1. Một số thành tựu về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật ở Việt Nam
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào. Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng pháp luật trong nước hài hòa với các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Sau 25 năm, hoạt động xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể, như:
Một là, hệ thống luật pháp, chính sách không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiếp cận toàn diện dựa trên quyền trẻ em
Trong những năm qua, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng nhằm giải quyết những khía cạnh khác nhau trong vấn đề bảo vệ trẻ em. Kể từ ngày Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 được ban hành (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2005), nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được ban hành, như: Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Chính phủ ban hành 10 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định; Ban hành 12 Thông tư và Thông tư liên tịch; 1 Quyết định của Bộ trưởng; 2 kế hoạch liên ngành. Năm 2015, đã và đang tiếp tục hoàn thiện 4 chương trình, đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt[1].
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của 63 tỉnh, thành phố, các địa phương đã tham mưu cho Tỉnh ủy ký ban hành 82 văn bản; Hội đồng nhân dân (HĐND) ban hành 46 nghị quyết, kế hoạch; Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh ban hành 860 quyết định, kế hoạch, công văn và trên 110 văn bản, kế hoạch liên tịch giữa các ngành ở địa phương để triển khai, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em[2]. Một số chương trình đã được xây dựng và triển khai nhằm giúp đỡ đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó phải kể đến Chương trình bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 - 2002 (được phê duyệt bởi Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg ngày 31/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 - 2002), Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010 (được phê duyệt bởi Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010) và Chương trình hành động quốc gia đấu tranh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống buôn bán người; Quyết định 312/2005/QĐ-TTg ngày 30/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các đề án thuộc Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về và Kế hoạch quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2005 - 2010 (bao gồm các điều khoản về các hành vi phạm tội do trẻ em thực hiện và tội phạm chống lại trẻ em), Quyết định số 65/2005/QĐ-TTg ngày 25/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS”.
Ngày 05/4/2016, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm. Đặc biệt, ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em, được Hiến định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia thực hiện Công ước về quyền trẻ em.
Hai là, ngân sách nhà nước và những nguồn lực khác đã dành một khoản đầu tư đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ đã quy định chi tiết việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đảm bảo các kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và dài hạn, có cơ chế để huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thành lập và quản lý các quỹ cứu trợ trẻ em hiện đã và đang được thành lập từ cấp trung ương tới cấp huyện dưới sự quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Các nguồn ngân sách riêng cho việc cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được lồng vào kế hoạch hàng năm của Bộ Y tế và UBND các cấp đã được tính toán vào trong nguồn ngân sách hàng năm của Chính phủ. Năm 2015, Quốc hội đã chấp thuận việc phân bổ một khoản ngân sách 700 tỷ đồng để hỗ trợ từ trung ương tới địa phương. Nguồn hỗ trợ này được cung cấp để chi trả cho toàn bộ chi phí thực chi. Chính phủ chi trả cho toàn bộ phí khám sức khỏe và điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi tại tất cả các cơ sở y tế công lập các cấp. Nguồn ngân sách cho chi trả và thực chi cho việc khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được giám sát, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ[3].
Ba là, không ngừng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ cả vật chất và tinh thần để được phát triển toàn diện nhất
Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để huy động mọi nguồn lực có thể cho trẻ em, trên cơ sở Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Từng bước chuyên nghiệp hóa mạng lưới, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện. Chẳng hạn như, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp. Hầu hết các xã, phường đều có trạm y tế. Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Các chỉ số về tỷ lệ suy dinh dưỡng, trẻ em tử vong, bà mẹ tử vong đều giảm. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em bị tai nạn thương tích ngày càng được quan tâm. Công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2011, khoảng 10 triệu trẻ em đã được cấp phát thẻ khám chữa bệnh, đạt trên 99% tổng số trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn quốc; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 22,7%. Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản có liên quan về phòng, chống tai nạn giao thông, trong đó có phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng cho trẻ em. Các mô hình “ngôi nhà an toàn”, “cộng đồng an toàn”, “trường học an toàn”, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đang được triển khai và nhân rộng trên toàn quốc. Hàng trăm xã triển khai mô hình “ngôi nhà an toàn”; gần một trăm trường học thí điểm mô hình “trường học an toàn”[4].
Công tác phát hiện, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm trước những tác động tiêu cực đến trẻ em trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách và chương trình đã hỗ trợ cho những gia đình nghèo và trẻ em dễ bị tổn thương.
Công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi và hòa nhập cộng đồng được thực hiện thông qua các chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp cho các hộ gia đình nghèo, trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Vì vậy, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc từ 40% năm 2001 tăng lên 85% vào năm 2014. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là nhóm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy đã nhận được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước và xã hội thông qua các chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, trợ giúp cai nghiện ma túy tại cộng đồng, chăm sóc thay thế bởi các gia đình hoặc nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập[5].
Bốn là, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em bị bạo lực, trẻ em di cư, trẻ bị bắt cóc, buôn bán, trẻ em sống trong các hộ nghèo
Đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em bị bạo lực, trẻ em di cư, trẻ bị bắt cóc, buôn bán, trẻ em sống trong các hộ nghèo từng bước được quan tâm hơn. Các hành vi xâm phạm quyền trẻ em được các cơ quan tư pháp và Nhà nước tham gia giải quyết kịp thời. Việc thực hiện chính sách xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng[6].
2. Những vấn đề còn hạn chế và giải pháp tăng cường bảo đảm quyền trẻ em thông qua hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền của trẻ em
Bên cạnh những thành tự đã đạt được, thì hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về quyền trẻ em trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục và hoàn thiện, cụ thể là:
Thứ nhất, truyền thông giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa thực sự rộng rãi
Trẻ em chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tổn hại. Hàng trăm trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ em bị buôn bán; quá một nửa trẻ em bị bạo lực tại gia đình và bạo lực học đường; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo chưa có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em. Tình trạng đăng ký khai sinh cho trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn chậm so với quy định, nhiều trẻ khi đi học mới làm thủ tục khai sinh. Hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em bước đầu được xây dựng, nhưng chưa được thực hành rộng rãi. Theo kết quả điều tra MICS 2011 của Tổng cục Thống kê thì còn 5% trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh; khoảng 5,3% trẻ em ở độ tuổi từ 0 đến 17 tuổi không được sống chung với bố hoặc mẹ đẻ và 3,9% có bố hoặc mẹ đã chết hoặc cả bố và mẹ đã chết. Việc nâng cao nhận thức pháp luật cho các bậc cha, mẹ ở địa bàn vùng núi, vùng sâu chưa đầy đủ, nên việc khai sinh, khai sinh đúng hạn cho trẻ em chưa được coi trọng. Những quy định về xử phạt hành chính về việc khai sinh cho trẻ em chưa được thực hiện nghiêm túc và chưa đủ sức răn đe.
Thứ hai, việc đấu tranh với các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em ở cộng đồng và cơ sở chưa đủ mạnh, còn có những gia đình người thân nạn nhân che giấu, mặc cảm, né tránh. Nguy cơ xâm hại trẻ em nhất là xâm hại tình dục trẻ em khó phát hiện, giải quyết
Đối với đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã có quy định về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng cũng mới chỉ quy định về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục từng nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà chưa có quy định về biện pháp bảo đảm, nhất là các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đối với các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa có quy định về việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và với nhóm trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thì chưa có các biện pháp bảo vệ các em, quy trình phát hiện, cơ quan tiếp nhận thông báo, cơ quan chủ trì, phối hợp theo dõi và quy trình can thiệp, giải quyết, tái hòa nhập các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại; thời gian giải quyết; các dịch vụ can thiệp hỗ trợ giải quyết cụ thể gồm những loại hình nào, do cơ quan nào quản lý, thực hiện; các đối tượng này khi về hồi gia, hòa nhập cộng đồng, thì cơ quan nào đứng ra giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý đối tượng; các chính sách trợ giúp khác cũng chưa được Luật quy định cụ thể. Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và những trường hợp khác chưa có những quy định cụ thể, đầy đủ, nên việc trợ giúp số trẻ em này thường là do các tổ chức nhân đạo, từ thiện giúp đỡ.
Thứ ba, quyền tham gia của trẻ em chưa được bảo đảm
Cơ quan quản lý nhà nước, những người làm công tác trẻ em và cộng đồng hiểu không cụ thể, không thống nhất khái niệm, nội hàm về quyền tham gia của trẻ em; quan niệm về quyền tham gia của trẻ em chủ yếu tập trung vào tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí; thiếu cơ chế và chuẩn mực về sự tham gia của trẻ em. Nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng quyền tham gia của trẻ em để từ đó quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em; truyền thống “cha mẹ nói con nghe”, “người lớn nói trẻ em nghe”, “cô dạy, trò nghe” còn phổ biến; sự khác nhau về văn hóa vùng miền, phong tục tập quán ảnh hưởng đến việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ em. Ngoài ra, do tâm lý của chính trẻ em, năng lực, nhận thức của trẻ em còn hạn chế, chưa tự tin và chủ động thực hiện quyền này; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu và yếu về năng lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát triển quyền tham gia của trẻ em.
Một số giải pháp tăng cường bảo đảm quyền trẻ em thông qua hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật:
Một là, tăng cường công tác bảo vệ trẻ em nhất là một số nhóm đối tượng trẻ em đặc biệt, như trẻ em bị lạm dụng, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị ảnh hưởng từ các vụ ly hôn, con nuôi, trẻ em di cư, bị buôn bán, trẻ em sống trong các hộ nghèo...
Hai là, tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Tạo sự chuyển biến cơ bản về cung cấp dịch vụ có chất lượng và công bằng cho mọi trẻ em. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với trẻ em bình thường tại nơi cư trú; trẻ em dân tộc thiểu số với các nhóm trẻ em khác; trẻ em gái với trẻ em trai.
Ba là, rà soát, bổ sung thực trạng hệ thống pháp luật, chính sách, nhất là kiểm điểm việc thực hiện luật pháp, chính sách có liên quan đến trẻ em và việc thực hiện các chương trình, đề án có liên quan đến trẻ em. Nghiên cứu hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em và xây dựng chính sách đối với cán bộ làm công tác này. Nghiên cứu, xây dựng chương trình, mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020.
Bốn là, đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em, đồng thời tổ chức các chiến lược truyền thông với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức quốc tế và trẻ em để tạo dư luận xã hội quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đặc biệt là lên án các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo lực đối với trẻ em. Chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
[1]. Xem: Phụ lục Danh mục văn bản đã ban hành kèm theo Báo cáo số 59/BC-BLĐTBXH ngày 15/6/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Báo cáo Tổng kết đánh giá 10 năm thi hành Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
[2]. Chính phủ, 2015, Báo cáo tổng kết thi hành chính sách, pháp luật về trẻ em, tr.2.
[3]. Xem chi tiết: Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Y tế số 15/2008/TTLT-BTC-BYT ngày 05/02/2008 hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các Cơ sở Y tế công lập.
[4]. Xem thêm: Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, 2012, Báo cáo thực thi chính sách an sinh xã hội, tr.10.
[5]. Trần Văn Duy, 2015, Quyền con người ở Việt Nam, Tham luận Hội thảo Quyền hiến định theo Hiến pháp năm 2013, Vass, tr.201
[6]. Trần Đại Quang, Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược