Hình thức khởi kiện là một nội dung quan trọng trong luật về doanh nghiệp ở các nước và là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ bảo vệ nhà đầu tư trong các nền kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB). Tại Hoa Kỳ, các cổ đông có thể tự mình hoặc đại diện cho công ty kiện các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) để được bồi thường do có vi phạm nào đó về nghĩa vụ được ủy thác. Ở Nhật Bản, cổ đông có một cổ phần vẫn có quyền yêu cầu công ty khởi kiện truy cứu trách nhiệm thành viên HĐQT và trong vòng 60 ngày, nếu công ty không khởi kiện thì cổ đông đó có quyền khởi kiện nhân danh công ty[1]. Luật công ty của các nước như: Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippine đều quy định cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng có quyền khởi kiện tại Tòa án về việc thành viên HĐQT hoặc những người khác có hành vi vi phạm quyền hợp pháp của họ.
1. Quy định về quyền khởi kiện của cổ đông Việt Nam
Lần đầu tiên, cơ chế cổ đông có quyền khởi kiện lãnh đạo doanh nghiệp được quy định khá cụ thể tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (Nghị định số 102/2010/NĐ-CP): Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc). Căn cứ để khởi kiện như sau:
(i) Thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc) không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của HĐQT; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
(ii) Thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc) đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
(iii) Thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc) đã lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
(iv) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Như vậy, căn cứ khởi kiện như trên là khá rộng, dễ dẫn đến nguy cơ cổ đông có thể khởi kiện tràn lan. Có ý kiến cho rằng, chỉ những vi phạm của người quản lý doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp thì thành viên, cổ đông mới có quyền khởi kiện. Đối với các vi phạm của người quản lý mà không gây thiệt hại về vật chất thì chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính, như tiến hành kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức…
Luật Doanh nghiệp năm 2014 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2005, tiếp tục ghi nhận quyền khởi kiện của cổ đông và khắc phục một số hạn chế trong quy định về quyền khởi kiện. Cụ thể, cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi có đủ 02 điều kiện sau (khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp năm 2014): (i) Sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng; (ii) Thuộc các trường hợp được kiện quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Các nghĩa vụ này được quy định tương tự như căn cứ khởi kiện đã nêu tại Nghị định số 102/2010/NĐ-CP. Theo đó, có thể thấy, quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã cho phép cổ đông, nhóm cổ đông hội đủ điều kiện về vốn được phép trực tiếp khởi kiện HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc mà không cần phải yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện thay mình như quy định trước đó.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) đã có một số sửa đổi, bổ sung về quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, cụ thể như sau (khoản 1 Điều 166): Cổ đông, nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông mà không nhất thiết phải liên tục trong thời hạn 06 tháng; trường hợp vi phạm “nghĩa vụ” người quản lý công ty được thay thành vi phạm “trách nhiệm” của người quản lý công ty; bổ sung quy định về tính chịu trách nhiệm của thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc khi vi phạm. Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã “hạ” điều kiện khởi kiện hơn nữa, tạo điều kiện dễ dàng cho các cổ đông khởi kiện, đó là cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 01% tổng số cổ phần phổ thông nhưng không gắn với điều kiện thời gian sở hữu vốn. Khảo sát sự thay đổi các quy định pháp luật Việt Nam về quyền khởi kiện của cổ đông cho thấy, việc sửa đổi quy định của Luật Doanh nghiệp theo hướng ngày càng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện HĐQT, Ban giám đốc khi họ vi phạm trách nhiệm của người quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
2. Bấp cập, khó khăn khi cổ đông thực hiện quyền khởi kiện
Theo quan điểm từ Ngân hàng Thế giới (WB)[2], bảo vệ cổ đông là một trong những tiêu chí đánh giá quản trị công ty tốt. Khi luật pháp bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư tốt mới tạo động lực để họ đầu tư vào doanh nghiệp. Ở Việt Nam, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư vẫn giảm điểm mặc dù các nhà làm luật Việt Nam đã đưa nhiều thay đổi trong quy định pháp luật nhằm thăng hạng chỉ số này. Một trong những lý do là cổ đông ở Việt Nam rất khó thực thi các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Vậy, tại sao việc giải quyết tranh chấp thông qua con đường Tòa án vẫn không phải là lựa chọn hàng đầu của cổ đông Việt Nam?
Thứ nhất, cổ đông khởi kiện không có bằng chứng chứng minh cho yêu cầu của mình. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người đi kiện. Tòa án sẽ phán quyết trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp, nếu đương sự đưa ra yêu cầu thì phải có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó. Tòa án không có nghĩa vụ xác minh, thu thập chứng cứ. Mặc dù, những bằng chứng, chứng cứ cần xác minh, thu thập là cần thiết, đó là những việc cần làm. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, quy định này đã gây khó khăn cho cổ đông[3] khi quyền cung cấp thông tin không được bảo đảm. Cổ đông không có cơ hội tiếp xúc với những tài liệu khi chính những người bị kiện lại nắm giữ chúng. Sự thiếu công khai và minh bạch trong thông tin là rào cản lớn để cổ đông thực hiện quyền khởi kiện của mình.
Thứ hai, Việt Nam có những nét đặc thù về truyền thống, thói quen tâm lý vừa ngại kiện tụng, vừa muốn sử dụng những phương thức hành chính - hình sự để bảo vệ quyền lợi của mình[4]. Khả năng cổ đông khởi kiện thành viên HĐQT, Ban giám đốc ở Việt Nam là rất hy hữu vì tâm lý của chúng ta, đặc biệt là những “ông chủ nghèo” rất ngại tốn thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để khiếu kiện ra Tòa đi tìm công lý. Hơn nữa, theo đánh giá của WB thì mức độ độc lập của các cơ quan tư pháp Việt Nam còn hạn chế và chịu ảnh hưởng của chính trị, nhất là các phán quyết của Tòa án liên quan đến các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối[5]. Như vậy, cổ đông Việt Nam không thích kiện tụng ra Tòa án vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ ba, mức độ dễ dàng để cổ đông có thể kiện ra Tòa án thể hiện qua các loại giấy tờ liên quan đến giao dịch cung cấp cho cổ đông tại phiên tòa; cổ đông có thể trực tiếp giám sát bị đơn và nhân chứng tại phiên tòa; cổ đông có thể có thông tin từ bị đơn mà không cần nêu cụ thể từng loại giấy tờ... Về mức độ dễ dàng có thể kiện ra Tòa ở Việt Nam chưa thật sự được bảo đảm. Để đánh giá mức độ bảo vệ nhà đầu tư của luật pháp trong một nước, báo cáo “Môi trường kinh doanh” của WB và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã xây dựng tiêu chí về mức độ bảo vệ nhà đầu tư dựa trên các tình huống tiêu chuẩn với các giả thiết cụ thể. Theo đó, mức độ bảo vệ nhà đầu tư được biểu hiện ở ba tiêu chí: (i) Mức độ công bố thông tin; (ii) Trách nhiệm của Ban giám đốc; (iii) Mức độ dễ dàng để cổ đông có thể kiện ra Tòa án.
Thứ tư, pháp luật về doanh nghiệp cần quy định rõ hơn nhóm quyền ngăn chặn của cổ đông, cụ thể là các quyền yêu cầu kiểm toán độc lập, quyền khởi kiện những người quản lý điều hành công ty khi có dấu hiệu vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công ty. Đây là những quyền đã được pháp luật quy định nhưng cần quy định cụ thể và chi tiết hơn để các quyền này có thể vận hành trong thực tế. Quy định tưởng như là rất tiến bộ nhưng sau nhiều năm triển khai, theo đánh giá của cả doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách thì chỉ là tồn tại trên giấy, do thiếu tính khả thi. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định hiện hành trao quyền cho cổ đông một cách “nửa vời”. Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành, pháp luật cần bổ sung các quy định để cổ đông thực hiện hiệu quả hơn quyền của mình. Trong đó, quy định cụ thể nghĩa vụ của công ty, người quản lý doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu trong trường hợp cổ đông khởi kiện người quản lý doanh nghiệp.
3. Hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan đến quyền khởi kiện của cổ đông
Một là, ban hành hướng dẫn thủ tục kiện phái sinh để phân biệt với kiện trực tiếp.
Để hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện phái sinh của cổ đông không thân thiện, cũng như bảo đảm cho công ty cổ phần có cơ hội được đưa ra biện pháp phi tố tụng trước khi cổ đông nộp đơn khởi kiện, cần ban hành thủ tục kiện phái sinh. Chúng ta có thể tham khảo cách tiếp cận của pháp luật Anh - Mỹ: (i) Bắt buộc cổ đông thông báo cho cơ quan quản lý công ty cổ phần về sai phạm để tạo điều kiện cho công ty cổ phần đưa ra biện pháp khắc phục cũng như trao quyền ưu tiên khởi kiện cho công ty tự mình khởi kiện người quản lý; (ii) Khi quá thời hạn mà công ty cổ phần không hồi đáp hoặc từ chối quyền ưu tiên khởi kiện của mình, cổ đông mới có thể nhân danh công ty khởi kiện.
Hai là, đặt ra tiêu chí xác định vi phạm trách nhiệm của người quản lý.
Các tiêu chuẩn xác định vi phạm trách nhiệm của người quản lý đặt ra trong Luật Doanh nghiệp cũng cần được giải thích minh bạch. Điều này giúp cho cổ đông cũng như cơ quan giải quyết tranh chấp xác định được mức độ vi phạm để làm rõ cơ sở khởi kiện của các vụ kiện phái sinh. Tác giả kiến nghị giải thích trách nhiệm của người quản lý theo hướng yêu cầu mức độ nỗ lực là “nỗ lực hợp lý”, tức người quản lý chỉ có trách nhiệm thực hiện các công việc mà một người quản lý bình thường (không phải một người quản lý “xuất chúng”) ở trong một hoàn cảnh tương tự cũng sẽ đưa ra các quyết định như vậy.
