Quyền con người của phụ nữ trong tố tụng hình sự là quyền dễ bị xâm phạm, bị tổn thương và hậu quả để lại cũng rất nghiêm trọng do hoạt động tư pháp hình sự động chạm đến quyền sống, quyền tự do, quyền bảo toàn danh dự, nhân phẩm của con người. Trong đó, tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm về thân thể là giá trị cao nhất của mỗi con người: không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Đảm bảo quyền con người của phụ nữ khi tham gia tố tụng chính là việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thủ tục, cách thức, điều kiện thực hiện hành vi tố tụng cụ thể nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong quá trình tố tụng cũng như bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các thủ tục, biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn sự tùy tiện, lạm quyền từ phía những cơ quan và người tiến hành tố tụng nhằm loại trừ những trường hợp oan sai.
1. Quy định về bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành
1.1. Bảo đảm quyền sống, tự do và an ninh cá nhân, không bị bắt giam một cách tùy tiện
Đây thực chất là một tập hợp các bảo đảm tố tụng nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm và tự do của phụ nữ trong quá trình tố tụng hình sự. Khi một người phụ nữ bị tình nghi là đã thực hiện một tội phạm cho đến trước khi bị Tòa án kết án tuyên bố là người phạm tội, thì tùy theo thân phận pháp lý của mình trong từng giai đoạn tố tụng, họ có thể bị hạn chế hoặc bị xâm phạm một số quyền con người nhất định trong quá trình giải quyết vụ án. Tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm về thân thể là giá trị cao nhất của mỗi con người: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang[1]. Những biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế tố tụng nhằm mục đích giáo dục, kiểm soát với thời hạn: Tạm giữ không quá 03 ngày; còn thời hạn tạm giam tuân thủ theo nguyên tắc phải được xét xử trong thời gian hợp lý, theo hướng rút ngắn thời gian tạm giam hoặc được trả tự do nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người[2]. Trường hợp cần phải tạm giữ, tạm giam như là một biện pháp ngăn chặn thì không được tùy tiện thực hiện mà phải tuân thủ các trình tự, thủ tục được pháp luật quy định, đảm bảo quyền được thông tin, được Tòa án quyết định tính hợp pháp của việc giam giữ, được quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp oan sai. Phụ nữ khi bị tạm giam, tạm giữ phải được tôn trọng nhân phẩm, được giam giữ tách biệt với người đã bị kết án, được tạm giam, tạm giữ ở khu vực riêng[3]; không bị cùm chân ngay cả khi luật quy định đối với các tù nhân có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân và người khác[4]; được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ[5]; được kiểm sát việc thực hiện không bị tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp khi bị tạm giữ, tạm giam bằng việc tăng cường gặp hỏi người bị tạm giữ, tạm giam để kịp thời phát hiện vi phạm và bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo[6]; kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phụ nữ nhằm đảm bảo các quyền không bị luật tước bỏ đối với người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện nghiêm túc[7].
Trong nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật quy định rõ nguyên tắc “bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”[8]; “Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ... và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”[9]. Phân công từ hai cán bộ, chiến sĩ trở lên áp giải một đối tượng, đối tượng là nữ phải có cán bộ nữ áp giải[10] được thực hiện theo quy trình bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Trong tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, Luật quy định trách nhiệm của cơ sở giam giữ “lập biên bản giao nhận người..., tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, ... nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo”[11].
1.2. Bảo đảm quyền được xét xử công bằng và theo thủ tục riêng đối với phụ nữ trong những trường hợp đặc biệt
Quyền bình đẳng trước Tòa án và được xét xử bởi Tòa án độc lập, không thiên vị, công khai: Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ không chỉ là nguyên tắc hiến định, được quy định trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam mà còn là nguyên tắc cơ bản và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyền bình đẳng không phân biệt giới tính trước hết là sự bình đẳng trong địa vị pháp lý tố tụng nghĩa là khi tham gia tố tụng hình sự, phụ nữ cũng như nam giới đều có các quyền và nghĩa vụ tố tụng như nhau theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào việc họ tham gia với tư cách tố tụng nào. Tại phiên tòa, nếu tham gia tố tụng với tư cách là chủ thể của tội phạm, thì họ có quyền bình đẳng đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa.
