“1. Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến.
Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày”.
Trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định nêu trên là tương đối nhiều. Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định pháp luật, đặc biệt là những quy định về trình tự, thủ tục đối với những trường hợp này đang có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Chúng ta có thể xem xét một tình huống cụ thể như sau:
Qua đơn tố giác tội phạm của người dân, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V đã tiến hành điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Văn A - Giám đốc Công ty TNHH A và bà Nguyễn Thị B - Kế toán Công ty TNHH A do có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V xác định ông Nguyễn văn A phạm tội trốn thuế, bà Nguyễn Thị B không đồng phạm tội trốn thuế với ông Nguyễn Văn A nhưng có hành vi vi phạm hành chính là “lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ sách kế toán và chứng từ kế toán”. Hành vi vi phạm này được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Nguyễn Thị B, đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và đề nghị xử phạt hành chính đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V do nhận thấy mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của bà Nguyễn Thị B thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V. Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V nhận thấy hồ sơ không có biên bản vi phạm hành chính nên đã yêu cầu cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V cung cấp. Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V có văn bản báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V, trong đó nêu rõ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V chỉ cần căn cứ vào hồ sơ do cơ quan an ninh điều tra chuyển đến để ra quyết định xử phạt hành chính mà không cần biên bản vi phạm hành chính vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, đây là vụ việc được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, không phải theo trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Các biên bản làm việc với đương sự được lập theo mẫu được pháp luật tố tụng hình sự quy định nên không có biên bản vi phạm hành chính. Sau khi xác định bà Nguyễn Thị B không phạm tội trốn thuế mà chỉ có hành vi vi phạm hành chính, cơ quan an ninh điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V căn cứ vào hồ sơ vụ việc để ra quyết định xử phạt hành chính là phù hợp với quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:
- Đối với trường hợp ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chỉ phải chuyển các quyết định kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (khoản 1) mà không phải chuyển biên bản vi phạm hành chính.
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến (khoản 2) chứ không phải căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính.
- Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tính từ ngày nhận được các quyết định kèm theo hồ sơ vụ vi phạm (khoản 3) chứ không phải tính từ ngày lập biên bản như những trường hợp thông thường.
Thứ ba, khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…”. Tuy nhiên, điều tra viên và cơ quan an ninh điều tra chỉ có nhiệm vụ điều tra làm rõ vụ việc chứ không có chức năng “quản lý” lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập để có thể lập biên bản vi phạm hành chính như quy định nêu trên. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP thì điều tra viên và cơ quan an ninh điều tra không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Thứ tư, vụ việc được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Từ khi bắt đầu tiến hành điều tra đến khi kết thúc điều tra là một quá trình lâu dài, nếu sau khi kết thúc điều tra và có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị B sẽ không bảo đảm tính “kịp thời” theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Xem xét các lý do của cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V như trình bày ở trên và đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản nhưng không quy định cụ thể thế nào là “vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình”.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không quy định hồ sơ phải có biên bản vi phạm hành chính.
Thứ ba, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định trong trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính mà người tiến hành tố tụng hoặc người đang giải quyết vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp cụ thể đó thì phải chuyển đến người có thẩm quyền lập biên bản để tiến hành lập biên bản trước khi đề nghị người có thẩm quyền xử phạt hành chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Chính bởi những nguyên nhân đó đã dẫn đến việc cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh V cho rằng, trong vụ việc nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị B mà không cần có biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có biên bản vi phạm hành chính như vậy là không phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ:
- Tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành năm 2012 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ…”.
- Tại khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên có thể nhận thấy, trừ hai trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì các trường hợp khác khi ra quyết định xử phạt hành chính phải trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính được lập với cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì biên bản vi phạm hành chính là một trong những nội dung chính trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đối với trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, sau khi tiến hành điều tra mới xác định được hành vi vi phạm hành chính mà không phải là tội phạm thì người đang giải quyết vụ việc cần lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để làm cơ sở ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp người đang giải quyết vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với vụ việc đó thì cần chuyển hồ sơ và đề nghị lập biên bản đến người có thẩm quyền lập biên bản theo quy định pháp luật để tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu không có biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có căn cứ để ra quyết định xử phạt cũng như không xác định được hành vi vi phạm, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt…
Tuy vậy, để việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính do có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án được thống nhất, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật cũng như phù hợp với thực tiễn, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn đối với quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng mô tả cụ thể thế nào là “vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình”. Mặc dù, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhưng qua thực tế cho thấy, nhiều người có thẩm quyền lập biên bản nhưng không có chức năng “quản lý” đối với các lĩnh vực cụ thể (những người không có chức vụ quản lý). Do đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật đã có những cách hiểu không thống nhất như trường hợp cụ thể nêu trên.
Thứ hai, cần bổ sung đối với quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng trong trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định đó kèm theo hồ sơ vụ việc và biên bản vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp người tiến hành tố tụng hoặc người đang giải quyết vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với vụ việc đó thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc và đề nghị lập biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền lập biên bản theo quy định pháp luật để tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, nếu người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc thì cần chuyển ngay hồ sơ vụ việc, biên bản vi phạm hành chính và đề nghị xử phạt đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Như vậy, từ thực tiễn áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính do có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã cho thấy có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Điều này đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn một số quy định pháp luật cụ thể nêu trên là cơ sở để việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính được thực hiện thống nhất, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, góp phần hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005