1. Chủ trương của Đảng về vấn đề bảo hộ công dân
Bảo hộ công dân nước mình ở nước ngoài không chỉ là quyền của quốc gia trong quan hệ quốc tế mà còn là nghĩa vụ của quốc gia đối với công dân nước mình ở nước ngoài. Ngày 29/11/1993, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 (Nghị quyết số 08-NQ/CP). Nghị quyết số 08-NQ/TW khẳng định rõ: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở luật pháp nước sở tại, luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế[1]. Nghị quyết ra đời đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của Đảng và Nhà nước đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 55-CT/TW ngày 23/3/1996 về việc triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW được Ban Bí thư đưa ra sau đó tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài[2].
Qua 10 năm kể từ khi Nghị quyết số08-NQ/TW được ban hành, tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi sâu sắc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có những thay đổi, đặt ra cho lĩnh vực công tác này những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết số 36-NQ/TW) đề cập toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
So với Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 36-NQ/TW có nhiều điểm mới. Đây là Nghị quyết công khai đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện tới chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về người Việt Nam ở nước ngoài[3]: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần mang tính đồng bộ, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, kết hợp các hoạt động trong nước với các hoạt động ở nước ngoài và phải được tiến hành thông qua nhiều loại hình hoạt động và biện pháp phù hợp với các đối tượng và địa bàn khác nhau, trên cơ sở tự nguyện và không trái với pháp luật, phong tục, tập quán của nước sở tại. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, ở trong nước và ngoài nước và toàn dân ta cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Chỉ thị khẳng định Nghị quyết số 36-NQ/TW sau 10 năm được ban hành và triển khai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng kiều bào phát triển ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại. Chỉ thị cũng nhấn mạnh những chủ trương, quan điểm của Nghị quyết số 36-NQ/TW đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, các cấp thực hiện trong thời gian tới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và thực hiện tốt hơn nữa công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
2. Quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hộ công dân
Điều 75 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Có thể nói, đây là một sự thay đổi quan trọng trong hệ thống các quy định về bảo hộ công dân. Khác các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ hơn về đối tượng bảo hộ, ở đây là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Hiến pháp năm 1992 xác định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là “cầu nối” quan trọng giữa Việt Nam với các nước khác trong quan hệ quốc tế.
Trên tinh thần kế thừa những tinh hoa của các bản Hiến pháp trước, khoản 3 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận “công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ” và Điều 18 bổ sung “1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. 2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Quy định của Hiến pháp năm 2013 tiếp cận bảo hộ công dân theo nghĩa rộng, tức là không chỉ bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài khi quyền và lợi ích này bị xâm hại mà còn bao gồm cả bảo hộ công dân trong những hoàn cảnh khó khăn, cấp thiết, cần tới sự giúp đỡ từ Nhà nước. Tiếp đến, khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ Việt Nam trong công tác đối ngoại và bảo hộ công dân, khoản 7 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “… bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài”. Những thay đổi trong quy định về bảo hộ công dân tại Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra một cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động bảo hộ công dân của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài còn được quy định trong các văn bản pháp luật quan trọng khác của Nhà nước, cụ thể:
Thứ nhất, trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch Việt Nam) ngay từ những điều khoản đầu tiên, nguyên tắc bảo hộ công dân đã được ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài” (Điều 6). Theo đó, đối tượng được hưởng quyền bảo hộ công dân chính là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - người mang quốc tịch Việt Nam theo một trong các căn cứ sau: Do sinh ra, được nhập quốc tịch, được trở lại quốc tịch, theo điều ước quốc tế, theo các quy định khác của Luật Quốc tịch (Điều 14). Điều 6 Luật Quốc tịch Việt Nam cũng quy định “các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó”. Theo quy định này, ngoài các cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan có thẩm quyền tiến hành bảo hộ công dân. Đây là cơ quan đầu mối trực tiếp tiếp nhận và xử lý các thông tin về những trường hợp công dân Việt Nam cần bảo vệ, giúp đỡ ở nước ngoài.