Quyền được xét xử theo thủ tục riêng đối với phụ nữ trong những trường hợp đặc biệt: Đảm bảo bình đẳng pháp lý không có nghĩa áp dụng một kiểu đối xử cho mọi đối tượng trong cùng một tình huống như kiểu cào bằng, thực tế cho thấy không phải mọi sự khác biệt về đối xử đều tạo nên sự phân biệt đối xử, phải dựa trên đặc tính của đối tượng tác động để có những ứng xử, cư xử phù hợp. Nếu sự đối xử khác biệt được xác định dựa trên các điều kiện hợp lý, khách quan nhằm mục đích để đạt được sự bình đẳng thì không bị coi là trái với nguyên tắc bình đẳng trong luật. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc quy định thủ tục khác nhau trong bắt, giam, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự hoàn toàn không mẫu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng, bởi vì mục đích của Bộ luật Tố tụng hình sự là tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải quyết vụ án, tìm ra sự thật khách quan, đúng người, đúng tội. Hơn nữa, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo và từ đặc điểm tâm - sinh lý của những người phụ nữ đang ở trong thời kỳ đặc biệt và ảnh hưởng của những đặc điểm này đến sức khỏe, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ cũng như hậu quả của việc áp dụng các thủ tục tố tụng hoặc hình phạt đối với người phụ nữ đó. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can, bị cáo thì một số đối tượng phụ nữ sẽ không bị áp dụng biện pháp này mà thay bằng biện pháp khác, ít nghiêm khắc hơn. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra khi khám xét người phải tuân thủ quy định: “Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm…”[12]. Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải tuân thủ do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. “Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo”[13]; phụ nữ bị tạm giữ, tạm giam được bố trí theo khu riêng biệt[14].
Phụ nữ là một trong những đối tượng yếu thế cần được bảo vệ, đặc biệt khi người phụ nữ đó tham gia vụ án với tư cách người bị hại, người nắm giữ những thông tin, bằng chứng của vụ án do đó họ có thể gặp nguy hiểm do người phạm tội gây ra nhằm che giấu hành vi của mình. Vì vậy, cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải quyết định áp dụng những biện pháp bảo vệ người bị hại cũng như người thân của họ khi cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm trong quá trình giải quyết vụ án mà có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại[15]. Việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân. Thêm vào đó, thực tiễn áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tại Việt Nam vẫn còn tồn tại ở một số quyền cơ bản của nữ nạn nhân, bị can, bị cáo, phạm nhân chưa được đảm bảo cũng như chưa được đáp ứng các nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong từng giai đoạn tố tụng. Có thể thấy rõ ràng nhất trong quá trình điều tra, truy tố các tội danh liên quan đến bạo lực giới đối với phụ nữ, trong đó có tội phạm hiếp dâm thì nhà chức trách chưa quan tâm đến các quyền con người của phụ nữ như việc nạn nhân nữ thường mong muốn được làm việc với nữ công an hoặc nữ điều tra viên nhưng lại có rất ít phụ nữ đảm nhiệm các vị trí này[16] trong khi chuẩn mực quốc tế quy định nạn nhân có quyền lựa chọn trao đổi thông tin với cán bộ nữ. Hay như chưa có hướng dẫn cụ thể mang tính nhạy cảm giới nào dành cho cơ quan điều tra về thu thập chứng cứ trong các vụ án xâm phạm quyền của người phụ nữ cũng như quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan liên quan phải thu thập chứng cứ một cách ít xâm phạm sự riêng tư và bảo vệ nhân phẩm cho người phụ nữ nhất. Các quy định giam giữ đối với bị can, bị cáo và phạm nhân nữ trong thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập do chưa có những quy định cụ thể và cơ chế đặc thù dành riêng cho giới nữ khi chấp hành án nên vẫn còn tình trạng phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi bị tạm giam trong thời gian dài, nhiều trường hợp mang thai, sinh đẻ và nuôi con nhỏ trong trại với điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, nhiều phụ nữ trẻ sau khi mãn hạn tù thì không còn khả năng sinh đẻ, rơi vào cảnh không gia đình, không nơi nương tựa khi về già, chưa kể đến một số trường hợp nữ bị can, bị cáo vẫn bị bức cung, nhục hình...
1.3. Tôn trọng, bảo đảm quyền làm mẹ của phụ nữ khi tham gia tố tụng
Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có những quy định mang tính chất đặc thù đối với phụ nữ liên quan đến việc tạm giam: Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác trừ một số trường hợp[17]. Với phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì không thực hiện áp giải, người chỉ huy việc áp giải lập biên bản (kèm theo bản sao giấy khám thai đối với trường hợp đang có thai hoặc bản sao giấy chứng sinh hay bản sao giấy khai sinh của con đối với trường hợp đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi) có xác nhận của chính quyền địa phương, của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc và thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự yêu cầu bắt, áp giải biết[18].
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có chương quy định riêng về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng được đối xử theo chế độ đặc biệt như bố trí ở buồng riêng (Điều 18); được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khoẻ (Điều 35); khi sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được đảm bảo thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em. Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3m2 (khoản 1 điều 35). Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại cơ sở giam giữ; không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi[19].
2. Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam bảo đảm quyền con người của phụ nữ
Đảm bảo quyền con người của phụ nữ khi tham gia tố tụng chính là việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thủ tục, cách thức, điều kiện thực hiện hành vi tố tụng cụ thể nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong quá trình tố tụng cũng như bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các thủ tục, biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn sự tùy tiện, lạm quyền từ phía những cơ quan và người tiến hành tố tụng nhằm loại trừ những trường hợp oan sai. Bởi vậy, tác giả đề xuất bổ sung một số quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần tuân thủ khi xử lý những vụ án hình sự liên quan đến phụ nữ như sau:
Một là, bổ sung nguyên tắc “thân thiện” trong xử lý các vụ án hình sự liên quan đến phụ nữ, do phụ nữ có những đặc điểm tâm sinh lý nhạy cảm, dễ bị tổn thương vì vậy cần có những bảo vệ đặc biệt bằng thủ tục riêng nhằm đảm bảo quyền được tôn trọng nhân phẩm, danh dự, thân thể khi tham gia vào các giai đoạn của tố tụng hình sự. Từ nguyên tắc này, cần thiết xây dựng một chương hoàn chỉnh quy định về các thủ tục tiêng trong giải quyết các vụ án liên quan đến phụ nữ, trong đó không chỉ quy định dành cho chủ thể phạm tội là phụ nữ, mà cần thiết quy định với các chủ thể tham gia tố tụng khác như người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt là các thủ tục tố tụng đối với người bị hại là nữ nạn nhân trong các vụ án hiếp dâm, quấy rối, lạm dụng tình dục... vì pháp luật hiện hành đang thiếu vắng nên làm nảy sinh nhiều tiêu cực khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với nữ bị hại cũng như gây nhiều khó khăn trong việc đảm bảo các quyền con người của phụ nữ. Phụ nữ cần phải được đối xử và áp dụng các thủ tục tố tụng thân thiện phù hợp với đặc thù giới như việc người tiến hành tố tụng trực tiếp khi thực hiện các biện pháp điều tra, truy tố, xét xử phải là cùng giới nữ, đã được đào tạo, tập huấn về cách thức, biện pháp thân thiện hoặc là những người giàu kinh nghiệm trong các vụ án có đối tượng là nữ.
Theo quy định hiện hành, thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền tiến hành thực nghiệm điều tra khi cần thiết kiểm tra, xác minh các tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, tuy nhiên, lại không quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành thực nghiệm điều tra như thế nào, mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp, số lần tối đa cũng như cách thức và giới tính của người thực hiện trong từng giai đoạn giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt đối với các vụ hiếp dâm, xâm hại tình dục... để tránh làm tổn thương đến người phụ nữ.
Hai là, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nữ nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Cần có những quy định cụ thể về tiếp cận công lý cho phụ nữ nạn nhân thông qua việc quy định cơ chế hiệu quả bắt buộc các cá nhân/cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc bảo đảm chuẩn mực tố tụng theo quy định về tôn trọng quyền của nạn nhân từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, điều tra, truy tố đến giai đoạn xét xử và thi hành án; đồng thời, bảo đảm quyền được hỗ trợ kịp thời trong việc thu thập chứng cứ khi bị xâm hại và đưa vụ án ra xét xử nhanh chóng, không bị trì hoãn. Đây là nhóm quyền có ý nghĩa quan trọng trong tư pháp hình sự, đặc biệt đối với nữ nạn nhân trong các vụ án hiếp dâm, xâm hại quấy rối tình dục vì việc áp dụng pháp luật không chỉ cần đúng đắn mà còn phải kịp thời nếu không chứng cứ sẽ mất theo thời gian và không còn nhiều ý nghĩa nữa. Để có căn cứ bảo vệ quyền của nạn nhân và xác định sự thật khách quan của vụ án thì việc đảm bảo quyền được giám định kịp thời, thuận tiện nhằm thu thập tang chứng, vật chứng sớm là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, quy định về việc trưng cầu giám định trong các vụ án hiếp dâm, xâm hại tình dục hiện hành là không hợp lý vì không lường trước thời gian xảy ra vụ việc vào ban đêm, ngày nghỉ khiến cho việc giám định của nạn nhân gặp khó khăn[20]...
Ba là, bổ sung quy định về người đại diện cho phụ nữ, trẻ em gái trong các vụ án hình sự. Do văn hóa pháp lý chưa được coi trọng, mặt bằng hiểu biết pháp luật của phụ nữ còn nhiều hạn chế, thấp kém nên khi đứng trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền - chủ thể tiến hành tố tụng hình sự thay mặt quyền lực nhà nước thì họ rơi vào thế cô độc, không biết cách thức tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ các quyền con người hợp pháp của chính mình. Trong khi đó hệ thống các quy định pháp luật cũng chưa hoàn thiện các cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn lạm quyền, sự tùy tiện trong khi tiến hành tố tụng nên trong nhiều trường hợp phụ nữ là chủ thể của tội phạm hay là đối tượng bị tội phạm xâm hại đã bị chà đạp danh dự, nhân phẩm sức khỏe. Vì vậy, nếu bị can, bị cáo hay người bị hại là nữ không mời được người bào chữa hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bảo vệ quyền lợi cho họ hoặc đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cử người bảo vệ cho tất cả mọi đối tượng phụ nữ khi tham gia tố tụng.
Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[2]. Khoản 1 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[3]. Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[4]. Điều 23 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[5]. Điều 28 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[6]. Hướng dẫn số 35/HD-VKSTC ngày 28/12/2017của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2018.
[7]. Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC ngày 10/01/2017của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017.
[8]. Khoản 3 Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[9]. Khoản 5 Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[10]. Khoản 3 Điều 6 Quyết định 1502/2008/QĐ-BCA ngày 10/9/2008 về việc ban hành quy trình bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
[11]. Khoản 2 Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[12]. Khoản 2 Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[13]. Khoản 2 Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[14]. Điểm d khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
[15]. Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[16]. UN Women và UNODC (2013), Đánh giá tình hình phụ nữ trong hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu.
[17]. Khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[18]. Điểm b khoản 4 Điều 10 Quyết định số 1502/2008/QĐ-BCA ngày 10/9/2008 về việc ban hành quy trình bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
[19]. Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015.
[20]. https://tinmoi24.vn/be-gai-5-tuoi-bi-xam-hai-va-cau-hoi-xe-long-me-oi-chuyen-cua-con-xu-sao-roi.