1. Quan niệm về người tiêu dùng theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới
Người tiêu dùng (consumer) là một thuật ngữ có phạm vi mô tả khá rộng. Dưới góc độ kinh tế, theo Từ điển Kinh tế học hiện đại thì người tiêu dùng được định nghĩa như sau: “Người tiêu dùng là bất cứ đơn vị kinh tế nào có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng…, thông thường, người tiêu dùng được coi là một cá nhân nhưng trên thực tế, người tiêu dùng có thể là cơ quan, cá nhân và nhóm cá nhân. Trong trường hợp cuối cùng, điều đáng lưu ý là, để có quyết định, đơn vị tiêu dùng là hộ gia đình chứ không phải là cá nhân”[1].
Tuy nhiên, khái niệm người tiêu dùng chỉ xuất hiện và là đối tượng được bảo vệ khi lĩnh vực pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời. Quan niệm về người tiêu dùng ở mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau, song, nhìn chung, các quốc gia đều chủ yếu xây dựng định nghĩa này dựa trên ba yếu tố: (i) Tư cách chủ thể; (ii) Căn cứ phát sinh giao dịch tiêu dùng; (iii) Mục đích của giao dịch tiêu dùng.
1.1. Về tư cách chủ thể
Hiện nay, quan điểm về tư cách chủ thể của người tiêu dùng theo pháp luật của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang được chia thành hai xu hướng:
Xu hướng thứ nhất, người tiêu dùng có thể là cá nhân hoặc tổ chức: Điển hình cho xu hướng này có thể kể tới pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc… Theo đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đài Loan năm 1994 (bổ sung năm 2005) ghi nhận, người tiêu dùng là người tham gia vào các giao dịch, sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ vì mục đích tiêu dùng. Quy định này không phân biệt người tiêu dùng là thể nhân hay pháp nhân. Hay tại Điều 2 Luật Khung về người tiêu dùng của Hàn Quốc quy định, người tiêu dùng là những ai sử dụng hàng hóa, dịch vụ[2]… Vậy, với cách sử dụng thuật ngữ một cách chung chung “là những ai”, có thể hiểu, pháp luật Hàn Quốc không hạn chế người tiêu dùng chỉ là cá nhân mà có thể bao gồm cả pháp nhân.
Xu hướng thứ hai, người tiêu dùng chỉ là cá nhân: Nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hay một số nước châu Á như Singapore, Philippines… cho rằng, người tiêu dùng chỉ có thể là thể nhân (cá nhân). Chẳng hạn, tại Điều 2 Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan (Chỉ thị số 1999/44/EC) đã định nghĩa về người tiêu dùng như sau: “Người tiêu dùng được xác định là bất kỳ cá nhân nào thực hiện việc mua hàng theo hợp đồng được quy định bởi Chỉ thị này, thực hiện vì mục tiêu không liên quan đến thương mại, kinh doanh hay nghề nghiệp”[3]. Quy định này đã được các nước thành viên Liên minh châu Âu kế thừa và ghi nhận trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của mình. Hay một ví dụ khác điển hình cho xu hướng này tại châu Á, theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2003 của Singapore (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người tiêu dùng được định nghĩa như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân nhận hoặc có quyền nhận hàng hóa và dịch vụ từ người cung cấp hoặc có nghĩa vụ thanh toán cho người cung cấp đối với hàng hóa, dịch vụ mình đã mua tặng cho cá nhân khác và các hoạt động tiêu dùng đó không nhằm mục đích kinh doanh”[4]. Có thể thấy, cách quy định này thể hiện rằng, pháp luật chỉ hướng tới bảo vệ các cá nhân, với tư cách là bên yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Xét mối quan hệ giữa một bên là tổ chức với một bên là các tổ chức, cá nhân kinh doanh thì khó có thể cho rằng, tổ chức cũng là bên yếu thế bởi các tổ chức thường có nhiều nguồn lực (cả về nhân lực lẫn nguồn lực tài chính) và có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Do đó, so với các cá nhân thì tổ chức có vị thế và điều kiện tốt hơn, bởi tổ chức không yếu thế về mặt thông tin, hiểu biết, khả năng đàm phán hay khả năng tài chính để được bảo vệ như các cá nhân đơn lẻ. Như vậy, việc coi tổ chức là người tiêu dùng có thể dẫn đến những trường hợp mà mối quan hệ giữa các chủ thể hoàn toàn bình đẳng nhưng vẫn có sự can thiệp và bảo vệ của pháp luật, từ đó dẫn đến thiệt hại cho bên tổ chức, cá nhân kinh doanh, mặc dù họ không lợi dụng sự yếu thế của người mua. Có thể cho rằng, đây là lý do giải thích cho việc phần lớn các quốc gia trên thế giới đều quy định người tiêu dùng chỉ là cá nhân.
