Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các đại biểu đại diện một số bộ, ngành: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Công an báo cáo, quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thời gian qua cho thấy, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cụ thể: (i) phạm vi điều chỉnh của Luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; (ii) một số quy định về công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn nhiều vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu quả công tác quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền; (iii) một số quy định về chế độ, chính sách của người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó, để giải quyết những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 là yêu cầu cấp thiết, khách quan và bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới.
Đại diên cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú gồm 12 chương (bổ sung 01 chương mới), 75 điều (tăng 02 điều so với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 36 điều, xây dựng mới 10 điều, bỏ 08 điều, giữ nguyên 28 điều. Theo đó, Luật sẽ điều chỉnh về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; thi hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú; khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; trách nhiệm quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trao đổi về dự thảo Luật, đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: (i) về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo quy định: “Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự,… quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị cấm đi khỏi nơi cư trú;…”. Tuy nhiên, dự thảo chỉ có quy định về nghĩa vụ của người bị cấm đi khỏi nơi cư trú mà chưa có điều khoản quy định về quyền. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và bổ sung nội dung này; (ii) về các trường hợp thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại điểm b khoản 1 Điều 16 có quy định về việc đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. So với quy định về giải thích từ ngữ tại khoản 6 Điều 2, quy định này đã bổ sung nội dung “giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần”. Để thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung “giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần” vào điểm b khoản 1 Điều 16; (iii) đối với quy định về xử lý trường hợp người chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú vi phạm nghĩa vụ tại Điều 40, theo đại biểu, tên của điều luật chưa phù hợp với nội dung, vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, sửa lại để bảo đảm thống nhất.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật theo hướng quy định đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp cơ sở y tế có yêu cầu sẽ thực hiện trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của một số công ước về quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự, do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nội luật hóa các quy định có liên quan của các công ước này vào dự thảo Luật. Đối với nội dung về thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc quy định việc thăm trực tiếp. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung mang tính nguyên tắc quy định việc thăm gặp lãnh sự theo hình thức trực tuyến đối với các trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, khoản 1 Điều 22 dự thảo Luật quy định: “trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết” chưa phù hợp với thực tiễn. Theo đó, cần sửa đổi theo hướng thông báo kịp thời cho cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự trước khi cho thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về gửi người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các trại tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng nhằm tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Dự thảo Luật cơ bản phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng và bảo đảm tính hợp hiến, tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại để bảo đảm tính hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đối với dự thảo Luật, cần bổ sung quyền được hưởng bảo hiểm y tế của người bị tạm giữ, tạm giam, đặc biệt là đối với những người bị bệnh phải điều trị dài ngày; bổ sung các trường hợp trích xuất đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và gửi giam giữ tại các trại tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, chế độ thăm gặp lãnh sự… Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lưu ý, không quy định cụ thể các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến tạm giữ, tạm giam trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy./.
Thùy Dung