1. Khái quát về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Bên cạnh việc giải quyết vụ án hình sự, pháp luật Việt Nam cho phép Tòa án giải quyết các vấn đề dân sự liên quan đến tội phạm, bởi mọi người đều được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Do vậy, yêu cầu xét xử đối với vụ án hình sự không chỉ là giải quyết tốt về mặt hình sự mà cần giải quyết tốt cả vấn đề dân sự có liên quan.
Về bản chất, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là trình tự, thủ tục giải quyết việc đòi bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra. Hành vi phạm tội xảy ra không chỉ xâm hại đến những quan hệ do pháp luật hình sự bảo vệ mà còn xâm hại đến các quan hệ dân sự nên có hai loại trách nhiệm được đặt ra khi giải quyết vụ án hình sự, đó là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Trên thực tế, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được xác định thành hai loại: (i) Vấn đề dân sự liên quan đến trách nhiệm hình sự, như giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần mà những thiệt hại này là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt; (ii) Vấn đề dân sự không liên quan đến trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, như các khoản tiền mai táng phí, tiền chi phí cho việc cứu chữa nạn nhân, tiền bồi dưỡng sức khỏe, tiền mất thu nhập, tiền trợ cấp cho người mà người bị hại khi còn sống phải trợ cấp, tổn thất về tinh thần…
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như sau: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Như vậy, nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là những phương châm, định hướng chi phối toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự trong việc giải quyết các quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tội phạm gây ra trong vụ án hình sự và có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, nội dung của nguyên tắc thể hiện phương châm, định hướng của Đảng, Nhà nước về hoạt động tố tụng hình sự nói chung và về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nói riêng là nhân đạo, công bằng, dân chủ, kỷ cương và theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thể hiện rõ quan điểm quyền, lợi ích chính đáng của con người là trung tâm của chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền con người theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Thứ hai, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ được xác định trong phạm vi “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ ba, phần dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự.
Thứ tư, để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, cần áp dụng các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để giải quyết. Điều đó có nghĩa rằng, Tòa án không áp dụng cứng nhắc các nguyên tắc trong tố tụng hình sự để xét xử vấn đề dân sự mà còn áp dụng các nguyên tắc của tố tụng dân sự nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đương sự tham gia tố tụng như nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng giữa các đương sự, nguyên tắc bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự.
Thứ năm, thủ tục mở phiên hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc mà Tòa án phải thực hiện khi chuẩn bị xét xử phiên tòa sơ thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trong thực tiễn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Có thể thấy, nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có ý nghĩa đối với việc bảo đảm tôn trọng các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Mọi hành vi gây thiệt hại đến tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và xâm hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đều phải bồi thường và xử lý theo pháp luật.
2. Một số vướng mắc, bất cập
Hiện nay, pháp luật tố tụng của một số quốc gia không quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng hình sự. Ở các nước theo hệ thống pháp luật Common Law mà đại diện điển hình là Vương quốc Anh, có sự phân biệt rõ ràng giữa pháp luật về hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng và pháp luật về hình sự nên vấn đề dân sự phát sinh khi có hành vi phạm tội không được giải quyết theo Luật Tố tụng hình sự mà được giải quyết theo một vụ kiện dân sự khác. Bên cạnh đó, pháp luật của một số quốc gia khác như Cộng hòa Liên bang Nga, Trung Quốc, điển hình là Cộng hòa Pháp lại thừa nhận và cho phép khi xét xử một vụ án hình sự thì giải quyết vấn đề dân sự phát sinh do hành vi phạm tội gây ra trong cùng vụ án hình sự đó hoặc tách vấn đề dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự giống như pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Thực tiễn xét xử ở nước ta khi áp dụng nguyên tắc này còn một số vướng mắc, ảnh hưởng tới tính khách quan, công bằng không chỉ đối với những nội dung của trách nhiệm dân sự mà cả việc xác định trách nhiệm hình sự của những người tham gia tố tụng, cụ thể:
Thứ nhất, vướng mắc về trách nhiệm thu thập chứng cứ chứng minh vấn đề dân sự trong vụ án hình sự: Trong vụ án dân sự thông thường, về nguyên tắc thì nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình thuộc trách nhiệm của đương sự, trách nhiệm của bên đi kiện. Tuy nhiên, vấn đề dân sự phát sinh khi có hành vi phạm tội xảy ra được giải quyết trong vụ án hình sự nên trước hết phải tuân theo các nguyên tắc của tố tụng hình sự, do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án bao gồm cả việc điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp các đương sự không cung cấp được chứng cứ về vấn đề dân sự mà những vấn đề dân sự này có liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải điều tra, làm rõ những thiệt hại đã xảy ra, trên cơ sở đó, xác định được mức bồi thường thiệt hại. Như vậy, ngoài việc phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ tập trung điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, trách nhiệm hình sự mà ít quan tâm thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh, giải quyết phần dân sự phát sinh từ hành vi phạm tội. Các thiếu sót thường là tài liệu, chứng cứ dùng để chứng minh về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, căn cứ xác định thiệt hại… Vì vậy, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, tùy trường hợp, Tòa án phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án phải tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ mới có đủ căn cứ giải quyết phần dân sự trong vụ án, gây chậm tiến độ giải quyết, xét xử vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc cơ bản buộc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện một hoạt động tố tụng là giải quyết vấn đề dân sự đồng thời với việc giải quyết vụ án hình sự nhưng lại không quy định cách thức, trình tự, thủ tục cụ thể cho việc thực hiện quy định này. Chính vì vậy, về mặt thủ tục tố tụng, các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có thể giải quyết theo nhận thức chủ quan, dẫn đến tình trạng áp dụng thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự còn thiếu thống nhất.
Thứ ba, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi thỏa mãn các điều kiện: (i) Vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề dân sự nhưng chưa có điều kiện chứng minh; (ii) Việc tách vấn đề dân sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự. Mặc dù tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa ra các khái niệm như “vấn đề dân sự trong vụ án hình sự”, “chưa có điều kiện chứng minh”, “không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự” nhưng không giải thích hay làm rõ về các khái niệm này nên những người tiến hành tố tụng có cách hiểu khác nhau theo nhận thức, trình độ, kinh nghiệm của cá nhân, thậm chí là theo ý chủ quan, cảm tính. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa quy định rõ ai, cơ quan nào có quyền tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết.
Thứ tư, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã đưa ra khái niệm “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” nhưng nội hàm chưa cụ thể, rõ ràng nên các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn có những cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất, còn có sự nhầm lẫn khi xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình giải quyết vấn đề dân sự. Đây là một trong những thiếu sót dễ dẫn đến một số trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy, sửa án.
3. Một số kiến nghị
Một là, cần quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc trong các văn bản hướng dẫn thi hành các khái niệm “giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự”, “chưa có điều kiện chứng minh”, “không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình sự”, theo hướng: (i) Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là những quan hệ về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra hay nói cách khác là xét xử vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ trong phạm vi “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015. (ii) Chưa có điều kiện chứng minh là trường hợp chưa xác định được người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bị hại và nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có yêu cầu nhưng không cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa và việc này gây trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự. (iii) Không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình sự là phần dân sự được tách ra không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, việc xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Hai là, cần hoàn thiện các quy phạm pháp luật về người tham gia tố tụng có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng, xác định đầy đủ người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Đặc biệt, cần đưa ra khái niệm rõ ràng hơn về “nguyên đơn dân sự”, “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của họ trong vụ án, theo hướng: (i) Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức gián tiếp bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp tội phạm trực tiếp xâm hại tới tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì dù cá nhân, cơ quan, tổ chức đó có làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn phải xác định họ tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. (ii) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là bị can, bị cáo, bị hại nhưng khi giải quyết vụ án hình sự thì họ có quyền lợi, nghĩa vụ xuất phát từ bị can, bị cáo, bị hại.
Ba là, cần quy định rõ chủ thể có quyền tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện ở giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cũng cần quy định những người tham gia tố tụng cũng có quyền đề nghị tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhằm tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong tố tụng dân sự./.
Thượng tá, TS. Nguyễn Hồng Khánh
Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)