Tóm tắt: Bài viết phân tích một số bất cập quy định trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, qua đó, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm hướng tới việc hoàn thiện quy định này.
Abstract: The article analyzes a number of inadequacies in the provisions of the crime of intentionally causing injury or harming the health of others, through which, the author makes some suggestions towards the improvement of this regulation.
1. Đặt vấn đề
Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1946 quy định: “Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ đơn thuần là không có triệu chứng bệnh lý hay có bệnh và việc hưởng thụ tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người mà không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội. Tận hưởng quyền được chăm sóc sức khỏe là quan trọng đối với tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống của một người và đặc biệt quan trọng cho việc thụ hưởng các quyền con người khác”[1]. Kể từ khi Liên Hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, thì quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đã trở thành một trong những quyền con người, quyền công dân cần được bảo vệ bằng pháp luật mà trước hết là pháp luật hình sự.
Nội luật hóa các văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên, tất cả các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 của nước ta luôn dành một chương để quy định về quyền này. Điều 71 Hiến pháp năm 1992 và Điều 20 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”[2].
Thể chế hóa Điều 20 Hiến pháp năm 2013, nhiều chính sách xã hội và chính sách pháp luật đã được xây dựng và ban hành nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của con người. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) đã dành cả Chương 14 quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người bao gồm 34 điều luật (từ Điều 123 đến Điều 156) với mục đích bảo vệ các quyền nhân thân nói trên. Trong đó, Điều 134 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là một trong những tội được quy định nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người tránh khỏi sự xâm hại của hành vi phạm tội này[3].
2. Thực trạng quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134 Bộ luật Hình sự
Nghiên cứu Điều 134 Bộ luật Hình sự và so sánh với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thấy rằng, Điều 134 Bộ luật Hình sự có nhiều tình tiết mới được sửa đổi, bổ sung như: Dùng vũ khí, vật liệu nổ; dùng a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; đối với người chữa bệnh cho mình. Bên cạnh đó, Điều 134 Bộ luật Hình sự cũng sửa đổi tình tiết “đối với trẻ em” thành “đối với người dưới 16 tuổi”, sửa đổi tình tiết “phụ nữ đang có thai” thành “phụ nữ mà biết là có thai”, sửa đổi tình tiết “để cản trở người thi hành công vụ” thành “đối với người thi hành công vụ”; loại bỏ các tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; tái phạm nguy hiểm”. Đây là những tình tiết định tội trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% (khoản 1 Điều 134). Ngoài ra, nhiều tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội này đã được bổ sung như: “Phạm tội hai lần trở lên; tái phạm nguy hiểm” (khoản 2 Điều 134); “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (khoản 4 Điều 134). Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 134 Bộ luật Hình sự đã cụ thể hóa các tình tiết “dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” quy định tại khoản 4 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành “làm chết hai người trở lên” và thành “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”…
Nhìn chung, những sửa đổi, bổ sung trong Điều 134 Bộ luật Hình sự là hết sức quan trọng, vì đã khắc phục được một số hạn chế của Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134 Bộ luật Hình sự cho thấy vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục thảo luận để làm rõ. Cụ thể:
Thứ nhất, về quy định một số tình tiết định lượng:
Một số tình tiết định lượng quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự cho thấy, những tình tiết này quy định còn chung chung, chưa cụ thể về số lượng người bị gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe hoặc số người chết do hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe gây ra cho bị hại mà lỗi đối với hậu quả chết người này là lỗi vô ý. Ví dụ tình tiết: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của “người khác” được quy định tại các điểm a, đ khoản 2; a, c khoản 3; b, d khoản 4 hoặc “làm chết người” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Việc quy định chung chung như trên đã gây ra sự hiểu nhầm, hiểu không thống nhất về số người bị cố ý gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe, hoặc số người chết do hành vi cố ý gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe gây ra trong một số trường hợp. Hơn nữa cách quy định như đã nói ở trên cũng không tương thích, không thống nhất về mặt kỹ thuật lập pháp khi quy định những tình tiết tăng nặng định khung khác của Điều luật này. Ví dụ: Điểm b khoản 2; điểm b, d khoản 3; điểm c, đ khoản 4; điểm b khoản 5 Điều 134 quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên…” hoặc điểm a khoản 5 Điều 134 quy định: “Làm chết 02 người trở lên”. Bên cạnh đó, cách quy định này cũng không tương thích, không thống nhất với kỹ thuật lập pháp của một số điều luật khác trong Bộ luật Hình sự (các điều 260, 261, 262). Ví dụ: Điểm b khoản 1 Điều 260 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người…” hoặc điểm đ khoản 2 Điều 260 quy định: “Làm chết 02 người”; điểm a khoản 3 Điều 260 quy định: “Làm chết 03 người trở lên”.
Thứ hai, về quy định hành vi chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự:
Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này”. Như vậy, về mặt luật định, khái niệm về chuẩn bị phạm tội tại Điều 14 đã được các nhà làm luật quy định vừa có tính khái quát, vừa cụ thể với những dấu hiệu đặc trưng, điển hình của mọi trường hợp chuẩn bị phạm tội. Việc một người “chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm” không chỉ là những “biểu hiện” cụ thể của hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 6 Điều 134, mà còn có thể là những “biểu hiện” cụ thể của hành vi chuẩn bị phạm tội của rất nhiều tội khác đã được liệt kê tại khoản 2 Điều 14. Ví dụ như, chuẩn bị phạm tội của Tội bạo loạn (Điều 112); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội giết người (Điều 123); Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) … Bộ luật Hình sự. Do đó, khi quy định về hành vi chuẩn bị phạm tội của những tội này (24 tội danh còn lại ngoại trừ tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự), nhà làm luật đã không quy định theo cách mô tả những “biểu hiện” cụ thể, riêng biệt của hành vi chuẩn bị phạm tội như khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự, mà chỉ quy định một cách khái quát: “Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ … năm đến … năm”. Như vậy, về kỹ thuật lập pháp thì ở các điều luật khác (không phải Điều 134) của Bộ luật Hình sự không giới hạn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội tương ứng[4]. Từ sự phân tích trên cho thấy, việc quy định theo cách mô tả những “biểu hiện” cụ thể của hành vi chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 Điều 134 trong sự so sánh với 24 tội danh còn lại có quy định hành vi chuẩn bị phạm tội là không thống nhất, không có sự tương thích, đồng thời sẽ gặp phải một số khó khăn khi áp dụng pháp luật trong một số trường hợp.
Thứ ba, về tình tiết “dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm”:
Đây là tình tiết định tội được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự và cũng là tình tiết định khung tăng nặng quy định tại các điểm đ khoản 2; điểm c khoản 3 và điểm d khoản 4 của Điều này. Tuy nhiên, nội dung của tình tiết nêu trên cần phải hiểu thế nào là chính xác theo tinh thần mà Điều luật này đã quy định là một vấn đề quan trọng cần phải đặt ra để giải thích. Cụ thể, danh mục những loại a-xít, hóa chất được quy định trong văn bản nào; người phạm tội sử dụng với hàm lượng bao nhiêu để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì mới được coi là dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; nếu phải căn cứ vào hàm lượng a-xít hoặc hàm lượng hóa chất mà người phạm tội đã sử dụng để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, qua đó mới có thể xác định được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội này đã đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự chưa thì hàm lượng a-xít hoặc hàm lượng hóa chất là bao nhiêu… hay chỉ cần người phạm tội dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm với bất kỳ hàm lượng nào để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại phù hợp với quy định của điều luật thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng. Tất cả những vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời, chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích. Điều đó đã gây ra sự không thống nhất trong nhận thức cũng như khó khăn khi áp dụng tình tiết này trong thực tiễn.
