Bài viết được kết cấu làm 03 phần. Nội dung Phần thứ nhất điểm lại quá trình lãnh đạo cách mạng và những thành tựu của Đảng từ khi thành lập đến năm 1975. Phần thứ hai là những thành tựu từ năm 1975 đến nay và nhấn mạnh những vấn đề cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Phần thứ ba là bối cảnh mới và những chủ trương, biện pháp phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030. Những vấn đề đó nghe có vẻ xưa cũ vì đó là những tri thức mà đa số chúng ta đã được học trong môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Những vấn đề cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; các bài học kinh nghiệm; tình hình và giải pháp mới cũng đã được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII và Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ và nghiền ngẫm chúng ta sẽ thấy, Tổng Bí thư nhắc lại những vấn đề như vậy vào đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng và đặc biệt chúng ta đang khởi động quá trình chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là có chủ đích và có nhiều tầng ý nghĩa.
Thứ nhất, việc khẳng định lại các thành tựu của Đảng của người đứng đầu Đảng ta, một lần nữa thể hiện sự kiên định, nhất quán của Đảng về vị trí, vai trò và công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc. Thông qua đó, khẳng định với toàn dân và thế giới rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất và xứng đáng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam mà không có lực lượng chính trị nào có thể thay thế được. Sự lãnh đạo đó bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng cả trong đấu tranh giành chính quyền, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thứ hai, những thành tựu của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua đã làm cho đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”, nhưng đó không chỉ là thành tựu của ngày hôm nay, của thế hệ hôm nay mà là sự tiếp nối, kế thừa các thành tựu của thời kỳ trước, thế hệ trước. “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” chính là sự tri ân các thế hệ tiền bối cách mạng, các đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân. Với sự phát triển đi lên chúng ta thấy, càng tiến gần tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, càng chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của Đảng cả về hệ tư tưởng, đường lối chính trị, về tổ chức bộ máy, cán bộ cho đến phương thức, tác phong lãnh đạo cách mạng. Khẳng định lại những vấn đề đó để chúng ta càng có thêm niềm tự hào, tin tưởng và tạo nguồn động lực để vững bước trong chặng đường tiếp theo.
Thứ ba, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại những vấn đề cơ bản, hệ trọng của Đảng và phát triển đất nước đã được xác định trong các kỳ đại hội trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV còn có ý nghĩa định hướng chỉ đạo cho Tiểu ban văn kiện những vấn đề cơ bản, căn cốt mà văn kiện Đại hội XIV phải tiếp tục kế thừa và phát triển lên tầm cao mới.
Có ý kiến cho rằng, trong bài viết của Tổng Bí thư không nhắc đến những hạn chế, khuyết điểm của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, không nhắc đến không có nghĩa là giấu giếm khuyết điểm. Bởi đây là bài phát biểu quan trọng trong lễ kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng, chứ không phải là báo cáo chính trị trước đại hội hoặc bản tự kiểm điểm của Đảng trước nhân dân. Và cần nhớ rằng, trong các đại hội, hội nghị của Đảng, trên cương vị người đứng đầu, Tổng Bí thư bao giờ cũng rất nghiêm khắc và gương mẫu tự phê bình và phê bình, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của Đảng trước nhân dân. Nếu đọc và nghiền ngẫm thật kỹ, thật sâu chúng ta còn hiểu rằng tuy không đề cập đến những hạn chế, khuyết điểm trong bài viết nhưng những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng nói chung và trong đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo của Đảng nói riêng đều là những bài học xương máu được rút ra từ thành công và thất bại, từ công sức trí tuệ, xương máu của biết bao thế hệ đảng viên và nhân dân.
Trong toàn bộ bài viết, Tổng Bí thư dành nhiều dung lượng cho các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng và phương thức, phong cách lãnh đạo của Đảng. Những bài học vô cùng có giá trị vì nó là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có ý nghĩa chỉ đạo trong thời gian tới.
Trong các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo cách mạng, đáng chú ý là bài học thứ 03 về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đường lối của Đảng. Bởi đây là một khâu yếu của cấp ủy các cấp trong thời gian vừa qua và thực tế cho thấy dù đường lối, chủ trương của Đảng có đúng đắn đến đâu nếu không tổ chức thực hiện tốt thì không thể đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “chủ trương một, biện pháp mười”.
Bài học này tuy ngắn gọn nhưng có 09 vấn đề hết sức quan trọng trong tổ chức thực hiện đường lối. Muốn thực hiện tốt trước hết phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn; có bước đi phù hợp; tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện luôn phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu; dân chủ đi đôi với kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phối hợp các lực lượng và tạo đột phá để phát triển. Những nội dung này trong thời gian qua, nhất là trong đại dịch Covid-19 chúng ta đã làm rất tốt như: Quốc hội đã tổ chức các phiên họp bất thường, đột xuất để giải quyết điểm nghẽn, kịp thời sửa đổi Luật Đất đai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, chuyển đổi số… tạo đột phá để phát triển đất nước. Những vấn đề này đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, hy vọng nó sẽ được nhắc lại trong Văn kiện Đại hội XIV sắp tới với một tầm cao hơn.
TS. Lương Ngọc Vĩnh
Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và tuyên truyền
Toàn văn bài viết của Tổng Bí thư đã được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đăng tải: https://danchuphapluat.vn/tu-hao-va-tin-tuong-duoi-la-co-ve-vang-cua-dang-quyet-tam-xay-dung-mot-nuoc-viet-nam-ngay-cang-giau-manh-van-minh-van-hien-va-anh-hung