1. Khái quát về chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được hiểu là hành vi chủ thể tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự), do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách vô ý, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Chứng minh vụ án hình sự nói chung là hoạt động đặc thù đối với một loại tội phạm cụ thể, bao hàm nhiều hoạt động tố tụng nhằm thu thập, đánh giá, kiểm tra chứng cứ đối với các tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, việc chứng minh cũng phải được thực hiện đúng với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) dựa trên cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do Bộ luật Hình sự quy định.
Như vậy, có thể hiểu rằng, chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo trình tự, thủ tục được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và sử dụng chứng cứ đó làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhằm giải quyết đúng đắn các vụ án đã xảy ra.
Nội dung của hoạt động chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là toàn bộ hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hay nói cách khác, các hoạt động này sẽ giúp trả lời câu hỏi rằng, vụ việc tai nạn giao thông đã xảy ra có thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự, cũng như các yếu tố khác có ý nghĩa giải quyết những vấn đề phát sinh khác trong vụ án hay không.
Chứng minh đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là một hoạt động áp dụng pháp luật, trong đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên cơ sở các tình tiết thực tế của hành vi phạm tội phân tích, đối chiếu, so sánh với các yếu tố cấu thành tội phạm này và các yêu cầu khác được quy định trong Bộ luật Hình sự, các văn bản pháp luật liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng. Về mặt thực tế, đó là việc các chủ thể chứng minh đánh giá các chứng cứ có liên quan đến tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đã xảy ra như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên khám nghiệm tử thi, biên bản khám nghiệm phương tiện đã gây tai nạn, kết luận giám định thương tích, kết luận định giá tài sản hư hỏng… Về mặt pháp luật, đó là việc các chủ thể phân tích, đánh giá nội dung các dấu hiệu pháp lý được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự, cũng như kết hợp với các nội dung khác. Tuy vậy, pháp luật mang tính tổng quát, trong khi đó các tình huống thực tế thường phức tạp nên việc để pháp luật và thực tế tương ứng với nhau hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ lập pháp và nhận thức của chủ thể áp dụng pháp luật.
Đặc trưng của hoạt động chứng minh đối với tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ là việc bảo đảm thu thập các nguồn chứng cứ bắt buộc. Hầu hết, các vụ việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ luôn bắt buộc phải có biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định tài sản bị hư hỏng… và tuỳ thuộc vào từng tình huống còn có biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định thương tật hoặc tổn hại về sức khoẻ, văn bản hành chính về việc vi phạm nồng độ, file ghi hình tai nạn xảy ra. Nói cách khác, có nhiều hoạt động điều tra bắt buộc phải được thực hiện để làm nguồn chứng cứ khi xử lý các vụ án về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Nếu thiếu đi các hoạt động này sẽ không có chứng cứ phục vụ việc chứng minh tội phạm.
Như vậy, khi chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cần vừa bảo đảm các chứng cứ thực tế được thu thập một cách đầy đủ, hợp pháp, vừa bảo đảm tính liên quan đến nội dung cần phải chứng minh.
2. Vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật khi chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giải pháp hoàn thiện
Thứ nhất, việc thực hiện thực nghiệm điều tra: Thực tế xảy ra trường hợp đã thực hiện hết các biện pháp mà khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để chứng minh vụ việc tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm do vẫn chưa thể đi đến kết luận về nguyên nhân, diễn biến hay lỗi của các bên khi tham gia giao thông. Hiện nay, hầu hết các vụ việc tai nạn giao thông thường được ghi hình lại thông qua thiết bị do công an địa phương lắp đặt hoặc nhà dân gần đó ghi hình lại được. Điều này giúp giải quyết rất nhiều vụ tai nạn giao thông phức tạp khi không xác định được điểm va chạm, hành vi vi phạm, lỗi của các bên. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp tai nạn giao thông phức tạp nhưng lại nằm ở các đoạn đường vắng không có camera ghi hình và cũng không có người chứng kiến sự việc, nhất là các vùng nông thôn vào ban đêm. Điều này gây khó khăn cho việc xác định có dấu hiệu tội phạm không, nếu không thể dựng lại được hiện trường vụ việc và tiến hành thực nghiệm. Không chỉ đối với các vụ việc vi phạm quy định về giao thông đường bộ mà trong nhiều tội phạm khác cũng rất cần được thực nghiệm điều tra trước khi quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Trên thực tế, nhiều địa phương vẫn tiến hành thực nghiệm trước khi khởi tố để bảo đảm chứng cứ nhưng được hợp thức hoá đúng về mặt giai đoạn tố tụng.
