Một trong những nội dung quan trọng nhất trong phán quyết của Tòa là đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử trong khu vực “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc Biển Đông. Tòa đã khẳng định không có cơ sở pháp lý đối với tuyên bố quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở Biển Đông bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà Trung Quốc được hưởng theo Công ước. Phán quyết này có ý nghĩa không chỉ đối với Philippines, mà còn đối với các quốc gia trong tranh chấp ở Biển Đông, khi mà yêu sách quyền lịch sử trong khu vực “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã lấn sâu vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế phủ nhận yêu sách quyền lịch sử như một cơ sở pháp lý cho yêu sách vùng biển, đặc biệt trong bối cảnh luật biển quốc tế đã có những quy định rõ ràng về phạm vi và giới hạn quyền của các quốc gia ven biển trong UNCLOS[2]. Nhìn nhận lại khái niệm quyền lịch sử qua thực tiễn các quốc gia, và phán quyết của Tòa án trong các vụ tranh chấp có liên quan, bài viết này sẽ giải thích nguồn gốc, khái niệm, và phân tích đặc điểm của quyền lịch sử qua quá trình pháp điển hóa luật biển quốc tế, thực tiễn áp dụng của các quốc gia, và phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế.
- Nguồn gốc và khái niệm quyền lịch sử trong luật biển quốc tế
Như vậy, thông qua thực tiễn hoạt động sử dụng và khai thác biển, quyền lịch sử đã xuất hiện như một lập luận để các quốc gia yêu sách chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của mình. Cụ thể, các quốc gia đã sử dụng quyền lịch sử để lập luận việc bảo tồn các hoạt động ngư trường truyền thống, hay các đặc quyền và quyền ưu tiên đối với hoạt động đánh bắt cá qua lịch sử sử dụng biển lâu dài[4] nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia ven biển so với các quốc gia khác cũng tiếp giáp vùng biển đó.
Yêu sách dựa trên lịch sử sử dụng biển lâu dài lần đầu tiên được Na Uy nêu ra trong vụ Ngư trường năm 1951 dựa trên danh nghĩa lịch sử, theo đó Na Uy có đặc quyền đánh cá và săn cá voi tại vùng biển Lopphavet thông qua việc Na Uy đã có quyền cấp phép những quyền đánh bắt này từ thế kỷ 17[5]. Quyền lịch sử cũng được nêu ra trong các vụ phân định biển như trong vụ phân định biển giữa Tunisia và Libya năm 1982, Tunisia đã yêu sách quyền lịch sử từ các hoạt động đánh cá trong thời gian dài[6], hay trong vụ phân định biển giữa Eritrea và Yemen năm 1999, cả hai quốc gia đã yêu cầu tòa giải quyết về quyền lịch sử liên quan đến đánh cá và thiết lập một khu vực chung để ngư dân của cả hai quốc gia có quyền khai thác[7]. Tương tự như vậy, trong vụ phân định biển giữa Barbados và Trinidad và Tobago, Barbados cũng đã yêu cầu quyền lịch sử về đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Trinidad và Tobago[8]. Gần đây nhất là vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc kể từ năm 2013 ở Biển Đông. Trung Quốc đã yêu sách quyền lịch sử đối với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong khu vực “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, vượt quá những vùng biển mà Trung Quốc được hưởng theo UNCLOS[9].
Như vậy, quyền lịch sử qua hoạt động khai thác, sử dụng biển và thực tiễn tranh chấp giữa các quốc gia tồn tại rất hạn chế qua yêu sách biển của một vài quốc gia, chỉ được thiết lập ở quyền đánh cá và sau này mở rộng đến khai thác tài nguyên sinh vật hay phi sinh vật biển dựa trên lập luận lịch sử sử dụng biển lâu dài của quốc gia ven biển.
Nguồn gốc của quyền lịch sử gắn liền với hoạt động đánh bắt cá của con người. Đây là một hoạt động có tính lịch sử ra đời cách đây hơn bốn mươi ngàn năm, đặc biệt gắn liền với đời sống và mưu sinh của ngư dân các quốc gia ven biển ở nhiều vùng biển trên thế giới. Hoạt động đánh bắt cá này phản ánh các yếu tố mang tính văn hóa và xã hội, và thường được xếp loại là hoạt động mang quy mô nhỏ, tạo nên hoạt động ngư nghiệp mang tính truyền thống của cộng đồng[10]. Thực tiễn hoạt động đánh cá truyền thống này thường được giới hạn trong những vùng nước gần bờ và mang tính địa phương vì những hạn chế về mặt kỹ thuật bao gồm khả năng không thể đánh bắt xa bờ của cộng đồng ngư dân, cũng như những phương thức đánh bắt hạn chế để bảo vệ nguồn cá của họ[11]. Các hoạt động ngư trường truyền thống rõ ràng đã diễn ra trước khi con người có mong muốn thiết lập các quy định chung mang tính quốc tế để điều chỉnh quyền lợi giữa các quốc gia đối với việc khai thác và sử dụng biển tại các Hội nghị luật biển quốc tế trong thế kỷ 20[12]. Vì vậy, khi các quy định của các công ước quốc tế về luật biển ra đời, các quốc gia vẫn muốn bảo vệ các yêu sách của mình liên quan đến hoạt động đánh cá truyền thống[13].
Tại các hội nghị pháp điển hóa Luật Biển quốc tế lần thứ nhất và lần thứ hai, thất bại chủ yếu của các quốc gia là sự không thống nhất trong việc xác định chiều rộng lãnh hải, và giới hạn chủ quyền của quốc gia ven biển đối với nguồn tài nguyên, khi đó chủ yếu là vùng đánh cá trong vùng nước gần bờ biển của quốc gia ven biển[14]. Ví dụ Công ước Luật Biển năm 1958 sau hội nghị lần đầu tiên chỉ quy định chủ quyền và quyền chủ quyền giới hạn đến vùng tiếp giáp lãnh hải, phần còn lại của đại dương là biển cả - nơi các quốc gia đều có quyền bình đẳng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Giai đoạn này cũng chứng kiến quá trình đấu tranh giành độc lập thoát khỏi chủ nghĩa thuộc địa của các quốc gia đang phát triển, và nhiều quốc gia mới ra đời muốn đảm bảo sự kiểm soát lớn hơn đối với vùng nước gần bờ biển của mình[15]. Việc thiếu vắng một hiệp định quốc tế và sự phát triển khả năng đánh bắt cá xa bờ của các quốc gia phát triển đã dẫn đến việc nhiều quốc gia đưa ra các tuyên bố đơn phương về vùng đánh cá riêng biệt với bề rộng rất khác nhau. Trên thực tế một số quốc gia có tiềm lực khai thác và đánh bắt cá đều tuyên bố mở rộng vùng đánh bắt cá tiềm năng đến phạm vi 200 hải lý[16], và không muốn chia sẻ nguồn lợi này cho các quốc gia khác. Vì vậy, các quốc gia này đã sử dụng yêu sách quyền lịch sử để lập luận mở rộng quyền đánh cá ở phạm vi này. Những tuyên bố như thế này, trong đó có các tuyên bố vùng đánh cá ưu tiên của Iceland trong các vụ Ngư trường cá giữa Anh - Iceland, hay Đức - Iceland[17], đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia ven biển truyền thống mong muốn tìm kiếm giới hạn của chủ quyền quốc gia trên biển[18].
Tuy nhiên, khi Công ước UNCLOS năm 1982 ra đời, quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong đó các quốc gia ven biển có đặc quyền đối với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thì nhu cầu về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia ven biển đã được đáp ứng. Do vậy, hầu hết các quốc gia không còn đưa ra yêu sách dựa trên quyền lịch sử, ngoài việc sử dụng để lập luận về hoàn cảnh hữu quan trong phân định các vùng biển chồng lấn, tuy nhiên Tòa án không công nhận các lập luận dựa này[19].
Như vậy, cùng với sự phát triển ngày càng rõ ràng của các quy chế vùng biển nêu ra trong Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia đã được đảm bảo quyền lợi và chia sẻ lợi ích khai thác biển với nhau. Điều này đã giúp hạn chế rất nhiều các yêu sách mở rộng vùng biển dựa trên những căn cứ không còn phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, tập quán quốc tế và nguyên tắc chung của luật quốc tế, trong đó yêu sách quyền lịch sử đã bị xem là lỗi thời, chỉ được hạn hữu chấp nhận trong những vụ liên quan đến quyền đánh cá truyền thống trước khi Công ước Luật Biển năm 1982 ra đời.
- Đặc điểm quyền lịch sử qua thực tiễn các phán quyết của Tòa án quốc tế
Đặc điểm tính lịch sử sử dụng biển lâu dài và liên tục được phản ánh qua yêu sách của các quốc gia trong thực tiễn như: Yêu sách về đặc quyền đánh cá và săn cá voi được Na Uy dựa trên lịch sử của quyền này từ thế kỷ 17[24], yêu sách về quyền đánh cá ưu tiên của Iceland dựa trên thực tiễn được công nhận trong gần hai thế kỷ[25], yêu sách về quyền lịch sử của Tunisia dựa trên danh nghĩa lịch sử được thiết lập qua hàng thế kỷ[26] hay yêu sách quyền đánh cá thủ công truyền thống của Barbados kéo dài trong một thế kỷ[27].
Đối với yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc trong khu vực “đường chín đoạn”, Tòa mở rộng việc xem xét các bằng chứng mang tính lịch sử để xác định liệu Trung Quốc thực sự có quyền lịch sử này hay không trước khi Trung Quốc gia nhập Công ước. Và kết luận quan trọng của Tòa khẳng định, Trung Quốc không có bằng chứng để chứng minh rằng Trung Quốc có quyền kiểm soát đối với các vùng nước và tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”. Tòa cho rằng, Trung Quốc đã đưa ra các bằng chứng về lịch sử sử dụng các đảo ở Biển Đông, chứ không phải vùng nước trong khu vực “đường chín đoạn”, vì vậy Tòa không công nhận bằng chứng để thiết lập quyền lịch sử đối với vùng nước trong khu vực yêu sách. Đồng thời Tòa cũng cho rằng, việc quốc gia tự do thực thi các quyền được cho phép bởi luật pháp quốc tế cũng không thể dẫn đến việc yêu sách quyền lịch sử, và cũng không thể thỏa mãn điều kiện thiết lập quyền lịch sử liên quan đến yếu tố sự công nhận của các quốc gia khác[28]. Cụ thể Tòa cho rằng, việc Trung Quốc thực hiện tự do hàng hải, tự do thương mại và đánh cá vượt quá vùng lãnh hải theo Công ước là thể hiện quyền tự do biển cả, mà những hành động này được luật pháp quốc tế cho phép mọi quốc gia, kể cả Philippines và những quốc gia ven biển khác trong khu vực Biển Đông. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, việc sử dụng đáy biển, vượt quá giới hạn lãnh hải, được xem là quyền tự do mở rộng cho bất kì quốc gia nào có thể khai thác tới, mặc dù trên thực tế, do sự phát triển về kỹ thuật, việc tiến hành khai thác mới chỉ nổi lên trong thời gian gần đây[29]. Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn thiết lập yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng nước ở Biển Đông, Trung Quốc cần nêu ra bằng chứng Trung Quốc đã thực hiện các hành động không được cho phép trong phạm vi quyền tự do biển cả và các quốc gia khác đều công nhận và cho phép việc Trung Quốc thực hiện các hành động đó, cụ thể có hai điều kiện được Tòa nêu ra: (i) Trung Quốc đã nỗ lực để ngăn chặn hoặc giới hạn việc khai thác các nguồn tài nguyên này bởi công dân của những quốc gia khác trong lịch sử; (ii) Các quốc gia khác chấp nhận sự hạn chế không cho khai thác này của Trung Quốc[30]. Và Tòa kết luận đã không tìm thấy bằng chứng để cho rằng, Trung Quốc trong lịch sử đã kiểm soát việc đánh cá ở Biển Đông, vượt quá giới hạn lãnh hải của Trung Quốc, cũng như việc khai thác đối với tài nguyên phi sinh vật dưới đáy biển. Việc khai thác đáy biển chỉ mới xuất hiện khi Ủy ban về đáy biển bắt đầu đàm phán những nội dung trong Công ước năm 1982, và việc khai thác chiết tách dầu đang trong giai đoạn sơ khai, chỉ được khai thác ở vùng nước sâu trong thời gian gần đây trong khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc mới chỉ được thành lập năm 1982, cùng năm mà Trung Quốc ký Công ước. Vì vậy, Tòa cho rằng Trung Quốc trong lịch sử hoàn toàn không có những hành động kiểm soát hay ngăn chặn việc khai thác tài nguyên ở vùng đáy biển, để làm cơ sở cho yêu sách quyền lịch sử đối với các tài nguyên phi sinh vật dưới đáy biển[31].
Tòa tiếp tục xem xét kể từ khi Công ước có hiệu lực vào năm 1996, liệu có sự công nhận của các quốc gia khác đối với yêu sách của Trung Quốc hay không. Tòa nhận thấy, Tuyên bố 05/2009 của Trung Quốc lần đầu tiên nêu rõ bản đồ đường 9 đoạn gởi lên Liên Hiệp Quốc cùng với việc làm rõ các quyền yêu sách, tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ bởi các quốc gia khác. Như vậy, theo quan điểm của Tòa, Trung Quốc không thể có được sự công nhận từ các quốc gia khác đối với yêu sách lịch sử của mình[32].
Như vậy, trong vụ kiện này, quyền lịch sử không phải là một cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách các vùng biển trong Biển Đông. Ý nghĩa quan trọng của phán quyết này là sự khẳng định tính phi lý của “đường chín đoạn”, và bác bỏ hoàn toàn yêu sách quyền lịch sử đối với vùng nước phía trong “đường chín đoạn”, nằm hoàn toàn bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà Trung Quốc được hưởng theo Công ước.
Cùng với sự phát triển của luật biển quốc tế, đa số các quyền lịch sử hiện nay đã được thay thế bởi quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế. Quyền lịch sử của các quốc gia khác nếu có được thiết lập cũng phải nhường hiệu lực cho quyền chủ quyền và quyền tài phán mà Công ước Luật Biển năm 1982 quy định là đặc quyền cho các quốc gia ven biển. Tòa cũng phân tích rằng yêu sách về quyền lịch sử có thể có hiệu lực ở chừng mực mà các quyền lợi của quốc gia nêu ra trong yêu sách này phù hợp với hệ thống các vùng biển theo quy định của Công ước. Kể từ khi Công ước Luật Biển năm 1982 ra đời, quyền lịch sử đã được thay thế bởi quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước. Lý do chính là, UNCLOS đã đáp ứng được tất cả các yêu sách hợp lý của các quốc gia ven biển, nên hầu hết các quốc gia không còn đưa ra yêu sách biển dựa trên quyền lịch sử. Trong quá trình đàm phán của Hội nghị luật biển lần thứ ba của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia đã thống nhất loại bỏ nội dung vùng nước lịch sử và các quyền liên quan, cũng như loại bỏ quyền ưu tiên hay quyền lịch sử đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế… trong Công ước Luật Biển năm 1982[33]. Trong vụ phân định biển giữa Tunisia và Libya năm 1982, Tòa Công lý Quốc tế đã khẳng định rằng việc viện dẫn quyền lịch sử không thể xâm phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán đương nhiên tại thềm lục địa của một quốc gia khác[34]. Trong vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa cũng lập lại quan điểm trên khi bác bỏ những yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc vì đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines[35].
3. Kết luận
Con người từ thời xa xưa đã biết tận dụng và khai thác đại dương cho giao thông hàng hải và đánh bắt cá. Nhằm mục đích bảo tồn hoạt động khai thác biển và tối đa hóa lợi ích quốc gia, một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã sử dụng quyền lịch sử để mở rộng yêu sách trên biển. Từ thực tiễn các quốc gia và số ít các án lệ của Tòa án quốc tế về quyền lịch sử, để thỏa mãn yêu sách về quyền lịch sử, các quốc gia cần phải thực thi quyền lịch sử trong thời gian dài, liên tục và đạt được sự công nhận của các quốc gia khác. Tuy nhiên, đến nay khái niệm quyền lịch sử bị coi là lỗi thời, và đã bị các quốc gia đồng ý xóa bỏ khi Công ước Luật Biển năm 1982 về luật biển ra đời, bị thay thế bởi quyền chủ quyền và quyền tài phán trong Công ước tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, yêu sách về quyền lịch sử mà Trung Quốc đưa ra đối với các tài nguyên ở Biển Đông trong khu vực “đường chín đoạn”, chiếm đến hơn 80% diện tích của vùng biển này mà không dựa trên các cơ sở pháp lý, không được thừa nhận bởi các quốc gia hữu quan, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển là sự đi ngược lại các quy định của pháp luật quốc tế. Vì vậy, yêu sách phi lý này đã bị Tòa trọng tài bác bỏ trong vụ kiện trên.
Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh