Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Đảng và Nhà nước đang trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Quá trình này đã tác động không nhỏ đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo kết quả rà soát cho thấy, có tổng số khoảng 5.062 văn bản chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, về cơ bản, những vấn đề phát sinh cần xử lý khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể khái quát được thành nguyên tắc chung, theo nhóm để được xử lý ngay tại một văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội để không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của Nghị quyết, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận và cho ý kiến thẳng thắn đối với các nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Thay mặt Tổ biên tập, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã trao đổi về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, các bộ, ngành nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ quy phạm pháp luật đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời, tiếp tục tổng hợp kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành còn hiệu lực chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương. Kết quả rà soát cho thấy, có khoảng 1.291 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Trung ương, trong đó tập trung nội dung quy định (tên) hoặc dẫn chiếu đến các văn bản do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy trao đổi tại cuộc họp
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải nhất trí với các nguyên tắc được đưa ra tại dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định “Nghị quyết này quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy” là khá chung chung, vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định “Nghị quyết này quy định nguyên tắc, xử lý các vấn đề về thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân”. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung phụ lục quy định chi tiết tên mới của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương sau khi sắp xếp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đơn vị.
Đại biểu trao đổi tại cuộc họp
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ngoài việc thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị thì tên gọi của các chức danh cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị quyết chỉ có quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan mà chưa có quy định về tên gọi mới của các chức danh. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, việc xử lý vi phạm hành chính tại Tổng cục Hải quan được thực hiện theo các cấp độ, thẩm quyền của mỗi cấp độ là khác nhau. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ còn 03 cấp để giải quyết. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn việc thực hiện đối với trường hợp này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu quy định cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết; điều chỉnh một số nội dung được quy định tại Điều 3 về “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan”; nghiên cứu quy định đúng thẩm quyền của Quốc hội, không quy định quá chi tiết; bổ sung quy định giao cho chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành hướng dẫn tạm thời trong khoảng thời gian văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành, đồng thời bổ sung quy định về các cơ quan tư pháp vào Điều 11 dự thảo Nghị quyết quy định về việc “xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết”...
Thùy Dung