Hiện nay, xung quanh khái niệm quốc hữu hóa, tồn tại rất nhiều quan điểm và cách đánh giá khác nhau. Theo các học giả phương Tây, thuật ngữ "quốc hữu hóa" trong tiếng Anh tương đương với "Nationalization" hoặc trong tiếng Pháp là “Nationalisation”, là quốc gia hóa hay Nhà nước hóa. Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, khái niệm quốc hữu hóa có thể được nhìn nhận như sau:
- Quốc hữu hóa được đồng nhất với Nhà nước hóa, quan điểm này đã từng rất phổ biến, do đó, trước đây khi được tiến hành với ý nghĩa này ở các nước xã hội chủ nghĩa, quốc hữu hóa mang bản chất của một biện pháp phi thị trường nhằm mục đích xóa bỏ sở hữu tư nhân trong nền kinh tế. Quốc hữu hóa được đa số người quan niệm là sự chuyển giao vô điều kiện, mang tính bắt buộc quyền sở hữu với các tư liệu sản xuất, những lực lượng kinh tế của tư nhân vào tay Nhà nước. Là chủ thể bao trùm lên mọi hoạt động, trong lĩnh vực kinh tế, Nhà nước tham gia hầu hết các khâu trong nền kinh tế quốc dân từ khâu tìm kiếm nguyên, nhiên, vật liệu cho đến sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, lập kế hoạch phát triển thị trường.... Trong hoàn cảnh ấy, sở hữu tư nhân gần như không tồn tại, đồng nghĩa với việc không có nền kinh tế thị trường và kết quả gặt hái được là một nền kinh tế quốc dân với sản xuất manh mún, công cụ lao động lạc hậu, trì trệ, kéo theo sự tụt hậu không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội. Từ đó, có thể khẳng định, cách hiểu quốc hữu hóa đồng nhất với Nhà nước hóa đã bộc lộ những điểm kém ưu việt. Nhất là khi, nó từng bước khống chế và kìm hãm sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, đồng thời tiến tới triệt tiêu sở hữu tư nhân - một trong những yếu tố cơ bản để kinh tế thị trường vận hành, phát triển tốt. Quốc hữu hóa lúc này đóng vai trò là phương thức của Nhà nước nhằm thâu tóm về mình quyền sở hữu đối với những tư liệu sản xuất và các lực lượng kinh tế của tư nhân ở các lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế quốc dân.
- Ở góc độ thứ hai, nội hàm khái niệm quốc hữu hóa bị thu hẹp lại, quốc hữu hóa được xem là một biện pháp can thiệp của Nhà nước, thể hiện vai trò điều tiết kinh tế của Nhà nước. Có thể coi, quốc hữu hóa trong trường hợp này là một biểu hiện cụ thể của Nhà nước hóa, nhưng mang bản chất và hướng tới một mục đích khác hẳn. Lúc này, quốc hữu hóa chỉ là một giải pháp nhằm cứu vãn sự tồn tại và hoạt động của một số ngành, lĩnh vực kinh tế đang lâm vào khủng hoảng hiện nay. Còn đại bộ phận các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế quốc dân vẫn hoạt động bình thường, sở hữu tư nhân vẫn duy trì sự tồn tại và vai trò của nó bên cạnh sở hữu Nhà nước. Kinh tế tư nhân vẫn có chỗ đứng và được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích phát triển vì mục tiêu chung là xây dựng và củng cố nền kinh tế quốc dân. Nói cách khác, so với trước đây, phạm vi của quốc hữu hóa ở giai đoạn này đã thu hẹp hơn, nó vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính xã hội bởi mục tiêu mà quá trình này hướng đến là lợi ích chung của một số đông trong xã hội và rộng hơn là toàn thể đất nước, toàn thể người dân trong xã hội.
Nhiều người lo ngại xu hướng quốc hữu hóa đang đi ngược lại xu hướng xã hội hóa và trong một tương lai không xa, xu hướng quốc hữu hóa sẽ phá vỡ những thành quả mà công cuộc xã hội hóa đã đạt được từ trước đến giờ. Nhưng ý kiến khác lại quan niệm, quốc hữu hóa, đơn giản chỉ là một khâu trong quá trình xã hội hóa về mặt kinh tế và quốc hữu hóa có thể thực hiện đồng thời với hoạt động xã hội hóa ở các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục... Vì khác với trước đây, quốc hữu hóa lúc này đã có sự thay đổi căn bản về mục tiêu, phạm vi và định hướng. Quá trình này không những không gây ảnh hưởng xấu, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy quá trình xã hội hóa tiến hành thuận lợi hơn, bởi ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế, Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho toàn xã hội tham gia quản lý, điều hành chung với mình, thậm chí, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí cho một số tổ chức xã hội hoạt động mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Dưới góc độ này, thuật ngữ quốc hữu hóa đơn giản được hiểu là xã hội hóa các tư liệu sản xuất, các lực lượng kinh tế của tư nhân ở những lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế quốc dâ, tức là sự chuyển giao quyền sở hữu, quản lý đối với các tư liệu sản xuất và các lực lượng kinh tế cơ bản của tư nhân vào tay Nhà nước, vào tay toàn thể xã hội, toàn thể nhân dân.
Ngoài những cách hiểu trên, một số người vẫn quan niệm rằng, xã hội hóa là biến thành của chung và đồng nhất khái niệm quốc hữu hóa với khái niệm xã hội hóa, cách hiểu này đã dẫn đến những quan điểm không đúng về quốc hữu hóa. Về bản chất, xã hội hóa trong lĩnh vực kinh tế chính là biểu hiện của quốc hữu hóa, nhưng quốc hữu hóa không đơn giản là xã hội hóa. Chỉ cần xét tới một khía cạnh, quốc hữu hóa được tiến hành bởi Nhà nước, và đôi khi, trong những trường hợp bắt buộc, Nhà nước phải thực hiện bằng cưỡng chế, sau khi tiến hành quốc hữu hóa, quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hay định đoạt với khối tài sản tư nhân đã được quốc hữu hóa sẽ thuộc về Nhà nước và đối tượng quốc hữu hóa hướng tới đó là các tư liệu sản xuất, lực lượng kinh tế của tư nhân, ở những lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Như vậy, so với quốc hữu hóa, đối tượng mà xã hội hóa hướng tới có phạm vi rộng hơn rất nhiều, trừ những lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, những ngành, lĩnh vực còn lại, không phải đối tượng của quốc hữu hóa. Mặt khác, chủ thể thực hiện quốc hữu hóa chỉ có Nhà nước, trong khi chủ thể thực hiện xã hội hóa đa dạng hơn rất nhiều, có thể là các tổ chức xã hội, đoàn thể, nhân dân, thuộc mọi tầng lớp, giai cấp... Biện pháp tiến hành xã hội hóa không mang tính cưỡng chế Nhà nước.
Từ những lý do trên, không thể khẳng định hai khái niệm quốc hữu hóa và xã hội hóa là một như quan niệm của một số người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, quốc hữu hóa được thực hiện bằng con đường xã hội hóa. Trên thực tế, hình thức “công tư hợp doanh” đã xuất hiện trong nền kinh tế thị trường và ngày càng phổ biến. Đó chính là biểu hiện của xu hướng xã hội hóa trong lĩnh vực kinh tế không chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa, mà ngay cả các nước tư bản cũng đang tiến hành. Ngày nay, quan điểm ranh giới giữa sở hữu Nhà nước và sở hữu của toàn dân, sở hữu của toàn thể xã hội đã trở nên lu mờ, dường như đang có xu hướng sáp nhập sở hữu nhà nước và sở hữu toàn xã hội làm một. Trong trường hợp ấy, xã hội hóa trong lĩnh vực kinh tế chính là biểu hiện của quốc hữu hóa trong giai đoạn hiện nay.
2. Quan điểm về quốc hữu hóa ở Việt Nam hiện nay
Trước đây, khái niệm quốc hữu hóa ở nước ta cũng được đồng nhất với khái niệm Nhà nước hóa, song hiện nay, khái niệm này đã có sự thay đổi căn bản. Theo từ điển Bách khoa, quốc hữu hóa được xem là việc chuyển quyền sở hữu vào tay Nhà nước những tư liệu sản xuất chủ yếu, những lực lượng kinh tế của tư nhân ở những vị trí chủ đạo của nền kinh tế quốc dân"[1]. Thay vì được tiến hành trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giờ đây, biện pháp này chỉ được tiến hành ở một số lĩnh vực chủ đạo. Nói cách khác, theo quan điểm của Nhà nước ta hiện nay, quốc hữu hóa không đồng nhất hoàn toàn với khái niệm Nhà nước hóa nữa. Tuy vậy, về bản chất, nó chính là một phần của khái niệm Nhà nước hóa. Vì trên thực tế, quốc hữu hóa hiện nay thực chất là Nhà nước hóa đối với các tư liệu sản xuất và lực lượng kinh tế của tư nhân ở những ngành, lĩnh vực kinh tế chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, hay nói cách khác, nó chính là phạm vi hẹp của Nhà nước hóa.
Quốc hữu hóa ở Việt Nam được tiến hành một cách đồng thời với quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực kinh tế. Song ở một quốc gia phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như nước ta, khái niệm xã hội hóa không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm "Socialization"[2] của các quốc gia phương Tây. Nếu hiểu theo nghĩa mà các quốc gia phương Tây quan niệm, thì xã hội hóa là thuật ngữ được sử dụng trong xã hội học để chỉ quá trình con người sinh vật chuyển thành con người xã hội. Trong đó, xã hội hóa được xác định là quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội để cá nhân học hỏi, thực hành những tri thức, kỹ năng và những phương pháp cần thiết để hội nhập vào xã hội. Quá trình này khởi đầu từ khi con người xuất hiện và sẽ tiếp tục diễn ra khi nào con người vẫn sống thành cộng đồng xã hội và là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, thuật ngữ này khi được áp dụng ở nước ta đã có sự biến đổi, khái niệm xã hội hóa được dùng ở nước ta hiện nay gần với nghĩa của công - tư hợp tác (viết tắt là PPP) hay nói cách khác, giống như khái niệm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khái niệm xã hội hóa khi được dùng ở Việt Nam, nếu căn cứ trên cơ sở Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, sẽ khiến cho người dân Việt Nam hiểu là sự vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân và của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp mà Nhà nước đang xây dựng. Đồng thời, xây dựng tinh thần trách nhiệm cộng đồng của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Xã hội hóa góp phần mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do Nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Đại bộ phân nhân dân Việt Nam khi nhắc về xã hội hóa đều cho rằng, đó là việc nhân dân đóng góp thêm nguồn lực cho các hoạt động đó (chẳng hạn đóng góp tiền dưới dạng trả các loại phí dịch vụ; bỏ tiền, công sức ra cung ứng các dịch vụ đó, như lập trường tư, bệnh viện tư, phòng khám tư, nhà hát tư, tức là bỏ vốn đầu tư…). Cách hiểu trên của người dân tương đối đơn giản, vẫn chưa đầy đủ ý nghĩa của công cuộc xã hội hóa mà Nhà nước ta muốn đạt được.
Trên cơ sở những phân tích đã trình bày trên đây, có thể thấy: Thứ nhất, khái niệm quốc hữu hóa theo quan điểm của nước ta không tương đồng với khái niệm quốc hữu hóa theo quan điểm của phương Tây; thứ hai, khái niệm xã hội hóa của nước ta cũng không tương ứng với khái niệm xã hội hóa theo quan điểm của các quốc gia phương Tây, mà tương ứng với khái niệm Nhà nước và nhân dân cùng làm hay "công - tư hợp tác". Xu hướng quốc hữu hóa hiện nay ở nước ta chính là một biểu hiện của quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực kinh tế. Suy cho cùng, bản thân khái niệm quốc hữu hóa, bên cạnh việc mang những đặc điểm của Nhà nước hóa còn mang thêm những đặc trưng của xã hội hóa. Chính vì thế, khái niệm quốc hữu hóa, xét về mặt ngoại diên thì hẹp hơn so với khái niệm xã hội hóa, nhưng về mặt nội hàm, thì quốc hữu hóa cụ thể và sâu hơn so với xã hội hóa. Nói về quốc hữu hóa, không thể không nhắc đến xã hội hóa, song nhắc tới xã hội hóa, không thể không đề cập đến quốc hữu hóa. Mặc dù vậy, hai khái niệm này không thể nhập làm một được.
Ở nước ta hiện nay, với mục tiêu theo đuổi một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quốc hữu hóa còn có ý nghĩa xác lập sở hữu nhà nước trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo cơ sở kinh tế - xã hội để củng cố Nhà nước, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là cơ sở cho việc chống độc quyền hữu hiệu, từ sở hữu của một nhóm nhỏ trong xã hội, chuyển thành sở hữu chung của Nhà nước - đại diện cho quyền lợi của toàn xã hội, vì bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Sự quản lý của Nhà nước đối với khối tài sản bao gồm tư liệu sản xuất và những lực lượng kinh tế thuộc những ngành nghề chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân tạo điều kiện hạn chế những ảnh hưởng không tốt tới các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế thị trường. Mặt khác, xóa bỏ sự độc chiếm thị trường bởi các nhóm nhỏ với mục đích riêng, đi ngược lại lợi ích chung của toàn xã hội, bởi lúc này, mục tiêu, kế hoạch hoạt động, định hướng phát triển của cách ngành, lĩnh vực chủ đạo đó hoàn toàn do Nhà nước vạch ra và đảm bảo thực hiện.
Có thể nói, sở dĩ quốc hữu hóa không phát huy được hiệu quả vốn có của nó xuất phát từ chỗ chúng ta hiểu chưa đúng về khái niệm, bản chất và đánh giá được tầm quan trọng của nó. Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có một văn bản có tính pháp lý nào đưa ra một định nghĩa, hay khái niệm chính xác và tổng quát nhất về quốc hữu hóa. Thậm chí ngay cả Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ đề cập một cách khái quát về quốc hữu hóa trong Chương II - Quyền con người, quyền và các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nên chăng, Đảng và Nhà nước ta cần nghiên cứu và đưa ra một khái niệm cụ thể về quốc hữu hóa để giúp nhân dân dễ hình dung, từ đó có một cái nhìn đúng đắn về vai trò, tính cần thiết của hoạt động quốc hữu hóa do Nhà nước tiến hành. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa nội dung cơ bản của Hiến pháp, đồng thời xóa bỏ những góc nhìn hạn hẹp và chưa đúng về bản chất, khái niệm quốc hữu hóa vốn có trước đó trong xã hội.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao