và việc kết hôn trái pháp luật có thể được Nhà nước thừa nhận, nhưng các bên không còn muốn duy trì hoặc một bên không có biểu hiện của sự muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân, thì Tòa án sẽ hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Như vậy, hủy kết hôn trái pháp luật là một biện pháp chế tài được áp dụng đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm các điều kiện kết hôn và pháp luật về hôn nhân và gia đình có thái độ phủ định quan hệ hôn nhân đó, buộc các chủ thể phải chấm dứt tình trạng sống chung với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên, hủy kết hôn trái pháp luật để lại những hậu quả nhất định và các chủ thể phải gánh chịu tất cả những gì bất lợi đối với bản thân, con cái cũng như về tài sản. Với hướng xử lý hủy kết hôn trái pháp luật hiện nay, thiết nghĩ, cần phải xem xét kỹ rằng, có nên chỉ dựa vào ý chí mong muốn của hai người hay không, mà nên xem xét quy định thêm những tiêu chí khác nữa.
2.2. Công nhận quan hệ vợ chồng
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc công nhận là vợ chồng hợp pháp ngay cả khi việc kết hôn không đáp ứng được điều kiện kết hôn đã có quy định rõ ràng. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 11: “Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó”. Điều này cũng được hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: “Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau: (a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân, thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn”.
Như vậy, để được Tòa án thừa nhận là vợ chồng thì các bên phải đủ điều kiện kết hôn tại thời điểm Tòa án giải quyết, đồng thời, pháp luật đề cao sự công nhận của cả đôi bên, chỉ cần một bên không đồng ý thì coi như quan hệ hôn nhân đó không được Tòa án thừa nhận. Tòa án không xem xét đến quá trình chung sống của các bên trong quá trình kể từ lúc đăng ký kết hôn cho tới lúc giải quyết liệu điều đó có thỏa đáng không? Bởi nguyên nhân dẫn đến cho quan hệ hôn nhân bị hủy có thể xuất phát từ một bên. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đôi bên, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, thiết nghĩ, Tòa án cần phải xem xét dưới nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện, từ đó có quyết định thấu tình đạt lý.
2.3. Giải quyết ly hôn
Bên cạnh hướng xử lý hủy bỏ hoặc công nhận là vợ chồng hợp pháp, thì pháp luật hôn nhân còn có quy định cho các bên tiến hành ly hôn. Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ ghi nhận hai hướng xử lý hủy và công nhận. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thêm hướng xử lý ly hôn. Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư này quy định: “Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau: ... c) Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn, còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, thì Tòa án giải quyết cho ly hôn...”.
Khi đủ điều kiện kết hôn và cả hai bên hoặc một bên mong muốn ly hôn, thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn cho họ. Thực ra, nếu Tòa án giải quyết ly hôn cho các bên cũng đồng nghĩa với việc Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân của các bên là hợp pháp. Bởi theo pháp luật hôn nhân và gia đình, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ly hôn chỉ dành cho những quan hệ hôn nhân hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.
3. Bất cập, vướng mắc gặp phải khi xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
3.1. Về giải quyết công nhận quan hệ vợ chồng
Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành xem xét công nhận quan hệ vợ chồng ngay cả khi đăng ký kết hôn trái pháp luật dựa vào điều kiện kết hôn đã thỏa mãn tại thời điểm Tòa án giải quyết và được sự công nhận của cả hai bên. Khác với các quy định trước đây, pháp luật hiện hành không căn cứ vào quá trình chung sống của các bên như thế nào mà xem xét công nhận nếu đã đủ điều kiện đăng ký kết hôn và phải có sự đồng ý của cả hai bên. Cụ thể điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: “Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau: a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân, thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu một bên (vợ hoặc chồng) đã chết, họ không thể bày tỏ ý chí của mình được hoặc trường hợp bên còn lại không muốn công nhận quan hệ vợ chồng để được kết hôn với người khác, thì Tòa án sẽ xử lý thế nào? Xin đơn cử ví dụ:
Năm 2017, TAND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình thụ lý đơn yêu cầu với nội dung như sau: anh Nguyễn Đức T sinh năm 1964 (chết năm 2017) và chị Nguyễn Thị T có đăng ký kết hôn tại UBND xã A, huyện M, tỉnh Hà Tây năm 1985. Ngày 21/4/2008, anh T nộp đơn xin ly hôn với chị T và TAND huyện M, tỉnh Hà Tây xử công nhận thuận tình ly hôn giữa anh và chị T. Tuy nhiên, trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp giữa anh T và chị T, thì anh T đã làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị H tại UBND xã K cụ thể vào năm 1996. Căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình, việc anh T kết hôn với chị H trong khi đang tồn tại hôn nhân hợp pháp giữa anh T và chị T là kết hôn trái pháp luật. Chị Nguyễn Thị H cũng thừa nhận việc kết hôn của mình là trái pháp luật, nhưng chị có đề nghị Tòa án căn cứ vào khoản 2, Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP để công nhận hôn nhân giữa chị và anh T từ năm 2008 (thời điểm anh T và chị T ly hôn). Tuy nhiên, Tòa án xét thấy, chỉ có mình chị H có yêu cầu công nhận (vì hiện nay anh T đã chết) và không thỏa mãn yếu tố “hai bên kết hôn cùng yêu cầu”. Do đó, Tòa án không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu công nhận quan hệ vợ chồng và ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật[5].
Rõ ràng, việc hủy kết hôn trong tình huống này không mang lại ý nghĩa gì cả, trong khi cuộc sống giữa anh T và chị H không có biểu hiện bất hòa hay mâu thuẫn trong suốt quãng thời gian họ chung sống với nhau. Và hơn nữa, yếu tố trái pháp luật nay cũng không còn nữa, anh T và chị T đã ly hôn từ năm 2008. Tuy nhiên, muốn được công nhận là vợ chồng hợp pháp, thì pháp luật đòi hỏi phải có sự đồng ý của cả hai bên, nhưng hiện tại anh T đã không còn và điều đó có nghĩa anh T không thể nào thể hiện được ý chí của mình được. Theo quan điểm của tác giả với những trường hợp này, Tòa án nên thừa nhận quan hệ hôn nhân của chị H và anh T là vợ chồng hợp pháp kể từ thời điểm anh T và chị T ly hôn. Thiết nghĩ, nên tạo cơ chế giải quyết linh hoạt, mềm dẻo cho Tòa án Việt Nam cân nhắc việc công nhận quan hệ vợ chồng khi đăng ký kết hôn trái pháp luật.
3.2. Khi Tòa án dựa vào yêu cầu của một bên để xử lý
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn xử lý việc kết hôn trái pháp luật dựa vào yêu cầu của các bên trong việc kết hôn, song việc căn cứ vào yêu cầu của chủ thể kết hôn trái pháp luật sẽ gặp một số bất cập. Xin đơn cử ví dụ: Chị Linh và anh Bình yêu nhau và có đăng ký kết hôn. Sau khi sinh con, anh Bình thường xuyên vắng nhà không có lý do. Chị Linh nghi ngờ thì bị anh chồng mắng chửi và đánh đập, sau đó anh Bình đã bế con trai bỏ đi. Đi tìm con, chị Linh vô cùng bàng hoàng phát hiện ra trước khi kết hôn với mình, anh Bình đã có vợ là Ngọc. Chị Linh đã nộp đơn xin hủy kết hôn trái pháp luật giữa chị và anh Bình[6]. Việc hủy kết hôn trái pháp luật giữa anh Bình và chị Linh là đúng với quy định của pháp luật. Xét ở khía cạnh nào đó, để bị hủy kết hôn trái pháp luật lỗi thuộc về anh Bình do anh Bình đã lừa dối chị Linh và chị Linh hoàn toàn không biết anh đã từng kết hôn. Tình huống mà tác giả phân tích đang đề cập đến yếu tố lỗi và trách nhiệm của người có lỗi. Hiện nay, pháp luật hôn nhân và gia đình chưa có điều khoản nào quy định trách nhiệm của người có lỗi làm cho quan hệ hôn nhân trở nên bất hợp pháp và bị hủy. Đồng thời, việc xử lý việc kết hôn trái pháp luật hiện nay cũng không xem xét tới yếu tố lỗi của các bên.
Để xử lý việc kết hôn trái pháp luật như hiện nay, bên cạnh việc Tòa án căn cứ vào đơn yêu cầu của các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật và các điều kiện kết hôn trái pháp luật thì cần phải xem xét thêm yếu tố lỗi của họ. Cụ thể ở đây là lỗi để việc kết hôn đáng lẽ hợp pháp nhưng trở thành trái pháp luật và bị hủy. Đặc biệt đối với những trường hợp một bên yêu cầu công nhận, một bên lại yêu cầu hủy nhưng xét thấy họ đã đủ điều kiện kết hôn và mục đích của người yêu cầu hủy kết hôn là để được đăng ký kết hôn với người khác thì Tòa án phải cân nhắc để giải quyết. Hay nói cách khác, Tòa án dựa vào lỗi để xem xét công nhận quan hệ hôn nhân có nguy cơ bị hủy bỏ để từ đó có cơ sở xử lý việc kết hôn trái pháp luật về sau.
Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
[1]. http://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/all/x%E1%BB%AD+l%C3%BD.html, truy cập ngày 8/6/2020.
[2]. C.Mác - Ph.Ăngghen (1978), Bản dự luật về ly hôn, tập 1, Nxb. Sự thật Hà Nội, tr.128.
[3]. https://www.rung.vn/dict/vn_vn/Hu%E1%BB%B7, truy cập ngày 09/6/2020.
[4]. Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[5]. Quyết định số 01/2017/HNGĐ-ST ngày 29/8/2017 về “V/v hủy kết hôn trái pháp luật” của TAND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
[6]. Phan Thân, “Vợ chồng lách luật để kết hôn với nhiều người cùng lúc”, https://vnexpress.net/doi-song/vo-chong-lach-luat-de-ket-hon-voi-nhieu-nguoi-cung-luc-3751149.html, truy cập ngày 09/6/2020.