Tóm tắt: Bài viết phân tích quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong mối liên hệ với tính hợp pháp của chứng cứ và một số kiến nghị hoàn thiện.
Abstract: The paper analyzes the right of collecting evidence of defense counsel relating to the legality of evidence and some improvement recommendations.
1. Người bào chữa và quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự
1.1. Quyền bào chữa và quyền có người bào chữa
Quyền bào chữa là một trong các quyền cơ bản của con người, là một thành tố của quyền được xét xử công bằng, được pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận. Quyền bào chữa là một quyền đối lập với quyền buộc tội của bên công tố.
Tại Việt Nam, quyền bào chữa được ghi nhận tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” và tại khoản 7 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”.
Để thể chế hóa nguyên tắc về bảo đảm quyền bào chữa tại Hiến pháp năm 2013, Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định chế định người bào chữa thành một chương độc lập (Chương V) nhằm đề cao địa vị pháp lý của người bào chữa trong tố tụng hình sự, bảo đảm “khi nào và ở đâu có việc buộc tội, thì ở đó quyền bào chữa phải được thực hiện và tôn trọng”[1]. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn sửa đổi thời điểm tham gia của người bào chữa nhằm bảo đảm quyền tiếp cận sự hỗ trợ sớm nhất của người bào chữa. Theo đó, Điều 74 quy định “người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can”. Có thể thấy, quy định này không chỉ tạo điều kiện cho người bị buộc tội nhận được sự hỗ trợ sớm hơn từ phía người bào chữa, mà còn giúp người bào chữa thuận lợi hơn trong quá trình tham gia tố tụng, chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, bị can, bị cáo, trong đó, có việc thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, việc người bào chữa tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn khởi tố bị can cũng góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật của vụ án, sự khách quan của vụ việc, thậm chí là thiết lập thêm một kênh để giám sát quá trình tiến hành tố tụng đối với các cơ quan tư pháp[2].
Đối với quyền có người bào chữa, đây là một quyền mang tính chất lựa chọn. Có nghĩa là, người bị buộc tội có thể lựa chọn giữa việc tự bào chữa, hoặc nhờ người khác bào chữa. Trong trường hợp người bị buộc tội không đủ khả năng để thuê dịch vụ từ luật sư sẽ buộc phải tự mình bào chữa. Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định trong hai trường hợp cụ thể mà Nhà nước chỉ định người bào chữa và chi trả chi phí bào chữa cho người bị buộc tội, gồm: (i) Bị can, bị cáo bị xét xử về tội mà khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình; (ii) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất, về tinh thần, hoặc người dưới 18 tuổi. Đồng thời, Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử nhằm giúp quyền bào chữa có thể được thực hiện tốt hơn. Theo đó, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
1.2. Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Theo đó, khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định ba quyền của người bào chữa liên quan đến chứng cứ: (i) Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; (ii) Quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá và (iii) Quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản. Có thể nói, quyền thu thập chứng cứ, quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ và quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ là ba quyền rất quan trọng của người bào chữa, thể hiện vai trò, vị thế của người bào chữa trong quá trình tiến hành tố tụng.
Để thực hiện quyền thu thập chứng cứ, người bào chữa có thể thông qua hai biện pháp mà Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép, gồm: (i) Gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; (ii) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa[3]. Khi thu thập chứng cứ, tùy giai đoạn tố tụng, người bào chữa phải kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp người bào chữa không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì họ có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[4].
Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Tòa án có nghĩa vụ phải tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cá nhân, tổ chức, cơ quan cung cấp, bao gồm cả chứng cứ được thu thập của người bào chữa. Ngay sau khi tiếp nhận các chứng cứ, tài liệu, đồ vật này, Tòa án phải chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp để tiến hành kiểm tra, đánh giá. Viện kiểm sát có nghĩa vụ phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật[5].
Có thể nói, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định mới hết sức tiến bộ khi trao cho người bào chữa quyền thu thập chứng cứ và buộc cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ này. Việc trao cho người bào chữa quyền thu thập chứng cứ là một bước tiến nhằm nâng cao vị thế của người bào chữa trở nên ngang bằng với bên buộc tội, đảm bảo quyền bào chữa được thực hiện trên thực tiễn.
