Trong bối cảnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra những cải cách quan trọng về hành lang pháp lý giải phóng tối đa giá trị của động sản với tư cách là tài sản bảo đảm nhằm thúc đẩy tiếp cận tín dụng, phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, động sản là một khái niệm có phạm vi rộng lớn, bao trùm nhiều loại hình tài sản với tính chất vật lý và quy chế pháp lý khác nhau. Với tư cách là một đạo luật chung, Bộ luật Dân sự năm 2015 không thể đưa ra các quy định chi tiết để điều chỉnh từng trường hợp đặc thù tương ứng với các loại động sản được dùng làm tài sản bảo đảm. Vì vậy, việc ban hành Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn xác lập giao dịch bảo đảm, xác định hiệu lực đối kháng của giao dịch bảo đảm với người thứ ba, xử lý tài sản bảo đảm, quy định về thứ tự ưu tiên liên quan đến động sản là rất cần thiết.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Xu thế sử dụng động sản làm tài sản bảo đảm và các vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của tác giả Đỗ Giang Nam và Lê Trọng Dũng được đăng tải trong số chuyên đề 200 trang về “Xây dựng Nghị định của Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” năm 2020. Trong bài viết này, tác giả tập trung nhận diện xu thế phát triển của việc sử dụng động sản làm tài sản bảo đảm trên thế giới và Việt Nam, qua đó đề xuất hướng tiếp cận chung xây dựng Nghị định nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ. Trên cơ sở này, bước đầu phân loại, đánh giá và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể cần lưu ý trong Nghị định liên quan đến các biện pháp bảo đảm có đối tượng là động sản quan trọng tương ứng với: (i) Biện pháp bảo đảm có đối tượng là động sản hữu hình; (ii) Biện pháp bảo đảm có đối tượng là động sản vô hình; (iii) Biện pháp sử dụng quyền sở hữu làm công cụ bảo đảm.