Thứ hai, về thực hiện hoạt động khám nghiệm tử thi: Trong nhiều vụ tai nạn giao thông hiện nay vẫn có tình trạng tai nạn đã xảy ra và người bị tai nạn đã được mai táng trước khi cơ quan điều tra kịp thời tiến hành khám nghiệm tử thi. Do không thể tiến hành việc khám nghiệm được tử thi để xác định nguyên nhân tử vong, dẫn đến không đủ cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Bởi lẽ, có quan điểm cho rằng, việc không khám nghiệm tử thi, không đưa ra được kết luận về nguyên nhân tử vong của nạn nhân nên không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can được do kết luận giám định tử thi được coi là nguồn chứng cứ chủ chốt nhất để quyết định việc khởi tố hay không. Tuy vậy, một số quan điểm khác lại cho rằng, kết luận giám định chỉ là một nguồn chứng cứ trong vụ án, việc xác định nguyên nhân tử vong còn có thể được xác định thông qua các tài liệu, chứng cứ khác trong vụ án như có lời khai người làm chứng cho thấy sau tai nạn thì nạn nhân vẫn khoẻ mạnh, hay chứng kiến rõ việc nạn nhân bị va đập vào bánh xe, gãy xương… thì vẫn có thể tiến hành khởi tố vụ án theo quy định.
Theo tác giả, kết luận giám định pháp y tử thi là một nguồn chứng cứ trong số rất nhiều nguồn chứng cứ khác trong vụ án, nếu không có kết luận giám định pháp y tử thi thì dù có nhiều chứng cứ khác thể hiện rõ hậu quả của tội phạm vẫn không thể chứng minh được. Bởi lẽ, nếu chỉ thông qua lời khai của người làm chứng cũng chỉ có thể đưa ra được những dự đoán rằng nạn nhân tử vong như thế nào mà không thể khẳng định hoàn toàn. Ngoài ra cũng không thể dự liệu được những trường hợp nạn nhân tử vong không phải vì tai nạn giao thông mà do nguyên nhân khác. Vì vậy, đối với các vụ việc tai nạn giao thông có người tử vong, việc khám nghiệm tử thi phải là quy định bắt buộc dù trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng nếu người thân của nạn nhân kiên quyết từ chối khai quật hoặc khám nghiệm trong khi cơ quan tiến hành tố tụng không có một cơ sở pháp lý nào để cưỡng chế thực hiện thì gần như khó để thu thập chứng cứ quan trọng này. Do đó, theo tác giả, cần bổ sung nội dung sau vào Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan tiến hành tố tụng:
“Trường hợp người thân thích của người bị hại không đồng ý cho khai quật hoặc khám nghiệm tử thi thì điều tra viên phải giải thích, thuyết phục gia đình của người bị hại đồng ý. Nếu người thân thích của người bị hại không đồng ý thì điều tra viên vẫn bắt buộc tiến hành khai quật hoặc khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thân thích của người bị hại có khiếu nại, tố cáo sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật này.”
Thứ ba, vấn đề điều tra, xác minh, giải quyết các vụ tai nạn giao thông do cảnh sát giao thông thực hiện: Khoản 7 Điều 7 Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (Thông tư số 63/2020/TT-BCA) quy định:
“a) Nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả: Có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện như sau:
Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết; đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết;
b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông không thuộc một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a khoản này thì phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định của Thông tư này.”
Nói cách khác, các vụ việc tai nạn giao thông ban đầu không có dấu hiệu tội phạm thì công tác khám nghiệm hiện trường đều do cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện và các hoạt động này không có sự tham gia của điều tra viên, kiểm sát viên. Nhưng thực tế nhiều sự việc sau khi có kết luận giám định thương tật hay kết luận định giá tài sản bị thiệt hại thì mới phát sinh dấu hiệu tội phạm. Lúc này, theo quy định, đội Cảnh sát giao thông phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện các thủ tục tố tụng. Vấn đề phát sinh là các tài liệu điều tra, xác minh ban đầu đều không thực hiện đúng thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự nên các chứng cứ này không thể được sử dụng làm chứng cứ để khởi tố vụ án. Việc tiến hành lại các hoạt động xác minh trong nhiều trường hợp là không thể do hiện trường bị xáo trộn hoặc không còn, nhiều trường hợp xử lý ban đầu xác định không có dấu hiệu tội phạm nên đã trả lại phương tiện cho các chủ sở hữu và họ tiến hành sửa chữa nên việc khám nghiệm phương tiện cũng không thể thực hiện.
Do đó, theo tác giả, quy định tại điểm b khoản 7 Điều 7 Thông tư số 63/2020/TT-BCA nên quy định như sau: “Trường hợp vụ tai nạn giao thông không thuộc một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a khoản này thì phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận, theo dõi, đồng thời phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành điều tra, xác minh giải quyết theo quy định của Thông tư này”. Đồng thời khoản 2 Điều 9 Thông tư này cũng cần xem xét, bổ sung: “Việc khám nghiệm hiện trường phải có mặt của Cảnh sát điều tra được phân công và thông báo cho Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.”
