Tóm tắt: Bài viết bàn về một số vướng mắc, bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về chế định giám đốc thẩm, tái thẩm, từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này trong thời gian tới.
Abstract: The article discusses some problems and inadequacies in the provisions of the 2015 Criminal Procedure Code (amended and supplemented in 2021) on the institution of cassation and revision, from there, proposing some solutions to improve the law on this issue in the coming time.
1. Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chế định giám đốc thẩm, tái thẩm
Thứ nhất, về tính chất của giám đốc thẩm, tái thẩm:
“Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”[1].
“Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó”[2].
Như vậy, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) nhằm khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong việc xử lý vụ án của các Tòa án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hoặc bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Hay nói cách khác, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định giám đốc thẩm, tái thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ: (i) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; (ii) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; (iii) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật[3].
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ: (i) Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật; (ii) Có tình tiết mà điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án; (iii) Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; (iv) Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án[4].
Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là những yêu cầu cơ bản có tính nguyên tắc do pháp luật quy định bắt buộc người có thẩm quyền kháng nghị phải tuân thủ khi ra quyết định kháng nghị một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Thứ ba, về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
Theo quy định tại Điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm: (i) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (ii) Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực. (iii) Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm: (i) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (ii) Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực. (iii) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Theo quy định trên, chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bao gồm cả Viện kiểm sát và Tòa án, còn quyền kháng nghị tái thẩm chỉ thuộc về Viện kiểm sát. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm. Có thể nói, so với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một cách rõ ràng hơn về chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thứ tư, về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm:
- Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm:
+ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là không chấp nhận hoàn toàn kháng nghị. Nếu Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận một phần kháng nghị thì không thể giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà rơi vào trường hợp sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp vụ án có nhiều người và kháng nghị cũng đối với nhiều người, Hội đồng giám đốc thẩm có thể chấp nhận kháng nghị đối với người này mà không chấp nhận kháng nghị đối với người khác thì cũng thuộc trường hợp sửa bản án chứ không thuộc trường hợp không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, vì suy cho cùng, bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vẫn bị sửa.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật: Việc Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể hủy một phần hoặc toàn bộ bản án đó, đồng thời giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại: Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại trong trường hợp: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự…
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án: Việc Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, có thể hủy một phần hoặc toàn bộ bản án đó và đình chỉ vụ án đối với một hoặc tất cả những người bị kết án tùy thuộc vào bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật sai lầm nhiều hay sai lầm ít. Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
+ Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: Khi xét kháng nghị, Hội đồng giám đốc thẩm cũng có quyền sửa bản án hoặc quyết định bị kháng nghị nếu xét thấy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm; Hội đồng giám đốc thẩm không thể tăng hình phạt hoặc áp dụng điều khoản về tội nặng hơn nhưng có quyền sửa hình phạt và áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn đối với người bị kháng nghị và cả những người không bị kháng nghị theo hướng đó. Tuy nhiên, việc Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa hình phạt và áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn đối với người bị kháng nghị và cả những người bị kháng nghị theo hướng đó nhưng chỉ đối với bản án bị kháng nghị.
- Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm: (i) Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi thấy những tình tiết mới được đưa ra không làm thay đổi nội dung của bản án. (ii) Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại. (iii) Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
2. Một số vướng mắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chế định giám đốc thẩm, tái thẩm
2.1. Áp dụng căn cứ giám đốc thẩm, tái thẩm
Thứ nhất, về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án: Các tình tiết khách quan của vụ án là những sự kiện có thật diễn ra ngoài ý thức chủ quan của con người, tồn tại không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Do đó, những tình tiết nào đã bị con người làm cho nó thay đổi theo ý muốn của con người thì không còn là tình tiết khách quan, trung thực của vụ án nữa.
Về kết luận trong bản án, hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về việc hiểu phần nào trong bản án của Tòa án là kết luận trong bản án. Cơ cấu của bản án gồm phần mở đầu, nội dung vụ án, nhận định và quyết định. Tuy nhiên, theo tác giả, kết luận trong bản án không chỉ là phần quyết định mà bao gồm từ phần mở đầu cho đến phần quyết định, trong đó, phần nhận định là phần kết luận rất quan trọng, bởi vì có nhận định đúng thì mới quyết định đúng. Đặc biệt, quan trọng nhất là phần quyết định của bản án. Hầu hết các bản án bị kháng nghị là do trong bản án, phần nhận định và quyết định không đúng với thực tế khách quan. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng đã có bản án bị kháng nghị chỉ vì trong bản án ghi người bị hại có mặt nhưng thực tế, người bị hại không có mặt tại phiên tòa. Việc ghi người bị hại có mặt tại phiên tòa là một kết luận không phù hợp với thực tế khách quan.
Đối với các quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án không chỉ bao gồm các quyết định của Tòa án mà còn bao gồm cả các quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát… Nếu các quyết định này không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án thì cũng là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án: Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử là trường hợp Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc không thực hiện đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành, tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản giải thích chính thức để đánh giá một cách rành mạch, phân biệt một cách rõ ràng ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng. Theo tác giả, các trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng được coi là nghiêm trọng phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như: Ở giai đoạn điều tra (khởi tố không có yêu cầu của người bị hại, điều tra viên có hành vi bức cung, dùng nhục hình…); ở giai đoạn truy tố (truy tố người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, truy tố về một tội phạm nhẹ hơn tội mà bị cáo đã phạm nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không phát hiện được hoặc có phát hiện ra nhưng Viện kiểm sát không thay đổi cáo trạng...); ở giai đoạn xét xử (xét xử sai thẩm quyền, việc giao các quyết định của Tòa án không đúng với quy định của pháp luật, thành phần hội đồng xét xử không đúng với quy định của pháp luật, bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng nhưng Tòa án vẫn xét xử vắng mặt họ ở phiên tòa sơ thẩm, người bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định vắng mặt nhưng vẫn xét xử, người bị hại vắng mặt trong trường hợp sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo nhưng Tòa án vẫn tiến hành xét xử, chủ tọa không đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, biên bản nghị án phản ánh nội dung quyết định của hội đồng xét xử không đúng với phần quyết định của bản án đã tuyên tại Tòa…).
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật: Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự là việc áp dụng sai điểm, khoản, điều luật của Bộ luật Hình sự dẫn đến xét xử bị cáo về tội nặng hơn hoặc tội nhẹ hơn, về khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn không đúng với nguyên tắc xử lý vụ án. Tuy nhiên, cũng có thể coi là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự nếu áp dụng đúng điểm, khoản, điều luật của Bộ luật Hình sự nhưng xử quá nhẹ hoặc xử quá nặng; buộc bồi thường không đúng...
Thứ hai, về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:
- Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.
- Có tình tiết mà điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
- Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật: Khi vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật sẽ dẫn đến việc Tòa án sẽ ra bản án hoặc quyết định không đúng căn cứ pháp luật, khiến cho vụ án bị xét xử sai.
- Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án: Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật là những tình tiết mới ngoài các tình tiết được liệt kê trên đây. Tuy nhiên, các tình tiết này cũng phải là các tình tiết có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã nêu những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng cho đến nay, chưa có sự giải thích chính thức về nội dung của các căn cứ trên. Ngoài ra, một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chế định giám đốc thẩm, tái thẩm cũng còn có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
2.2. Vướng mắc về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm
- Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm: Hội đồng giám đốc thẩm có thẩm quyền trong việc “sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật”. Tác giả cho rằng, quy định Hội đồng giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là không hợp lý bởi vì giám đốc thẩm không phải một cấp xét xử. Đối tượng của giám đốc thẩm là các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Khi có kháng nghị, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ xem xét, đánh giá các bản án, quyết định này có vi phạm pháp luật hay không, mức độ vi phạm như thế nào để đưa ra cách thức giải quyết. Vì vậy, khi phát hiện, có thể yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử lại mới phù hợp yêu cầu thực tiễn hiện nay.
- Về thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định căn cứ để Hội đồng tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa không đúng pháp luật. Vấn đề này dẫn đến, nếu phát hiện bản án của Tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm trước đó đã đúng, thì Hội đồng tái thẩm chỉ có thể quyết định hủy án để điều tra, xét xử lại chứ không được giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm trước đó.
Đối với thẩm quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi áp dụng phát sinh trường hợp, không thể giữ nguyên bản án vì khi tiến hành tái thẩm người bị kết án theo hướng không có lợi chết, nếu kháng nghị không có căn cứ, Hội đồng tái thẩm sẽ không chấp nhận kháng nghị nhưng không giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà phải đình chỉ vụ án đối với người bị kết án đã chết. Vì vậy, trong trường hợp này, nên chăng có quy định loại trừ trường hợp Hội đồng tái thẩm có thể hủy bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án?
3. Giải pháp hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chế định giám đốc thẩm, tái thẩm
Một là, liên ngành Tư pháp trung ương cần nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng nội dung các chế định giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó, tập trung hướng dẫn về căn cứ, thời hạn, đối tượng của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hai là, nghiên cứu, tổng kết và sửa đổi căn cứ của chế định giám đốc thẩm, cụ thể là sửa đổi Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án bị kháng nghị khi có một trong các căn cứ sau: (i) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những chứng cứ của vụ án; (ii) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng; (iii) Có sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự.
Ba là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm: Nhằm bảo đảm nguyên tắc xét xử hai cấp, đồng thời thể hiện tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự nên cân nhắc bỏ quy định tại khoản 5 Điều 388 và Điều 393 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thẩm quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng giám đốc thẩm, thay vào đó là thẩm quyền hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại.
- Về thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm: Nghiên cứu bổ sung thêm thẩm quyền tuyênhủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa không đúng pháp luật.
TS. Trần Thảo
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Điều 370 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[2]. Điều 397 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[3]. Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[4]. Điều 398 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)