2. Chứng cứ
Chế định chứng cứ là một trong những chế định quan trọng nhất của Bộ luật Tố tụng hình sự, xuyên suốt quá trình tố tụng. Việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ liên quan đến toàn bộ người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người có liên quan. Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Trong khoa học pháp lý, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng cứ có ba thuộc tính cơ bản, gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp: (i) Tính khách quan có nghĩa là chứng cứ phải là cái gì có thật, phải là những sự vật, sự việc đang tồn tại hoặc đã/đang xảy ra, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người do tưởng tượng hoặc giả mạo. Việc đảm bảo tính khách quan sẽ giúp chứng cứ nói lên được các thông tin thật về các vấn đề phải chứng minh trong vụ án, đảm bảo người tiến hành tố tụng nhận được thông tin chính xác về vụ án, từ đó đưa ra được nhận định và phán quyết chính xác. (ii) Tính liên quan được hiểu là chứng cứ phải có ý nghĩa chứng minh các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Tính liên quan đảm bảo các tài liệu, đồ vật được thu thập liên quan và có ý nghĩa trong vụ án, tránh việc các cơ quan tiến hành tố tụng lãng phí thời gian và công sức cho việc thu thập các tài liệu, chứng cứ không liên quan đến vụ án hoặc liên quan đến vụ án nhưng không liên quan đến các vấn đề cần phải chứng minh. (iii) Tính hợp pháp được đảm bảo khi chứng cứ được thu thập theo trình tự do BLTTHS quy định. Tính hợp pháp của chứng cứ là một đảm bảo cho thuộc tính khách quan của chứng cứ, đảm bảo cho sự chính trực và tuân thủ pháp luật của hệ thống tố tụng khi nó buộc mọi chứng cứ chỉ hợp pháp nếu được thu thập theo những trình tự, phương thức mà luật pháp cho phép. Do đó, khi thỏa mãn được các thuộc tính này, tài liệu đồ vật sẽ được công nhận là “chứng cứ” và được cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ xác định sự thật khách quan của vụ án. Nếu thiếu một trong ba thuộc tính này thì tài liệu, đồ vật sẽ bị coi là không phải là chứng cứ vì không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự.
3. Trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của người bào chữa và vấn đề xác định tính hợp pháp của các loại chứng cứ này
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bào chữa đã có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng hai phương thức: (i) Gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; (ii) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa[6]. Từ hai phương thức trên, mặc dù khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về 07 nguồn của chứng cứ[7], nhưng người bào chữa chỉ có thể thu thập được các nguồn chứng cứ bao gồm: (i) Lời khai, lời trình bày; (ii) Vật chứng; (iii) Dữ liệu điện tử và (iv) Tài liệu, đồ vật khác.
So sánh giữa khoản 1 và khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng và người bào chữa, có thể thấy tại khoản 1 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ “theo quy định của Bộ luật này”, còn tại khoản 2 thì người bào chữa có quyền thực hiện hai phương thức thu thập chứng cứ nói trên nhưng lại không bị ràng buộc bởi “theo quy định của Bộ luật này”. Có thể suy ra, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ chứ không phải áp dụng cho trường hợp người bào chữa thu thập chứng cứ. Như vậy, một vấn đề phát sinh là mặc dù hiện nay pháp luật cho phép người bào chữa có quyền thu thập bốn loại nguồn chứng cứ trên, nhưng lại không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để thu thập các loại chứng cứ này.
Theo quy định, nếu cơ quan tiến hành tố tụng muốn thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ là lời khai, lời trình bày phải tuân thủ chặt chẽ quy định tại Điều 183 và Điều 184 khi hỏi cung bị can; các điều 186, 187 và 188 đối với trường hợp lấy lời khai người bị hại và người làm chứng về các vấn đề như hình thức biên bản, cách thức lấy lời khai, thời gian, địa điểm, việc giải thích quyền và nghĩa vụ trước khi lấy lời khai. Còn trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng muốn thu thập tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 105, Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các vấn đề như hình thức biên bản, việc mô tả vật chứng, tài liệu, đồ vật, việc niêm phong, sao lưu, bảo quản.
Đối với hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa, do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định cụ thể nên trên thực tế, đa số người bào chữa cũng thường cố gắng áp dụng các quy định tại các điều 105, 107, 183, 184, 186, 187, 188 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thu thập chứng cứ thông qua các hình thức biên bản trao đổi, biên bản làm việc hoặc yêu cầu người cho lời khai viết bản tự trình bày, biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài liệu, đồ vật, có thể có kèm theo ghi âm hoặc ghi hình. Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động này trên thực tế có sự khác biệt rất lớn trong từng trường hợp tùy theo nhận thức của mỗi người bào chữa về vấn đề áp dụng pháp luật bởi các điều luật trên vốn không được quy định cho hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa.
Việc không quy định rõ ràng trình tự, thủ tục về hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa dẫn đến một “khiếm khuyết” pháp lý nghiêm trọng trong quá trình đánh giá chứng cứ là không có căn cứ để đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ được thu thập bởi người bào chữa. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tính hợp pháp của chứng cứ là “thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định” và “những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”[8]. Như vậy, tính hợp pháp của chứng cứ chính là sự tuân thủ trình tự, thủ tục khi thu thập chứng cứ. Vấn đề được đặt ra là, nếu không có quy định về trình tự, thủ tục trong hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa, thì sẽ không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định tính hợp pháp của các chứng cứ đó. Sự không rõ ràng đó có thể dẫn đến các hệ quả tiêu cực như:
- Dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc thu thập chứng cứ của người bào chữa và sự tùy tiện trong việc xác định tính hợp pháp của các chứng cứ đó của Hội đồng xét xử. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự không thống nhất trong phạm vi cả nước, là một yếu tố thách thức đến tính công bằng của nền tư pháp hình sự Việt Nam. Mặt khác, sự chặt chẽ trong thủ tục, trình tự thu thập chứng cứ là sự đảm bảo cho tính khách quan của chứng cứ, nhằm hạn chế khả năng chứng cứ bị can thiệp một cách chủ quan từ người thu thập. Do đó, sự tùy tiện trong việc thủ tục, trình tự thu thập chứng cứ cũng có thể sẽ dẫn đến khả năng gây tổn hại đến tính khách quan của chứng cứ, khiến đường lối giải quyết vụ án có thể bị sai lầm do dựa trên các chứng cứ không khách quan.
- Dẫn đến sự mất cân bằng giữa hai phía buộc tội và gỡ tội. Trong khi phía buộc tội là cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có hành lang pháp lý là trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong hoạt động thu thập chứng cứ thì phía người bào chữa lại không có quy định nào về trình tự, thủ tục khi thu thập chứng cứ. Sự mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ trong hai bên trong quá trình thu thập chứng cứ là không phù hợp với tinh thần của phiên tòa hình sự tranh tụng, khi mà sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội là nền tảng và là đặc trưng cơ bản nhất của tố tụng tranh trụng[9]. Chất lượng tranh tụng của một mô hình tố tụng phụ thuộc rất nhiều vào quyền của cả phía công tố và phía bào chữa trong việc bình đẳng với nhau khi thu thập, trình bày và kiểm tra chứng cứ[10]. Sự mất cân bằng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội trong việc tuân thủ trình tự, thủ tục khi thu thập chứng cứ đã xâm phạm phần nào đến nguyên tắc tranh trụng trong xét xử được đảm bảo.
4. Kiến nghị
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 giao việc thu thập chứng cứ cho người bào chữa, quy định này đã khắc phục tình trạng “độc quyền” của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ, thậm chí tránh tình trạng cơ quan tiến hành tố tụng gây khó dễ, có thể chấp nhận hay không chấp nhận khi người bào chữa tự mình thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự[11]. Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa là một quyền mới trong tố tụng hình sự, có vai trò quan trọng trong việc gia tăng địa vị tố tụng của người bào chữa[12], từ đó, có được vị trí cân bằng hơn với kiểm sát viên trong quá trình tố tụng và thiết lập nên một phiên tòa công bằng giữa bên buộc tội với bên gỡ tội.
Tuy nhiên, việc không quy định rõ trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của người bào chữa có khả năng dẫn đến sự tùy tiện trong việc đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ do người bào chữa thu thập, gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội trong phiên tòa hình sự tranh tụng. Tác giả cho rằng, các nhà lập pháp cần nghiên cứu, xem xét bổ sung trình tự, thủ tục người bào chữa thu thập chứng cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, các trình tự, thủ tục người bào chữa thu thập các loại chứng cứ cũng phải được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thu thập chứng cứ đối với loại chứng cứ tương ứng. Cụ thể, trình tự thu thập lời khai của bị can mà họ nhận bào chữa nên tương tự quy định tại Điều 183 và Điều 184; còn đối đối với trường hợp lấy lời khai bị hại và người làm chứng thì cần quy định tương tự các điều 186, 187 và 188 về các vấn đề như hình thức biên bản, cách thức lấy lời khai, thời gian, địa điểm, việc giải thích quyền và nghĩa vụ trước khi lấy lời khai. Còn trong trường hợp thu thập tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 105, Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các vấn đề như hình thức biên bản, việc mô tả vật chứng, tài liệu, đồ vật, việc niêm phong, sao lưu, bảo quản.
Bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của người bào chữa sẽ góp phần thống nhất áp dụng pháp luật trong việc thu thập chứng cứ và việc đánh giá tính hợp pháp của các chứng cứ được thu thập bởi người bào chữa, đồng thời, đảm bảo tốt hơn tính khách quan của chứng cứ và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Viện Kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
ThS. Nguyễn Phương Anh
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1]. Phan Trung Hoài, “Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”, trong Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 179 - 204.
[2]. Xem thêm: Bộ Công an (Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp), Tài liệu hội thảo “Tham gia ý kiến dự thảo thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, Hà Nội, 1/2016, tr. 2.
[3]. Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[4]. Khoản 2, khoản 3 Điều 81 và khoản 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[5]. Điều 253 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[6]. Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[7]. Các nguồn của chứng cứ bao gồm: Vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.
[8]. Điều 86 và khoản 2 điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[9]. Xem thêm: Võ Minh Kỳ và Võ Hồng Phượng, “Quyền có người bào chữa và quyền im lặng trong phiên tòa tranh tụng”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4 (360), 2018, tr. 9-14.
[10]. Scott Ciment, “How the 2015 Criminal Procedure Code Changes Vietnam’s Criminal Justice Legal Framework”, Vietnam Law and Legal Forum Magazine, 1 July 2016, http://vietnamlawmagazine.vn/how-the-2015-criminal-procedure-code-changes-vietnams-criminal-justice-legal-framework-5420.html, truy cập ngày 25/01/2019.
[11]. Đỗ Ngọc Quang, “Chứng minh và chứng cứ”, trong Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 205 - 217.
[12]. Phan Trung Hoài, Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, tr. 252.