Ba là, làm rõ tư cách nguyên đơn trong vụ kiện phái sinh.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Do đó, để tránh rủi ro cổ đông không được công nhận tư cách nguyên đơn do không có quyền và lợi ích bị xâm hại trực tiếp, có thể: (i) Xác định công ty cổ phần là nguyên đơn trong các vụ kiện phái sinh hoặc (ii) Hướng dẫn giải thích khái niệm nguyên đơn trong các vụ kiện phái sinh theo hướng bao gồm các cổ đông, nhóm cổ đông.
Bốn là, giải thích về chi phí khởi kiện theo hướng bao gồm các loại chi phí tố tụng khác.
Trong hầu hết các vụ kiện, chi phí khởi kiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự thường chiếm một phần nhỏ trong tương quan với các chi phí khác như phí luật sư, phí giám định, phí phiên dịch... Do đó, cần giải thích về “chi phí khởi kiện” trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bao gồm các loại chi phí hợp lý khác để giảm bớt nghĩa vụ tài chính cho cổ đông. Mức độ “hợp lý” của các chi phí được đánh giá tùy vào chi phí trung bình của các tranh chấp có tính chất tương tự khác. Chẳng hạn, nếu cổ đông thuê một công ty luật nước ngoài có danh tiếng và yêu cầu mức phí dịch vụ cao bất thường, trong trường hợp cổ đông thắng kiện, công ty chỉ có nghĩa vụ chi trả một khoản phí tương đương với mức giá dịch vụ trung bình trên thị trường.
Năm là, quy định rõ cơ chế khởi kiện.
Cổ đông khởi kiện cần có tư cách nguyên đơn khi khởi kiện nhân danh công ty. Công ty phải hoàn trả mọi chi phí hợp lý liên quan đến việc kiện của cổ đông trừ trường hợp Tòa án quyết định vụ kiện được tiến hành không nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất của công ty hoặc việc khởi kiện không có lý do chính đáng hoặc mục đích phù hợp. Các chi phí này bao gồm nhưng không giới hạn bởi chi phí thuê luật sư, chi phí tố tụng, các khoản tiền phạt, các khoản phải thanh toán phát sinh trong thực tế hoặc được coi là mức hợp lý khi giải quyết vụ việc này trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Tóm lại, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc ghi nhận quyền khởi kiện của cổ đông trong công ty cổ phần so với các Luật Doanh nghiệp năm 2014, năm 2005, năm 1999 và Luật Công ty năm 1990. So với giai đoạn trước năm 2005, các cổ đông chỉ có quyền căn bản như quyền được cung cấp thông tin cơ bản về tài chính và hoạt động của công ty, quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông… mà không có quyền khởi kiện. Cùng với việc mở cửa, hội nhập, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều sửa đổi theo hướng tiếp cận với những thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong quy định bảo đảm sự dễ dàng khởi kiện của cổ đông. Tuy vậy, so với chuẩn mực quốc tế, quyền khởi kiện của cổ đông đã được quy định rõ ràng nhưng cơ chế bảo đảm quyền còn yếu. Cơ chế giám sát của cổ đông, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua thể chế kiểm toán, kiểm soát nội bộ… còn kém hiệu lực; chế độ công khai thông tin cho cổ đông cũng còn yếu. Cơ chế phòng ngừa và cơ chế khắc phục các quyền của cổ đông vẫn còn tồn tại những bất cập, khiếm khuyết. Các khiếm khuyết này cần thiết phải được sửa đổi, khắc phục thì cổ đông mới có thể khởi kiện để bảo đảm được các quyền lợi chính đáng của mình trong thực tiễn hoạt động của công ty cổ phần. Nhu cầu bảo đảm quyền khởi kiện của cổ đông Việt Nam đặt ra ngày càng cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước sẽ yên tâm bỏ vốn vào công ty cổ phần khi quyền và lợi ích chính đáng của họ được bảo vệ; từ đó, nâng cao tính minh bạch trong môi trường đầu tư ở Việt Nam. Với những cố gắng của các nhà lập pháp Việt Nam, quyền khởi kiện của cổ đông trong công ty cổ phần ngày càng quy định rõ ràng hơn, tuy nhiên, việc bảo đảm quyền khởi kiện của cổ đông Việt Nam vẫn gặp phải những rào cản từ thực tiễn. Điều này đòi hỏi cơ quan lập pháp, hành pháp Việt Nam cần có những thay đổi cụ thể, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, làm tăng mức độ dễ dàng khởi kiện của cổ đông, hướng tới Việt Nam là một môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
TS. Nguyễn Thị Thu Hương
Ngành Luật, Đại học Quốc tế Sài Gòn
[1]. Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2009), Công ty: Vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp 2005, Nxb. Trí thức, Hà Nội, tr. 349.
[2]. World Bank Group, Protecting Minority Investors - Doing Business, https://www.doingbusiness.org/en/data/exploretopics/protecting-minority-investors.
[3]. Cao Đình Lành (2014), Bảo đảm quyền cổ đông thiểu số trong mua bán, sáp nhập công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội, tr. 109.
[4]. Cao Đình Lành (2014), Bảo đảm quyền cổ đông thiểu số trong mua bán, sáp nhập công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội, tr. 67.
[5]. Bùi Minh Nguyệt (2010), Bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 54.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023)