Từ đó, việc khám nghiệm hiện trường ban đầu luôn phải có sự tham gia của điều tra viên, kiểm sát viên nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc ảnh hưởng đến chứng cứ chứng minh tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, cũng bảo đảm các biện pháp kiểm tra, xác minh do Cảnh sát giao thông thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có sự theo dõi, tham gia khi cần thiết của điều tra viên, bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ trong giai đoạn này.
Chứng minh tình trạng điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở do sử dụng rượu, bia, điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định...”. Như vậy, để chứng minh người gây ra tai nạn cấu thành tội phạm tăng nặng theo nội dung trên, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người gây ra tai nạn đã sử dụng rượu, bia dẫn đến nồng độ trong máu hoặc hơi thở vượt quá mức quy định. Tuy vậy, thực tế lại khó có thể chứng minh được theo quy định này. Bởi lẽ, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì mức vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe đã được định lượng qua 03 mức để làm căn cứ xử phạt hành chính cho từng loại phương tiện, cụ thể: “(i) Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; (ii) Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; (iii) Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở”. Vậy, “vượt quá mức quy định” mà Điều 260 Bộ luật Hình sự nói đến là mức vi phạm nào để truy cứu trách nhiệm hình sự người gây ra tai nạn, cũng như phải sử dụng tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh là vượt quá mức quy định, vì rất ít trường hợp cơ quan chức năng thu được mẫu máu của người gây tai nạn để giám định mà chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế, kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở của lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý đối với tình tiết này, nhưng đây khó có thể coi là một nguồn chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, hiện nay, thị trường Việt Nam du nhập nhiều loại sản phẩm có chứa cồn như thuốc uống chữa bệnh, nước giải khác lên men… thì cụm từ “sử dụng rượu, bia” sẽ phải chứng minh như thế nào nếu họ đưa ra lời khai rằng không sử dụng rượu, bia mà chỉ sử dụng các thực phẩm có chứa cồn khác.
Ngoài ra, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 thì hành vi: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị nghiêm cấm. Nói cách khác, nhà làm luật đã loại bỏ hoàn toàn việc cho phép ngươi tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu đã là hành vi bị cấm, xem như pháp luật đã loại bỏ hoàn toàn các “mức” để xem xét việc có vượt quá quy định hay không, vì chỉ cần xác định trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông có nồng đồ cồn đều được coi là vi phạm. Sự không thống nhất trong các văn bản pháp luật và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự làm cho việc áp dụng pháp luật còn vướng mắc. Nhất là trong tình hình đẩy mạnh việc xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia.
Vì vậy, theo tác giả, điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự cần được chỉnh sửa cho phù hợp với các chính sách pháp luật hiện nay. Có thể sửa đổi thành: “Vi phạm quy định về nồng đồ cồn trong máu hoặc hơi thở, có sử dụng chất ma tuý hoặc chất kích thích mạnh khác”. Việc thay đổi thành quy định tổng quát này sẽ giúp cho việc áp dụng trở nên dễ dàng hơn khi chỉ cần xác định có hay không người gây ra tai nạn vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở theo pháp luật hiện hành. Điều này giúp cho việc chứng minh sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bởi lẽ, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về quy định nồng độ cồn. Ngoài ra, trong tương lai, nếu có sự thay đổi về quy định nồng độ cồn cũng sẽ không ảnh hưởng đến quy định của Bộ luật Hình sự nếu sửa đổi theo hướng trên.
Bên cạnh đó, Điều 260 Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn chưa khái niệm hóa các tình tiết cấu thành tội phạm tăng nặng: “Không có giấy phép lái xe theo quy định”, “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”, “cố ý không giúp người bị nạn” hay khoản 4 Điều 260 cũng chưa được diễn giải rõ ràng[1]. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chứng minh tội phạm khi việc thu thập chứng cứ trở nên không có giới hạn, không có sự thống nhất giữa các địa phương. Những nội dung trên cho thấy tính cần thiết của một văn bản hướng dẫn cụ thể tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Để nâng cao hoạt động áp dụng pháp luật khi chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, các cơ quan trung ương có liên quan cần nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn về các vấn đề đã được nêu trên.
Tóm lại, việc áp dụng pháp luật khi chứng minh tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy lùi tai nạn giao thông. Việc xem xét, đánh giá quy định pháp luật và đưa ra các giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật là giải pháp hữu hiệu nhất để hoàn thiện pháp luật về chứng minh tội phạm này, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án về tại nạn giao thông trong thời gian tới./.
TS. Nguyễn Thị Nga
Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân
[1]. Nguyễn Chí Công, Hoàng Thị Song Mai (2022), “Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án liên quan đến tai nạn giao thông”, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/mot-so-giai-phap-hoan-thien-phap-luat-nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-cac-vu-an-lien-quan-den-tai-nan-giao-thong6816.html.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)