1.2. Về căn cứ phát sinh giao dịch tiêu dùng
Theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, có ba cách thức để xác lập nên quan hệ tiêu dùng, cụ thể:
Thứ nhất, quan hệ tiêu dùng chỉ được xác lập khi người tiêu dùng trực tiếp có hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nói cách khác, người tiêu dùng không bao gồm người sử dụng, thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ mà không trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ từ tổ chức, cá nhân kinh doanh. Điển hình cho cách tiếp cận này là Chỉ thị số 1999/44/EC. Có thể nói, cách tiếp cận này đã làm hạn chế phạm vi những chủ thể lẽ ra nên được bảo vệ theo các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi trên thực tế, quyền lợi của những người thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ từ người khác thông qua quan hệ tặng cho, thừa kế… bị xâm phạm khá nhiều và nếu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ thì những chủ thể này khó có cơ hội yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường cho mình khi có thiệt hại xảy ra. Điều này khiến cho mục đích của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực sự được bảo đảm.
Thứ hai, khái niệm người tiêu dùng được tiếp cận ở phạm vi rộng hơn cách tiếp cận thứ nhất khi bao gồm cả người trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ và người sử dụng, thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ đó. Hiện nay, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới đang tiếp cận theo cách này khi quy định về khái niệm người tiêu dùng. Có thể nói, cách tiếp cận này toàn diện hơn, đồng thời, góp phần đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hơn khi họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với bất kỳ ai sử dụng hàng hoá, dịch vụ của mình.
Thứ ba, người tiêu dùng bao gồm cả những người không trực tiếp mua hoặc trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhưng vẫn chịu ảnh hưởng bởi hành vi quấy rối của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cách tiếp cận này khá đặc biệt và được thể hiện rất rõ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Thái Lan, theo đó, người tiêu dùng bao gồm cả người được chào mua hàng hóa, dịch vụ từ một người kinh doanh[5]. Nói cách khác, đây chính là những người tiêu dùng trong tương lai, hay còn gọi là người tiêu dùng tiềm năng. Việc quy định khách hàng tiềm năng cũng là người tiêu dùng là một quy định khá đặc biệt hiện nay khi cách thức chào hàng của nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đã khiến cho rất nhiều người cảm thấy bản thân đang bị quấy rối và cần được bảo vệ.
1.3. Về mục đích sử dụng hàng hóa, dịch vụ
Hiện nay, đa số các quốc gia đều không chấp nhận các chủ thể thực hiện các giao dịch vì mục đích kinh doanh hay mục đích nghề nghiệp là người tiêu dùng, mà đều cho rằng, cá nhân, tổ chức chỉ được coi là người tiêu dùng khi họ sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt. Như vậy, tất cả các hoạt động nhằm mục đích kinh doanh, thương mại đều bị loại bỏ ra khỏi đối tượng xem xét của hành vi tiêu dùng. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi hành vi mua, bán với mục đích thương mại thì sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự hoặc pháp luật thương mại.
2. Khái niệm người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
So với nhiều nước trên thế giới, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam ra đời khá muộn và khái niệm pháp lý về người tiêu dùng lần đầu tiên được đề cập trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Sau đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành thay thế Pháp lệnh, trong đó có nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, khái niệm về người tiêu dùng vẫn được kế thừa như quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Theo đó, khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Như vậy, khi xem xét khái niệm này, có thể thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng có cách quy định gần giống với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới khi cũng dựa vào ba yếu tố: (i) Tư cách chủ thể của giao dịch; (ii) Căn cứ phát sinh giao dịch; (iii) Mục đích của giao dịch.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 20/6/2023, chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm bảo đảm tính ổn định cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, theo đó, một số thuật ngữ được giải thích trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã được thay đổi, như khái niệm người tiêu dùng - khái niệm cốt lõi của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp xác định đối tượng sẽ được bảo vệ của đạo luật này.
Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã định nghĩa: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. Có thể thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vẫn xác định người tiêu dùng dựa trên ba yếu tố và quy định trên có những điểm kế thừa, đồng thời có những điểm mới so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể:
2.1. Về tư cách chủ thể
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vẫn xác định người tiêu dùng có thể là cá nhân, gia đình hoặc tổ chức giống quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, đồng thời, bổ sung một chủ thể là cơ quan. Việc mở rộng chủ thể có thể được coi là người tiêu dùng nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng tiêu dùng đều được pháp luật bảo vệ chứ không chỉ riêng tổ chức, cá nhân tiêu dùng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, tổ chức gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, đoàn thể… Do đó, nội hàm của từ “tổ chức” đã bao gồm cơ quan nên việc bổ sung chủ thể là cơ quan vào định nghĩa người tiêu dùng là không cần thiết.
Việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định người tiêu dùng bao gồm cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức như trên là điểm khác biệt so với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới. Bởi, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đa phần các nước có nền kinh tế phát triển và kinh nghiệm lâu năm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều quy định khái niệm người tiêu dùng là cá nhân, không bao gồm tổ chức. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng, tổ chức có vị thế cân bằng so với bên tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngược lại, cá nhân chịu sự yếu thế về mọi mặt như yếu thế về địa vị pháp lý, tài chính, kiến thức, khả năng đàm phán… Điều này đã được kiểm chứng bởi lý luận cũng như thực tiễn trong các mối quan hệ tiêu dùng từ trước tới nay. Do đó, trong suốt 13 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, một số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức đã làm mất đi ý nghĩa của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lãng phí nguồn lực cho chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vẫn giữ nguyên quan điểm này khi cho rằng, tổ chức vẫn là đối tượng cần được bảo vệ khi tham gia vào quan hệ tiêu dùng.
2.2. Về căn cứ phát sinh quan hệ tiêu dùng
Đây là cơ sở quan trọng để xác định những chủ thể nêu trên có trở thành người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật hay không. Kế thừa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vẫn xác định người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, trong định nghĩa này lại sử dụng dấu phẩy giữa hai từ “mua” và “sử dụng”, điều này làm đặt ra một câu hỏi là dấu phẩy ở đây mang nghĩa là “và” (thể hiện ý nghĩa đồng thời) hay là “hoặc” (thể hiện ý nghĩa lựa chọn)? Tức là, để một chủ thể được coi là người tiêu dùng thì chủ thể đó phải vừa là người mua (trực tiếp có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh), đồng thời, vừa là người trực tiếp sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó. Hay pháp luật thừa nhận chủ thể chỉ cần là người mua (không sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ) hoặc chỉ cần là người sử dụng (không trực tiếp có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh) đều được coi là người tiêu dùng? Có thể nói, cách định nghĩa này chưa thực sự rõ ràng và có thể trở thành tiền đề gây tranh luận trong các vụ việc tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang áp dụng cách hiểu người tiêu dùng bao gồm cả ba chủ thể sau: (i) Người trực tiếp có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; (ii) Người trực tiếp sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; (iii) Người vừa trực tiếp có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, đồng thời vừa là người sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó. Cách quy định này cũng tương đồng với đa số các quốc gia trên thế giới.
So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, quy định này vẫn có điểm khác biệt ở chỗ, chủ thể có thể là người tiêu dùng khi mua, sử dụng “sản phẩm” của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo đó, sản phẩm được hiểu là những thứ chưa được đưa vào lưu thông trên thị trường để trao đổi, mua bán, do đó chưa trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, có những sản phẩm mới chỉ được sản xuất, chưa đưa vào lưu thông nhưng vẫn có khả năng gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe hay tài sản cho người sử dụng. Chẳng hạn như, người sử dụng sản phẩm đang thử nghiệm mà phát hiện sản phẩm đó có khuyết tật thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn phải thu hồi và bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra (nếu có) theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Qua đó, có thể thấy, cách quy định mới này mang tính chất bao quát và bảo vệ được người tiêu dùng một cách triệt để hơn so với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
2.3. Về mục đích sử dụng hàng hóa, dịch vụ
Kế thừa quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 xác định chủ thể chỉ có thể là người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình, tổ chức, đồng thời nhấn mạnh “và không vì mục đích thương mại” để loại trừ những giao dịch nhằm đạt được cả hai mục đích là vừa tiêu dùng, vừa kinh doanh kiếm lời.
Tuy nhiên, cần làm rõ yếu tố “mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình, tổ chức” là gì, bởi khái niệm này không được giải thích trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cũng như trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Có thể nói, mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình có thể dễ dàng xác định, bởi để được coi là người tiêu dùng thì người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải vì mục đích sinh hoạt, tiêu dùng thường ngày chứ không phải nhằm mục đích sinh lời như mua để bán lại. Ngược lại, mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của tổ chức lại là vấn đề còn gây nhiều quan điểm khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định một tổ chức mua một loại hàng hóa hay sử dụng một loại dịch vụ vì mục đích tiêu dùng hay mục đích thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Như vậy, có thể nói, việc pháp luật không có quy định giải thích rõ ràng về yếu tố mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của từng chủ thể và đặc biệt là “mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của tổ chức” là một điểm bất cập, dẫn đến chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, với những phân tích ở phần trên, theo tác giả, chỉ nên quy định người tiêu dùng là cá nhân giống với cách quy định của đa số các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có các quy định để bảo vệ quyền lợi của những người chưa mua hay sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh (người tiêu dùng tiềm năng) ngay từ giai đoạn trước khi thực hiện giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 thì những chủ thể này lại chưa được coi là người tiêu dùng. Trong khi đó, trên thực tế, việc những người tiêu dùng tiềm năng này bị quấy rối thông qua các hành vi như tiếp thị, quảng cáo… của tổ chức, cá nhân kinh doanh đã và đang diễn ra phổ biến. Do đó, để bảo đảm phát huy vai trò của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách tối đa, tác giả đề xuất nên bổ sung chủ thể là người tiêu dùng tiềm năng vào quy định khái niệm người tiêu dùng.
Thứ ba, về căn cứ phát sinh quan hệ tiêu dùng, nên xác định rõ chủ thể được coi là người tiêu dùng khi người đó mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tức là, thay vì sử dụng dấu phẩy giữa hai động từ “mua” và “sử dụng” như trong khái niệm người tiêu dùng hiện tại thì nên sử dụng từ “hoặc” để giúp phân định rõ chủ thể được coi là người tiêu dùng là người mua hoặc người sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Điều này sẽ giúp tránh được những quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật để xử lý các vụ việc liên quan tới lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng trên thực tiễn.
Thứ tư, để tránh việc có những cách hiểu khác nhau về định nghĩa người tiêu dùng, cần có quy định hướng dẫn chi tiết như thế nào là mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của từng chủ thể cá nhân, gia đình và tổ chức. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải thích mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của tổ chức, bởi như đã phân tích ở trên, đây là yếu tố khá khó để có thể xác định và hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này./.
ThS. Nguyễn Thị Việt Hà
Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. David D. Pearce, Từ điển Kinh tế học hiện đại (1999), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 193.
[2]. https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=45955&lang=ENG.
[3]. https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A31999L0044.
[4]. https://sso.agc.gov.sg/Act/CPFTA2003.
[5]. https://unilaw.vn/binh-luan-an/nguoi-tieu-dung-luat-bao-ve-nguoi-tieu-dung.html.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 401), tháng 3/2024)