Theo đó, Điều 88[1] Luật Hải quan năm 2014 quy định phạm vi trách nhiệm, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định. Để hướng dẫn thực hiện Luật Hải quan năm 2014 tại điểm c, khoản 4, Điều 34 Nghi định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan bước đầu quy định Chi cục trưởng Chi cục hải quan có thẩm quyền “Quyết định việc truy đuổi phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan”. Tiếp đó, tại Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định việc truy đuổi phương tiện vận tải, hàng hóa, buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới. Qua nghiên cứu các quy định về thẩm quyền truy đuổi trong Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn có thể nhận thấy một số điểm pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để việc truy đuổi và phối hợp giữa lực lượng hải quan và các lực lượng khác trong công tác đầu tranh phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại đạt hiệu quả, cụ thể:
Thứ nhất, căn cứ quyết định truy đuổi
Theo quy định Điều 88 Luật Hải quan năm 2014 và khoản 1, Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC: “Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”. Như vậy, pháp luật quy định theo hướng mở, trao thẩm quyền cho cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi dựa trên cơ sở các thông tin có được thông qua các biện pháp nghiệp vụ, tin tố giác…và có “căn cứ” để cho rằng có sự vi phạm.
Thứ hai, thẩm quyền quyết định truy đuổi và hình thức quyết định
Theo quy định khoản 2, Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC: “Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu được quyết định việc truy đuổi”. Như vậy, thầm quyền quyết định truy đuổi đã được quy định tương đối cụ thể cho một số chủ thể nhất định. Tuy nhiên, qua rà soát chúng tôi thấy rằng, hiện chưa quy định trường hợp giao quyền quyết định của cấp trưởng cho cấp phó trong các trường hợp cấp trưởng vắng mặt, không thể thực hiện việc ra quyết định truy đuổi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình kịp thời trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, hình thức quyết định truy đuổi cũng chưa được quy định cụ thể là dưới hình thức văn bản hay mệnh lệnh miệng, chỉ đạo qua điện thoại… Do pháp luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ, công chức khi thực hiện việc truy đuổi như xác định trách nhiệm, giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình truy đuổi…
Thông tư số 38/2015/TT-BTC cũng quy định trong trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không thực hiện ngay việc truy đuổi thì phương tiện vận tải, hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới có thể bị tẩu tán, tiêu hủy, công chức hải quan đang thi hành nhiệm vụ được thực hiện việc truy đuổi và báo cáo ngay với người có thẩm quyền quyết định truy đuổi. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể việc báo cáo đó được thực hiện dưới hình thức nào, thời hạn chậm nhất phải thực hiện việc báo cáo là bao lâu? Quyền hạn và trách nhiệm của công chức khi thực hiện việc truy đuổi như thế nào nếu phát sinh trường hợp công chức đã thực hiện việc truy đuổi nhưng khi báo cáo với người có thẩm quyền lại không nhận được sự đồng ý. Nếu pháp luật không làm rõ trách nhiệm trong trường hợp này sẽ dẫn đến hiện tượng cán bộ tùy tiện truy đuổi, dừng phương tiện vận tải hoặc sẽ “không dám” thực hiện việc truy đuổi, dừng phương tiện bởi các hậu quả pháp lý họ sẽ phải đối mặt.
Thứ ba, việc phối hợp giữa lực lượng hải quan và các lực lượng khác trong việc truy đuổi
Hiện nay, việc phối hợp giữa lực lượng hải quan và các lực lượng khác trong hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau trong đó có Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Theo đó, bên trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan có thẩm quyền đầy đủ, chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải; thực hiện và tổ chức công tác phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan. Để đảm bảo công tác phối hợp giữa các lực lượng có hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình mới, trong thời gian qua, Bộ Tài Chính đã có Công văn số 10727/BTC-PC ngày 6/8/2015 gửi các bộ, ngành và địa phương lấy ý kiến về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg. Ngoài ra, Ngành Hải quan cũng ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng khác như cơ quan công an, lực lượng biên phòng. Cụ thể: Quy chế phối hợp số 3012/QCPH/TCHQ-TCCS giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Cảnh sát ngày 22/6/2003 trong công tác đầu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật[2]; Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh, phòng chống các tội phạm về ma tuý tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển… Tuy nhiên, các văn bản trên được xây dựng, ban hành trước thời điểm luật hải quan quy định về thẩm quyền truy đuổi của lực lượng hải quan ở ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Theo quy định khoản 4, Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC: “Việc truy đuổi và dừng phương tiện vận tải, hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới phải được thông báo cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”. Qua nghiên cứu các văn bản hiện hành cũng như Dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ ban hành thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg, chúng tôi thấy rằng, pháp luật hải quan quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan hải quan phải thông báo cho các cơ quan công an, bội đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp… nhưng chưa quy định hình thức thông báo trong trường hợp khẩn cấp này sẽ dùng hình thức nào thông qua điện thoại đường dây nóng, thông qua bản fax… Đồng thời, đối với trường hợp cơ quan hải quan quyết định truy đuổi thì việc phối hợp với các lực lượng khác trong quá trình truy đuổi, dừng phương tiện vận tải sẽ được thực hiện như thế nào? Cơ quan nào sẽ chủ trì trong trường hợp này? Bởi theo quy định hiện hành thì ngoài địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan tham gia công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại với tư cách là cơ quan phối hợp. Việc xác định tư cách, trách nhiệm các bên trong quan hệ này rất có ý nghĩa trong công tác dừng, khám xét hàng hóa, phương tiện vận tải, xử lý kết quả việc truy đuổi, dừng, khám xét hàng hóa, phương tiện vận tải, xác định trách nhiệm của các bên, xử lý các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phối hợp việc truy đuổi…
Thẩm quyền truy đuổi là điểm mới của Luật Hải quan năm 2014, để công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả cao đặc biệt khi thực hiện việc truy đuổi thì cần hoàn thiện khung pháp lý giải quyết các mối quan hệ pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện việc truy đuổi.
Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp