1. Khái quát về bảo hiểm hưu trí bổ sung
1.1. Về đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung
Hiện nay, trên thế giới, chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện có hai hình thức tham gia: (i) Người lao động và người sử dụng lao động cùng tham gia (hình thức này phổ biến nhất tại hầu hết các quốc gia); (ii) Chỉ người lao động tham gia mà không yêu cầu sự đóng góp từ người sử dụng lao động (hình thức này thường áp dụng cho các đối tượng lao động tự do hoặc có thu nhập thấp). Tại hầu hết các quốc gia, pháp luật quy định sự tham gia của cả người lao động và người sử dụng lao động là bắt buộc. Tuy nhiên, có một số nước tiêu biểu như Đan Mạch áp dụng hình thức “bán bắt buộc” cho người sử dụng lao động, nghĩa là người sử dụng lao động không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm, nhưng khi người lao động muốn tham gia, họ có thể thông báo ý định của mình và thương lượng với người sử dụng lao động[1].
Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì “Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật”[2]. Mục tiêu của bảo hiểm hưu trí bổ sung là bổ sung vào chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội bắt buộc thông qua quỹ tài khoản tiết kiệm cá nhân của người tham gia. Người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải đáp ứng các điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung được quy định tại Điều 6 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện (Nghị định số 88/2016/NĐ-CP). Theo đó, người tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện bao gồm: Người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tính đến năm 2023, Bộ Tài chính đã cấp phép cho 04 công ty quản lý quỹ để cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung. Các công ty được cấp phép bao gồm: Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), MB (MBVF), SSI (SSIAM) và Vietcombank (VCBF) với tổng số người tham gia là 890 người[3].
1.2. Điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung
Để hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung, người tham gia quỹ cần đáp ứng các điều kiện như: Tham gia quỹ trong thời gian quy định; đến độ tuổi nghỉ hưu; thỏa mãn điều kiện về cách thức nhận chi trả. Các điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung có thể khác nhau tùy theo quy định của từng quỹ hoặc chương trình.
Thứ nhất, về điều kiện hưởng hàng tháng.
Do đây là chính sách hưu trí nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc chi trả sẽ được thực hiện hàng tháng cùng với hưởng lương hưu của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, mức hưởng phụ thuộc vào số tiền tích lũy trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của từng người lao động. Người lao động được hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi hưởng lương hưu hàng tháng từ chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc (hoặc khi đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đủ điều kiện về thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng) và số tiền tích lũy trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động đạt một giá trị tối thiểu theo quy định. Giá trị tối thiểu của số tiền tích lũy trong tài khoản cá nhân của người lao động sẽ phụ thuộc vào thời gian hưởng.
Thứ hai, về điều kiện hưởng một lần.
Trong trường hợp người lao động không đủ điều kiện để hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng theo quy định nêu trên hoặc thuộc một trong các trường hợp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì được hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung một lần trong các trường hợp sau: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn 120 lần mức lương cơ sở; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; ra nước ngoài để định cư.
1.3. Chế độ hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung
Chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung trên thế giới bao gồm hai hình thức chính là hưu trí nghề nghiệp và hưu trí tiết kiệm cá nhân. Chế độ hưu trí nghề nghiệp hình thành dựa trên quá trình đóng góp của cả người lao động và người sử dụng lao động, nhằm thể hiện trách nhiệm hỗ trợ của người sử dụng lao động đối với người lao động. Mức đóng góp từ người sử dụng lao động có thể là 1/2 hoặc 2/3 của tổng số đóng góp vào quỹ hưu trí nghề nghiệp, tùy thuộc vào quy định của pháp luật từng quốc gia. Tuy nhiên, mức đóng góp từ người sử dụng lao động không được thấp hơn mức đóng góp từ người lao động.
