1. Ý nghĩa của hoạt động thi hành án dân sự trong đời sống xã hội
Cùng quan điểm như vậy, Giáo sư James F Harrigan, chuyên gia tư vấn pháp lý cho cơ quan thi hành án San Francisco, California, Hoa Kỳ cho rằng: “Việc thi hành các bản án của quốc gia là yếu tố quan trọng nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Tất cả các hệ thống pháp luật đều dựa vào các Tòa án để giải thích pháp luật bằng cách áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp liên quan đến cá nhân, tổ chức và nhà nước. Việc thực hiện các quyết định đã xem xét của Tòa án đạt được bằng nỗ lực pháp luật và sự tham gia của các bên tranh chấp chỉ được công nhận trong việc thi hành các bản án của Tòa án được đưa ra để giải quyết các tranh chấp. Việc thi hành đó, tiếp theo quá trình, là một phần không kém quan trọng. Nếu bản án không được thi hành, có nghĩa pháp luật mà bản án căn cứ vào không có ý nghĩa trên thực tế. Vì lý do đó, có một khái niệm riêng giữa hệ thống luật chung và Luật Dân sự khác là bản án phải được coi là chung thẩm, có giá trị ràng buộc, và có thể thi hành ngay sau khi ban hành, và việc thi hành án là quyền ưu tiên cao nhất của một hệ thống pháp luật”[2].
Có thể khái quát ý nghĩa của hoạt động THADS qua mấy điểm sau:
Một là, đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định về mặt thực tế
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các đương sự cũng như đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định, cơ quan thi hành án phải áp dụng các biện pháp thi hành án để tổ chức thi hành các phán quyết này. Việc áp dụng các biện pháp THADS của cơ quan thi hành án là để đảm bảo: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” theo đúng quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013.
Với tính chất đặc thù của THADS là hoạt động liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau trong xã hội và thường liên quan đến quyền sở hữu tài sản của công dân, vì vậy, THADS dễ dẫn đến xâm phạm quyền con người, quyền công dân, do đó cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra đối với hoạt động THADS. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện nay có rất nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát, như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Ban chỉ đạo thi hành án..., bên cạnh đó là quyền kiểm sát của Viện kiểm sát, điều này đảm bảo cho hoạt động thi hành án được thực hiện có hiệu quả, đúng pháp luật, song cần có quy định phù hợp hơn, hạn chế sự can thiệp không có căn cứ pháp luật vào hoạt động thi hành án của chấp hành viên.
Hai là, thi hành án dân sự là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án được xác định trong bản án, quyết định
Pháp luật THADS quy định và bảo vệ quyền được tự nguyện, quyền được thỏa thuận trong thi hành án cho các đương sự, bởi thực chất của việc THADS là việc tổ chức và thực thi các phán quyết có nguồn gốc về pháp luật nội dung là luật tư[3]. Trong mọi giai đoạn của quá trình thi hành án, đương sự đều có quyền thỏa thuận, định đoạt các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong bản án, quyết định. Đây là một quyền quan trọng của đương sự trong THADS. “Vấn đề dân sự, thương sự cốt ở hai bên, đó là nguyên tắc xuyên suốt, chỉ yêu cầu Nhà nước can thiệp khi họ không thể tự giải quyết. Việc tự giải quyết không chỉ làm giảm gánh nặng của cơ quan thi hành án, mà còn làm tăng tình đoàn kết giữa hai bên. Nhất là truyền thống của Việt Nam khuyến khích hòa giải ở bất kỳ giai đoạn nào. Do đó, theo chúng tôi nghĩ cần giữ nguyên tắc để các bên thi hành án tự nguyện thi hành, khi bên phải thi hành cố tình không thực hiện, bên được thi hành án có yêu cầu thì cơ quan thi hành án mới vào cuộc”[4].
Không giống như nhiều nước trên thế giới quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án, ở Việt Nam, thẩm quyền này được giao cho cơ quan THADS. Mặc dù thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thi hành án khác nhau, tuy nhiên, điểm chung trong pháp luật các nước, đó là đảm bảo kiểm soát việc sử dụng biện pháp chế tài trong THADS - chỉ Nhà nước mới có quyền thực hiện cưỡng chế thi hành án. Nhà nước giao cho cơ quan THADS, chấp hành viên thực hiện. Mọi cá nhân, tổ chức khác không được phép sử dụng quyền lực để buộc người khác thực hiện nghĩa vụ của họ nếu pháp luật không cho phép.