Thứ hai, theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Quốc hội đã giao nhiệm vụ về công tác đối ngoại cho Chính phủ với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 22 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong đó có các nhiệm vụ:
- Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện của Nhà nước tại nước ngoài và tại các tổ chức quốc tế; bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Quyết định chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Thứ ba, Điều 8 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài) quy định cơ quan đại diện Việt Nam có nhiệm vụ:
- Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.
- Trong trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.
- Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.
- Phối hợp với cơ quan hoặc người có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận hoàn thành thủ tục giúp công dân, pháp nhân Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến thừa kế tài sản hoặc nhận lại tài sản thừa kế được mở có lợi cho Nhà nước Việt Nam…
Điều 9 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam trong việc hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như: (i) Tuyên truyền, giới thiệu chính sách và pháp luật Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; (ii) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chính sách, biện pháp thích hợp nhằm duy trì sự gắn bó của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước; (iii) Khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc dân tộc, tham gia hoạt động trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước; (iv) Tạo điều kiện và hỗ trợ cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập với xã hội tại quốc gia tiếp nhận; (v) Kiến nghị biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam, ngăn ngừa hành động phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận…
Thứ tư, quy định về hoạt động bảo hộ công dân của Việt Nam còn được quy định rải rác trong nhiều văn bản khác nhau như:
- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006: Luật xác định chính sách của Nhà nước Việt Nam là tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài; bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 5). Luật cũng xác định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, giúp đỡ và bảo hộ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài (Điều 70). Đặc biệt, Điều 71 của Luật quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam tại nước ngoài trong việc quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động; phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam và cơ quan, tổ chức của nước sở tại để đưa người lao động về nước.
- Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao cũng đề cập đến nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam của Bộ Ngoại giao “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế” (khoản 7 Điều 2). Ngoài ra, khoản 13, khoản 14 và khoản 15 Điều 2 Nghị định này quy định Bộ Ngoại giao thực hiện:
+ Công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước bao gồm cả bảo hộ lãnh sự.
+ Quản lý nhà nước đối với hoạt động di trú của công dân Việt Nam ra nước ngoài bao gồm công tác bảo hộ công dân Việt Nam; các biện pháp bảo đảm công dân Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các quyền bình đẳng như đối với công dân nước thứ ba.
+ Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm nghiên cứu, tổng hợp tình hình, đề xuất về chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài…
- Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm quản lý, cấp kinh phí hàng năm cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân.
3. Một số đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động bảo hộ công dân trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, cần xây dựng, chuẩn hóa và luật hóa khái niệm “bảo hộ công dân”
Tại Việt Nam, vấn đề bảo hộ công dân có nội hàm rất rộng, nó không chỉ bao gồm các hoạt động nghiệp vụ mà còn là cả sự giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp của các cơ quan đại diện nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, pháp nhân Việt Nam, đảm bảo cho người Việt Nam ở nước ngoài có cuộc sống ổn định, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, mặc dù bảo hộ công dân là vấn đề hết sức quan trọng nhưng pháp luật Việt Nam chưa đưa ra khái niệm cụ thể về bảo hộ công dân, pháp nhân ở nước ngoài. Điều này tạo ra cách hiểu thiếu thống nhất trong nhận thức và thực tiễn hoạt động. Thiết nghĩ, việc xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh về bảo hộ công dân, thậm chí luật hóa nó trong một văn bản pháp luật là việc làm rất cần thiết. Điều này đưa lại nhiều ý nghĩa cả về mặt pháp lý cũng như thực tiễn, góp phần tạo ra cách hiểu thống nhất, từ đó tạo cơ sở cho các hoạt động của các cơ quan đại diện được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tránh bỏ sót đối tượng được bảo hộ. Khái niệm bảo hộ công dân cũng nên được xây dựng và tiếp cận dưới góc độ rộng để đảm bảo tính toàn diện.