Chế độ hưu trí tiết kiệm cá nhân khác biệt với chế độ hưu trí bắt buộc và hưu trí nghề nghiệp vì không áp đặt sự tham gia đóng góp từ cả người lao động và người sử dụng lao động theo quy định bắt buộc của Nhà nước. Chế độ này hoạt động dựa trên sự tham gia tự nguyện của người lao động. Người lao động có toàn quyền quyết định mức đóng, thời gian đóng, mức lãi suất và các lợi ích ưu đãi khác mà họ muốn nhận sau quá trình đóng góp. Tính tự nguyện này giúp chế độ hưu trí tiết kiệm cá nhân mở rộng phạm vi hưởng và tầm bao phủ cho đa số lực lượng lao động trong xã hội, khi họ mong muốn đạt được một kế hoạch nghỉ hưu đầy đủ với nguồn tài chính dồi dào.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có quy định cụ thể về mức hưởng hưu trí bổ sung. Theo quy định tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP thì số tiền thanh toán từ tài khoản hưu trí cá nhân phụ thuộc vào giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí. Mức hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung hàng tháng được tính như sau: Mức chi trả hàng tháng khi đến tuổi về hưu do đối tượng nhận chi trả lựa chọn, nhưng tối đa không vượt qua tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 120 tháng. Sau 10 năm, người tham gia quỹ có thể nhận chi trả một lần. Trong trường hợp mức chi trả hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành, thì mức chi trả hàng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân.
1.4. Nguồn quỹ thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được hình thành thông qua việc đóng góp từ người lao động và người sử dụng lao động theo hình thức “tài khoản tiết kiệm cá nhân”. Người lao động tham gia chế độ này hoàn toàn tự nguyện thông qua việc mở tài khoản tiết kiệm cá nhân[4]. Tài khoản tiết kiệm cá nhân là tài khoản riêng của người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, được quản lý bởi các tổ chức chuyên nghiệp như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư hoặc ngân hàng... Mức hưởng được xác định dựa trên số tiền đóng góp cùng với khoản sinh lời từ phần đóng góp đó. Tài khoản này được quản lý và đầu tư bởi các tổ chức quản lý quỹ và các chương trình trợ cấp từ chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được chi trả toàn bộ từ hệ thống tài khoản tiết kiệm cá nhân khi người lao động đủ các điều kiện hưởng theo quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 19/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại doanh nghiệp quy định: Mức đóng góp có thể là số tiền tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm trên mức tiền lương của người lao động; tần suất đóng góp có thể là hằng tháng, hai tháng một lần, ba tháng một lần hoặc tần suất khác do người lao động lựa chọn phù hợp với khả năng và nhu cầu của họ; thời gian đóng góp do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, phù hợp với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà người sử dụng lao động đã xây dựng và người lao động lựa chọn tham gia, thời gian đóng góp được ghi cụ thể trong văn bản thỏa thuận; về hình thức đóng góp, người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí thông qua người sử dụng lao động ủy thác hoặc trích từ tiền lương hàng tháng của mình để đóng vào quỹ hưu trí.
Điểm mới của bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ hưu trí từ sự đóng góp tự nguyện của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân. Mỗi cá nhân có thể có một hoặc nhiều tài khoản hưu trí cá nhân được quản lý bởi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác nhau. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, tài khoản hưu trí này được sử dụng rất linh hoạt để tiếp nhận các khoản đóng góp của người tham gia quỹ và của người sử dụng lao động, tiếp nhận đầu tư quy định tại điều lệ quỹ, thanh toán các khoản phí nộp cho ngân sách nhà nước, chi trả cho người tham gia quỹ và người sử dụng lao động. Người thừa kế hợp pháp của người tham gia quỹ được thừa hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ trong trường hợp người tham gia quỹ bị chết hoặc mất tích theo quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự.