Khi bàn về cưỡng chế thi hành án, Giáo sư Claude Brenner, trường Đại học Panthéon - Assas cho rằng: “Trong một nhà nước pháp quyền, cơ quan quyền lực nhà nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thi hành án. Do đó, cưỡng chế thi hành án chỉ liên quan đến các cơ quan quyền lực nhà nước. Khi tiến hành cưỡng chế thi hành, cơ quan quyền lực nhà nước cần có sự hỗ trợ của quyền lực công. Các cá nhân không thể thao túng hoạt động này, cũng như không thể làm sai lệch việc tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Bởi đây là hoạt động dựa trên cơ sở quyền lực”[5].
Ba là, góp phần nâng cao chất lượng của bản án, quyết định
Thông qua kết quả thi hành án, công tác xét xử được củng cố, bản án, quyết định được đảm bảo thi hành trong thực tế, đồng thời thông qua việc áp dụng các biện pháp thi hành án, nếu có sai sót trong bản án, quyết định được thi hành, cơ quan thi hành án sẽ có những kiến nghị thích hợp, giúp cho cơ quan ra bản án, quyết định có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng của bản án, quyết định.
Bốn là, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân
Việc tự nguyện thi hành án, đặc biệt là những trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định, sẽ tác động tích cực đến quyền lợi của các bên đương sự: Bên được thi hành án sớm khôi phục lại quyền lợi của mình; bên phải thi hành án có thể giảm được một phần nghĩa vụ theo bản án, quyết định, giảm được các thiệt hại so với trường hợp cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, như giảm các chi phí cưỡng chế thi hành án, lãi suất chậm thi hành án. Với những ý nghĩa như vậy, sẽ thúc đẩy các đương sự ý thức tự nguyện trong việc thi hành án, cũng như thái độ, ý thức khi thỏa thuận với nhau trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong bản án, quyết định, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự
Thứ nhất, nâng cao chất lượng bản án, quyết định
Có thể khẳng định hoạt động THADS xuất phát và gắn liền với hoạt động xét xử của Tòa án. Xét xử và thi hành án là hai mặt của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Xét xử là tiền đề của thi hành án, không có xét xử thì không có thi hành án. Ngược lại, thi hành án tiếp nối với xét xử làm cho bản án, quyết định có hiệu lực trên thực tế nên có tác dụng củng cố kết quả xét xử. Do vậy, một bản án, quyết định được tuyên đầy đủ, rõ ràng, chính xác, phù hợp thực tế, là cơ sở để đảm bảo hiệu quả của hoạt động THADS, ngược lại, nếu tuyên không chính xác, không đầy đủ, rõ ràng hoặc không phù hợp tình hình thực tế, sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động THADS, nhiều trường hợp bế tắc, không thi hành được. Vì vậy, cần phải: (i) Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ thẩm phán, rèn luyện ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời; (ii) Xử lý trách nhiệm của thẩm phán trong việc ra bản án, quyết định nhưng bị sửa, bị hủy, chậm chuyển giao hoặc chậm giải thích bản án, quyết định.