3. Đề xuất hoàn thiện Điều 134 Bộ luật Hình sự
Thứ nhất, cần sửa đổi một số tình tiết định lượng về số lượng người bị gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe hoặc số người chết do hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác gây ra mà lỗi của người phạm tội đối với hậu quả chết người này là lỗi vô ý trong một số trường hợp. Một mặt để tránh sự nhận thức khác nhau về cùng một tình tiết qua đó mà áp dụng pháp luật được thống nhất trong thực tiễn, mặt khác còn tạo ra sự tương thích, thống nhất với những tình tiết tăng nặng định khung khác của Điều luật này. Cụ thể, sửa đổi cụm từ “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại khoản 1; điểm a khoản 2; điểm a, c khoản 3; điểm b, d khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự thành “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người” hoặc sửa đổi cụm từ “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của 01 người”; “làm chết người” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự thành “làm chết 01 người”.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung một số tình tiết tăng nặng định khung trong trường hợp vụ án có từ 02 người trở lên bị gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe. Với trường hợp này thì nên quy định theo hướng: Xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ, thay cho cách quy định như hiện nay nhằm khắc phục trường hợp 02 người trở lên bị gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe nhưng với tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là rất khác nhau, vì vậy, tình tiết này được quy định ở các khung hình phạt khác nhau. Với những trường hợp như trên đã gây ra không ít khó khăn cho Tòa án khi lựa chọn khung hình phạt để áp dụng đối với người phạm tội. Về vấn đề này, khi nghiên cứu kỹ thuật lập pháp như cách mà nhà làm luật đã thực hiện đối với một số tội trong Bộ luật Hình sự, cụ thể: Tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260); Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261); Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảmn toàn (Điều 262)… trong trường hợp vụ án có từ 02 người trở lên bị gây thương tích hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe thì các tội danh trên đều quy định cách xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể. Ví dụ: Điểm c khoản 1 Điều 260 quy định, “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%”; điểm b khoản 3 Điều 262 quy định, “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%”… Theo tác giả, nếu sửa đổi một số tình tiết xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người trở lên là tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ như kỹ thuật lập pháp mà các nhà làm luật đã thực hiện khi xây dựng các điều 260, 261, 262… Bộ luật Hình sự thì sẽ khắc phục được một số vướng mắc như đã phân tích ở trên.
Thứ ba, cần sửa đổi khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự theo hướng khái quát hơn như cách mà nhà làm luật đã quy định về chuẩn bị phạm tội đối với 24 tội danh (ngoại trừ Điều 134) quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự. Nếu trên thực tế người phạm tội có hành vi chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm… để thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà hành vi chuẩn bị này lại có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội danh độc lập khác được quy định trong Bộ luật Hình sự, thì về nguyên tắc, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh độc lập này ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Ví dụ: Một người chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm… để thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì người này ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự, đồng thời họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (Điều 304) hoặc tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ (Điều 305) Bộ luật Hình sự nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội danh độc lập này. Đây là cách xử lý phổ biến đã được áp dụng trong nhiều năm qua (trước khi có Bộ luật Hình sự), không khó khăn và cũng không mâu thuẫn với lý luận khoa học luật hình sự về vấn đề định tội danh. Như vậy, khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi theo hướng: “... 6. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Thứ tư, giải thích và hướng dẫn một số nội dung của Điều 134 Bộ luật Hình sự: Các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào Luật Hóa chất năm 2007 để hướng dẫn, giải thích một cách chi tiết tình tiết “hóa chất nguy hiểm” là gì[5]. Tuy nhiên, về tình tiết “a-xít nguy hiểm” thì hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể. Thế nào là a-xít nguy hiểm, có bao nhiêu loại a-xít nguy hiểm, a-xít được sử dụng với hàm lượng bao nhiêu được coi là a-xít nguy hiểm...? Như vậy, để giải quyết các vướng mắc nói trên, các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nhà khoa học có chuyên môn sâu về lĩnh vực này để hướng dẫn, giải thích một cách chính thức, cụ thể tình tiết này, qua đó giúp cho việc áp dụng tình tiết “a-xít nguy hiểm” được thống nhất và hiệu quả trong thực tiễn.
PGS.TS. Trương Quang Vinh
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem: Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1946.
[2]. Điều 71 Hiến pháp năm 1992 và Điều 20 Hiến pháp 2013.
[3]. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Chương 14. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
[4] .TS. Nguyễn Mai Bộ và Vũ Thị Hà, Quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự không phải là một cấu thành tội phạm độc lập, https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-tai-khoan-6-dieu-134-blhs-khong-phai-la-mot-cau-thanh-toi-pham-doc-lap6677.html, truy cập 25/5/2023.
[5]. Xem: Khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất năm 2007.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)