Thứ hai, cần xây dựng một đạo luật riêng về bảo hộ công dân
Hiện nay, các quy định của pháp luật về bảo hộ công dân của Việt Nam nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân trên thực tế. Thực tiễn hiện nay, vẫn còn có những trường hợp mà việc bảo hộ chưa được thực hiện kịp thời, đầy đủ do sự thiếu vắng hay không phù hợp của các quy định pháp luật hiện hành. Trong bối cảnh các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động… giữa các quốc gia ngày càng được tăng cường như hiện nay thì những bất cập trên sẽ là một rào cản lớn làm ảnh hưởng đến lợi ích của công dân cũng như lợi ích của quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng biệt về bảo hộ công dân thực sự là vấn đề cần phải được chú trọng, quan tâm hơn nữa. Đạo luật riêng biệt này sẽ làm rõ tất cả những vấn đề từ khái niệm, cách hiểu về bảo hộ công dân, nguyên tắc bảo hộ, đối tượng bảo hộ, thẩm quyền bảo hộ cũng như các biện pháp bảo hộ được tiến hành trên thực tế... Đi đôi với việc ban hành đạo luật riêng về bảo hộ công dân, cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định đã và đang nhằm rải rác tại các văn bản hiện hành, tránh tình trạng không thống nhất hay chồng chéo giữa các quy định về bảo hộ công dân trong các văn bản pháp luật.
Thứ ba, ban hành các văn bản hướng dẫn, cẩm nang, sổ tay bỏ túi, ứng dụng công nghệ vào việc tiếp nhận thông tin trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài
Cùng với việc xây dựng một đạo luật khung về bảo hộ công dân, Chính phủ cần tích cực triển khai công tác hướng dẫn thi hành từ các nghị định cho đến các thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai các hoạt động về bảo hộ công dân... Ngoài ra, việc in ấn, phát hành (cả bản giấy và bản điện tử) các cẩm nang thông tin, sổ tay bỏ túi những vấn đề cần lưu ý, ghi nhớ trong công tác bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng nên được chú trọng. Hiện nay, một số quốc gia phát triển đã và đang thử nghiệm ứng dụng tiếp nhận thông tin phản ánh qua các ứng dụng di động. Mặc dù Việt Nam vừa mới triển khai đường dây nóng bảo hộ công dân để tiếp nhận thông tin khi công dân gặp khó khăn, rắc rối ở nước ngoài, tuy nhiên, không phải lúc nào việc gọi điện đến tổng đài cũng thuận tiện (đường dây bận, cước phí đường dây nóng, mất điện thoại, bị lừa đảo, bắt giữ hay giao tranh quân sự...). Chính vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tin cấp báo về tình trạng cần được bảo hộ là việc làm thực sự cần thiết.
Thứ tư, cần bổ sung quy định về vấn đề bảo hộ công dân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam theo hướng xem xét, tiến hành hợp tác quốc tế dựa trên nguyên tắc có đi có lại
Đối với yêu cầu bảo hộ công dân từ các quốc gia khác của Việt Nam hiện nay mới được quy định khá chung chung, chủ yếu về cơ chế thông tin mà chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời hạn, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc đáp ứng yêu cầu bảo hộ công dân từ các quốc gia khác. Các nội dung chi tiết về việc đáp ứng yêu cầu bảo hộ công dân của các quốc gia khác tại Việt Nam hiện nay chủ yếu được ghi nhận trong các Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và các nước, điều này dẫn tới việc các quy định đối với việc đáp ứng yêu cầu bảo hộ công dân của các nước tại Việt Nam có sự khác nhau giữa các nước chưa kể đến việc có nhiều quốc gia hiện nay chúng ta chưa ký kết các điều ước quốc tế điều chỉnh vấn đề này. Vì vậy, theo tác giả, Việt Nam cần rà soát, nội luật hóa các quy định cụ thể liên quan đến việc đáp ứng yêu cầu bảo hộ công dân từ quốc gia khác, ban hành văn bản pháp luật xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu bảo hộ của quốc gia khác đảm bảo sự nhất quán trong các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu bảo hộ công dân từ quốc gia khác, đó là bổ sung quy định theo hướng xem xét, đáp ứng yêu cầu bảo hộ công dân từ quốc gia khác dựa trên nguyên tắc có đi có lại.
ThS. Đỗ Quý Hoàng
Đại học Luật Hà Nội
Ảnh: Sưu tầm
[1]. http://mattran.org.vn/Home/vanbanHD/vb-dang.htm#11.
[2]. Xem thêm Báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách đối với người Việt Nam tại nước ngoài tại http://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=975.
[3]. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khoá IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Nghi-quyet-36-NQ-TW-cong-tac-nguoi-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai/66727/noi-dung.aspx, truy cập ngày 09/4/2018.