Hiện tại, trong số 04 công ty quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, công ty DCVFM đã triển khai thành công 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, quản lý với tổng giá trị tài sản ròng lên đến hơn 73 tỷ đồng. Đồng thời, công ty MBVF cũng đã triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 11 tỷ đồng. Hai công ty quản lý quỹ còn lại đang trong quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện[5]. Nhờ vào sự đóng góp từ các cá nhân và doanh nghiệp, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện ngày càng phát triển, đồng hành cùng các chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường sự bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam
Thứ nhất, để hoàn thiện hệ thống bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam, cần xây dựng một hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, cần triển khai chính sách mở rộng đối tượng bao phủ bảo hiểm xã hội dựa vào hệ thống hưu trí đa tầng. Tầng thứ nhất là lương hưu do Chính phủ hỗ trợ từ các nguồn thu công để đảm bảo an sinh tuổi già cho mọi người. Tầng thứ hai là hưu trí bắt buộc dựa trên đóng góp của người lao động, người dân tham gia. Tầng thứ ba là hưu trí bổ sung với mức đóng được xác định, theo đó người dân được hưởng mức hưu trí cao hơn tùy theo mức đóng tiền hàng tháng. Đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Để thực hiện giải pháp này, cần có các giải pháp cụ thể như sau: Đối với tầng thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Tăng cường nguồn lực tài chính cho tầng thứ nhất, bao gồm cả nguồn thu từ ngân sách nhà nước và nguồn thu từ các hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội. Đối với tầng thứ hai, mở rộng đối tượng tham gia tầng thứ hai, bao gồm cả người lao động tự do và người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Tăng mức đóng góp tầng thứ hai để bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi về hưu. Đối với tầng thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tầng thứ ba, bao gồm cả về thủ tục tham gia và mức đóng góp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tầng thứ ba để nâng cao nhận thức của người dân về chính sách này.
Thứ hai, cần sửa đổi các quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung theo hướng đưa bảo hiểm hưu trí bổ sung về quỹ bảo hiểm xã hội. Quy định hiện hành về bảo hiểm hưu trí bổ sung cho phép người lao động có thu nhập cao hơn 20 lần mức lương cơ sở tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động thương mại bảo hiểm hưu trí bổ sung cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Để cải thiện tình hình này, cần sửa đổi quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung theo hướng đưa loại bảo hiểm này vào cùng một hệ thống với bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý. Việc này có thể mở rộng đối tượng tham gia, bao gồm cả người lao động tự do và người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được đầu tư theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả, nên sẽ có thể bảo đảm mức hưởng cao hơn cho người lao động. Đồng thời, việc quản lý và giám sát cũng sẽ chặt chẽ hơn, ngăn chặn tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ. Tuy nhiên, khi đưa bảo hiểm hưu trí bổ sung vào cùng hệ thống bảo hiểm xã hội, cần bảo đảm rõ ràng về số tiền đóng góp được đầu tư như thế nào, kiểm tra rủi ro và cam kết lợi nhuận. Điều này giúp người lao động có sự tin tưởng và yên tâm tham gia.
Thứ ba, cần nghiên cứu nâng cao mức hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung. Để nâng cao mức hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung cần tăng mức đóng góp bảo hiểm hưu trí bổ sung, cải cách cách tính mức hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung để bảo đảm mức hưởng phù hợp với mức sống của người dân, tăng cường đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo hướng an toàn, hiệu quả để tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Thứ tư, quản lý và giám sát chặt chẽ quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung. Cụ thể: Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm hưu trí bổ sung; sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung; các bên liên quan bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm hưu trí bổ sung… cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Hoàng Văn Nhất
Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] Torben M. Andersen (2022), Hệ thống hưu trí Đan Mạch trong một so sánh quốc tế, Nxb. Đại học Oxford.
[2] Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[3] Lê Hữu Việt, 21/05/2023, Lý do chỉ gần 900 người tham gia quỹ hưu trí trong 7 năm, Báo Tiền Phong, https://tienphong.vn/ly-do-chi-gan-900-nguoi-tham-gia-quy-huu-tri-trong-7-nam-post1536157.tpo.
[4] Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[5] Đỗ Thoa - Kim Thanh, 22/12/2021, Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần một “cú hích” mạnh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-can-mot-cu-hich-manh-601053.html.