Toàn cảnh phiên họp
Trình bày về sự cần thiết phải xây dựng Luật, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống đô thị cả nước tăng nhanh về số lượng, hình thành các vùng đô thị hóa cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Đến tháng 12/2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó có hơn 200 đô thị từ loại IV trở lên. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước tính khoảng 44,3%. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự báo tốc độ đô thị hóa tiếp tục đẩy mạnh với số lượng đô thị tăng hơn 1,5 lần so với bình quân chung. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị, đồng thời tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, xu thế mới của thế giới, phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đại diện Bộ Xây dựng trình bày Tờ trình
Theo đó, Dự án Luật được đề xuất trên cơ sở 05 quan điểm sau: (i) thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay; (ii) bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật; kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn; tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế; (iii) phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước, đồng bộ với nhu cầu dân cư và việc làm trên toàn đô thị và theo khu vực trong từng giai đoạn phát triển, bảo đảm cung cấp dịch vụ hạ tầng; đô thị hình thành mới, phát triển mở rộng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết có trật tự theo quy hoạch và có kế hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; khuyến khích phát triển không gian ngầm đô thị; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai; giữ gìn và phát huy giá trị đặc trưng, bản sắc văn hóa; (iv) tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, ứng dụng đô thị thông minh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội; (v) đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý phát triển đô thị, thực hiện phân cấp, phân quyền và ứng dụng chuyển đổi số, hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính phát biểu, nội dung giải thích thuật ngữ “sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật” tại khoản 7 Điều 3 dự thảo Luật chưa thể hiện rõ việc sử dụng chung, mặt khác, việc bố trí, lắp đặt đường dây, cáp, đường ống cũng không sự liên quan đến việc sử dụng chung. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu giải thích lại thuật ngữ này. Đối với nội dung về bảo đảm kinh phí đối với các hoạt động quản lý phát triển đô thị, đại biểu cho rằng, điều luật cần tách bạch, phân định rõ ràng, nguồn nào đầu tư phát triển, nguồn nào sử dụng kinh phí thường xuyên và phân cấp ngân sách địa phương và Trung ương.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Trao đổi về các thuật ngữ được sử dụng tại dự thảo Luật, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, khoản 6 Điều 3 đã giải thích thuật ngữ “cải tạo đô thị” là hoạt động cải tạo, nâng cấp hoặc tái phát triển các khu vực đô thị hiện hữu để cải thiện chất lượng đô thị. Tuy nhiên, đến khoản 1 Điều 53 quy định về các trường hợp thực hiện cải tạo đô thị lại xác định là các hoạt động chỉnh trang, cải tạo hoặc tái phát triển. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất nội dung giải thích thuật ngữ. Đối với quy định tại khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát các nội dung của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về quan điểm xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, theo đại diện Bộ Nội vụ, ngoài các quan điểm đã nêu tại Tờ trình, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, bổ sung 02 quan điểm: (i) quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm về việc “luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”; (ii) quan điểm về đẩy mạnh phân cấp phân quyền từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thể hiện rõ hơn tinh thần phân cấp, phân quyền đối với các hoạt động quản lý phát triển đô thị.
Theo đại diện Bộ Công an, hiện nay, các khái niệm về đô thị sinh thái, đô thị thông minh được sử dụng nhiều. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tham khảo, nghiên cứu quy định cụ thể tại dự thảo Luật đối với các mô hình này. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, trong thời gian tới, nước ta định hướng sẽ phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại như công trình xử lý nước thải, thoát nước; công trình giao thông đường sắt đô thị; bãi đỗ xe ngầm… Do vậy, để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần các quy định chặt chẽ các nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định cũng như việc chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải nghiên cứu, thể hiện rõ hơn nữa các chính sách khuyến khích phát triển, khơi thông nguồn lực để phát triển các đô thị. Theo đó, cần bổ sung thêm các cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục lựa chọn để giải phóng nguồn lực về đầu tư. Ngoài ra, cần xác định tính kiến tạo trên cơ sở các chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các nghị quyết khác…
Thùy Dung