Thứ hai, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng bảo vệ triệt để quyền lợi cho người được thi hành án
Theo chúng tôi, nên bỏ quy định về biện pháp tự nguyện thi hành án, không nên quy định tự nguyện thi hành án là một biện pháp bắt buộc trong THADS, đây cần được xem quyền của người phải thi hành án, họ có thể thỏa thuận với bên được thi hành án để tự thực hiện nghĩa vụ của mình, Nhà nước không cần can thiệp vào việc này. Khi người được thi hành án yêu cầu cơ quan nhà nước tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án cần nhanh chóng triển khai áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, việc quy định biện pháp tự nguyện thi hành án trong trường hợp này không cần thiết, kéo dài việc thi hành án. Bởi lẽ, trong quá trình theo đuổi vụ tranh chấp, nhiều trường hợp bên phải thi hành án đã biết được kết quả có thể của vụ kiện, đặc biệt sau khi đã có bản án, quyết định, nghĩa vụ thi hành án của họ đã được xác định rõ, thông thường từ khi bản án, quyết định có hiệu lực đến khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án là khoảng thời gian dài, nhưng người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, vì vậy, Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định thời hạn 10 ngày để bên phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ sau khi có quyết định thi hành án là không cần thiết. Thực tiễn về THADS cho thấy người phải thi hành án thường có xu hướng tìm mọi cách để tẩu tán, che dấu tài sản, trốn tránh việc thi hành án, do vậy, việc quy định khoảng thời gian tự nguyện thi hành án như hiện nay vô hình trung tạo điều kiện cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Thứ ba, cần sớm xây dựng và ban hành pháp luật về đăng ký tài sản
Một trong những khó khăn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả THADS là do không xác định được tài sản của bên phải thi hành án. Để khắc phục tình trạng này, cần sớm xây dựng và ban hành Luật về đăng ký tài sản theo hướng tất cả tài sản là bất động sản và các động sản phải đăng ký quyền sở hữu phải được quản lý thống nhất bởi một cơ quan chủ quản. Với những tài sản có giá trị lớn phải có đầy đủ hồ sơ, lý lịch. Như vậy sẽ đảm bảo: (i) Tạo điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tìm hiểu về nguồn gốc của những tài sản này trước khi quyết định thực hiện giao dịch; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác minh tài sản của người phải thi hành án, để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong thi hành án; (iii) Là cơ sở để xây dựng Luật Thi hành án dân sự theo đúng bản chất của hoạt động này - hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ thể có quyền và phù hợp với thông lệ chung của những nước có hệ thống pháp luật thi hành án hiệu quả trên thế giới: Người được thi hành án sẽ chủ động thúc đẩy quá trình thi hành án và phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án[6].
Pháp luật THADS của Việt Nam trước đây đã xây dựng theo hướng này, tuy nhiên khi áp dụng lại không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, vì pháp luật về đăng ký tài sản của Việt Nam chưa hoàn thiện, gây nhiều khó khăn cho người được thi hành án khi chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Vì vậy, quy định này đã được sửa đổi lại thành quyền của người được thi hành án cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án, song đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khi hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hoàn thiện, khó khăn này cơ bản sẽ được khắc phục, hơn nữa, về thực chất của những tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, thì người được thi hành án là người có quan hệ bạn bè, đối tác làm ăn, thế chấp, vay mượn... với người phải thi hành án và cũng là người tham gia trong quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nên họ là người nắm rõ các thông tin về tài sản, nhân thân của người phải thi hành án, vì vậy, khi sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án dân sự, việc giao cho người được thi hành án tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là phù hợp với bản chất của hoạt động THADS và thông lệ quốc tế.
Thứ tư, nâng cao vai trò của luật sư trong hoạt động thi hành án dân sự
Hiện nay, nước ta có trên 11.000 luật sư đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp[7]. Luật sư là những người am hiểu pháp luật, thường có kinh nghiệm trong việc ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp cũng như THADS, vì vậy, sự tham gia của luật sư vào giai đoạn thi hành án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án. Do đó, cần nâng cao vai trò của luật sư trong THADS. Cụ thể: Bên cạnh quy định của Luật Luật sư về nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của luật sư, khi sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án dân sự, cần bổ sung điều luật ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn của luật sư trong Luật này. Bởi lẽ, hiện nay chưa có quy định cụ thể quyền của luật sư trong hoạt động thi hành án, như quyền được tham gia vào toàn bộ hoạt động thi hành án; quyền làm việc trực tiếp và bằng văn bản với cơ quan thi hành án; quyền xác minh điều kiện thi hành án...
Thứ năm, cần xem xét lại quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thẩm quyền và trách nhiệm của người kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động THADS là tình trạng thiếu “tính chung thẩm của bản án, quyết định”, để hạn chế tình trạng này, pháp luật tố tụng dân sự cần hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ được thực hiện quyền này trong hai trường hợp: (i) Khi đương sự có yêu cầu; (ii) Kháng nghị nhằm đảm bảo sự thống nhất pháp luật, bảo vệ trật tự công cộng.
Đảm bảo “tính chung thẩm của bản án, quyết định” là nguyên tắc cơ bản của thông lệ quốc tế. “Các nguyên tắc và quy tắc xác định các điều kiện của tính chung thẩm cản trở việc mở lại một vụ án đã hoàn thành việc xét xử. Việc xét xử công bằng là sự công bằng hiệu quả nhất mà doanh nghiệp có thể đạt được. Trên cơ sở đó vụ xét xử phải được giữ nguyên kể cả khi có một lý do nào đó để cho rằng có thể đạt được một kết quả khác, trừ khi có chứng cứ gian lận rõ ràng trong thủ tục tố tụng hoặc bằng chứng xác quyết mà trước đó chưa được tiết lộ và không được phát hiện hợp lý vào thời điểm đó”[8]. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người kháng nghị, trong trường hợp kháng nghị không có căn cứ pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động THADS. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thực ra đã bao quát trường hợp này, tuy nhiên trong thực tiễn, vẫn chưa phát huy hiệu quả những quy định này.
Thứ sáu, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Một trong những mục tiêu chính khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là nhằm bảo toàn tình trạng tài sản, tránh việc tẩu tán, phá tán, hủy hoại tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành án. Vì vậy, đây là một trong những biện pháp bảo toàn tài sản được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành. Tuy nhiên, quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự chỉ được pháp luật thừa nhận trong trường hợp đương sự yêu cầu cùng với việc khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa án. Chúng tôi cho rằng, khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, cần thừa nhận quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho đương sự không cần thiết phải gắn liền với yêu cầu khởi kiện vụ án, bởi lẽ, theo quy định hiện nay, trong nhiều trường hợp sẽ làm mất đi tính cấp thiết của việc bảo toàn tình trạng tài sản. Hướng sửa đổi sẽ là: Đương sự có quyền chỉ yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp; yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó mới yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, để tránh tình trạng yêu cầu của đương sự xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, cần quy định biện pháp bảo đảm đối với đương sự có yêu cầu như pháp luật tố tụng dân sự hiện hành.
Có thể khẳng định, hoạt động THADS là một vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, đến trật tự kỷ cương pháp luật và ảnh hưởng sâu sắc đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hay nói rộng hơn là quyền dân sự cơ bản của con người, như quyền về tài sản, quyền được lao động, quyền tự do, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm[9]. Trong Nhà nước pháp quyền, Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo các quyền cơ bản cho công dân, như quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, đảm bảo quyền sở hữu về tài sản, chỗ ở... Vì vậy, ngoài việc có các chính sách thích hợp đảm bảo cho công dân thực hiện và phát huy các quyền này, Nhà nước phải có hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp đảm bảo xét xử, xử lý kịp thời, công bằng hành vi vi phạm, đồng thời, phải đảm bảo cho các phán quyết được thực hiện một cách đầy đủ, nhanh chóng trên thực tế. Nói cách khác, quyền được đảm bảo thi hành án phải được xem là quyền cơ bản của công dân trong Nhà nước pháp quyền.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Phan Văn Khải (2003), “Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế, duy trì kỷ cương phép nước”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số đặc biệt 10 năm công tác thi hành án dân sự.
[2]. Báo cáo và các đề xuất của Star Việt Nam về dự thảo Bộ luật Thi hành án của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.
[3]. Như: Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động, Luật Thương mại...
[4]. Phát biểu của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 03/11/2014.
[5]. Claude Brenner, Gs trường Đại học tổng hợp Panthéon - Assas, Cộng hòa Pháp (2006), “Lựa chọn mô hình tổ chức thi hành án phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia”. Nguồn: Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Tài liệu tham khảo dự thảo Luật Thi hành án dân sự.
[6]. Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Star - Việt Nam, “Đề xuất của Star đối với việc sửa đổi dự thảo Luật Thi hành án dân sự”, tr. 1.
[7]. Trần Xuân Tiền (2014), “Vai trò của luật sư trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án, góp phần bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp”, nguồn: http://dongdoilaw.vn/news/hoat-dong/vai-tro-của-luat-su-trong-việc-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-cong-tac-thi hành án -gop-phan-bao-ve-quyen-loi-doanh-nghiep-637, truy cập ngày 10.5.2014.
[8]. James F. Harrigan (2005), “Báo cáo và các đề xuất của Star Việt Nam về dự thảo Bộ luật thi hành án”, tr. 3.
[9]. Nguyễn Quang Thái (2008), “Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sỹ Luật học, tr. 65.